Viết bởi phuongthe_ngoc » Hai T5 08, 2006 4:10 pm
Người Nhật có tiếng là một dân tộc dịch sách và đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy sự nghiệp dịch thuật, dù chỉ trong phạm vi tác phẩm văn chương, đã góp phần vào việc khai sáng và canh tân đất nước nói chung, làm phong phú cho hoạt động của giới sáng tác và nâng cao tri thức và trình độ thưởng ngoạn của độc giả nói riêng.
Chúng ta biết rằng thời xưa, Nhật Bản đã tiếp nhận ảnh hưởng ngoại quốc, phần lớn từ các quốc gia Á Đông. Trước hết là ảnh hưởng Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Ba Tư. Về mặt văn học mà thôi cũng đã thấy ảnh hưởng của Trung Quốc vô cùng lớn lao nếu không nói là có tính quyết định. Nhưng dù sao đi nữa, Nhật Bản tuy đón nhận một cách nồng nhiệt văn hóa nước ngoài nhưng đã biết tiếp thu một cách khéo léo và chọn lựa những gì hợp với bản sắc dân tộc vừa mô phỏng vừa sáng tạo để làm cho phong phú bản sắc ấy.
Hình trên: Mori Ogai (1862-1922), nhà văn đầu đàn của Nhật thời Minh Trị, cũng là một dịch giả có nhiều dịch phẩm ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Hình dưới: Tượng của Mori Ogai tại nơi sanh của ông là thành phố Tsuwano, Nhật Bản.
Tiết I: Ảnh hưởng của Âu Mỹ:Sự thể ấy cũng đã xảy ra một cách tương tự vào thời cận đại và hiện đại đối với văn học Tây Phương. Khi tiếp xúc lần đầu với văn học Tây Phương dĩ nhiên người Nhật đã đứng trước những ngôn ngữ và văn tự hoàn toàn dị biệt, một trở ngại nghìn lần lớn hơn nếu so với lúc họ tiếp xúc với Trung Quốc. Cách đột phá duy nhất là phiên dịch nghiên cứu để giới thiệu, nhưng muốn nghiên cứu cũng phải có khả năng thông hiểu ngôn ngữ. Chúng ta cần phải đánh giá cao nỗ lực và tinh thần học hỏi của người Nhật khi biết rằng Nhật Bản là một quốc gia mà ngày nay, số lượng tác phẩm phiên dịch đứng hàng đầu thế giới.
Bài viết nầy phần lớn dựa trên tác phẩm cơ sở của hai giáo sư Yamauchi Hisaaki (sinh năm 1934, chuyên khoa văn chương Anh) và Kawamoto Hiroshi (sinh năm 1939, chuyên khoa văn chương Pháp) xuất bản năm 2003
. Nội dung của bài viết không có mục đích tò mò tìm hiểu “ai bắt chước ai” và “bắt chước ở chỗ nào” mà chỉ để, qua vài thí dụ điển hình, mô tả cách tiếp thu tác phẩm ngoại quốc như kích thích cho sáng tạo của các nhà văn Nhật cũng như quá trình tài bồi từ kho tàng chung của nhân loại để có được một nền văn học với bản sắc riêng.
A) Văn chương phiên dịch Âu Mỹ
B)
Yoshitake Yoshitaka[ii], người nghiên cứu lịch sử ngành phiên dịch dưới hai triều Meiji và Taishô, đã viết lịch sử các phóng tác để tìm hiểu ảnh hưởng của Tây Âu đối với văn học Nhật Bản đến được mức nào. Chỉ riêng trong phạm vi tập sách nói trên, ông đã đưa ra tên tuổi 20 nhà văn và khoảng 50 tác phẩm phóng tác. Điều ấy chứng tỏ văn chương phiên dịch đóng cả hai vai trò: trực tiếp và gián tiếp. Nó đến thẳng với người đọc trong trường hợp thứ nhất và gián tiếp qua các phóng tác trong trường hợp thứ hai. Nhờ tài năng của các nhà văn, nó hoặc trở thành món ăn hợp khẩu vị người Nhật hay đã đóng nhiệm vụ gợi ý để các người nầy (phần lớn tinh thông ít nhất một ngoại ngữ, nhưng cũng có người không biết tiếng nào) có thể viết nên tác phẩm hay một phần tác phẩm mới.Công việc phiên dịch có tính cách quyết định như thế vì trong buổi đầu tiếp xúc với Tây Phương, số người biết ngoại ngữ chưa nhiều và sự đi lại trên thế giới hãy còn khó khăn.
Nói về phiên dịch văn học ở Nhật thì tác phẩm đầu tiên cần phải nhắc đến có lẽ là Aesopos Fabulas dưới cái tên Isoho Monogatari (Y Tăng Bảo Vật Ngữ) sau đến một số tác phẩm có tính cách đại chúng khác.
1) Truyện Ngụ Ngôn Êzốp (Aesopos Fabulas)
Ngay trước thời Edo, từ năm Bunroku (Văn Lộc) thứ 2 (1593), các nhà truyền giáo của Da Tô Hội Học Vấn Sở (Collegio) đã nhờ một người Nhật tên thánh là Fabian (trước vốn là nhà sư Phật Giáo tên Fukan (Bất Can) sau cải giáo theo đạo Thiên Chúa) dịch truyện ngụ ngôn của nhà văn cổ Hi Lạp Aesopos từ bản La Tinh ra tiếng Nhật và phiên âm bằng chữ La Mã viết theo kiểu tiếng Bồ, đồng thời soạn Nhật Bồ Từ Điển và sách giáo lý Dochirina Kirisutan. Riêng Truyện Ngụ Ngôn của Aesopos (Isoho Monogatari tức Y Tăng Bảo Vật Ngữ)[iii] có lẽ là tác phẩm văn học Tây Phương được dịch (và phiên ra âm Nhật dưới dạng chữ La Mã chứ không phải dịch ra Hòa văn) đầu tiên. Truyện này đã được nhà chung khôn khéo cho in cùng với Truyện Heike và tập thơ Kinku-shuu (Kim Cú Tập) là hai tác phẩm người Nhật yêu chuộng để làm văn bản hỗ trợ cho việc truyền bá giáo lý.Tập ngụ ngôn này đã ảnh hưởng đến loại văn học có tính cách giáo huấn về sau, đặc biệt loại tiểu thuyết kanazôshi (tiểu thuyết viết bằng văn tự Nhật kana, dễ đọc, dễ hiểu). Nhà văn Tamenaga Shunsui (Vi Vĩnh, Xuân Thủy, 1790-1843) đặc biệt sử dụng tập ngụ ngôn này rất nhiều lần trong tác phẩm dạy luân lý đơn giản bằng tranh vẻ E-iri Kyôkun Chikamichi (Hội Nhập Giáo Huấn Cận Đạo) của ông. Nhà tư tưởng và chí sĩ duy-tân Yoshida Shôin (Cát Điền, Tùng Âm, 1830-1859) cũng dùng tài liệu từ bản dịch sang Hán văn của tập ngụ ngôn nầy mang tên Ý Thập Dụ Ngôn để nói bóng gió khi bình luận chính trị.[iv]
2) Cuộc phiêu lưu của Robinson Crusoe (Robinson Crusoe)
Có lẽ là quyển tiểu thuyết Tây Phương được dịch ra Nhật ngữ trước nhất. .Người dịch tên là Kuroda Kikuro (Hắc Điền, Khúc Lỗ) đã chuyển ngữ một phần từ bản tiếng Hà Lan năm Kôka (Hoằng Hóa) thứ 2 (1845) với đầu đề Phiêu Lưu Ký Sự (Hyôryuu Kiji). Năm Meiji thứ 5 (1872) lại có Saitô Ryôan (Trai Đằng, Liễu Am) dịch đầy đủ dưới cái tên Robinson Zenden (Lỗ Mẫn Tốn Toàn Truyện). Về sau, có thêm nhiều người khác dịch truyện này dưới các dạng khác nhau, nhưng tất cả vẫn xem nó như truyện mạo hiểm hay văn chương dành cho nhi đồng chứ không ai hiểu được dụng ý phúng thích xã hội sâu sắc của tác giả Daniel Defoe.
Trong số người dịch Robinson Crusoe có Inoue Tsutomu (Tỉnh Thượng, Cần), một trong những nhà dịch thuật sung sức đầu thời Meiji. Ông là người dịch chuyên nghiệp cho Bộ Ngọai Giao và Bộ Giáo Dục. Ngoài Tuyệt thế kỳ đàm. Lỗ Mẫn Tốn phiêu lưu ký tức Robinson Crusoe, tiểu thuyết của Defoe, ông còn dịch các tác giả Jules Verne (Tam Vạn Anh Lý Hải Để Lữ Hành = Ba vạn dặm Anh dưới đáy biển ), Thomas Moore (Lương Chính Phủ Đàm = Truyện Trị Dân Tốt), và Shakespeare (Nhân Nhục Chất Nhập Tài Phán[v] = The Merchant of Venice = Con buôn thành Vơ-Ni) [vi].
3) Gulliver Phiêu Lưu Ký (Gulliver’s Travel)
Có thuyết cho rằng tác phẩm tên gọi Hòa Trang Binh Vệ Dị Quốc Kỳ Đàm xuất bản năm An-ei thứ 3 (1754) chính là bản đầu tiên được dịch sang tiếng Nhật. Ngày nay, không còn cơ sở vật chất nào được lưu lại giúp ta kiếm chứng điều đó. Đến năm Meiji thứ 13 (1880), Gulliver’s Travel mới được một người tên Hirayama Katasaburô (Bình Sơn, Phiến Tam Lang) dịch ra dưới cái tên Nga Lê Bá Nhi Hồi Đảo Ký, sơ biên Tiểu Nhân Quốc chi bộ nghĩa là Phần một: Truyện Gulliver đi đến hòn đảo nước người tí hon. Truyện được Nhất Lục Cư Sĩ đề tựa bằng chữ Hán và kèm tranh màu minh họa. Trong sách còn có chỗ cho biết sẽ in thêm tập thứ hai nói về chuyến đi của Gulliver đến nước người khổng lồ nhưng rốt cuộc tập thứ hai nầy chỉ được dịch năm Meiji 20 bởi một người khác tên là Okubo Jôkichi (Đại Cữu Bảo, Thường Cát). Chính ra truyện Gulliver có cả thảy bốn tập, hai tập sau có nói cả việc Gulliver, tự xưng là thương nhân Hòa Lan biết y học, bị đắm thuyền và muốn trở về Âu Châu nên được phép đặt chân lên đất Nhật (ở các hải cảng Shimonoseki, Edo và Nagasaki). Gulliver được giới thiệu đến gặp cả Shôgun trước khi trở về Anh bằng tàu Hòa Lan theo đường Mũi Hảo Vọng (Cap Hope). Người Nhật không mấy quan tâm đến mấy chuyện ấy nên chỉ chọn dịch hai tập đầu.
4) Hamlet của Shakespeare
Năm Meiji 19 (1886), Kanagaki Robun (Giả Dành Đàn, Lỗ Văn, 1829-1894) đã đăng liên tục trên tờ báo Tôkyô E-iri Shinbun (Đông Kinh Hội Nhập Tân Văn) tức tờ báo Tôkyô có kèm tranh vẽ (hội (e) = tranh, nhập (iri) = cho vào) truyện dịch Hamlet dưới tên Diệp Vũ Liệt Sĩ Nụy Cẩm Hội. Diệp (Ha) Vũ (Mu) Liệt Sĩ (Let) chỉ là cách phiên âm tiếng Nhật của Hamlet chứ không có nghĩa gì đặc biệt. Truyện được đăng tất cả 22 hồi, mất một tháng.
5) Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới (Voyage autour du monde dans 80 jours):
Năm Meiji thứ 11 (1878 ), Kawashima Chuunosuke đã dịch phần đầu truyện của Jules Verne dưới nhan đề Truyện Mới: Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới (Shinsetsu Hachijuunichi Kan Sekai Isshuu, Tân thuyết- Bát thập nhật gian thế giới nhất chu). Đến năm Meiji 13 (1880) thì chia truyện làm 2 bộ và được xuất bản cả hai. Đặc điểm của Kawashima là đã sống ở Pháp (Lyon) nên đủ sức dịch truyện nầy từ nguyên tác Pháp văn.
6) Nghìn Lẻ Một Đêm (Arabian Nights)
Nghìn Lẻ Một Đêm (Thiên Dạ Nhất Dạ) và tập thơ Rubayat (của thi nhân Ba Tư Omar Khayam) là hai tác phẩm của văn học Trung Đông đã được người Nhật biết đến rất sớm. Người ta biết Nghìn Lẻ Một Đêm đã được hoàn thành dần dần từ thế kỷ thứ 9 đến 19, theo hai đường truyền khẩu và văn tự. Một văn bản của nó đã được in ra hồi thế kỷ 17 và nhà học giả đông phương người Pháp Antoine Galland (1646-1715) dịch sang tiếng Pháp. Nguyên bản truyện đầy đủ sự tích 1001 đêm chỉ in xong vào năm 1835 ở Ai Cập và khoảng 1839-1842 ở Ấn Độ. Sau đó, nhiều người như Edward Lane (1801-1886), Joseph-Charles Victor Mardrus (1868-1949), Richard Burton (1821-1890) đã dịch lại qua Anh và Pháp ngữ.
Ở Nhật, có nhiều bản dịch và phóng tác Nghìn Lẻ Một Đêm từ thời Meiji với mục đích giáo huấn và mua vui. Tuy nhiên, hai bản có tiếng hơn cả là của Nagamine Hideki (Vĩnh Phong, Tú Thụ, 1848-1927) năm 1875 dưới nhan đề Arabiya Monogatari (Bạo Dạ Vật Ngữ = Đêm Ả-Rập) và của Inoue Tsutomu (Tỉnh Thượng, Cần, 1850-1928 ) năm 1883 cái tên Quyển Sách Kinh Dị Nhất Thế Giới (Zen Sekai Daiichi Kysho) (vì đánh giá nó còn cao hơn tứ kỳ thư Trung Quốc). Nagamine đã dịch theo bản tiếng Anh ra đời năm 1866 của G.F. Townsend tham khảo bản của Antoine Galland. Còn Inoue Tsutomu không rõ đã dùng bản nào nhưng xem ra thì đã sử dụng bản tiếng Anh The Arabian Nights’ Entertainments dịch từ Galland của một nhà xuất bản ở Edimburgh năm 1865 thêm tranh vẽ của S.J.Groves in trong đó và tham chiếu bản tiếng Đức của Gustav Weil. Vai trò của Nghìn Lẻ Một Đêm ở Nhật quan trọng ở chỗ nó vừa có tính cách truyện nhi đồng vừa có tính cách truyện sắc dục, đã gây tranh cãi nhưng cũng kích thích cho sự phát triển của hai thể loại nầy.
