Bao giờ metro (tàu điện ngầm) - loại phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn, thích hợp với nhu cầu đi lại ngày một gia tăng của nhân dân - mới có mặt ở Tp.HCM?
Báo giới đã trao đổi với ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Công chính Tp.HCM, đồng thời là Giám đốc Ban quản lý đường sắt nội đô Tp.HCM. Ông cho biết:
- Trong 6 tuyến metro: Chợ Bến Thành - Tham Lương, Chợ Bến Thành - Bến xe miền Tây, Chợ Bến Thành - Gò Vấp (đi theo hướng đường Nguyễn Kiệm), Chợ Bến Thành đi xuống Nhà Bè - Cần Giờ, Chợ Bến Thành - Chợ Nhỏ (Thủ Đức) và tuyến xe điện chạy dọc Đại lộ Đông - Tây đã được xác định, thì tuyến metro Chợ Bến Thành - Chợ Nhỏ (Thủ Đức) đang được tiến hành nhanh hơn cả.
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo đầu tư của dự án và chúng tôi dự kiến đến tháng 3/2006 sẽ tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt các nghiên cứu về tác động đến môi trường và địa chất của dự án. Tháng 2/2006 chúng tôi sẽ khoan những mũi thăm dò địa chất đầu tiên trên dọc tuyến, dự kiến sẽ khoan từ 30-60 mũi.
Mọi việc đúng theo tiến độ thì đến cuối năm nay Chính phủ ta sẽ ký hiệp định vay vốn thực hiện dự án này với Chính phủ Nhật và đến tháng 6/2012 tuyến metro này sẽ hoàn thành. Tiếp theo sau dự án này là dự án xây dựng tuyến đường xe điện chạy dọc Đại lộ Đông - Tây.
Hiện phương án công nghệ của dự án đang được xem xét và chúng tôi chỉ còn một băn khoăn, đó là về… tiếng ồn của phương tiện. Liệu nó có gây ồn quá mức cho người dân không? Chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra lại vấn đề này trước khi chấp nhận loại phương tiện ấy. Các tuyến còn lại cũng đang được xúc tiến thực hiện.
Hai tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Bến xe miền Tây thì do Đức giúp xây dựng; tuyến Bến Thành - Chợ Nhỏ do Nhật giúp; tuyến Bến Thành - Gò Vấp, dự kiến Nga sẽ giúp chúng ta… Với nhiều nhà xây dựng như vậy, liệu mạng lưới vận tải công cộng khối lượng lớn của chúng ta có thống nhất, liên hoàn với nhau được không - một trong những điều kiện cần để mạng lưới hoạt động hiệu quả?
Sở Giao thông - Công chính đang đề xuất thành phố thuê tư vấn nước ngoài thực hiện việc quy hoạch nghiên cứu, xây dựng hệ thống nhà ga metro. Các phương tiện vận tải hoạt động độc lập trên tuyến của mình và chỉ thực hiện kết nối ở nhà ga. Do vậy, có được hệ thống nhà ga làm được điều ấy là chúng ta đã kết nối được cả mạng lưới vận tải với nhau.
Đầu tư 6 tuyến metro hẳn tốn rất nhiều tiền. Chi phí này có làm cho giá vé metro quá đắt, vượt quá khả năng chi trả của người dân? Và nếu không tính vào giá vé thì thành phố làm sao trả vốn cho nhà đầu tư?
Đúng là đầu tư 6 tuyến metro tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên chúng tôi đã tính toán mở thêm các dịch vụ tổng hợp (kể cả các bãi giữ xe) xung quanh các nhà ga metro. Việc kinh doanh các dịch vụ này sẽ chi trả một phần chi phí đầu tư metro và làm cho giá vé chấp nhận được.
(theo http://www.vneconomy.com.vn)