Viết bởi Tuan » Sáu T7 07, 2006 10:21 pm
TT - 19 năm sống nơi đất khách không làm chị lãng quên những gì thuộc quốc hồn quốc túy. Ngày ngày nhìn những chiếc kimono sang trọng, lộng lẫy lướt qua, chị thầm mơ một ngày nào đó chiếc áo dài của dân tộc mình cũng sẽ xuất hiện tại những nơi uy nghiêm, sang trọng và đẹp nhất thế giới.
Có người nghĩ chị hơi cuồng vì một bác sĩ lại nghĩ đến chuyện thiết kế, kinh doanh áo dài ngay giữa Tokyo...
Bé nhỏ giữa TokyoChị Kim Đính ở xưởng sản xuất. Ảnh: THI NGÔN
Chị tên Tống Thị Kim Đính, sinh 1961 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Huế, chị theo chồng sang Nhật năm 1987. Để “có cái nghề mà tồn tại”, chị đăng ký học làm đẹp cho phụ nữ tại Trường thẩm mỹ THAB ở Tokyo. “Tại sao không làm đẹp phụ nữ Nhật bằng những gì tinh túy nhất của VN?” đã thôi thúc trong chị một ước mơ.
Và năm 1997 chị cho ra đời Shop Vietnam - nỗi hoài mơ đã theo chị gần chục năm trời. Shop Vietnam nằm ngay trong tòa nhà 51 tầng của Tập đoàn Sumitomo ở khu trung tâm Shinuku, bên cạnh tòa đô chính Tokyo - khu được xem “đô thành” sầm uất nhất Tokyo.
“Chắt chiu lắm mới được cái shop bé xíu xiu. Khi đó có rất ít người Nhật biết tới VN. Không ít người đi ngang qua shop ngạc nhiên: “Người VN mà cũng “cả gan” mở shop ở đây à? Nhìn áo dài họ cho là “thời trang dị”. Buồn lắm. Nhưng nhờ vậy mà tôi lại thêm quyết tâm làm cho “áo dài VN đẹp vô cùng” trong mắt người Nhật” - chị kể.
Chị về nước “chiêu mộ anh tài”, lập hẳn một xưởng may theo tiêu chuẩn... Kim Đính. Chị tự vẽ mẫu, chọn vải và tuyển thợ lành nghề cắt, may, luôn chỉ, thêu thùa... Những mẫu áo đầu tiên do công ty chị thực hiện là những chiếc áo chỉn chu một cách rất... Nhật Bản. Màu sắc, chất liệu, hoa văn, đường kim mũi chỉ... được chăm chút cẩn thận từng li.
Cũng không ổn. Nhịp sống hối hả không cho phép người Nhật đi về năm bảy lượt mới có một bộ thời trang đẹp (vì phải chọn mẫu, lựa vải, lấy số đo, thử áo, chỉnh sửa...). Làm sao cho khách chỉ đến một lần là có sản phẩm? Một ý tưởng lóe lên: áo dài may sẵn. Muốn vậy những số đo phải thật chuẩn xác theo nhiều kích người khác nhau, ngay tại VN cũng chưa có những số đo chuẩn để may sẵn áo dài. Đó là chưa kể hình thể của phụ nữ Nhật khác với phụ nữ VN.
Khi đó, những kiến thức ngành y bắt đầu phát huy tác dụng. Chị tính toán, nghiên cứu, thử nghiệm nhiều tháng ngày và cuối cùng cho ra một thước đo thật chuẩn cho áo dài may sẵn “made in Shop Vietnam” dành riêng cho phụ nữ Nhật Bản. Bây giờ, hàng loạt áo dài thêu, vẽ tay tinh tế đã có rất nhiều kích cỡ và mẫu mã để khách hàng “đã đến là khó ra về tay không”. Ngay cả cô ca sĩ nổi tiếng người Nhật Anna Saeki một lần đến shop đặt áo dài biểu diễn đã rinh liền mấy bộ “may sẵn mà sao vừa y ni”.
“Áo dài VN... number one”Shop Vietnam dần trở nên nổi tiếng ở Nhật với sản phẩm thời trang đặc sắc có tên gọi “áo dài”.