7) Vai trò công cụ phổ biến của báo chí trong phiên dịch:
Những ví dụ vừa kể cho ta thấy tác phẩm phiên dịch qua văn Nhật đến từ những chân trời khác nhau. Không những Pháp, Anh, Bồ, Hà Lan mà cả Nga như Nhật Ký Của Người Đi Săn của Tourgueniev đã được Futabatei Shimei dịch rất sớm trên tờ Kokumin no Tomo (Quốc Dân Chi Hữu) năm Meiji 11 (1878 ). Và cùng với Tourgueniev, Futabatei đã đưa cả phong cách của văn học Nga đến với văn đàn. Tờ báo nầy còn đăng trong số 32 một phần Paul et Virginie của Bernardin de Saint Pierre, truyện tình bất hạnh của đôi trai trẻ trên đảo Saint Maurice ngoài khơi Ấn Độ Dương. Tội và Phạt [vii] của Dostoievski cũng đã được dịch ra Nhật Ngữ và đăng trên tờ Kokkai Shinbun (Quốc Hội Tân Văn) từ 1892. Vai trò của các tạp chí văn học như phương tiện du nhập và phổ biến văn học ngoại quốc rất đáng kể. Ngoài Kokumin no Tomo và Kokkai Shinbun vừa đơn cử, còn có tạp chí Myôjô (Minh Tinh) từ 1895 đăng tải tác phẩm của Leconte de Lisle, Baudelaire, Verlaine, Browning đến với độc giả. Tờ Shinshôsetsu (Tân Tiểu Thuyết) còn giới thiệu văn hào Goethe qua Nổi khổ tâm của chàng trẻ tuổi Werther (Die Leiden des Jungen Werthers) vào năm 1893.
8) Thơ dịch:
Về thơ thì năm Meiji 15 (1882), theo Tomita Hitoshi (sđd, tr.108), nhóm ba ông Tôyama Seiichi (Ngoại Sơn, Chính Nhất) đã cho in Shintaishi-shô (Tân Thể Thi Sao) tức Tập Thơ Hình Thức Mới, gom góp thơ Tây Phương họ tuyển dịch kèm thêm sáng tác của chính mình. Thơ Tây Phương (poetry) mà họ trình bày ở đây là hình thức mới (tân thể) khác với thơ chữ Hán và thơ Nhật [viii] (thể 5/7 âm tiết) đã có từ trước. Ngôn ngữ của thơ mới gần gủi với nếp sống hàng ngày, điều mà người làm thơ cũ vẫn cho là thấp kém, không văn vẻ.
Năm Taishô thứ 2 (1913), Nagai Kafuu từ Pháp du học trở về cũng đã xuất bản Sango-shuu (San Hô Tập) góp lại 38 bài thơ dịch mà ông đã đăng trong quảng thời gian 22 tháng (1909-1910) trên các tờ Joshi Bundan (Nữ Tử Văn Đàn), Shin Bunrin (Tân Văn Lâm), Nhật Báo Yomiuri (Yomiuri Shinbun), Shusai Bundan (Tú Tài Văn Đàn) và Subaru (Sao Mão). Ngoài 38 bài thơ dịch Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Valéry vv...còn có thêm mười bài văn xuôi.
9) Tiếp xúc trực tiếp Tây Phương:
Chúng ta đều biết các nhà văn Nhật Bản không những chỉ biết Tây Phương qua sách vở mà còn có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ trên đất nước họ. Từ khi có cuộc duy tân thời Meiji, du học sinh Nhật Bản ra ngoại quốc rất nhiều. Trong đám các nhà văn, hai du học sinh có tiếng nhất là Ôgai (đi Đức) và Sôseki (Anh), nhưng cũng đừng quên Futabatei Shimei (Nga), Takamura Kôtarô (Mỹ, Pháp), Kafuu (Mỹ, Pháp), Arishima (Mỹ), Hori (Pháp)... Ngược lại, các nhà văn Âu Mỹ cũng đã đặt chân lên đất Nhật. Tuy ảnh hưởng của họ đến văn học Nhật Bản đến đâu thì chưa đánh giá hết được nhưng không thể quên nhà văn Pháp Pierre Loti (1850-1923) tức sĩ quan hải quân Julien Viaud đã có lần dự tiếp tân ở dinh Rokumeikan ngay giữa Tôkyô, người Anh-Hi Lạp Lafcadio Hearn (1850-1904), giáo sư Anh văn Đại học Tôkyô, sau nầy sẽ trở thành nhà văn Nhật Koizumi Yakumo (Tiểu Tuyền, Bát Vân) hay nhà ngoại giao kiêm nghiên cứu Ái Nhĩ Lan William George Aston (1841-1911), tới Edo năm 1864, hai năm trước cuộc duy tân và dịch quyển văn học sử Nhật Bản đầu tiên năm 1898 [ix].
Tiết II: Nhà văn Nhật Bản sử dụng kiến thức Âu Mỹ như thế nào?
1) Trường hợp các nhà văn thời Meiji:
Ta có thể nghĩ văn nhân đời Meiji dễ dàng thu nhận ảnh hưởng văn học Edo là ảnh hưởng bản địa hơn văn học Thái Tây. Điều đó chưa hẳn đúng. Con Quỉ Kim Tiền (Konjiki Yasha, 1897) của Ozaki Kôyô, nhà văn xã hội có khuynh hướng mô phỏng cổ nhân, chẳng hạn, đáng lý ra chỉ là cái vạch nối dài của văn chương thời Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704). Nhưng không! Kôyô đồng ý với quan điểm về viết tiểu thuyết theo lối mới mà Tsubo-uchi Shôyô trình bày trong Tinh Túy của Tiểu Thuyết (Shôsetsu Shinzui) và đã bắt đầu dịch tác phẩm của Molière và Zola. Cho nên sẽ không có gì nghịch lý khi ta bảo Konjiki Yasha có thể chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết tên Hoa huệ trong thung lũng (White Lily in the Valley) của một nữ tiểu thuyết gia Mỹ. Tuy nhiên gần đây giới nghiên cứu (Yasuda Yasuo, theo Tomita, sđd, tr. 50) lại cho rằng dịch phẩm Cuộc Hẹn (Aibiki) mà Futabatei Shimei dịch từ văn Tourgueniev mới thực sự ảnh hưởng tới tiểu thuyết của Kôyô, nhất là chương bảy (cảnh rừng mơ ở Atami) và chương 8 (cảnh chia tay trong tủi hận trên bải biển giữa đôi tình nhân). Một lập luận khác (của Yamomoto Kenkichi, theo Tomita, sđd, tr. 50) qui cho mô típ «người đàn ông phục thù» thấy trong Đỉnh Gió Hú (Wuthering Height) của Emily Bronte... như là điểm then chốt của tiểu thuyết ấy. Ngoài ra, ảnh hưởng của Người Biển Lận [x] (L’avare) của Molière đối với Con Quỉ Kim Tiền (Konjiki Yasha) và trên Áo Mát Mùa Hè (Natsusode, Hạ Tiểu Tụ) tức, một tác phẩm khác của ông, cũng được đề cập tới.
Cũng một thể ấy, trong Xé Rào (Hakai, Phá Giới) của Shimazaki Tôson, người thầy giáo dấu tông tích thấp hèn của mình cho đến một ngày chịu hết nổi, phải bộc lộ điều đó ra khi cương quyết ra mặt chống đối thành kiến bất công của xã hội, có thể đã chịu ảnh hưởng của Xưng Tội (Confessions) của Jean-Jacques Rousseau, được dịch ra Nhật ngữ dưới nhan đề Sangeroku (Sám Hối Lục), một cái tên rất Phật giáo cũng như Phá Giới vậy. Tomita cho biết năm 23 tuổi, Tôson đã có dịp đọc Confessions qua Anh ngữ cũng như đã được đọc cả Tội và Phạt của Dostoievsky.
2) Trường hợp các nhà văn thời Taishô:
Kiến thức Âu Mỹ của một nhà văn đời Taishô (1912-1926) như Akutagawa cũng bắt nguồn từ sách dịch. Katô Shuuichi [xi] cho biết Akutagawa đã dẫn ra trong tác phẩm của mình hết Strindberg, Nietzsche, Tourgueniev, Tolstoi, Gogol, Dostoevski, Flaubert đến Baudelaire.., từ những bài viết của họ được dịch qua tiếng Anh (ông tốt nghiệp đại học khoa Anh). Để viết quyển truyện châm biếm Kappa, ông phải tham khảo cả Jonathan Swift lẫn Samuel Butler. Kiến thức của Akutagawa trải rộng từ Shakespeare cho đến các nhà soạn kịch Ailen, từ François Villon đến Paul Valéry. Nhân vật trong truyện của ông biết cả về Pierre Loti (trong Buổi Dạ Vũ, Butôkai) và Whilhem Liebknecht (trong Sơn trang Gengaku, Gengaku sanbô). Tuy ông không từng đặt chân lên các nước Âu Mỹ như Ôgai (Đức), Sôseki (Anh) hay Kafuu (Pháp và Mỹ) nhưng kiến thức của ông không vì thế mà kém phần phong phú. Nó đã pha trộn với cổ điển Trung Hoa mà ông nằm lòng, cũng như văn chương thời Edo (Bashô, Bakin...) mà ông thường dùng làm đề tài.
Akutagawa và Yabu no naka
Ảnh hưởng của văn chương ngoại quốc đến một nhà văn Nhật Bản bằng một cách nhiều khi phức tạp hơn ta tưởng. Ví dụ Khuất Trong Lùm Cây [xii] (Yabu no naka, 1925) của Akutagawa, đã trở thành sườn của cuốn phim Rashômon bất hủ của đạo diễn Kurosawa Akira. Ta chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ tập Truyện Nay Đã Xưa (Konjaku Monogatari), (quyển 29, truyện 23, kể truyện một cặp vợ chồng nhà quan gặp cướp núi, sau khi bị cướp làm nhục trước mặt chồng, vợ lại nẩy ra ý muốn giết chồng) là một tác phẩm cổ điển của Nhật ra đời vào tiền bán thế kỷ 12. Thế nhưng, có chứng cứ khác cho thấy Akutagawa cũng đã mượn nguồn cảm hứng từ văn học Tây Phương để viết truyện nầy.
Yasuda Yasuo (theo Tomita, sđd) đã dẫn ra hai tác phẩm Âu Mỹ có thể liên quan đến nó: Chiếc nhẩn và quyển sách của Browning và Phục Thù của Henry de Régnier [xiii] mà một nhà văn lớp trước, Mori Ôgai, đã cho đăng trong Truyện Các Nước (Shokoku Monogatari, Chư Quốc Vật Ngữ). Ông đã so sánh và phân tích từng điểm giống nhau giữa 2 truyện đó với Yabu no naka. Ngoài ra, vẫn theo Tomita, Yoshida Seiichi lập ra mối liên hệ giữa Con Đường Trăng Sáng (The Moonlight Road) trong tập truyện Sao Lại Xảy Ra Được? (Can Such Thing Be?) của nhà văn Mỹ Ambroise Pierce.Trong truyện của Pierce, nhân một vụ án mạng, ba người trong cuộc đã trình bày sự việc liên quan tới họ và cuối cùng, người vợ là kẻ bị giết đã mượn lời đồng cốt để trình bày sự thật về phía mình. Thế nhưng theo Tomita Hitoshi (sđd, tr. 66) thì Khuất Trong Lùm Cây (Yabu no naka) gần với “Người con gái của bá tước Ponthieu”, một tác phẩm của Pháp thế kỷ 13 hơn là truyện của Pierce.Tác phẩm của Pháp kể truyện con gái của bá tước Ponthieu, vì không con nên cùng chồng là Thibaut đi hành hương ở Santiago bên Tây Ban Nha để cầu tự, giữa đường gặp cướp.Thibaut dũng cảm chống cự nhưng rốt cục bị trói, chứng kiến cảnh cướp làm nhục vợ trước mắt. Khi cướp đi rồi, Thibaut nhờ vợ cởi trói hộ nhưng ngạc nhiên thay, lúc đó, vợ lại dùng thanh kiếm tên cướp bỏ lại định chém chết chồng. Thibaut khéo léo tránh và nhờ đó, dây trói trái lại được cắt đứt. Thibaut thoát hiểm, lôi vợ xuống núi và gửi vào tu viện làm ni, một mình về nước. Bá tước biết chuyện, nhục nhã quá nên tìm đến nơi, đóng con gái vào thùng rồi quẳng xuống biển.
Có một sự tình cờ lạ lùng là Akutagawa đã viết tiểu luận tốt nghiệp đại học với nhan đề Nghiên cứu về William Morris [xiv]. Thêm một sự trùng hợp nữa là câu chuyện dịch qua tiếng Anh của Người con gái của bá tước Ponthieu đã được in trong toàn tập của Morris nữa. Vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác thực xem Akutagawa đã đọc nó trong đó hay không nhưng chi tiết “vợ muốn giết chồng” của truyện Pháp nầy trùng hợp với mấu chính thấy trong truyện kể của Truyện Nay Đã Xưa (Konjaku) [xv].
Ảnh hưởng nơi các nhà văn khác:
Cũng vậy, kinh nghiệm sống ở Pháp đã làm văn chương của Hori Tatsuo mang dấu ấn của Zola và Maupassant. Một người đàn bà (Aru Onna) của Arishima Takeo cũng mang hình ảnh của Anna Karenina. Trực tiếp hay gián tiếp, văn học ngoại quốc không ngừng ảnh hưởng tới văn học Nhật Bản từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên.
Tiết III: Đặc điểm của văn học đến từ mỗi nước:
A) Nga:
Người đã đưa văn học Nga vào nước Nhật là một nhà truyền đạo Chính Thống Giáo tên Nikolai (1836-1912). Ông đến Nhật năm 1861 với tư cách viên chức phụ trách vấn đề tôn giáo ở Lãnh Sự Quán Nga ở Hakodate, miền bắc nước Nhật. Ông nhiệt tâm tìm hiểu văn hóa Nhật và, mặt khác, để giới thiệu về nước mình, trong tờ tạp chí Tin tức nước Nga mà ông xuất bản tại đây, ông đã cho đăng vào năm 1866 Tội và Phạt của Dostoievski (mà ông có gặp ở Nga năm 1880) [xvi]. Năm 1872, lệnh cấm đạo bị bãi, ông xuống Tokyo và lập nhà thờ, truyền đạo. Ở lại Nhật Bản tất cả 48 năm, ông từng dạy 10 năm ở Đại Học Đông Kinh và mất ở đấy năm 75 tuổi.
Về phía Nhật Bản, người tiếp thu trực tiếp ảnh hưởng tác phẩm của Dostoievski là Futabatei Shimei (1864-1909). Ông từng nhìn nhận rằng cuốn Mây Trôi Dạt (Ukigumo) của ông viết theo phong cách của nhà văn Nga.
Người Nhật đánh giá Dostoievski rất cao và tính đến năm 2002, không kể các luận văn, đã có trên 100 cuốn sách bàn về văn chương của ông.
Sau đó, văn học Nga đã đến Nhật Bản với Tolstoi (qua trung gian Anna Karenina) các nhà tư tưởng xã hội của cuộc vận động Narodoniki (ảnh hưởng tới thơ của Ishikawa Takuboku, 1886-1912), Gogol, Tchekhov và văn học chủ nghĩa Marx-Lenin (đối với phong trào văn học vô sản (Puroretaria)).
B) Anh
1) Tiểu thuyết gia Anh và lý luận của Tsubo-uchi Shôyô
Tsubo-uchi Shôyô (Bình Nội, Tiêu Dao, 1859-1935), người mở đường cho tiểu thuyết Nhật Bản, nhất là về phương diện lý luận, đã gắn liền đời mình với văn chương Anh.Giáo dục ông thu nhận, hoạt động sáng tác, phiên dịch, dạy học và nghiên cứu (ông là giáo sư Đại Học Waseda) đều dính líu đến tiếng Anh. Như ta biết, Shôyô là người đi tiên phong trong việc dịch thuật các kịch phẩm của William Shakespeare (1564-1616) ở Nhật..
Thời ông đi học, chính phủ Meiji mời rất nhiều giáo sư ngoại quốc đến dạy cấp cao đẳng. Trong số đó, đã có triết gia kiêm mỹ thuật gia Ernest Fenollosa [xvii], người đầu tiên đã dịch tuồng Nô ra tiếng Anh trước thế chiến thứ nhất.
