Việt Nam cùng hành động, cùng tiến bước với châu Á

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Việt Nam cùng hành động, cùng tiến bước với châu Á

Re:Việt Nam cùng hành động, cùng tiến bước với châu Á

Viết bởi Admin » Bảy T6 05, 2004 10:08 am

ちょう長い。

Việt Nam cùng hành động, cùng tiến bước với châu Á

Viết bởi T-Quang » Bảy T6 05, 2004 10:05 am


 Ngày 3-6, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 10, tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Xin giới thiệu với anh em Đông Du bài phát biểu quan trọng naỳ (trích ở báo nhân dân).
"Thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý Bà, quý Ông,Tôi đánh giá cao báo Nihon Keizai đã khởi xướng và tiến hành thường niên Diễn đàn quan trọng đối với sự hợp tác phát triển ở châu Á và chân thành cảm ơn Ban Tổ chức đã dành cho tôi cơ hội phát biểu tại Hội thảo này đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Diễn đàn. Với tư cách Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đây là lần thứ hai tôi hân hạnh được tham dự Diễn đàn này và là lần thứ năm đến thăm Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào tươi đẹp với những con người năng động và giàu sức sáng tạo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang phát triển, việc hội thảo năm nay chọn chủ đề "Ðặt nền móng hội nhập khu vực châu Á" thể hiện sự nhạy cảm của Diễn đàn đối với xu thế tăng cường hợp tác của các quốc gia trong vùng.
 Khu vực châu Á của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh, đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Riêng các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Ðông Á đã chiếm 32% số dân, 21% GDP và 26% kim ngạch mậu dịch của thế giới vào năm 2003. Vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước ở trình độ phát triển cao của khu vực cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Ðộ, liên kết chặt chẽ với các nước Ðông - Nam Á đang phát triển năng động trong một tổ chức hợp tác đã có bề dày và vị thế đáng kể, tạo nên sức mạnh và động lực mới cho sự hội nhập khu vực châu Á. Quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước ở châu Á, đặc biệt là vùng Ðông Á, ngày càng gắn bó mật thiết với thị trường các nước trong vùng. Những đòi hỏi mới về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng thúc đẩy các nước gần gũi về địa lý, văn hóa hợp tác với nhau nhiều hơn, làm cho nhu cầu hội nhập khu vực trở nên bức thiết.
 Trong hội nhập khu vực châu Á, phương châm "cùng hành động, cùng tiến bước" mà Thủ tướng Koizumi đã nêu là hoàn toàn hợp lý và đáp ứng lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực. Việt Nam nhìn nhận rằng hội nhập kinh tế khu vực là xu thế tất yếu, chứa đựng những cơ hội  lớn lao và cả những thách thức gay gắt. Với trình độ phát triển không đều nhau, quá trình hội nhập khu vực là quá trình các quốc gia trong vùng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, trong đó những nước đi trước dành sự giúp đỡ cho những nước đi sau thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao vị thế và đà phát triển bền vững của cả khu vực.
Thưa quý vị,
Ðường lối phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên hai trụ cột: thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm hình thành đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; thứ hai, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tăng thêm nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, đồng thời góp phần vào việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
 Sự nghiệp đổi mới của chúng tôi đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Kinh tế Việt Nam trong thập kỷ vừa qua đã vượt qua nhiều thách thức, đạt nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội và kim ngạch xuất khẩu ở mức khá cao, giảm được một nửa tỷ lệ hộ nghèo và có triển vọng đạt kết quả cao hơn trong những năm tới(1). Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện chương trình phổ cập giáo dục bậc cao hơn. Môi trường ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Chúng tôi đang phấn đấu nâng cao nhịp độ tăng trưởng kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và cải thiện môi trường sống nhằm về cơ bản trở thành nước công nghiệp mới vào năm 2020. Hiện nay ở Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế - công nghệ và mức sống còn thấp, nền kinh tế thị trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ và việc thực hiện còn nhiều khiếm khuyết. Chúng tôi đang tiến hành một chương trình rộng lớn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với đòi hỏi của cơ chế thị trường và lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác nhau, không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước, xây dựng Luật Cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, giảm bớt và tiến tới xóa bỏ các hàng rào bảo hộ, từng bước mở cửa thị trường theo một lộ trình hợp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế đều có cơ hội phát triển.