Từ năm 2000 sau fashion show áo dài tại Ngày hội âm nhạc VN ở Shinagawa - Tokyo, áo dài của Kim Đính liên tục được báo giới nhắc đến. Hầu như các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình lớn của Nhật như NHK, TBS, Asahi, Tokyo... đều có những bài viết, phóng sự giới thiệu về áo dài tại Shop Vietnam. Tháng 2-2005, Kim Đính còn được Ashi Karucha (một tổ chức dành cho phụ nữ Nhật) mời nói chuyện, giới thiệu về áo dài VN với phụ nữ Nhật.
Dấu ấn “ghi điểm” quyết định trong giới thượng lưu Nhật là vào tháng 2-2002, áo dài VN lần đầu tiên được mời tham dự chương trình Asian Party Dress Fair - một trong những hoạt động quảng bá thương hiệu lớn của Trung tâm thương mại Seibu Tokyo (Shop Vietnam được mời đích danh). Đây là một sự kiện lớn quảng bá thương hiệu áo dài tại Nhật: toàn thể nhân viên mặc đồng phục là áo dài, áo dài (được coi là áo dạ hội) được đưa lên một vị trí cao nhất, trưng bày ở các vị trí đắc địa nhất, phục vụ khách hàng sang trọng nhất.
Cái thời “vạn sự khởi đầu nan” đã qua. Bây giờ, áo dài “hàng hiệu” Sivini (viết tắt của chữ “Shop Vietnam”) đã tạo được danh tiếng trên toàn nước Nhật. 90% khách hàng của chị là người Nhật, số còn lại là khách du lịch phương Tây. Ca sĩ Anna Saeki mê áo dài đến nỗi quyết định sang VN chụp bộ ảnh áo dài do chị Kim Đính thiết kế để làm lịch năm 2007. Cô cho biết: “Áo dài VN nhận được nhiều lời khen ngợi nhất” và cô đã chọn áo dài làm trang phục biểu diễn chính của mình.
Hỏi về những gian khó, chị Kim Đính ấp úng mãi nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm làm mình xúc động, chị bồi hồi ngay. Đó là chuyện một cô gái mù đến đặt áo dài để mặc trong cuộc thi văn nghệ quan trọng, là cô tiểu thư nhất định mặc áo dài trong lễ tốt nghiệp đại học, hay chuyện hơn 50 học sinh ở tỉnh Aomori (cách Tokyo vài trăm kilômet) đã mặc áo dài biểu diễn tại lễ hội mùa hè, những cô dâu chú rể Nhật chọn áo dài VN làm trang phục cưới...
Chị xúc động kể về đôi tình nhân Pháp - Nhật gửi tặng bộ ảnh cưới để cảm ơn chị đã thiết kế cặp áo dài lễ quá đẹp, phụ huynh học sinh Aomori đã gửi tặng những quả táo có in hình chị để thay lời cảm ơn...
Gặp chị tại xưởng may trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), dù rất bận rộn nhưng chị chẳng chút mệt mỏi khi nói về chiếc áo dài. Chị cho chúng tôi xem những mẫu hoa chị mới vẽ. “Mỗi chiếc áo dài thêu là một tác phẩm, chứ không phải sản phẩm” - chị nói. Nhiều mẫu hoa - lá - cỏ từ hoa sen, súng, lan, cúc, hồng, nhài, tigôn, forget me not, anh đào đến những chùm cỏ dại bên đường...
Rồi đủ cả bướm, chim, chuồn chuồn, sâu, nghêu, sò, ốc... phù hợp với từng hoàn cảnh, tiệc tùng, lễ tết của người mặc áo. Những mẫu thêu trên áo dài của chị không chỉ đẹp mà còn thật. Thật bởi trên lá còn có vết sâu ăn, trên hoa có con ong hút mật, cái bình hoa hồng có một vết nứt... “Tất cả những thành quả này đều nhờ các em (những thợ thêu, may...) cả” - vừa nói chị vừa giới thiệu những người thợ, người bạn cùng quyết tâm tôn vinh áo dài Việt như chị.