Trong lúc ngồi trên ghế ban Anh Văn Đại Học Đế Quốc Đông Kinh, Tsubo-uchi đã dịch thoát Cô dâu nhà Lammermoor (The Bride of Lammermoor, viết năm 1819) của Walter Scott (1771-1832) thành tác phẩm Shunfuu Jôwa (Xuân Phong Tình Thoại, 1880). Ông còn dịch The Lady of the Lake (viết năm 1810) cũng của Scott thành Kojô no Reijin (Hồ Thượng Lệ Nhân, 1884) [xviii].
Giỏi như Shôyô thế mà cũng trượt môn thi của thầy Fenollosa và phải ở lại năm thứ 3. Shôyô còn theo học về Shakespeare với người thầy Mỹ William A.Houghton và nhân đó đào sâu về văn học Âu Mỹ để so sánh thế giới quan của họ qua nhân vật nữ hoàng Gertrude trong Hamlet với thế giới quan Nho Giáo của Nhật Bản. Ông cho rằng nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết không phải là đem hành vi của Gertrude phán đoán với thước đo Nho Giáo mà là trình bày nó như hiện tượng tâm lý thấy nơi một con người. Theo H. Yamauchi và H. Kawamoto [xix] thì trong tác phẩm lý luận quan trọng của Shôyô, Tinh túy của tiểu thuyết (Shôsetsu Shinzui), ông đánh giá tiểu thuyết như một nghệ thuật có tầm vóc cao và rộng hơn cả hội họa, thi ca, kịch nghệ (một quan điểm mới lạ bị nhiều người đương thời dè bỉu). Việc đề cao tiểu thuyết có tham khảo ý kiến của Walter Scott, Thomas Thomson (1768-1852) và George Moir (1798-1851) vốn được ghi lại trong quyển thứ 19 của Đại Anh Bách Khoa Đại Từ Điển (Encyclopedia Britanica) in lần thứ tám.Việc đòi hỏi người viết tiểu thuyết phải mô tả cho được chân tướng của xã hội cũng căn cứ vào luận điểm của John Morley (1832-1923) trong Luận về George Elliott.
Năm 1884, Shôyô đã phóng tác tác phẩm Julius Ceasar (1599) của Shakespeare từ hình thức kịch qua tuồng người nộm Jôruri nhan đề Sóng gió chung quanh lưỡi kiếm vì tự do (Jiyuu Taitô Yoya Zeifuu, Tự Do Thái Đao Dư Ba Nhuệ Phong). Truyện nói về việc Brutus ám sát nhà độc tài Ceasar vào thời cổ La-Mã vì nghĩ rằng Ceasar muốn bỏ chế độ nghị hội để lên ngôi hoàng đế. Sau đó đã xảy ra bao nhiêu biến loạn cho đến khi Antony phục thù được cho Ceasar. Vở tuồng nầy không có mục đích đưa lên sân khấu. Nhân đó, trong lời phụ lục, ông tỏ ra bi quan khi cho rằng việc dịch văn ngoại quốc là điều khó thể thực hiện nếu không nói là bất khả vì có sự ngăn cách lớn lao về phương diện ngôn ngữ. Việc phiên dịch chỉ là một sự “hoán cốt đoạt thai” mà thôi. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về Shakespeare và đã dịch Hamlet (in năm 1909) nhưng phải thú nhận “đã dùng thể thơ 5/7 âm và hình thức tuồng kabuki lúc nào không hay ” trong khi theo quan điểm của Lafcadio Hearn, một người hiểu biết cả về Nhật và Anh, thì khi dịch Shakespeare, phải dịch theo văn nói. Trong Sa Ông Kiệt Tác Tập (23 quyển), ông còn dịch Romeo, Othello…nhưng mãi đến khi dịch King Lear, năm 1912 và Julius Ceasar năm 1913 thì số lượng văn nói trong bản dịch mới tăng thêm. Ngoài ra, cộng với 17 quyển chuyên về nghiên cứu nữa, ông đã để lại tất cả 40 tập nói về Shakespeare dưới cái tên Tân Tu Shakespeare Toàn Tập in lần đầu từ năm 1933 đến1935.
2) Thomas Gray và thơ mới Nhật Bản:
Năm 1882, các ông Tôyama Seichi, Yatabe Ryôkichi và Inoue Tetsujirô, ba giáo sư đại học Tôkyô đã dịch thơ Anh Mỹ đương thời ra tiếng Nhật với hy vọng đem một luồng gió mới đến với thi ca Nhật Bản. Ngoài 5 bài là thơ họ tự sáng tác, tập Tập ghi chép thơ hình thức mới (Shintaishi-shô) của 3 ông có 14 bài gồm có thơ của Tennyson, Longfellow, độc thoại của Hamlet. Ngoài ra, Yatabe đã dịch Hoài cảm bên mồ (An Elegy Written in a Country Church Yard) của Thomas Gray (1716-1771) mà thi sĩ đã viết trước ngôi mồ của một người vô danh trong nghĩa địa nhà thờ làng quê, với tâm sự “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Niềm hoài cảm của thi nhân u uất sống giữa đồng quê nước Anh như có cái gì gần gủi với tư tưởng vô thường Nhật Bản trong dòng văn học ẩn sĩ tiêu biểu bằng Hôjôki (Phương Trượng Ký ) và có lẽ là lý do mà Yatabe đã dịch (có thể là phỏng dịch vì ông đã thay “nhà thờ” trong bài thơ bằng “ngôi chùa”) và người Nhật rất yêu chuộng bài thơ nầy.
3) Kitamura Tôkoku và chủ nghĩa lãng mạn Anh:
Mười năm cuối cùng của thế kỷ 19, rõ ràng là văn học Nhật Bản chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn (romantism) đến từ Âu Châu. Shimazaki Tôson (Đảo Kỳ Đằng Thôn, 1872-1943) chẳng hạn, đã dịch truyện thơ Nữ thần Venus và nam thần Adônis (Venus and Adonis, 1593) của Shakespeare ra Cỏ Mùa Hạ (Kasô, 1892) rồi dùng lại trong sáng tác Ngựa nhà trời (Tenba, 1897) của mình.Khi viết Khúc hát gió thu (Shuufuu no Uta), ông đã lấy hứng từ Khúc hát gửi gió tây (Ode to the west wind, 1819) của Percy Bysshe Shelley (1792-1822). Nhà văn Kunikida Doppo (1871-1908) khi tả phong cảnh vùng đồng quê trong Cánh đồng Musashi (Musashino, 1901) hay về sự giao cảm với chim chóc trong Chim Xuân (Haru no Tori, 1904) cũng chịu ảnh hưởng tình yêu thiên nhiên thấy qua tác phẩm của hai anh em William Wordsworth (1770-1850) và Dorothy Wordsworth (1771-1855).
Nhà thơ và bình luận gia Kitamura Tôkoku (Bắc Thôn, Thấu Cốc, 1868-1894), tự sát lúc chưa đầy 26 tuổi, có để lại tập thơ Thơ của người tù nước Sở (Sojuu no shi, 1889) không lấy cảm hứng “Sở tù” từ điển cố Trung Quốc mà từ văn chương Anh tức tác phẩm Người tù ở Chillon (The Prisoner of Chillon, 1816) của nhà thơ Anh quốc Byron (Lord Byron, George Gordon, 1788-1824) nói về nhà ái quốc François de Bonnivard, 1496-1570, vì chiến đấu chống chế độ hà khắc nên bị giam cầm trong thành Chillon bên bờ hồ Leman. Cần nhớ rằng, trước khi tập thơ ra đời ít lâu, Nhật Bản đang có phong trào đòi dân quyền (1885) và chính phủ Meiji đã không ngần ngại bắt giam nhiều nhà vận động.
Một tác phẩm khác của Tôkoku, Hôraikyoku (Bồng Lai Khúc, 1891) nói về người tù không sống trong ngục tối nhưng trong nhà tù cuộc đời cũng mượn ý từ vở kịch Manfred (1817) của Lord Byron. Khung cảnh câu truyện của nhân vật Manfred là ngọn Mont Blanc thì khung cảnh của nhân vật của Tôkoku là núi Bồng Lai (Phú Sĩ).Cả hai đều muốn xa lánh cõi đời để đi cầu đạo ở một thế giới lý tưởng.
Người ta thấy Tôkoku khi viết nghị luận có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu việt (transcendentalism) đề xướng bởi triết gia Mỹ Ralp Waldo Emerson (1803-1882), người đã truyền bá triết học của Kant trên đất Mỹ. Chủ nghĩa siêu việt chủ trương con người phải chấp nhận quyền lực thần linh có tính phàm thần trong cuộc sống hữu hạn, cũng như phải hướng về một luân lý dựa trên cơ sở chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa cá nhân mà mục tiêu là cải thiện xã hội. Nói khác đi, ông đã có phần nào gián tiếp chịu ảnh hưởng của thi nhân chủ nghĩa lãng mạn Anh Thomas Carlyle (1795-1881), người mà Emerson hầu như sùng bái.
4) Nước Anh và Natsume Sôseki:
Văn hào Natsume Sôseki (1867-1916), một trong hai ba nhà văn hàng đầu của Nhật Bản hiện đại là học giả Anh ngữ trước khi chuyển sang viết văn khoảng năm 1905. Ông đã du học 2 năm ở London (9/1900-1/1903), “hai năm hết sức khó chịu”. Thế nhưng không thể nói rằng nước Anh không để lại dấu vết trong ông,
Thuở nhỏ, ông chuyên về Hán văn, khi vào Dự bị Đại học (1884) vì nhà trường bắt buộc học sinh ngữ nên đã có may mắn được các giáo sư Anh Mỹ như James Murdoch (1856-1912) và James Main Dixon (1856-1933) đào tạo.Trong thời gian ở đại học ông đã viết nghiên cứu về thi nhân người Mỹ Walt Whitman, người mà phong cách được ông đem so sánh với đại thi hào Nhật Bản Matsuo Bashô.
Trong thời gian ở Anh, ông có đi nghe giáo sư W. P. Ker (1855-1923) giảng ở Đại Học London. Những bài giảng của giáo sư Ker có ảnh hưởng đến tác phẩm của ông về sau. Tiếc là lúc đó, chứng u uất sầu não làm ông không thích ứng được với xã hội Anh và chỉ cảm thấy trong việc nghiên cứu văn chương Anh toàn là những cái khó khăn mà một người từng hấp thụ một nền văn hóa truyền thống Nhật vấp phải.
Năm 1903, Sôseki về nước, dạy ở Đại học Đế Quốc Đông Kinh, thế chỗ Lafcadio Hearn (1850-1904). Ông viết nhiều luận thuyết văn học và chủ trương cái quan trọng cần để viết văn là tri thức, (tượng trưng bằng F) sau đó là tình cảm (f). Ông còn cho rằng để hiểu một áng văn, phải sử dụng tất cả tri thức xã hội để phân tích vì văn chương dính liền với bối cảnh xã hội. Đó cũng là lối nhìn của Leslie Stephen (1832-1904) trong tác phẩm Văn học và xã hội Anh thế kỷ 18 (English Literature and Society in the Eighteenth Century) mà ông chịu ảnh hưởng.
Suốt trên mười năm trước khi qua đời, Sôseki là một kim tự tháp in bóng trên nền trời văn học Nhật. Số lượng tác phẩm của ông nhận ảnh hưởng văn chương Anh không phải là ít. Ví dụ Tháp Luân Đôn (Rondon tô, 1905) lấy cảm hứng từ The Tower of London (1840) của W.H. Ainsworth (1805-1882) hay Bảo tàng Viện Carlyle (Kaarurairu no Hakubutsuka, 1905) cho ta thấy tình cảm của ông đối với nhà thơ Anh Thomas Carlyle (1795-1881). Nguồn sáng tác của ông còn đến từ các tác phẩm văn học về kỵ sĩ đạo (chivalry) như Cái chết của vua Arthur (La Mort d’ Arthur) của Thomas Malory (chết năm 1471) hay Những tình khúc của quân vương (The Idylls of the King) của nhà thơ Alfred Tennyson (1809-1892) như trong Cái thuẩn huyền ảo (Gen-ei no Tate) nói về tình yêu của kỵ sĩ thời Trung Cổ.
Ngay cả Mèo chúng tớ (Wagahai wa neko dearu, 1905), một cuốn truyện không có truyện, trong đó giai cấp nhàn hạ và ưa biện luận dây dưa được tô vẻ ra dưới mắt quan sát mĩa mai của một con mèo, giống như nội dung nhiều tác phẩm Anh nhưng gần gủi nhất có lẽ là Cuộc đời và ý kiến của Tristam Shandy (The Life and Opinion of Tristam Shandy, in năm 1759-67) của Laurence Sterne (1713-1768).
H.Yamauchi và H. Kawamoto (sđd, tr. 42) còn nói về ảnh hưởng của Hamlet qua hình ảnh nhân vật Ophelia và họa phẩm vẽ Ophelia của J.E.Millais (1829-1896) đối với Gối cỏ (Kusa Makura), “một tiểu thuyết bằng thơ haiku” của ông. Hoa mồng gà (Gubinjinsô, Ngu mỹ nhân thảo), đăng báo 1907, in năm 1908) cũng có những nhân vật giống như những nhân vật trong tác phẩm của George Meredith (1829-1909).
Cho nên, dầu Sôseki đã bỏ dạy tiếng Anh để đi làm báo, viết văn nhưng vốn liếng văn học Anh hấp thụ ở nhà trường đã thấm nhuần trong xương thịt của ông để trở thành chất liệu không thể thiếu được cho tác phẩm vậy.
C) Pháp
Nếu không kể Jules Verne thì ảnh hưởng của Pháp đối với Nhật Bản buổi đầu mạnh mẽ nhất có lẽ trong lãnh vực thi ca. Những nhà thơ được giới thiệu có Baudelaire, Verlaine, Mallarmé và Maurice Maerterlinck (1862-1949), thi nhân người Bỉ diễn đạt bằng tiếng Pháp, giải Nobel văn chương. Nhìn chung họ là những nhà thơ theo khuynh hướng tượng trưng hay thần bí. Những dịch giả tài ba như Ueda Bin (trong “Hải Triều Âm” tức Kaichôon, từ năm 1905), Nagai Kafuu (trong San Hô Tập tức Sango-shuu, 1915), Horiguchi Daigaku (trong Một Đoàn Dưới Trăng tức Gekka no Ichigun, 1925) đã đưa họ đến với độc giả Nhật Bản.. Những bài thơ được nhắc nhở nhiều ở Nhật là Sonnet của Mallarmé hay Chanson d’Automne của Verlaine…Ảnh hưởng của các dịch giả ấy đến các thi nhân Nhật Bản hàng đầu như Kanbara Akiake hay Kitahara Hakushuu không phải là nhỏ.
Các nhà văn lớn của Pháp như Honoré de Balzac, Stendhal, Anatole France, Alphonse Daudet, Emile Zola, Guy de Maupassant thì đã đành nhưng có một tiểu thuyết gia người Pháp được các nhà văn Nhật Bản đặc biệt yêu chuộng [xx], đó là Raymond Radiguet (1903-1923). Ông được đánh giá như là một “quỉ tài” vì ông mất lúc mới hai mươi tuổi... Những người chịu ảnh hưởng của ông đến từ những chân trời khác nhau từ Yokomitsu Riichi, Mishima Yukio, Hori Tatsuo, Sakaguchi Ango cho đến Ôoka Shôhei.