 Trong suốt quá trình đổi mới, chúng tôi chủ trương chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế". Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế.
 Trong khu vực châu Á, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác kinh tế trong Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN), trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, ASEAN với Nhật Bản, với Trung Quốc và với Hàn Quốc, các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các nước khác, các cơ chế hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Công, cơ chế hợp tác sông Mê Công - sông Hằng (MGC), Diễn đàn Ðối thoại Hợp tác châu Á (ACD), Diễn đàn châu Á Bác Ngao,... và các diễn đàn liên châu lục như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM)...
 Hợp tác trong Tiểu vùng Mê Công là một trong những ưu tiên hội nhập kinh tế của Việt Nam với khu vực. Chúng tôi đang tích cực tham gia các chương trình hợp tác phát triển lưu vực sông Mê Công(2), triển khai xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Tiểu vùng trên lãnh thổ Việt Nam với các dự án xây dựng cầu, đường nằm trong các hành lang thuộc lưu vực Mê Công(3). Chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, việc hoàn thành các dự án này sẽ tạo ra tuyến đường giao thông xuyên suốt từ Ðông-Nam Á đến Ðông-Bắc Á, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển thương mại, đầu tư và du lịch của toàn khu vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Ðồng thời, chúng tôi cũng đã và đang hợp tác tích cực với các nước trong Tiểu vùng trên các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
 Với vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ ra biển của Tiểu vùng sông Mê Công, chúng tôi nỗ lực gắn kết sự phát triển của Tiểu vùng này với các tiểu vùng khác trong khu vực. Năm 2001, tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác sông Mê Công - sông Hằng (MGC) tổ chức ở Việt Nam, các nước thuộc Tiểu vùng Mê Công cùng với Ấn Ðộ đã thông qua Chương trình Hành động Hà Nội của MGC với trọng tâm hợp tác là lĩnh vực giao thông liên lạc, giáo dục, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.  Cơ chế MGC tuy còn ở giai đoạn sơ khởi, song trong tương lai có thể đóng vai trò là một cầu nối giữa Tiểu  vùng Mê Công với khu vực Nam Á.
 Là nước được cộng đồng quốc tế đánh giá khá thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác, đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thống đốc các bang nghèo của các nước ASEAN. Trong khuôn khổ Diễn đàn Ðối thoại Hợp tác châu Á (ACD), chúng tôi được coi là nước "tiên phong" thúc đẩy hợp tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế của ACD về xóa đói, giảm nghèo để trao đổi kinh nghiệm cùng các nước trong khu vực.
  Tháng 10 năm nay, Hội nghị Cấp cao ASEM sẽ được tổ chức tại Việt Nam; hội nghị lần này sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hợp tác Á - Âu với việc kết nạp thêm một loạt nước thành viên mới. Năm 2006, Việt Nam sẽ là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14.
 Bằng những nỗ lực của mình, Việt Nam sẵn sàng làm một nhịp cầu giữa Tiểu vùng Mê Công với phần còn lại của Ðông-Nam Á, giữa các thành viên ASEAN cũ và mới, giữa Ðông-Nam Á với Ðông-Bắc Á, Nam Á, các tiểu vùng khác của châu Á và với các châu lục khác. Cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác khu vực, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán và đẩy mạnh công tác chuẩn bị về nhiều mặt để sớm trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), coi đó là một điều kiện cần thiết cho sự tham gia rộng rãi và có hiệu quả hơn vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
 Thưa quý vị,    
 Tôi muốn nói đến mấy điều mới mẻ mà tôi cảm nhận được so với lần tôi tham dự diễn đàn này cách đây ba năm.  
 Trước hết, chưa bao giờ triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của châu Á lại sáng sủa như hiện nay. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng cao, kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu thời kỳ phục hồi khả quan, hứa hẹn bước phát triển mới đáng khích lệ. Cùng với hai đầu tàu kinh tế của khu vực góp phần tạo động lực phát triển cho nhiều nền kinh tế khác, các nước ASEAN dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng gần 6% trong năm 2004. Kinh tế Hàn Quốc, Ấn Ðộ và nhiều nước châu Á khác cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Các mối liên kết thương mại, đầu tư, du lịch... giữa các nước châu Á ngày càng mật thiết, vừa mở rộng thêm thị trường, vừa thúc đẩy nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực. Tôi cho rằng không quá lời khi đánh giá châu Á đang trở lại là miền đất của sự tăng trưởng năng động, mạnh mẽ.  