QUỲNH NGUYỄN - THI NGÔN
TT - 19 năm sống nơi đất khách không làm chị lãng quên những gì thuộc quốc hồn quốc túy. Ngày ngày nhìn những chiếc kimono sang trọng, lộng lẫy lướt qua, chị thầm mơ một ngày nào đó chiếc áo dài của dân tộc mình cũng sẽ xuất hiện tại những nơi uy nghiêm, sang trọng và đẹp nhất thế giới.
Có người nghĩ chị hơi cuồng vì một bác sĩ lại nghĩ đến chuyện thiết kế, kinh doanh áo dài ngay giữa Tokyo...
Bé nhỏ giữa Tokyo
Chị Kim Đính ở xưởng sản xuất. Ảnh: THI NGÔN
Chị tên Tống Thị Kim Đính, sinh 1961 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Huế, chị theo chồng sang Nhật năm 1987. Để “có cái nghề mà tồn tại”, chị đăng ký học làm đẹp cho phụ nữ tại Trường thẩm mỹ THAB ở Tokyo. “Tại sao không làm đẹp phụ nữ Nhật bằng những gì tinh túy nhất của VN?” đã thôi thúc trong chị một ước mơ.
Và năm 1997 chị cho ra đời Shop Vietnam - nỗi hoài mơ đã theo chị gần chục năm trời. Shop Vietnam nằm ngay trong tòa nhà 51 tầng của Tập đoàn Sumitomo ở khu trung tâm Shinuku, bên cạnh tòa đô chính Tokyo - khu được xem “đô thành” sầm uất nhất Tokyo.
“Chắt chiu lắm mới được cái shop bé xíu xiu. Khi đó có rất ít người Nhật biết tới VN. Không ít người đi ngang qua shop ngạc nhiên: “Người VN mà cũng “cả gan” mở shop ở đây à? Nhìn áo dài họ cho là “thời trang dị”. Buồn lắm. Nhưng nhờ vậy mà tôi lại thêm quyết tâm làm cho “áo dài VN đẹp vô cùng” trong mắt người Nhật” - chị kể.
Chị về nước “chiêu mộ anh tài”, lập hẳn một xưởng may theo tiêu chuẩn... Kim Đính. Chị tự vẽ mẫu, chọn vải và tuyển thợ lành nghề cắt, may, luôn chỉ, thêu thùa... Những mẫu áo đầu tiên do công ty chị thực hiện là những chiếc áo chỉn chu một cách rất... Nhật Bản. Màu sắc, chất liệu, hoa văn, đường kim mũi chỉ... được chăm chút cẩn thận từng li.
Cũng không ổn. Nhịp sống hối hả không cho phép người Nhật đi về năm bảy lượt mới có một bộ thời trang đẹp (vì phải chọn mẫu, lựa vải, lấy số đo, thử áo, chỉnh sửa...). Làm sao cho khách chỉ đến một lần là có sản phẩm? Một ý tưởng lóe lên: áo dài may sẵn. Muốn vậy những số đo phải thật chuẩn xác theo nhiều kích người khác nhau, ngay tại VN cũng chưa có những số đo chuẩn để may sẵn áo dài. Đó là chưa kể hình thể của phụ nữ Nhật khác với phụ nữ VN.
Khi đó, những kiến thức ngành y bắt đầu phát huy tác dụng. Chị tính toán, nghiên cứu, thử nghiệm nhiều tháng ngày và cuối cùng cho ra một thước đo thật chuẩn cho áo dài may sẵn “made in Shop Vietnam” dành riêng cho phụ nữ Nhật Bản. Bây giờ, hàng loạt áo dài thêu, vẽ tay tinh tế đã có rất nhiều kích cỡ và mẫu mã để khách hàng “đã đến là khó ra về tay không”. Ngay cả cô ca sĩ nổi tiếng người Nhật Anna Saeki một lần đến shop đặt áo dài biểu diễn đã rinh liền mấy bộ “may sẵn mà sao vừa y ni”.
“Áo dài VN... number one”
Shop Vietnam dần trở nên nổi tiếng ở Nhật với sản phẩm thời trang đặc sắc có tên gọi “áo dài”.