D) Đức
1) Schiller và Nhật Bản:
Tác phẩm Đức đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật và phóng tác dưới thời Meiji là Wilhelm Tell của Friedrich Schiller (1759-1805). Trong 4 bản dịch và phóng tác thì đã có ba lấy tựa đề có chữ “tự do” ví dụ Cánh cung của độc lập tự do công chính hay Truyện tự do của Triết Nhĩ (Tell” hay Người hùng của tự do vv…Việc nhắc đến hai chữ “tự do” trong tựa sách là một điểm cần chú ý.
Ngày nay, người ta đòi hỏi việc dịch thuật phải trung thực nhưng vào thời Meiji, không ai khó khăn đến mức đó. Dịch giả có thể thêm thắt học lược bỏ tùy theo thấy cần thiết hay không. Trong đoạn tả Tell xuất hiện chỉ vì lòng nhân đạo mà giúp anh chàng Thụy Sĩ phải trốn qua bên kia hồ giữa sóng to gió lớn sau khi giết quan lại người Áo, dịch giả đã cho xen vào một đoạn diễn văn của Tell phát biểu rất hấp dẫn theo thể 5/7 để tuyên truyền cho dân chủ tự do. Có điều là đoạn nầy đã đi ra khá xa ngoài nguyên tác.
Sở dĩ có hiện tượng đó vì dưới thời Meiji, chính phủ đã hứa cho bầu quốc hội từ 1881 mà mãi đến 1890 nghĩa là 9 năm sau mới thực hiện lời hứa.Trong dân chúng, hai chữ “tự do” được phổ biến rộng rãi nên không có gì lạ khi người dịch Wilhelm Tell đã nhấn mạnh đến hai chữ ấy trong tác phẩm.
2) Ảnh hưởng của Goethe:
Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) được người Nhật biết đến lần đầu tiên qua dịch phẩm Con chồn Reineke (Reineke Fuchs). Goethe đã mô tả con chồn Reineke ranh mãnh giảo hoạt trong thế giới loài vật, đã đánh lừa cả vua sư tử như thế nào.Tuy nhiên tác phẩm phúng thích nầy chỉ được Inoue Tsutomu (1850-1928), một nhà dịch thật đầu thời Meiji chuyển ngữ từ tiếng Anh sang với một cách dịch hết sức Nhật hóa, khuynh hướng chung của người dịch thời ấy, bởi vì trình độ của độc giả còn chưa cao để thông cảm được những cái tinh tế của văn học Tây Phương.
Tác phẩm văn xuôi Nỗi khổ tâm của chàng trẻ tuổi Werthers (Die Leiden des Jungen Werthers) của Goethe cũng là tác phẩm gây chấn động trong giới độc giả trẻ thời Meiji. Giới trí thức như nhà bình luận Takayama Chogyuu (Cao Sơn, Xư Ngưu, 1871-1902), các nhà văn Shimazaki Tôson, Ozaki Kôyô… đều đánh giá cao khi đọc bản dịch qua Anh văn. Người dịch thẳng từ tiếng Đức lần đầu là học giả Hán văn Kubo Tenzui (Cữu Bảo, Thiên Tùy, 1875-1934) với sự cộng tác của một người bạn giỏi tiếng Đức.
3) Truyện nhi đồng của Grimm:
Không những tác phẩm của Goethe và Schiller, tập truyện nhi đồng của hai anh em Jakob Grimm (1775-1863) và Wilhelm Grimm (1786-1859) nhan đề Truyện nhi đồng của trẻ em và gia đình (Kinder–und Hausmarchen) với chuyện Cô Bé Lọ Lem (Aschenputtel), mà ai cũng nghe kể, đã được phổ biến rất sớm ở Nhật.. Kan Ryohô (Quản, Liễu Pháp,1857-1936) đã dịch vào năm 1887 dưới nhan đề Tập truyện cổ thần tiên Tây Phương nhưng ông đã lược bỏ những cảnh nào xem ra tàn nhẫn trong nguyên tác.
4) Vai trò gạch nối của Mori Ôgai:
Nhà văn đầu đàn thời Meiji, Mori Ôgai (Sâm, Âu Ngoại, 1862-1922) cũng là một nhà dịch thuật không ngừng nghỉ. Các dịch phẩm của ông đã ảnh hưởng đến các nhà văn lớp sau. Ông đã dịch không những tác phẩm Đức mà cả những tác phẩm của các nước khác được biết qua bản Đức văn nhờ sự hiểu biết ngôn ngữ nầy mà ông đã dùi mài suốt thời gian du học. Sau khi từ Đức về năm 1889, ông đã cùng bạn bè thành lập nhóm Tiếng Nói Mới (Shinseisha, Tân Thanh Xã) và cho ra mắt tập thơ dịch Bóng Hình (Omokage) trong đó đã có thơ của Heinrich Heine (1797-1856) và Goethe. Bài thơ của Goethe nhan đề Khúc hát của nàng Mignon, một mỹ nhân bạc mệnh, thấy trong tiểu thuyết mang tên Thời học việc của Wilhelm Meister (Wilhelm Meistes Lehrjahre), với hình thức 10/10 âm tiết khác với thể 5/7 truyền thống của người Nhật.
Faust (1774-1831), kịch thơ gồm hai tập của Goethe nói về cuộc đời đầy hứng thú, bi kịch trong tình yêu và cuộc đổi chác của học giả Faust và ác quỉ Mephisto là tác phẩm được nhiều người dịch, trong đó có Ozaki Kôyô dịch từ tiếng Anh. Shimazaki Tôson cũng rất rành rẽ về Faust. Ôgai đã dịch từ nguyên văn tiếng Đức theo lời yêu cầu của Bộ Giáo Dục và hoàn tất năm 1913. Khi xuất bản, sách bán rất chạy và gây được tiếng vang lớn.
5) Ảnh hưởng văn học Đức trên các nhà văn nhà thơ khác:
Theo như chính tác giả nhìn nhận, Tấm Nệm Giường (Futon, 1907) của Tayama Katai bắt nguồn từ vở kịch Những người lặng lẽ (Einsame Menschen) của Gerhart Hauftmann (1862-1946). Mối tình của nhà văn trung niên Takenaka Tokio với cô gái trẻ Yoshiko trong Futon chẳng khác gì mối tình của học giả Johanes với nữ sinh viên Anna trong kịch Hauftmann. Câu truyện nầy giống như kinh nghiệm bản thân của nhà soạn kịch Hauftmann. Hơn nữa, có sự trùng hợp lý thú là năm Katai 34 tuổi ông cũng gặp một cô gái mới có 17 ái mộ văn mình, đến nhà chơi rồi ở lại luôn. Ông còn gọi cô ấy là “Anna của tôi”.
Về thơ thì Susukida Kyuukin (Bạc Điền, Khấp Cần, 1877-1945), nhà thơ thuộc khuynh hướng tượng trưng đời Meiji, trong tập thơ Chòm sao Bạch Dương (Hakuyôkyuu, Bạch Dương Cung) có bài thơ Nhớ cố hương (Bôkyô no shi =Vọng Hương Thi, 1906), nói về vẻ đẹp bốn mùa thay đổi của vùng Kyôto, quê hương ông. Bài nầy được làm ra sau khi đọc Khúc hát của Mignon. Điều đó cho ta thấy thi nhân còn có thể vô tình chịu ảnh hưởng thơ ngoại quốc khi kiến tạo thế giới thơ của riêng mình.Những cảnh chim kêu, ve ngâm, các cô gái đi kiếm cá ayu trên dòng sông, cảnh uống rượu cười nói, chèo thuyền thưởng hoa thấy trong thơ Kyuukin không có gì liên quan đến cảnh vật nước Đức của Goethe.
Thơ Heinrich Heine (1790-1856) được đặc biệt yêu chuộng từ thời Meiji. Cả Takayama Chogyuu và Yoshano Tekkan (Dữ Tạ Dã, Thiết Cán, 1873-1935) đều ái mộ thơ ông. Năm 1901, Onoue Saishuu (Vĩ Thượng, Sài Chu, 1876-1957) đã dịch Lorelei ra tiếng Nhật, gây nên phong trào đọc thơ Heine vào thời đó. Tuy Heine còn là một nhà thơ có ý hướng phê phán xã hội nhưng hình ảnh của Heine ở Nhật chỉ là một phẩm nhà thơ trữ tình đã làm cho họ cảm động nhỏ lệ.
Thơ Đức cũng được Ueda Bin (Thượng Điền, Mẫn, 1874-1916) dịch nhiều trong tập thơ dịch Hải Triều Âm (Kaichôon, 1905) trong đó có những thi nhân Đức ít người biết tiếng như Carl Busse (1872-1918).
Nhà viết kịch Kubo Sakae (Cữu Bảo, Vinh, 1900-1958) khi công diễn Đạo tặc vùng Yoshino (Yoshino no Tôzoku, 1933) cũng cho biết rõ đã phỏng theo Bọn Cướp (Die Rauber) của Schiller. Thuở còn đi học, Kubo đã thích Schiller dù khi đọc nguyên tác Die Rauber, ông phải lật từ điển tra từng chữ. Sau đó, không bằng lòng với phóng tác, ông đã dịch nó ra Nhật ngữ vào năm 1936.
Có thể Mèo Chúng Tớ (Waga hai wa neko dearu) của Natsume Sôseki còn chịu ảnh hưởng của Nhân sinh quan của chú mèo đực tên Murr của Ernst Theodor Amadeus Hofmann (Lebensansichten des Kater Murr, 1762-1822). Điều nầy đã được người ta nói ra ngay lúc Natsume còn sống. Còn Hugo von Hofmansthal (1874-1929) thì thơ ông ảnh hưởng đến nhiều người trong số đó có Kinoshita Mokutarô ((1885-1945), Nagai Kafuu, Tanizaki Jun-ichirô. Nhà văn Akutagawa cũng thú nhận đã cảm động rớt nước mắt khi đọc thơ Hofmanthal (xem đoản văn Nước Giòng Sông Cái (Ôkawa no mizu, 1912) và khi viết Hai Bức Thư (Futatsu no Tegami), ông đã mượn ý từ Bức thư cuối cùng của Andreas Thameyer (Andeas Thameyers letzter Brief) do Arthur Smitzler (1862-1931) viết. Hori Tatsuo (Quật, Thìn Phu, 1904-1953), Tachihara Michizô (Lập Nguyên, Đạo Tạo, 1914-1939), Itô Shizuo (Y Đằng Tĩnh Phu, 1906-1953), các nhà văn thuộc nhóm Shiki (Tứ Quí) đều tiếp nhận ảnh hưởng của Rainer Marie Rilke (1875-1926). Trong khi Mishima Yukio yêu thích Thomas Mann (1875-1955) thì Abe Kôbô lại ngả theo phong cách viết của Franz Kafka (1883-1924).
Văn học sử Đức cũng được giới thiệu cho người Nhật ngay từ thời Meiji. Trước tiên phải nói đến tập kịch bản Đức do Hisamatsu Teikô (Cữu Tùng, Định Hoằng, 1857-1913) thu thập và dịch năm 1887, sau đến tập văn học sử Đức do Shibue Tamotsu (1957-1930) giới thiệu cho độc giả Nhật những tên tuổi lớn như Lessing, Goethe, Schiller…
Nhìn chung, việc giới thiệu các sáng tác từ tiếng Đức cũng như văn học sử Đức từ thời Meiji đã đóng góp vào việc phát triển tự do dân quyền ở Nhật. Một người như Takagi Isaku (Cao Mộc, Y Tác, tác giả tập nghiên cứu nhan đề Goethe (1893) đã xem thi nhân Goethe và anh hùng Napoléon là hai nhân vật quan trọng nhất của thời cận đại nhưng chính Goethe mới “là người dạy cho ta (người Nhật) thế nào là can đảm và bình đẳng”.
E) Tây Ban Nha
Tác phẩm Tây Ban Nha đã được dịch ra tiếng Nhật tự thời Azuchi Momoyama (1568-1600). Năm 1592 tức sau khi Hideyoshi Toyotomi thống nhất thiên hạ, đã có một tác phẩm được in ra bằng chữ La Mã ở Kyuushuu. Đó là Fides no Doxi còn gọi là Shinjinroku có nghĩa là Bài Giảng Của Nhà Truyền Giáo. Quyển sách với mục đích dạy giáo lý nầy đã dịch từ nguyên tác của thầy dòng Dominicain tên Luis de Grenada (1504-1588). Ông này còn có một tác phẩm khác nhan đề Dẫn Dắt Kẻ Phạm Tội (Guía de pecador, 1556-1557) được phiên trực tiếp qua âm Nhật thành Giyadopekadoru.
Đến đời Meiji, tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng nhất được giới thiệu cho người Nhật không gì khác hơn Don Quixote (1605-1615) của Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616), được dịch thành Độn Hỷ Ông kỳ hành truyện (Truyện về hành vi lạ lùng của ông Don Ki) vào năm 1885. Tuy nhiên, từ năm 1613 trong tập đoản thiên Tập Đoản Thiên Mẫu Mực (Mohan Shôsetsu-shuu hay Novelas Ejemplares) có đăng hai tác phẩm khác là Kết Hôn Trá Hình (El casamiento enganoso) và Sức mạnh của huyết tộc (Le fuerta de sangre). Don Quixote với nội dung phúng thích lớp kỵ sĩ suy vi, có giá trị giáo dục đối với người đương thời nhưng hai tác phẩm kia chỉ được người dịch giới thiệu như một chuyện có thật và khai thác khía cạnh ly kỳ của nó thôi.
F) Văn Học Châu Mỹ La Tinh
Văn học Châu Mỹ La Tinh chỉ đến Nhật thực sự từ thập niên 1970 nghĩa là trên 30 năm nay. Dầu có nhiều người Nhật di dân đến Brazil, Argentine, Peru nhưng Nhật Bản chỉ chú ý đến đời sống tinh thần của khu vực này từ khi có những biến chuyển chính trị năm 1959 của cuộc cách mạng Cuba. Trong thập niên 1950, thơ của Pablo Neruda ( 1904-1973) và văn Jorge Luis Borges (1899-1986) được độc giả biết đến và tán thưởng, trong thập niên 1960, đôi bài thơ mang màu sắc chính trị được dịch ra trong các tuyển tập thơ hay quốc tế nhưng nói chung chưa để lại ấn tượng sâu sắc. Bất đồ sau đó, với sự xuất hiện của những cây viết mới được sách báo Âu Mỹ giới thiệu, một phong trào ái mộ văn học Châu Mỹ La Tinh đã thành hình ở Nhật Bản.
Văn học Châu Mỹ La Tinh viết bằng hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã xuất phát từ thế kỷ 16 nhưng chỉ là mô phỏng Âu Mỹ. Mãi đến giai đoạn 1880-1920 mới có những cây bút trẻ ra đời qua cuộc vận động cách tân (Modernisimo). Trên con đường đó, văn học đã khai hoa với những nhà văn nhà thơ phần nhiều lưu vong ở Âu Châu như Miguel Angel Asturias (1899-1974), Alejo Carpentier (1904-1980), Jose Luis Borges (1899-1986). Asturias viết Ngài Tổng Thống (El Senor Presidente, 1946) phê phán chính quyền độc tài, có tiếng vang lớn, sau đoạt giải Nobel văn chương năm 1967. Carpentier cho ra đời vào năm 1946 tác phẩm Vương quốc cuộc đời (El reine de este mundo), trình bày hiện thực kinh dị của xã hội Mỹ La Tinh, một hiện thực không thua gì thế giới huyễn tưởng thấy trong của những nhà văn siêu thực Âu Châu mà ông đi lại. Borges đi theo một con đường khác. Sinh trưởng trong gia đình thượng lưu ở Buenos Aires, ông bắt đầu bằng thơ, sau đó bước qua lãnh vực tiểu thuyết.Tác phẩm tiêu biểu có Tập truyện truyền kỳ (Ficciones, 1944) và Chữ A (El Aleph, 1949), khai triển những chủ đề liên quan đến các ý niệm như thời gian, vĩnh cữu, cái chết, mộng, mê cung…
Ba nhà văn này đã gây nên phong trào yêu chuộng văn học Châu Mỹ La Tinh ở Nhật. Sau các ông, đến lượt nhà văn người Peru, Mario Vargas Llosa (1936- ), với Thành phố và bầy chó (La ciudad y los perros, 1962) trình bày vấn đề bạo lực dã man ở một học viện quân sự. Ngoài ra còn phải kể đến nhà văn người Uruguay Juan Carlos Onetti (1909-1994), nhà văn Mehico Juan Rulfo (1918-1986), những người đã khẳng định sự hiện hữu của văn hóa Châu Mỹ La Tinh.