  Ðiều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là chưa bao giờ trong khu vực lại nở rộ nhiều sáng kiến hội nhập kinh tế như hiện nay. Với cơ chế ASEAN và ASEAN + 3 làm nòng cốt, chúng ta đã có hàng loạt các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác, hội nhập giữa các khu vực của châu Á như sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc, thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Ðộ, sáng kiến phát triển Ðông Á (IDEA),... bên cạnh những tam - tứ giác kinh tế ở châu Á, những yếu tố của khu vực thương mại tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản, FTA ASEAN - Hàn Quốc,  FTA ASEAN - Ấn Ðộ đang thúc đẩy liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa các nước châu Á. Tôi vui mừng nhận thấy triển vọng hội nhập kinh tê của châu Á chúng ta như một bức tranh lớn nhiều mầu sắc với những nét phác họa khỏe khoắn và tươi sáng.
   Tuy nhiên, tôi cũng thấy trước mắt chúng ta còn nhiều thách thức phải vượt qua. Ðó là nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, giữa các vùng trong từng nước, ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đặc biệt là việc giá dầu và nguyên liệu đang tăng cao, làm lành mạnh hệ thống tài chính - tiền tệ, phòng ngừa sự phát sinh và tái diễn dịch bệnh, ngăn chặn ô nhiễm và hủy hoại môi trường... đó là nhiệm vụ gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong châu lục, ngăn chặn các hành động khủng bố và giải quyết hòa bình các tranh chấp còn tồn tại. Việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các quốc gia đi đôi với sự hỗ trợ những nước đi sau bắt kịp đà tiến chung là nhân tố quan trọng giúp cho từng quốc gia vượt qua thách thức, tăng thêm tính năng động và bền vững trong sự phát triển của châu lục.
  Xem xét triển vọng và thách thức, tôi lạc quan về tương lai hội nhập của châu Á. Trước hết bởi các quốc gia châu Á   chia sẻ nhiều điểm tương đồng, các dân tộc châu Á đều cần cù và sáng tạo, mỗi quốc gia châu Á đã tích lũy được kinh nghiệm về hội nhập kinh tế.
  Cùng với việc tiến tới một Hiệp định thương mại tự do cho toàn vùng, tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện và có chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề chung như môi trường, năng lượng, dân số... và tăng cường  hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa để phát huy tiềm lực của cả vùng và tăng sự hiểu biết lẫn nhau, một tiền đề quan trọng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác. Nhân dịp này, tôi xin nói thêm về sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác về giáo dục và giao lưu văn hóa.
   Thế mạnh lớn nhất của các nước trong khu vực chúng ta là nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay tại nhiều nước, kể cả Việt Nam chúng tôi, có sự mất cân bằng trong cung cầu lao động. Lao động lành nghề có trình độ cao về kỹ thuật, quản lý thì cầu nhiều hơn cung; ngược lại, lao động giản đơn, không lành nghề thì cung nhiều hơn cầu. Tình trạng thất nghiệp của giới lao động không lành nghề đang trở thành vấn đề lớn. Rõ ràng là cần tăng cường giáo dục, đào tạo để bổ sung nhanh đội ngũ lao động lành nghề song song với việc tạo nhiều công ăn việc làm cho tầng lớp lao động không lành nghề. Do cung cầu lao động trong từng nước không giống nhau nên hiện tượng xuất nhập khẩu lao động đang diễn ra khá phổ biến tại vùng Ðông Á. Ðể việc di chuyển lao động giữa các nước được tiến hành có trật tự và hiệu quả, các nước cần hợp tác trong việc cung cấp thông tin về thị trường lao động và tạo các cơ chế quản lý chung. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước đã phát triển sang các nước đang phát triển cần được đẩy mạnh để phát huy tiềm năng của những ngành có làm lượng lao động  cao tại các nước đang phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho số lao động dư thừa ở đây.
  Từ suy nghĩ này, tôi đề xướng nên thành lập tại Ðông Á một trung tâm xúc tiến giáo dục, đào tạo và việc làm, tạm gọi là Trung tâm Ðông Á về phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện về địa điểm và góp sức để một trung tâm như vậy ra đời.