Từ năm 2000 sau fashion show áo dài tại Ngày hội âm nhạc VN ở Shinagawa - Tokyo, áo dài của Kim Đính liên tục được báo giới nhắc đến. Hầu như các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình lớn của Nhật như NHK, TBS, Asahi, Tokyo... đều có những bài viết, phóng sự giới thiệu về áo dài tại Shop Vietnam. Tháng 2-2005, Kim Đính còn được Ashi Karucha (một tổ chức dành cho phụ nữ Nhật) mời nói chuyện, giới thiệu về áo dài VN với phụ nữ Nhật.
Dấu ấn “ghi điểm” quyết định trong giới thượng lưu Nhật là vào tháng 2-2002, áo dài VN lần đầu tiên được mời tham dự chương trình Asian Party Dress Fair - một trong những hoạt động quảng bá thương hiệu lớn của Trung tâm thương mại Seibu Tokyo (Shop Vietnam được mời đích danh). Đây là một sự kiện lớn quảng bá thương hiệu áo dài tại Nhật: toàn thể nhân viên mặc đồng phục là áo dài, áo dài (được coi là áo dạ hội) được đưa lên một vị trí cao nhất, trưng bày ở các vị trí đắc địa nhất, phục vụ khách hàng sang trọng nhất.
Cái thời “vạn sự khởi đầu nan” đã qua. Bây giờ, áo dài “hàng hiệu” Sivini (viết tắt của chữ “Shop Vietnam”) đã tạo được danh tiếng trên toàn nước Nhật. 90% khách hàng của chị là người Nhật, số còn lại là khách du lịch phương Tây. Ca sĩ Anna Saeki mê áo dài đến nỗi quyết định sang VN chụp bộ ảnh áo dài do chị Kim Đính thiết kế để làm lịch năm 2007. Cô cho biết: “Áo dài VN nhận được nhiều lời khen ngợi nhất” và cô đã chọn áo dài làm trang phục biểu diễn chính của mình.
Hỏi về những gian khó, chị Kim Đính ấp úng mãi nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm làm mình xúc động, chị bồi hồi ngay. Đó là chuyện một cô gái mù đến đặt áo dài để mặc trong cuộc thi văn nghệ quan trọng, là cô tiểu thư nhất định mặc áo dài trong lễ tốt nghiệp đại học, hay chuyện hơn 50 học sinh ở tỉnh Aomori (cách Tokyo vài trăm kilômet) đã mặc áo dài biểu diễn tại lễ hội mùa hè, những cô dâu chú rể Nhật chọn áo dài VN làm trang phục cưới...
Chị xúc động kể về đôi tình nhân Pháp - Nhật gửi tặng bộ ảnh cưới để cảm ơn chị đã thiết kế cặp áo dài lễ quá đẹp, phụ huynh học sinh Aomori đã gửi tặng những quả táo có in hình chị để thay lời cảm ơn...
Gặp chị tại xưởng may trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), dù rất bận rộn nhưng chị chẳng chút mệt mỏi khi nói về chiếc áo dài. Chị cho chúng tôi xem những mẫu hoa chị mới vẽ. “Mỗi chiếc áo dài thêu là một tác phẩm, chứ không phải sản phẩm” - chị nói. Nhiều mẫu hoa - lá - cỏ từ hoa sen, súng, lan, cúc, hồng, nhài, tigôn, forget me not, anh đào đến những chùm cỏ dại bên đường...
Rồi đủ cả bướm, chim, chuồn chuồn, sâu, nghêu, sò, ốc... phù hợp với từng hoàn cảnh, tiệc tùng, lễ tết của người mặc áo. Những mẫu thêu trên áo dài của chị không chỉ đẹp mà còn thật. Thật bởi trên lá còn có vết sâu ăn, trên hoa có con ong hút mật, cái bình hoa hồng có một vết nứt... “Tất cả những thành quả này đều nhờ các em (những thợ thêu, may...) cả” - vừa nói chị vừa giới thiệu những người thợ, người bạn cùng quyết tâm tôn vinh áo dài Việt như chị.
QUỲNH NGUYỄN - THI NGÔN