Trong số những nhà văn của vùng đất này, người được coi như đóng góp nhiều hơn cả có lẽ là Gabriel Garcia Marquez (1928- ), người gốc Columbia giải Nobel văn chương 1982, với Trăm năm Cô Đơn (1967), một tác phẩm ăn khách không tiền khoáng hậu của một tác giả Mỹ La Tinh. Tác phẩm vẽ nên khung cảnh với những thảm trạng tiêu biểu cho một xã hội Mỹ La Tinh bất cứ ở đâu. Thủ pháp pha trộn yếu tố hiện thực với siêu tự nhiên của ông được gọi là “hiện thực huyền ảo” (magic realism), đã trở thành một nét đặc trưng của văn học Mỹ La Tinh.
Các nhà văn Nhật Bản trước tiên đã biết đến tác phẩm văn học của Châu Mỹ La Tinh qua tiếng Pháp. Họ là Shinoda Hitoshi, Nakamura Shin-ichirô, Shimizu Tôru, Tsuji Kunio, Ôe Kenzaburô. Văn học vùng đất này đã được dịch rất nhiều trong các tạp chí ở Nhật trong niên đại 1960 và sau khi Asturias đoạt giải Nobel thì sách dịch về họ bắt đầu ra đời. Ngài Tổng Thống (1971), Trăm Năm Cô Đơn (1972)… được nhiệt liệt tán thưởng nên đến khoảng 1977 đã bắt đầu có những bộ tùng thư về văn học Mỹ La Tinh trên thị trường. Đáng kể nhất là bộ của nhà xuất bản Shuueisha gồm 18 quyển (1983-84) và bộ của Gendai Kikakushitsu có tới 15 quyển (1992-96).
Lời tạm kết:
Trên đây, người viết chỉ có thể trình bày một cách sơ sài về quá trình tiếp thu ảnh hưởng Tây Phương của các nhà văn Phù Tang. Nước Nhật đã biết đến văn học Tây Phương từ thế kỷ 16 nghĩa là rất sớm và tỏ ra có tính hiếu kỳ và cầu tiến, muốn biết người để biết mình. Việc phiên dịch các tác phẩm ngoại quốc nằm trong quĩ đạo quốc sách “thoát Á nhập Âu” của buổi đầu thời Meiji (thế kỷ 19) là cách học hỏi mau chóng hơn cả, nay đã lan mãi ra không biết đến bến bờ nào. Tuy việc dịch thuật ít nguy hiểm hơn sáng tác vì ìt khi bị rơi vào cái họa “văn tự ngục” song lắm khi người dịch cũng gặp rắc rối đến nổi phải ra hầu tòa như trường hợp người đầu tiên dịch Người tình của phu nhân Chatterley (Lady Chatterley ‘s Lover) sang tiếng Nhật. Tác phẩm gây chấn động thời đó của nhà văn Anh D.H. Lawrence (1885-1930) ngày nay chẳng qua một quyển sách với nội dung quá hiền lành nếu đem đặt bên cạnh các sáng tác của lớp nhà văn đến sau ông.
Như đã nói, người Nhật có tiếng là một dân tộc dịch sách và đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy sự nghiệp dịch thuật, dù chỉ trong phạm vi tác phẩm văn chương, đã góp phần vào việc khai sáng (người Nhật thời Meiji gọi là keimô (khải mông)) [xxi] và canh tân đất nước nói chung, làm phong phú cho hoạt động của giới sáng tác và nâng cao tri thức và trình độ thưởng ngoạn của độc giả nói riêng.
(Trích Phác Thảo Lịch Sử Văn Học Nhật Bản, chưa xuất bản)
(Ph.d Nguyễn Nam Trân)
Người Nhật có tiếng là một dân tộc dịch sách và đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy sự nghiệp dịch thuật, dù chỉ trong phạm vi tác phẩm văn chương, đã góp phần vào việc khai sáng và canh tân đất nước nói chung, làm phong phú cho hoạt động của giới sáng tác và nâng cao tri thức và trình độ thưởng ngoạn của độc giả nói riêng.
Chúng ta biết rằng thời xưa, Nhật Bản đã tiếp nhận ảnh hưởng ngoại quốc, phần lớn từ các quốc gia Á Đông. Trước hết là ảnh hưởng Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Ba Tư. Về mặt văn học mà thôi cũng đã thấy ảnh hưởng của Trung Quốc vô cùng lớn lao nếu không nói là có tính quyết định. Nhưng dù sao đi nữa, Nhật Bản tuy đón nhận một cách nồng nhiệt văn hóa nước ngoài nhưng đã biết tiếp thu một cách khéo léo và chọn lựa những gì hợp với bản sắc dân tộc vừa mô phỏng vừa sáng tạo để làm cho phong phú bản sắc ấy.
Hình trên: Mori Ogai (1862-1922), nhà văn đầu đàn của Nhật thời Minh Trị, cũng là một dịch giả có nhiều dịch phẩm ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Hình dưới: Tượng của Mori Ogai tại nơi sanh của ông là thành phố Tsuwano, Nhật Bản.
Tiết I: Ảnh hưởng của Âu Mỹ:
Sự thể ấy cũng đã xảy ra một cách tương tự vào thời cận đại và hiện đại đối với văn học Tây Phương. Khi tiếp xúc lần đầu với văn học Tây Phương dĩ nhiên người Nhật đã đứng trước những ngôn ngữ và văn tự hoàn toàn dị biệt, một trở ngại nghìn lần lớn hơn nếu so với lúc họ tiếp xúc với Trung Quốc. Cách đột phá duy nhất là phiên dịch nghiên cứu để giới thiệu, nhưng muốn nghiên cứu cũng phải có khả năng thông hiểu ngôn ngữ. Chúng ta cần phải đánh giá cao nỗ lực và tinh thần học hỏi của người Nhật khi biết rằng Nhật Bản là một quốc gia mà ngày nay, số lượng tác phẩm phiên dịch đứng hàng đầu thế giới.
Bài viết nầy phần lớn dựa trên tác phẩm cơ sở của hai giáo sư Yamauchi Hisaaki (sinh năm 1934, chuyên khoa văn chương Anh) và Kawamoto Hiroshi (sinh năm 1939, chuyên khoa văn chương Pháp) xuất bản năm 2003. Nội dung của bài viết không có mục đích tò mò tìm hiểu “ai bắt chước ai” và “bắt chước ở chỗ nào” mà chỉ để, qua vài thí dụ điển hình, mô tả cách tiếp thu tác phẩm ngoại quốc như kích thích cho sáng tạo của các nhà văn Nhật cũng như quá trình tài bồi từ kho tàng chung của nhân loại để có được một nền văn học với bản sắc riêng.
A) Văn chương phiên dịch Âu Mỹ
B)
Yoshitake Yoshitaka[ii], người nghiên cứu lịch sử ngành phiên dịch dưới hai triều Meiji và Taishô, đã viết lịch sử các phóng tác để tìm hiểu ảnh hưởng của Tây Âu đối với văn học Nhật Bản đến được mức nào. Chỉ riêng trong phạm vi tập sách nói trên, ông đã đưa ra tên tuổi 20 nhà văn và khoảng 50 tác phẩm phóng tác. Điều ấy chứng tỏ văn chương phiên dịch đóng cả hai vai trò: trực tiếp và gián tiếp. Nó đến thẳng với người đọc trong trường hợp thứ nhất và gián tiếp qua các phóng tác trong trường hợp thứ hai. Nhờ tài năng của các nhà văn, nó hoặc trở thành món ăn hợp khẩu vị người Nhật hay đã đóng nhiệm vụ gợi ý để các người nầy (phần lớn tinh thông ít nhất một ngoại ngữ, nhưng cũng có người không biết tiếng nào) có thể viết nên tác phẩm hay một phần tác phẩm mới.Công việc phiên dịch có tính cách quyết định như thế vì trong buổi đầu tiếp xúc với Tây Phương, số người biết ngoại ngữ chưa nhiều và sự đi lại trên thế giới hãy còn khó khăn.
Nói về phiên dịch văn học ở Nhật thì tác phẩm đầu tiên cần phải nhắc đến có lẽ là Aesopos Fabulas dưới cái tên Isoho Monogatari (Y Tăng Bảo Vật Ngữ) sau đến một số tác phẩm có tính cách đại chúng khác.
1) Truyện Ngụ Ngôn Êzốp (Aesopos Fabulas)
Ngay trước thời Edo, từ năm Bunroku (Văn Lộc) thứ 2 (1593), các nhà truyền giáo của Da Tô Hội Học Vấn Sở (Collegio) đã nhờ một người Nhật tên thánh là Fabian (trước vốn là nhà sư Phật Giáo tên Fukan (Bất Can) sau cải giáo theo đạo Thiên Chúa) dịch truyện ngụ ngôn của nhà văn cổ Hi Lạp Aesopos từ bản La Tinh ra tiếng Nhật và phiên âm bằng chữ La Mã viết theo kiểu tiếng Bồ, đồng thời soạn Nhật Bồ Từ Điển và sách giáo lý Dochirina Kirisutan. Riêng Truyện Ngụ Ngôn của Aesopos (Isoho Monogatari tức Y Tăng Bảo Vật Ngữ)[iii] có lẽ là tác phẩm văn học Tây Phương được dịch (và phiên ra âm Nhật dưới dạng chữ La Mã chứ không phải dịch ra Hòa văn) đầu tiên. Truyện này đã được nhà chung khôn khéo cho in cùng với Truyện Heike và tập thơ Kinku-shuu (Kim Cú Tập) là hai tác phẩm người Nhật yêu chuộng để làm văn bản hỗ trợ cho việc truyền bá giáo lý.Tập ngụ ngôn này đã ảnh hưởng đến loại văn học có tính cách giáo huấn về sau, đặc biệt loại tiểu thuyết kanazôshi (tiểu thuyết viết bằng văn tự Nhật kana, dễ đọc, dễ hiểu). Nhà văn Tamenaga Shunsui (Vi Vĩnh, Xuân Thủy, 1790-1843) đặc biệt sử dụng tập ngụ ngôn này rất nhiều lần trong tác phẩm dạy luân lý đơn giản bằng tranh vẻ E-iri Kyôkun Chikamichi (Hội Nhập Giáo Huấn Cận Đạo) của ông. Nhà tư tưởng và chí sĩ duy-tân Yoshida Shôin (Cát Điền, Tùng Âm, 1830-1859) cũng dùng tài liệu từ bản dịch sang Hán văn của tập ngụ ngôn nầy mang tên Ý Thập Dụ Ngôn để nói bóng gió khi bình luận chính trị.[iv]
2) Cuộc phiêu lưu của Robinson Crusoe (Robinson Crusoe)
Có lẽ là quyển tiểu thuyết Tây Phương được dịch ra Nhật ngữ trước nhất. .Người dịch tên là Kuroda Kikuro (Hắc Điền, Khúc Lỗ) đã chuyển ngữ một phần từ bản tiếng Hà Lan năm Kôka (Hoằng Hóa) thứ 2 (1845) với đầu đề Phiêu Lưu Ký Sự (Hyôryuu Kiji). Năm Meiji thứ 5 (1872) lại có Saitô Ryôan (Trai Đằng, Liễu Am) dịch đầy đủ dưới cái tên Robinson Zenden (Lỗ Mẫn Tốn Toàn Truyện). Về sau, có thêm nhiều người khác dịch truyện này dưới các dạng khác nhau, nhưng tất cả vẫn xem nó như truyện mạo hiểm hay văn chương dành cho nhi đồng chứ không ai hiểu được dụng ý phúng thích xã hội sâu sắc của tác giả Daniel Defoe.
Trong số người dịch Robinson Crusoe có Inoue Tsutomu (Tỉnh Thượng, Cần), một trong những nhà dịch thuật sung sức đầu thời Meiji. Ông là người dịch chuyên nghiệp cho Bộ Ngọai Giao và Bộ Giáo Dục. Ngoài Tuyệt thế kỳ đàm. Lỗ Mẫn Tốn phiêu lưu ký tức Robinson Crusoe, tiểu thuyết của Defoe, ông còn dịch các tác giả Jules Verne (Tam Vạn Anh Lý Hải Để Lữ Hành = Ba vạn dặm Anh dưới đáy biển ), Thomas Moore (Lương Chính Phủ Đàm = Truyện Trị Dân Tốt), và Shakespeare (Nhân Nhục Chất Nhập Tài Phán[v] = The Merchant of Venice = Con buôn thành Vơ-Ni) [vi].
3) Gulliver Phiêu Lưu Ký (Gulliver’s Travel)
Có thuyết cho rằng tác phẩm tên gọi Hòa Trang Binh Vệ Dị Quốc Kỳ Đàm xuất bản năm An-ei thứ 3 (1754) chính là bản đầu tiên được dịch sang tiếng Nhật. Ngày nay, không còn cơ sở vật chất nào được lưu lại giúp ta kiếm chứng điều đó. Đến năm Meiji thứ 13 (1880), Gulliver’s Travel mới được một người tên Hirayama Katasaburô (Bình Sơn, Phiến Tam Lang) dịch ra dưới cái tên Nga Lê Bá Nhi Hồi Đảo Ký, sơ biên Tiểu Nhân Quốc chi bộ nghĩa là Phần một: Truyện Gulliver đi đến hòn đảo nước người tí hon. Truyện được Nhất Lục Cư Sĩ đề tựa bằng chữ Hán và kèm tranh màu minh họa. Trong sách còn có chỗ cho biết sẽ in thêm tập thứ hai nói về chuyến đi của Gulliver đến nước người khổng lồ nhưng rốt cuộc tập thứ hai nầy chỉ được dịch năm Meiji 20 bởi một người khác tên là Okubo Jôkichi (Đại Cữu Bảo, Thường Cát). Chính ra truyện Gulliver có cả thảy bốn tập, hai tập sau có nói cả việc Gulliver, tự xưng là thương nhân Hòa Lan biết y học, bị đắm thuyền và muốn trở về Âu Châu nên được phép đặt chân lên đất Nhật (ở các hải cảng Shimonoseki, Edo và Nagasaki). Gulliver được giới thiệu đến gặp cả Shôgun trước khi trở về Anh bằng tàu Hòa Lan theo đường Mũi Hảo Vọng (Cap Hope). Người Nhật không mấy quan tâm đến mấy chuyện ấy nên chỉ chọn dịch hai tập đầu.
