Tân thủ tướng Nhật và con đường chông gai phía trước
|
Mặc dù hài lòng với kết quả bầu cử, song ông Abe thừa nhận chiến thắng này giống như một cuộc bỏ phiếu “bài” DPJ, hơn là thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với LDP.
|
Chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản hôm 16.12 đã đưa cựu thủ tướng Shinzo Abe, một người có lập trường diều hâu, quay trở lại cầm quyền, với cam kết chấm dứt tình trạng kinh tế trì trệ, duy trì chính sách ngoại giao cứng rắn hơn với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải, và ủng hộ một chính sách năng lượng thiên về hạt nhân.
Mặc dù “núi” thách thức đang chờ đợi ông Abe phía trước, song các nhà phân tích nhận định, liên minh LDP sẽ ưu tiên cho kinh tế trước tiên, tập trung nới lỏng một cách “không hạn chế” chính sách tiền tệ đồng thời tăng chi tiêu công, chứ không phải tập trung vào các chính sách an ninh gây tranh cãi hay điều chỉnh hiến pháp.
Giáo sư Kazuhisa Kawakami thuộc Trường đại học Meiji Gakuin ở Tokyo nhận định, giữa bối cảnh Thượng viện và Hạ viện bị chia rẽ như hiện nay, các vấn đề liên quan tới hiến pháp sẽ bị “khóa” cho tới sau cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè tới. Ngay lúc này, ông Abe sẽ tập trung thực hiện tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, khởi động nền kinh tế. Chỉ bằng cách này, ông Abe mới có thể hàn gắn được Quốc hội chia rẽ.
LDP chủ trương tăng cường các khoản chi lớn. Để bắt đầu, chính phủ của ông Abe có khả năng sẽ soạn thảo một ngân sách bổ sung cho năm 2012, trị giá có thể lên tới vài nghìn tỉ Yen, và hỗ trợ thông qua việc phát hành các trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách kinh tế của ông Abe có thể tạo ra tăng trưởng tạm thời và cho phép chính phủ tiến hành tăng thuế doanh thu trong năm 2014 để giúp đối phó với trình trạng nợ công cao gấp đôi GDP, nhưng không thể xử lý triệt để các yếu kém vốn có và tạo ra tăng trưởng bền vững.
Cũng theo giáo sư Kazuhisa, đối với cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, khả năng thất bại của LDP là có thể xảy ra. Điều này lịch sử đã chứng minh. Khi ông Abe trở thành thủ tướng năm 2006 với tỷ lệ ủng hộ lên tới 65%, thế như LDP đã hứng chịu thất bại thảm hại tại cuộc bầu cử Thượng viện sau đó. Thất bại này khiến LDP lần đầu tiên đánh mất vị trí đảng dẫn đầu tại Thượng viện kể từ khi thành lập năm 1955.
Mà cho dù LDP có vượt qua cuộc bầu cử Thượng viện cam go sắp tới, ông Abe cũng sẽ đối mặt với một thách thức khác. Đó là khi chính phủ của ông Abe phải đánh giá các điều kiện kinh tế và đưa ra quyết định quan trọng về việc có nên tăng thuế tiêu dùng lên 8% vào tháng 4.2014 hay không. Quyết định này sẽ là cơ sở để chính phủ tiếp tục nâng mức thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10.2015.
Một thách thức khác, đó là vấn đề điện hạt nhân. Đảng LDP tuyên bố sẽ ủng hộ việc phát triển nguồn năng lượng này bất chấp thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.
Ngoài ra, ông Abe cũng thể hiện mong muốn Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu. Ông cam kết sẽ thay đổi hiến pháp hòa bình vốn được kí sau Thế chiến thứ II của Nhật.
Trong khi đó, “bài toán” đối ngoại khó nhất của ông Abe sẽ phải đối mặt là giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Ngay trong phát biểu đầu tiên sau chiến thắng, ông Abe đã nhanh chóng lên tiếng tuyên bố rằng Tokyo sẽ không nhượng bộ dù là “1milimét” trên “các đảo của Nhật Bản” với Trung Quốc.
“Trung Quốc là một thách thức thực tế đối với (quần đảo) là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn những thách thức này”, ông nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khi trở lại nắm quyền, ông Abe sẽ sử dụng các biện pháp thực tế và ôn hòa hơn để giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Hồng Hà (Tổng hợp)