  Sự giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật giữa các nước cần được đẩy mạnh cả chiều rộng và chiều sâu bằng nhiều hình thức phong phú. Tôi muốn lưu ý một lĩnh vực còn nhiều dư địa cho sự hợp tác  tích cực hơn giữa các nước, đó là việc nâng cao sự hiểu biết về truyền thống văn hóa và lịch sử của các nước trong vùng; đặc biệt là  làm cho giới trẻ thích thú tìm hiểu lịch sử không chỉ của nước mình mà cả các nước khác, trước hết là những nước gần gũi với nước mình về văn hóa. Giới trẻ của chúng ta ngày nay là người quyết định tương lai phồn vinh của châu Á; sự hiểu biết và tôn trọng của giới trẻ đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của mình và của các nước khác là nhân tố quan trọng để củng cố hòa bình, vun đắp quan hệ hữu nghi, hợp tác bền vững giữa các dân tộc. Tôi nghĩ rằng sự quan tâm đến vấn đề này sẽ làm nảy nở nhiều sáng kiến của các tổ chức văn hóa, xã hội, của các nhà nghiên cứu lịch sử và của các tầng lớp nhân dân mà Chính phủ các nước cần khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện.
   Thưa quý vị,
   Tôi tin rằng cũng như Việt Nam, tất cả các quốc gia trong khu vực đều đánh giá cao vai trò to lớn của Nhật Bản trong việc kiến tạo nền tảng cho hội nhập khu vực châu Á cùng với đóng góp quan trọng của Nhật Bản trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực, trước hết là các nước thuộc tiểu vùng Mê Công, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác.
   Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam; hai nước cùng chia sẻ nhiều quan điểm chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Năm 2002, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận xây dựng khuôn  khổ mới "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài" cho quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ 21, đánh dấu sự chuyển biến về chất của mối quan hệ đã được thử thách trong 30 năm qua. Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là nhà tài trợ ODA lớn nhất, một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, cũng như sự đóng góp tích cực của các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
  Tôi vui mừng thấy rằng, theo kết quả điều tra gần đây của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), các doanh nghiệp Nhật Bản đã bình chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư có sức hấp dẫn thứ 4 trên thế giới. Với Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương đã được ký kết, với việc thực hiện sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện nhất quán các cam kết trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi khác để đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.
  Thưa quý vị,
  Những sợi dây liên kết giữa các quốc gia châu Á ngày càng nhiều và bền chặt. Ngày nay, nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật cắm hoa Ikebana, sân khấu Kabuki, tuồng Nô, nghệ thuật tranh biếm họa..., những nét văn hóa đặc sắc ấy của Nhật Bản đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam và nhiều nước châu Á. Ngược lại, người dân Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Á đi du lịch ngày càng nhiều đến Việt Nam để thăm Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Ðộng Phong Nha,... những di sản văn hóa thế giới độc đáo của chúng tôi. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều lạc quan và nỗ lực hết mình để xây dựng ngôi nhà chung châu Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
  Tháng 4 vừa rồi, người máy Asimo của Tập đoàn Honda - Nhật Bản đã được đưa đến Việt Nam tham dự lễ trao giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ năm 2003 của chúng tôi. Vị sứ giả tý hon này đã giành được sự yêu mến của người dân Việt Nam. Tôi được biết Asimo có nghĩa là "bước tiến vượt trội về sự năng động sáng tạo". Ý nghĩa đó trùng hợp với thông điệp tôi muốn gửi đến quý vị: Việt Nam là một phần của châu Á; chúng tôi quyết tâm tiếp tục đổi mới và phát triển một cách năng động và sáng tạo, luôn luôn là đối tác tin cậy, sẵn sàng làm một nhịp cầu cho hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, cùng hành động, cùng tiến bước với châu Á năng động.
   Xin chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.  
  Xin cảm ơn quý vị. "


-----------------------


(1) Trong 10 năm 1994 - 2003, nhịp độ tăng trưởng bình quân năm của GDP là 7,4%, kim ngạch xuất khẩu là 21%; tỷ lệ nghèo trong dân số (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB - dựa vào chỉ tiêu có thể so sánh quốc tế) năm 1993 là 58,1%, năm 2002 còn 28,9%.
(2) Như AMBDC, GMS, WEC, EWEC, Diễn đàn phát triển toàn diện Ðông Dương (Forum for Comprehensive Development of Indochina),...
(3) Như Hành lang Ðông - Tây (WEC), Hành lang Kinh tế Ðông - Tây (EWEC), tuyến đường sắt xuyên Á - Singapore - Côn Minh, mạng đường bộ ASEAN, mạng đường bộ châu Á...