4) Hamlet của Shakespeare
Năm Meiji 19 (1886), Kanagaki Robun (Giả Dành Đàn, Lỗ Văn, 1829-1894) đã đăng liên tục trên tờ báo Tôkyô E-iri Shinbun (Đông Kinh Hội Nhập Tân Văn) tức tờ báo Tôkyô có kèm tranh vẽ (hội (e) = tranh, nhập (iri) = cho vào) truyện dịch Hamlet dưới tên Diệp Vũ Liệt Sĩ Nụy Cẩm Hội. Diệp (Ha) Vũ (Mu) Liệt Sĩ (Let) chỉ là cách phiên âm tiếng Nhật của Hamlet chứ không có nghĩa gì đặc biệt. Truyện được đăng tất cả 22 hồi, mất một tháng.
5) Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới (Voyage autour du monde dans 80 jours):
Năm Meiji thứ 11 (1878 ), Kawashima Chuunosuke đã dịch phần đầu truyện của Jules Verne dưới nhan đề Truyện Mới: Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới (Shinsetsu Hachijuunichi Kan Sekai Isshuu, Tân thuyết- Bát thập nhật gian thế giới nhất chu). Đến năm Meiji 13 (1880) thì chia truyện làm 2 bộ và được xuất bản cả hai. Đặc điểm của Kawashima là đã sống ở Pháp (Lyon) nên đủ sức dịch truyện nầy từ nguyên tác Pháp văn.
6) Nghìn Lẻ Một Đêm (Arabian Nights)
Nghìn Lẻ Một Đêm (Thiên Dạ Nhất Dạ) và tập thơ Rubayat (của thi nhân Ba Tư Omar Khayam) là hai tác phẩm của văn học Trung Đông đã được người Nhật biết đến rất sớm. Người ta biết Nghìn Lẻ Một Đêm đã được hoàn thành dần dần từ thế kỷ thứ 9 đến 19, theo hai đường truyền khẩu và văn tự. Một văn bản của nó đã được in ra hồi thế kỷ 17 và nhà học giả đông phương người Pháp Antoine Galland (1646-1715) dịch sang tiếng Pháp. Nguyên bản truyện đầy đủ sự tích 1001 đêm chỉ in xong vào năm 1835 ở Ai Cập và khoảng 1839-1842 ở Ấn Độ. Sau đó, nhiều người như Edward Lane (1801-1886), Joseph-Charles Victor Mardrus (1868-1949), Richard Burton (1821-1890) đã dịch lại qua Anh và Pháp ngữ.
Ở Nhật, có nhiều bản dịch và phóng tác Nghìn Lẻ Một Đêm từ thời Meiji với mục đích giáo huấn và mua vui. Tuy nhiên, hai bản có tiếng hơn cả là của Nagamine Hideki (Vĩnh Phong, Tú Thụ, 1848-1927) năm 1875 dưới nhan đề Arabiya Monogatari (Bạo Dạ Vật Ngữ = Đêm Ả-Rập) và của Inoue Tsutomu (Tỉnh Thượng, Cần, 1850-1928 ) năm 1883 cái tên Quyển Sách Kinh Dị Nhất Thế Giới (Zen Sekai Daiichi Kysho) (vì đánh giá nó còn cao hơn tứ kỳ thư Trung Quốc). Nagamine đã dịch theo bản tiếng Anh ra đời năm 1866 của G.F. Townsend tham khảo bản của Antoine Galland. Còn Inoue Tsutomu không rõ đã dùng bản nào nhưng xem ra thì đã sử dụng bản tiếng Anh The Arabian Nights’ Entertainments dịch từ Galland của một nhà xuất bản ở Edimburgh năm 1865 thêm tranh vẽ của S.J.Groves in trong đó và tham chiếu bản tiếng Đức của Gustav Weil. Vai trò của Nghìn Lẻ Một Đêm ở Nhật quan trọng ở chỗ nó vừa có tính cách truyện nhi đồng vừa có tính cách truyện sắc dục, đã gây tranh cãi nhưng cũng kích thích cho sự phát triển của hai thể loại nầy.
7) Vai trò công cụ phổ biến của báo chí trong phiên dịch:
Những ví dụ vừa kể cho ta thấy tác phẩm phiên dịch qua văn Nhật đến từ những chân trời khác nhau. Không những Pháp, Anh, Bồ, Hà Lan mà cả Nga như Nhật Ký Của Người Đi Săn của Tourgueniev đã được Futabatei Shimei dịch rất sớm trên tờ Kokumin no Tomo (Quốc Dân Chi Hữu) năm Meiji 11 (1878 ). Và cùng với Tourgueniev, Futabatei đã đưa cả phong cách của văn học Nga đến với văn đàn. Tờ báo nầy còn đăng trong số 32 một phần Paul et Virginie của Bernardin de Saint Pierre, truyện tình bất hạnh của đôi trai trẻ trên đảo Saint Maurice ngoài khơi Ấn Độ Dương. Tội và Phạt [vii] của Dostoievski cũng đã được dịch ra Nhật Ngữ và đăng trên tờ Kokkai Shinbun (Quốc Hội Tân Văn) từ 1892. Vai trò của các tạp chí văn học như phương tiện du nhập và phổ biến văn học ngoại quốc rất đáng kể. Ngoài Kokumin no Tomo và Kokkai Shinbun vừa đơn cử, còn có tạp chí Myôjô (Minh Tinh) từ 1895 đăng tải tác phẩm của Leconte de Lisle, Baudelaire, Verlaine, Browning đến với độc giả. Tờ Shinshôsetsu (Tân Tiểu Thuyết) còn giới thiệu văn hào Goethe qua Nổi khổ tâm của chàng trẻ tuổi Werther (Die Leiden des Jungen Werthers) vào năm 1893.
8) Thơ dịch:
Về thơ thì năm Meiji 15 (1882), theo Tomita Hitoshi (sđd, tr.108), nhóm ba ông Tôyama Seiichi (Ngoại Sơn, Chính Nhất) đã cho in Shintaishi-shô (Tân Thể Thi Sao) tức Tập Thơ Hình Thức Mới, gom góp thơ Tây Phương họ tuyển dịch kèm thêm sáng tác của chính mình. Thơ Tây Phương (poetry) mà họ trình bày ở đây là hình thức mới (tân thể) khác với thơ chữ Hán và thơ Nhật [viii] (thể 5/7 âm tiết) đã có từ trước. Ngôn ngữ của thơ mới gần gủi với nếp sống hàng ngày, điều mà người làm thơ cũ vẫn cho là thấp kém, không văn vẻ.
Năm Taishô thứ 2 (1913), Nagai Kafuu từ Pháp du học trở về cũng đã xuất bản Sango-shuu (San Hô Tập) góp lại 38 bài thơ dịch mà ông đã đăng trong quảng thời gian 22 tháng (1909-1910) trên các tờ Joshi Bundan (Nữ Tử Văn Đàn), Shin Bunrin (Tân Văn Lâm), Nhật Báo Yomiuri (Yomiuri Shinbun), Shusai Bundan (Tú Tài Văn Đàn) và Subaru (Sao Mão). Ngoài 38 bài thơ dịch Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Valéry vv...còn có thêm mười bài văn xuôi.
9) Tiếp xúc trực tiếp Tây Phương:
Chúng ta đều biết các nhà văn Nhật Bản không những chỉ biết Tây Phương qua sách vở mà còn có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ trên đất nước họ. Từ khi có cuộc duy tân thời Meiji, du học sinh Nhật Bản ra ngoại quốc rất nhiều. Trong đám các nhà văn, hai du học sinh có tiếng nhất là Ôgai (đi Đức) và Sôseki (Anh), nhưng cũng đừng quên Futabatei Shimei (Nga), Takamura Kôtarô (Mỹ, Pháp), Kafuu (Mỹ, Pháp), Arishima (Mỹ), Hori (Pháp)... Ngược lại, các nhà văn Âu Mỹ cũng đã đặt chân lên đất Nhật. Tuy ảnh hưởng của họ đến văn học Nhật Bản đến đâu thì chưa đánh giá hết được nhưng không thể quên nhà văn Pháp Pierre Loti (1850-1923) tức sĩ quan hải quân Julien Viaud đã có lần dự tiếp tân ở dinh Rokumeikan ngay giữa Tôkyô, người Anh-Hi Lạp Lafcadio Hearn (1850-1904), giáo sư Anh văn Đại học Tôkyô, sau nầy sẽ trở thành nhà văn Nhật Koizumi Yakumo (Tiểu Tuyền, Bát Vân) hay nhà ngoại giao kiêm nghiên cứu Ái Nhĩ Lan William George Aston (1841-1911), tới Edo năm 1864, hai năm trước cuộc duy tân và dịch quyển văn học sử Nhật Bản đầu tiên năm 1898 [ix].
Tiết II: Nhà văn Nhật Bản sử dụng kiến thức Âu Mỹ như thế nào?
1) Trường hợp các nhà văn thời Meiji:
Ta có thể nghĩ văn nhân đời Meiji dễ dàng thu nhận ảnh hưởng văn học Edo là ảnh hưởng bản địa hơn văn học Thái Tây. Điều đó chưa hẳn đúng. Con Quỉ Kim Tiền (Konjiki Yasha, 1897) của Ozaki Kôyô, nhà văn xã hội có khuynh hướng mô phỏng cổ nhân, chẳng hạn, đáng lý ra chỉ là cái vạch nối dài của văn chương thời Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704). Nhưng không! Kôyô đồng ý với quan điểm về viết tiểu thuyết theo lối mới mà Tsubo-uchi Shôyô trình bày trong Tinh Túy của Tiểu Thuyết (Shôsetsu Shinzui) và đã bắt đầu dịch tác phẩm của Molière và Zola. Cho nên sẽ không có gì nghịch lý khi ta bảo Konjiki Yasha có thể chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết tên Hoa huệ trong thung lũng (White Lily in the Valley) của một nữ tiểu thuyết gia Mỹ. Tuy nhiên gần đây giới nghiên cứu (Yasuda Yasuo, theo Tomita, sđd, tr. 50) lại cho rằng dịch phẩm Cuộc Hẹn (Aibiki) mà Futabatei Shimei dịch từ văn Tourgueniev mới thực sự ảnh hưởng tới tiểu thuyết của Kôyô, nhất là chương bảy (cảnh rừng mơ ở Atami) và chương 8 (cảnh chia tay trong tủi hận trên bải biển giữa đôi tình nhân). Một lập luận khác (của Yamomoto Kenkichi, theo Tomita, sđd, tr. 50) qui cho mô típ «người đàn ông phục thù» thấy trong Đỉnh Gió Hú (Wuthering Height) của Emily Bronte... như là điểm then chốt của tiểu thuyết ấy. Ngoài ra, ảnh hưởng của Người Biển Lận [x] (L’avare) của Molière đối với Con Quỉ Kim Tiền (Konjiki Yasha) và trên Áo Mát Mùa Hè (Natsusode, Hạ Tiểu Tụ) tức, một tác phẩm khác của ông, cũng được đề cập tới.
Cũng một thể ấy, trong Xé Rào (Hakai, Phá Giới) của Shimazaki Tôson, người thầy giáo dấu tông tích thấp hèn của mình cho đến một ngày chịu hết nổi, phải bộc lộ điều đó ra khi cương quyết ra mặt chống đối thành kiến bất công của xã hội, có thể đã chịu ảnh hưởng của Xưng Tội (Confessions) của Jean-Jacques Rousseau, được dịch ra Nhật ngữ dưới nhan đề Sangeroku (Sám Hối Lục), một cái tên rất Phật giáo cũng như Phá Giới vậy. Tomita cho biết năm 23 tuổi, Tôson đã có dịp đọc Confessions qua Anh ngữ cũng như đã được đọc cả Tội và Phạt của Dostoievsky.
2) Trường hợp các nhà văn thời Taishô:
Kiến thức Âu Mỹ của một nhà văn đời Taishô (1912-1926) như Akutagawa cũng bắt nguồn từ sách dịch. Katô Shuuichi [xi] cho biết Akutagawa đã dẫn ra trong tác phẩm của mình hết Strindberg, Nietzsche, Tourgueniev, Tolstoi, Gogol, Dostoevski, Flaubert đến Baudelaire.., từ những bài viết của họ được dịch qua tiếng Anh (ông tốt nghiệp đại học khoa Anh). Để viết quyển truyện châm biếm Kappa, ông phải tham khảo cả Jonathan Swift lẫn Samuel Butler. Kiến thức của Akutagawa trải rộng từ Shakespeare cho đến các nhà soạn kịch Ailen, từ François Villon đến Paul Valéry. Nhân vật trong truyện của ông biết cả về Pierre Loti (trong Buổi Dạ Vũ, Butôkai) và Whilhem Liebknecht (trong Sơn trang Gengaku, Gengaku sanbô). Tuy ông không từng đặt chân lên các nước Âu Mỹ như Ôgai (Đức), Sôseki (Anh) hay Kafuu (Pháp và Mỹ) nhưng kiến thức của ông không vì thế mà kém phần phong phú. Nó đã pha trộn với cổ điển Trung Hoa mà ông nằm lòng, cũng như văn chương thời Edo (Bashô, Bakin...) mà ông thường dùng làm đề tài.
Akutagawa và Yabu no naka
Ảnh hưởng của văn chương ngoại quốc đến một nhà văn Nhật Bản bằng một cách nhiều khi phức tạp hơn ta tưởng. Ví dụ Khuất Trong Lùm Cây [xii] (Yabu no naka, 1925) của Akutagawa, đã trở thành sườn của cuốn phim Rashômon bất hủ của đạo diễn Kurosawa Akira. Ta chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ tập Truyện Nay Đã Xưa (Konjaku Monogatari), (quyển 29, truyện 23, kể truyện một cặp vợ chồng nhà quan gặp cướp núi, sau khi bị cướp làm nhục trước mặt chồng, vợ lại nẩy ra ý muốn giết chồng) là một tác phẩm cổ điển của Nhật ra đời vào tiền bán thế kỷ 12. Thế nhưng, có chứng cứ khác cho thấy Akutagawa cũng đã mượn nguồn cảm hứng từ văn học Tây Phương để viết truyện nầy.
Yasuda Yasuo (theo Tomita, sđd) đã dẫn ra hai tác phẩm Âu Mỹ có thể liên quan đến nó: Chiếc nhẩn và quyển sách của Browning và Phục Thù của Henry de Régnier [xiii] mà một nhà văn lớp trước, Mori Ôgai, đã cho đăng trong Truyện Các Nước (Shokoku Monogatari, Chư Quốc Vật Ngữ). Ông đã so sánh và phân tích từng điểm giống nhau giữa 2 truyện đó với Yabu no naka. Ngoài ra, vẫn theo Tomita, Yoshida Seiichi lập ra mối liên hệ giữa Con Đường Trăng Sáng (The Moonlight Road) trong tập truyện Sao Lại Xảy Ra Được? (Can Such Thing Be?) của nhà văn Mỹ Ambroise Pierce.Trong truyện của Pierce, nhân một vụ án mạng, ba người trong cuộc đã trình bày sự việc liên quan tới họ và cuối cùng, người vợ là kẻ bị giết đã mượn lời đồng cốt để trình bày sự thật về phía mình. Thế nhưng theo Tomita Hitoshi (sđd, tr. 66) thì Khuất Trong Lùm Cây (Yabu no naka) gần với “Người con gái của bá tước Ponthieu”, một tác phẩm của Pháp thế kỷ 13 hơn là truyện của Pierce.Tác phẩm của Pháp kể truyện con gái của bá tước Ponthieu, vì không con nên cùng chồng là Thibaut đi hành hương ở Santiago bên Tây Ban Nha để cầu tự, giữa đường gặp cướp.Thibaut dũng cảm chống cự nhưng rốt cục bị trói, chứng kiến cảnh cướp làm nhục vợ trước mắt. Khi cướp đi rồi, Thibaut nhờ vợ cởi trói hộ nhưng ngạc nhiên thay, lúc đó, vợ lại dùng thanh kiếm tên cướp bỏ lại định chém chết chồng. Thibaut khéo léo tránh và nhờ đó, dây trói trái lại được cắt đứt. Thibaut thoát hiểm, lôi vợ xuống núi và gửi vào tu viện làm ni, một mình về nước. Bá tước biết chuyện, nhục nhã quá nên tìm đến nơi, đóng con gái vào thùng rồi quẳng xuống biển.
Có một sự tình cờ lạ lùng là Akutagawa đã viết tiểu luận tốt nghiệp đại học với nhan đề Nghiên cứu về William Morris [xiv]. Thêm một sự trùng hợp nữa là câu chuyện dịch qua tiếng Anh của Người con gái của bá tước Ponthieu đã được in trong toàn tập của Morris nữa. Vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác thực xem Akutagawa đã đọc nó trong đó hay không nhưng chi tiết “vợ muốn giết chồng” của truyện Pháp nầy trùng hợp với mấu chính thấy trong truyện kể của Truyện Nay Đã Xưa (Konjaku) [xv].
Ảnh hưởng nơi các nhà văn khác:
Cũng vậy, kinh nghiệm sống ở Pháp đã làm văn chương của Hori Tatsuo mang dấu ấn của Zola và Maupassant. Một người đàn bà (Aru Onna) của Arishima Takeo cũng mang hình ảnh của Anna Karenina. Trực tiếp hay gián tiếp, văn học ngoại quốc không ngừng ảnh hưởng tới văn học Nhật Bản từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên.
Tiết III: Đặc điểm của văn học đến từ mỗi nước:
A) Nga:
Người đã đưa văn học Nga vào nước Nhật là một nhà truyền đạo Chính Thống Giáo tên Nikolai (1836-1912). Ông đến Nhật năm 1861 với tư cách viên chức phụ trách vấn đề tôn giáo ở Lãnh Sự Quán Nga ở Hakodate, miền bắc nước Nhật. Ông nhiệt tâm tìm hiểu văn hóa Nhật và, mặt khác, để giới thiệu về nước mình, trong tờ tạp chí Tin tức nước Nga mà ông xuất bản tại đây, ông đã cho đăng vào năm 1866 Tội và Phạt của Dostoievski (mà ông có gặp ở Nga năm 1880) [xvi]. Năm 1872, lệnh cấm đạo bị bãi, ông xuống Tokyo và lập nhà thờ, truyền đạo. Ở lại Nhật Bản tất cả 48 năm, ông từng dạy 10 năm ở Đại Học Đông Kinh và mất ở đấy năm 75 tuổi.
Về phía Nhật Bản, người tiếp thu trực tiếp ảnh hưởng tác phẩm của Dostoievski là Futabatei Shimei (1864-1909). Ông từng nhìn nhận rằng cuốn Mây Trôi Dạt (Ukigumo) của ông viết theo phong cách của nhà văn Nga.
Người Nhật đánh giá Dostoievski rất cao và tính đến năm 2002, không kể các luận văn, đã có trên 100 cuốn sách bàn về văn chương của ông.
Sau đó, văn học Nga đã đến Nhật Bản với Tolstoi (qua trung gian Anna Karenina) các nhà tư tưởng xã hội của cuộc vận động Narodoniki (ảnh hưởng tới thơ của Ishikawa Takuboku, 1886-1912), Gogol, Tchekhov và văn học chủ nghĩa Marx-Lenin (đối với phong trào văn học vô sản (Puroretaria)).
B) Anh
1) Tiểu thuyết gia Anh và lý luận của Tsubo-uchi Shôyô
Tsubo-uchi Shôyô (Bình Nội, Tiêu Dao, 1859-1935), người mở đường cho tiểu thuyết Nhật Bản, nhất là về phương diện lý luận, đã gắn liền đời mình với văn chương Anh.Giáo dục ông thu nhận, hoạt động sáng tác, phiên dịch, dạy học và nghiên cứu (ông là giáo sư Đại Học Waseda) đều dính líu đến tiếng Anh. Như ta biết, Shôyô là người đi tiên phong trong việc dịch thuật các kịch phẩm của William Shakespeare (1564-1616) ở Nhật..
Thời ông đi học, chính phủ Meiji mời rất nhiều giáo sư ngoại quốc đến dạy cấp cao đẳng. Trong số đó, đã có triết gia kiêm mỹ thuật gia Ernest Fenollosa [xvii], người đầu tiên đã dịch tuồng Nô ra tiếng Anh trước thế chiến thứ nhất.
Trong lúc ngồi trên ghế ban Anh Văn Đại Học Đế Quốc Đông Kinh, Tsubo-uchi đã dịch thoát Cô dâu nhà Lammermoor (The Bride of Lammermoor, viết năm 1819) của Walter Scott (1771-1832) thành tác phẩm Shunfuu Jôwa (Xuân Phong Tình Thoại, 1880). Ông còn dịch The Lady of the Lake (viết năm 1810) cũng của Scott thành Kojô no Reijin (Hồ Thượng Lệ Nhân, 1884) [xviii].
Giỏi như Shôyô thế mà cũng trượt môn thi của thầy Fenollosa và phải ở lại năm thứ 3. Shôyô còn theo học về Shakespeare với người thầy Mỹ William A.Houghton và nhân đó đào sâu về văn học Âu Mỹ để so sánh thế giới quan của họ qua nhân vật nữ hoàng Gertrude trong Hamlet với thế giới quan Nho Giáo của Nhật Bản. Ông cho rằng nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết không phải là đem hành vi của Gertrude phán đoán với thước đo Nho Giáo mà là trình bày nó như hiện tượng tâm lý thấy nơi một con người. Theo H. Yamauchi và H. Kawamoto [xix] thì trong tác phẩm lý luận quan trọng của Shôyô, Tinh túy của tiểu thuyết (Shôsetsu Shinzui), ông đánh giá tiểu thuyết như một nghệ thuật có tầm vóc cao và rộng hơn cả hội họa, thi ca, kịch nghệ (một quan điểm mới lạ bị nhiều người đương thời dè bỉu). Việc đề cao tiểu thuyết có tham khảo ý kiến của Walter Scott, Thomas Thomson (1768-1852) và George Moir (1798-1851) vốn được ghi lại trong quyển thứ 19 của Đại Anh Bách Khoa Đại Từ Điển (Encyclopedia Britanica) in lần thứ tám.Việc đòi hỏi người viết tiểu thuyết phải mô tả cho được chân tướng của xã hội cũng căn cứ vào luận điểm của John Morley (1832-1923) trong Luận về George Elliott.
Năm 1884, Shôyô đã phóng tác tác phẩm Julius Ceasar (1599) của Shakespeare từ hình thức kịch qua tuồng người nộm Jôruri nhan đề Sóng gió chung quanh lưỡi kiếm vì tự do (Jiyuu Taitô Yoya Zeifuu, Tự Do Thái Đao Dư Ba Nhuệ Phong). Truyện nói về việc Brutus ám sát nhà độc tài Ceasar vào thời cổ La-Mã vì nghĩ rằng Ceasar muốn bỏ chế độ nghị hội để lên ngôi hoàng đế. Sau đó đã xảy ra bao nhiêu biến loạn cho đến khi Antony phục thù được cho Ceasar. Vở tuồng nầy không có mục đích đưa lên sân khấu. Nhân đó, trong lời phụ lục, ông tỏ ra bi quan khi cho rằng việc dịch văn ngoại quốc là điều khó thể thực hiện nếu không nói là bất khả vì có sự ngăn cách lớn lao về phương diện ngôn ngữ. Việc phiên dịch chỉ là một sự “hoán cốt đoạt thai” mà thôi. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về Shakespeare và đã dịch Hamlet (in năm 1909) nhưng phải thú nhận “đã dùng thể thơ 5/7 âm và hình thức tuồng kabuki lúc nào không hay ” trong khi theo quan điểm của Lafcadio Hearn, một người hiểu biết cả về Nhật và Anh, thì khi dịch Shakespeare, phải dịch theo văn nói. Trong Sa Ông Kiệt Tác Tập (23 quyển), ông còn dịch Romeo, Othello…nhưng mãi đến khi dịch King Lear, năm 1912 và Julius Ceasar năm 1913 thì số lượng văn nói trong bản dịch mới tăng thêm. Ngoài ra, cộng với 17 quyển chuyên về nghiên cứu nữa, ông đã để lại tất cả 40 tập nói về Shakespeare dưới cái tên Tân Tu Shakespeare Toàn Tập in lần đầu từ năm 1933 đến1935.
2) Thomas Gray và thơ mới Nhật Bản:
Năm 1882, các ông Tôyama Seichi, Yatabe Ryôkichi và Inoue Tetsujirô, ba giáo sư đại học Tôkyô đã dịch thơ Anh Mỹ đương thời ra tiếng Nhật với hy vọng đem một luồng gió mới đến với thi ca Nhật Bản. Ngoài 5 bài là thơ họ tự sáng tác, tập Tập ghi chép thơ hình thức mới (Shintaishi-shô) của 3 ông có 14 bài gồm có thơ của Tennyson, Longfellow, độc thoại của Hamlet. Ngoài ra, Yatabe đã dịch Hoài cảm bên mồ (An Elegy Written in a Country Church Yard) của Thomas Gray (1716-1771) mà thi sĩ đã viết trước ngôi mồ của một người vô danh trong nghĩa địa nhà thờ làng quê, với tâm sự “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Niềm hoài cảm của thi nhân u uất sống giữa đồng quê nước Anh như có cái gì gần gủi với tư tưởng vô thường Nhật Bản trong dòng văn học ẩn sĩ tiêu biểu bằng Hôjôki (Phương Trượng Ký ) và có lẽ là lý do mà Yatabe đã dịch (có thể là phỏng dịch vì ông đã thay “nhà thờ” trong bài thơ bằng “ngôi chùa”) và người Nhật rất yêu chuộng bài thơ nầy.
3) Kitamura Tôkoku và chủ nghĩa lãng mạn Anh:
Mười năm cuối cùng của thế kỷ 19, rõ ràng là văn học Nhật Bản chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn (romantism) đến từ Âu Châu. Shimazaki Tôson (Đảo Kỳ Đằng Thôn, 1872-1943) chẳng hạn, đã dịch truyện thơ Nữ thần Venus và nam thần Adônis (Venus and Adonis, 1593) của Shakespeare ra Cỏ Mùa Hạ (Kasô, 1892) rồi dùng lại trong sáng tác Ngựa nhà trời (Tenba, 1897) của mình.Khi viết Khúc hát gió thu (Shuufuu no Uta), ông đã lấy hứng từ Khúc hát gửi gió tây (Ode to the west wind, 1819) của Percy Bysshe Shelley (1792-1822). Nhà văn Kunikida Doppo (1871-1908) khi tả phong cảnh vùng đồng quê trong Cánh đồng Musashi (Musashino, 1901) hay về sự giao cảm với chim chóc trong Chim Xuân (Haru no Tori, 1904) cũng chịu ảnh hưởng tình yêu thiên nhiên thấy qua tác phẩm của hai anh em William Wordsworth (1770-1850) và Dorothy Wordsworth (1771-1855).
Nhà thơ và bình luận gia Kitamura Tôkoku (Bắc Thôn, Thấu Cốc, 1868-1894), tự sát lúc chưa đầy 26 tuổi, có để lại tập thơ Thơ của người tù nước Sở (Sojuu no shi, 1889) không lấy cảm hứng “Sở tù” từ điển cố Trung Quốc mà từ văn chương Anh tức tác phẩm Người tù ở Chillon (The Prisoner of Chillon, 1816) của nhà thơ Anh quốc Byron (Lord Byron, George Gordon, 1788-1824) nói về nhà ái quốc François de Bonnivard, 1496-1570, vì chiến đấu chống chế độ hà khắc nên bị giam cầm trong thành Chillon bên bờ hồ Leman. Cần nhớ rằng, trước khi tập thơ ra đời ít lâu, Nhật Bản đang có phong trào đòi dân quyền (1885) và chính phủ Meiji đã không ngần ngại bắt giam nhiều nhà vận động.
Một tác phẩm khác của Tôkoku, Hôraikyoku (Bồng Lai Khúc, 1891) nói về người tù không sống trong ngục tối nhưng trong nhà tù cuộc đời cũng mượn ý từ vở kịch Manfred (1817) của Lord Byron. Khung cảnh câu truyện của nhân vật Manfred là ngọn Mont Blanc thì khung cảnh của nhân vật của Tôkoku là núi Bồng Lai (Phú Sĩ).Cả hai đều muốn xa lánh cõi đời để đi cầu đạo ở một thế giới lý tưởng.
Người ta thấy Tôkoku khi viết nghị luận có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu việt (transcendentalism) đề xướng bởi triết gia Mỹ Ralp Waldo Emerson (1803-1882), người đã truyền bá triết học của Kant trên đất Mỹ. Chủ nghĩa siêu việt chủ trương con người phải chấp nhận quyền lực thần linh có tính phàm thần trong cuộc sống hữu hạn, cũng như phải hướng về một luân lý dựa trên cơ sở chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa cá nhân mà mục tiêu là cải thiện xã hội. Nói khác đi, ông đã có phần nào gián tiếp chịu ảnh hưởng của thi nhân chủ nghĩa lãng mạn Anh Thomas Carlyle (1795-1881), người mà Emerson hầu như sùng bái.
4) Nước Anh và Natsume Sôseki:
Văn hào Natsume Sôseki (1867-1916), một trong hai ba nhà văn hàng đầu của Nhật Bản hiện đại là học giả Anh ngữ trước khi chuyển sang viết văn khoảng năm 1905. Ông đã du học 2 năm ở London (9/1900-1/1903), “hai năm hết sức khó chịu”. Thế nhưng không thể nói rằng nước Anh không để lại dấu vết trong ông,
Thuở nhỏ, ông chuyên về Hán văn, khi vào Dự bị Đại học (1884) vì nhà trường bắt buộc học sinh ngữ nên đã có may mắn được các giáo sư Anh Mỹ như James Murdoch (1856-1912) và James Main Dixon (1856-1933) đào tạo.Trong thời gian ở đại học ông đã viết nghiên cứu về thi nhân người Mỹ Walt Whitman, người mà phong cách được ông đem so sánh với đại thi hào Nhật Bản Matsuo Bashô.
Trong thời gian ở Anh, ông có đi nghe giáo sư W. P. Ker (1855-1923) giảng ở Đại Học London. Những bài giảng của giáo sư Ker có ảnh hưởng đến tác phẩm của ông về sau. Tiếc là lúc đó, chứng u uất sầu não làm ông không thích ứng được với xã hội Anh và chỉ cảm thấy trong việc nghiên cứu văn chương Anh toàn là những cái khó khăn mà một người từng hấp thụ một nền văn hóa truyền thống Nhật vấp phải.
Năm 1903, Sôseki về nước, dạy ở Đại học Đế Quốc Đông Kinh, thế chỗ Lafcadio Hearn (1850-1904). Ông viết nhiều luận thuyết văn học và chủ trương cái quan trọng cần để viết văn là tri thức, (tượng trưng bằng F) sau đó là tình cảm (f). Ông còn cho rằng để hiểu một áng văn, phải sử dụng tất cả tri thức xã hội để phân tích vì văn chương dính liền với bối cảnh xã hội. Đó cũng là lối nhìn của Leslie Stephen (1832-1904) trong tác phẩm Văn học và xã hội Anh thế kỷ 18 (English Literature and Society in the Eighteenth Century) mà ông chịu ảnh hưởng.
Suốt trên mười năm trước khi qua đời, Sôseki là một kim tự tháp in bóng trên nền trời văn học Nhật. Số lượng tác phẩm của ông nhận ảnh hưởng văn chương Anh không phải là ít. Ví dụ Tháp Luân Đôn (Rondon tô, 1905) lấy cảm hứng từ The Tower of London (1840) của W.H. Ainsworth (1805-1882) hay Bảo tàng Viện Carlyle (Kaarurairu no Hakubutsuka, 1905) cho ta thấy tình cảm của ông đối với nhà thơ Anh Thomas Carlyle (1795-1881). Nguồn sáng tác của ông còn đến từ các tác phẩm văn học về kỵ sĩ đạo (chivalry) như Cái chết của vua Arthur (La Mort d’ Arthur) của Thomas Malory (chết năm 1471) hay Những tình khúc của quân vương (The Idylls of the King) của nhà thơ Alfred Tennyson (1809-1892) như trong Cái thuẩn huyền ảo (Gen-ei no Tate) nói về tình yêu của kỵ sĩ thời Trung Cổ.
Ngay cả Mèo chúng tớ (Wagahai wa neko dearu, 1905), một cuốn truyện không có truyện, trong đó giai cấp nhàn hạ và ưa biện luận dây dưa được tô vẻ ra dưới mắt quan sát mĩa mai của một con mèo, giống như nội dung nhiều tác phẩm Anh nhưng gần gủi nhất có lẽ là Cuộc đời và ý kiến của Tristam Shandy (The Life and Opinion of Tristam Shandy, in năm 1759-67) của Laurence Sterne (1713-1768).
H.Yamauchi và H. Kawamoto (sđd, tr. 42) còn nói về ảnh hưởng của Hamlet qua hình ảnh nhân vật Ophelia và họa phẩm vẽ Ophelia của J.E.Millais (1829-1896) đối với Gối cỏ (Kusa Makura), “một tiểu thuyết bằng thơ haiku” của ông. Hoa mồng gà (Gubinjinsô, Ngu mỹ nhân thảo), đăng báo 1907, in năm 1908) cũng có những nhân vật giống như những nhân vật trong tác phẩm của George Meredith (1829-1909).
Cho nên, dầu Sôseki đã bỏ dạy tiếng Anh để đi làm báo, viết văn nhưng vốn liếng văn học Anh hấp thụ ở nhà trường đã thấm nhuần trong xương thịt của ông để trở thành chất liệu không thể thiếu được cho tác phẩm vậy.
C) Pháp
Nếu không kể Jules Verne thì ảnh hưởng của Pháp đối với Nhật Bản buổi đầu mạnh mẽ nhất có lẽ trong lãnh vực thi ca. Những nhà thơ được giới thiệu có Baudelaire, Verlaine, Mallarmé và Maurice Maerterlinck (1862-1949), thi nhân người Bỉ diễn đạt bằng tiếng Pháp, giải Nobel văn chương. Nhìn chung họ là những nhà thơ theo khuynh hướng tượng trưng hay thần bí. Những dịch giả tài ba như Ueda Bin (trong “Hải Triều Âm” tức Kaichôon, từ năm 1905), Nagai Kafuu (trong San Hô Tập tức Sango-shuu, 1915), Horiguchi Daigaku (trong Một Đoàn Dưới Trăng tức Gekka no Ichigun, 1925) đã đưa họ đến với độc giả Nhật Bản.. Những bài thơ được nhắc nhở nhiều ở Nhật là Sonnet của Mallarmé hay Chanson d’Automne của Verlaine…Ảnh hưởng của các dịch giả ấy đến các thi nhân Nhật Bản hàng đầu như Kanbara Akiake hay Kitahara Hakushuu không phải là nhỏ.
Các nhà văn lớn của Pháp như Honoré de Balzac, Stendhal, Anatole France, Alphonse Daudet, Emile Zola, Guy de Maupassant thì đã đành nhưng có một tiểu thuyết gia người Pháp được các nhà văn Nhật Bản đặc biệt yêu chuộng [xx], đó là Raymond Radiguet (1903-1923). Ông được đánh giá như là một “quỉ tài” vì ông mất lúc mới hai mươi tuổi... Những người chịu ảnh hưởng của ông đến từ những chân trời khác nhau từ Yokomitsu Riichi, Mishima Yukio, Hori Tatsuo, Sakaguchi Ango cho đến Ôoka Shôhei.
D) Đức
1) Schiller và Nhật Bản:
Tác phẩm Đức đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật và phóng tác dưới thời Meiji là Wilhelm Tell của Friedrich Schiller (1759-1805). Trong 4 bản dịch và phóng tác thì đã có ba lấy tựa đề có chữ “tự do” ví dụ Cánh cung của độc lập tự do công chính hay Truyện tự do của Triết Nhĩ (Tell” hay Người hùng của tự do vv…Việc nhắc đến hai chữ “tự do” trong tựa sách là một điểm cần chú ý.
Ngày nay, người ta đòi hỏi việc dịch thuật phải trung thực nhưng vào thời Meiji, không ai khó khăn đến mức đó. Dịch giả có thể thêm thắt học lược bỏ tùy theo thấy cần thiết hay không. Trong đoạn tả Tell xuất hiện chỉ vì lòng nhân đạo mà giúp anh chàng Thụy Sĩ phải trốn qua bên kia hồ giữa sóng to gió lớn sau khi giết quan lại người Áo, dịch giả đã cho xen vào một đoạn diễn văn của Tell phát biểu rất hấp dẫn theo thể 5/7 để tuyên truyền cho dân chủ tự do. Có điều là đoạn nầy đã đi ra khá xa ngoài nguyên tác.
Sở dĩ có hiện tượng đó vì dưới thời Meiji, chính phủ đã hứa cho bầu quốc hội từ 1881 mà mãi đến 1890 nghĩa là 9 năm sau mới thực hiện lời hứa.Trong dân chúng, hai chữ “tự do” được phổ biến rộng rãi nên không có gì lạ khi người dịch Wilhelm Tell đã nhấn mạnh đến hai chữ ấy trong tác phẩm.
2) Ảnh hưởng của Goethe:
Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) được người Nhật biết đến lần đầu tiên qua dịch phẩm Con chồn Reineke (Reineke Fuchs). Goethe đã mô tả con chồn Reineke ranh mãnh giảo hoạt trong thế giới loài vật, đã đánh lừa cả vua sư tử như thế nào.Tuy nhiên tác phẩm phúng thích nầy chỉ được Inoue Tsutomu (1850-1928), một nhà dịch thật đầu thời Meiji chuyển ngữ từ tiếng Anh sang với một cách dịch hết sức Nhật hóa, khuynh hướng chung của người dịch thời ấy, bởi vì trình độ của độc giả còn chưa cao để thông cảm được những cái tinh tế của văn học Tây Phương.
Tác phẩm văn xuôi Nỗi khổ tâm của chàng trẻ tuổi Werthers (Die Leiden des Jungen Werthers) của Goethe cũng là tác phẩm gây chấn động trong giới độc giả trẻ thời Meiji. Giới trí thức như nhà bình luận Takayama Chogyuu (Cao Sơn, Xư Ngưu, 1871-1902), các nhà văn Shimazaki Tôson, Ozaki Kôyô… đều đánh giá cao khi đọc bản dịch qua Anh văn. Người dịch thẳng từ tiếng Đức lần đầu là học giả Hán văn Kubo Tenzui (Cữu Bảo, Thiên Tùy, 1875-1934) với sự cộng tác của một người bạn giỏi tiếng Đức.
3) Truyện nhi đồng của Grimm:
Không những tác phẩm của Goethe và Schiller, tập truyện nhi đồng của hai anh em Jakob Grimm (1775-1863) và Wilhelm Grimm (1786-1859) nhan đề Truyện nhi đồng của trẻ em và gia đình (Kinder–und Hausmarchen) với chuyện Cô Bé Lọ Lem (Aschenputtel), mà ai cũng nghe kể, đã được phổ biến rất sớm ở Nhật.. Kan Ryohô (Quản, Liễu Pháp,1857-1936) đã dịch vào năm 1887 dưới nhan đề Tập truyện cổ thần tiên Tây Phương nhưng ông đã lược bỏ những cảnh nào xem ra tàn nhẫn trong nguyên tác.
4) Vai trò gạch nối của Mori Ôgai:
Nhà văn đầu đàn thời Meiji, Mori Ôgai (Sâm, Âu Ngoại, 1862-1922) cũng là một nhà dịch thuật không ngừng nghỉ. Các dịch phẩm của ông đã ảnh hưởng đến các nhà văn lớp sau. Ông đã dịch không những tác phẩm Đức mà cả những tác phẩm của các nước khác được biết qua bản Đức văn nhờ sự hiểu biết ngôn ngữ nầy mà ông đã dùi mài suốt thời gian du học. Sau khi từ Đức về năm 1889, ông đã cùng bạn bè thành lập nhóm Tiếng Nói Mới (Shinseisha, Tân Thanh Xã) và cho ra mắt tập thơ dịch Bóng Hình (Omokage) trong đó đã có thơ của Heinrich Heine (1797-1856) và Goethe. Bài thơ của Goethe nhan đề Khúc hát của nàng Mignon, một mỹ nhân bạc mệnh, thấy trong tiểu thuyết mang tên Thời học việc của Wilhelm Meister (Wilhelm Meistes Lehrjahre), với hình thức 10/10 âm tiết khác với thể 5/7 truyền thống của người Nhật.
Faust (1774-1831), kịch thơ gồm hai tập của Goethe nói về cuộc đời đầy hứng thú, bi kịch trong tình yêu và cuộc đổi chác của học giả Faust và ác quỉ Mephisto là tác phẩm được nhiều người dịch, trong đó có Ozaki Kôyô dịch từ tiếng Anh. Shimazaki Tôson cũng rất rành rẽ về Faust. Ôgai đã dịch từ nguyên văn tiếng Đức theo lời yêu cầu của Bộ Giáo Dục và hoàn tất năm 1913. Khi xuất bản, sách bán rất chạy và gây được tiếng vang lớn.
5) Ảnh hưởng văn học Đức trên các nhà văn nhà thơ khác:
Theo như chính tác giả nhìn nhận, Tấm Nệm Giường (Futon, 1907) của Tayama Katai bắt nguồn từ vở kịch Những người lặng lẽ (Einsame Menschen) của Gerhart Hauftmann (1862-1946). Mối tình của nhà văn trung niên Takenaka Tokio với cô gái trẻ Yoshiko trong Futon chẳng khác gì mối tình của học giả Johanes với nữ sinh viên Anna trong kịch Hauftmann. Câu truyện nầy giống như kinh nghiệm bản thân của nhà soạn kịch Hauftmann. Hơn nữa, có sự trùng hợp lý thú là năm Katai 34 tuổi ông cũng gặp một cô gái mới có 17 ái mộ văn mình, đến nhà chơi rồi ở lại luôn. Ông còn gọi cô ấy là “Anna của tôi”.
Về thơ thì Susukida Kyuukin (Bạc Điền, Khấp Cần, 1877-1945), nhà thơ thuộc khuynh hướng tượng trưng đời Meiji, trong tập thơ Chòm sao Bạch Dương (Hakuyôkyuu, Bạch Dương Cung) có bài thơ Nhớ cố hương (Bôkyô no shi =Vọng Hương Thi, 1906), nói về vẻ đẹp bốn mùa thay đổi của vùng Kyôto, quê hương ông. Bài nầy được làm ra sau khi đọc Khúc hát của Mignon. Điều đó cho ta thấy thi nhân còn có thể vô tình chịu ảnh hưởng thơ ngoại quốc khi kiến tạo thế giới thơ của riêng mình.Những cảnh chim kêu, ve ngâm, các cô gái đi kiếm cá ayu trên dòng sông, cảnh uống rượu cười nói, chèo thuyền thưởng hoa thấy trong thơ Kyuukin không có gì liên quan đến cảnh vật nước Đức của Goethe.
Thơ Heinrich Heine (1790-1856) được đặc biệt yêu chuộng từ thời Meiji. Cả Takayama Chogyuu và Yoshano Tekkan (Dữ Tạ Dã, Thiết Cán, 1873-1935) đều ái mộ thơ ông. Năm 1901, Onoue Saishuu (Vĩ Thượng, Sài Chu, 1876-1957) đã dịch Lorelei ra tiếng Nhật, gây nên phong trào đọc thơ Heine vào thời đó. Tuy Heine còn là một nhà thơ có ý hướng phê phán xã hội nhưng hình ảnh của Heine ở Nhật chỉ là một phẩm nhà thơ trữ tình đã làm cho họ cảm động nhỏ lệ.
Thơ Đức cũng được Ueda Bin (Thượng Điền, Mẫn, 1874-1916) dịch nhiều trong tập thơ dịch Hải Triều Âm (Kaichôon, 1905) trong đó có những thi nhân Đức ít người biết tiếng như Carl Busse (1872-1918).
Nhà viết kịch Kubo Sakae (Cữu Bảo, Vinh, 1900-1958) khi công diễn Đạo tặc vùng Yoshino (Yoshino no Tôzoku, 1933) cũng cho biết rõ đã phỏng theo Bọn Cướp (Die Rauber) của Schiller. Thuở còn đi học, Kubo đã thích Schiller dù khi đọc nguyên tác Die Rauber, ông phải lật từ điển tra từng chữ. Sau đó, không bằng lòng với phóng tác, ông đã dịch nó ra Nhật ngữ vào năm 1936.
Có thể Mèo Chúng Tớ (Waga hai wa neko dearu) của Natsume Sôseki còn chịu ảnh hưởng của Nhân sinh quan của chú mèo đực tên Murr của Ernst Theodor Amadeus Hofmann (Lebensansichten des Kater Murr, 1762-1822). Điều nầy đã được người ta nói ra ngay lúc Natsume còn sống. Còn Hugo von Hofmansthal (1874-1929) thì thơ ông ảnh hưởng đến nhiều người trong số đó có Kinoshita Mokutarô ((1885-1945), Nagai Kafuu, Tanizaki Jun-ichirô. Nhà văn Akutagawa cũng thú nhận đã cảm động rớt nước mắt khi đọc thơ Hofmanthal (xem đoản văn Nước Giòng Sông Cái (Ôkawa no mizu, 1912) và khi viết Hai Bức Thư (Futatsu no Tegami), ông đã mượn ý từ Bức thư cuối cùng của Andreas Thameyer (Andeas Thameyers letzter Brief) do Arthur Smitzler (1862-1931) viết. Hori Tatsuo (Quật, Thìn Phu, 1904-1953), Tachihara Michizô (Lập Nguyên, Đạo Tạo, 1914-1939), Itô Shizuo (Y Đằng Tĩnh Phu, 1906-1953), các nhà văn thuộc nhóm Shiki (Tứ Quí) đều tiếp nhận ảnh hưởng của Rainer Marie Rilke (1875-1926). Trong khi Mishima Yukio yêu thích Thomas Mann (1875-1955) thì Abe Kôbô lại ngả theo phong cách viết của Franz Kafka (1883-1924).
Văn học sử Đức cũng được giới thiệu cho người Nhật ngay từ thời Meiji. Trước tiên phải nói đến tập kịch bản Đức do Hisamatsu Teikô (Cữu Tùng, Định Hoằng, 1857-1913) thu thập và dịch năm 1887, sau đến tập văn học sử Đức do Shibue Tamotsu (1957-1930) giới thiệu cho độc giả Nhật những tên tuổi lớn như Lessing, Goethe, Schiller…
Nhìn chung, việc giới thiệu các sáng tác từ tiếng Đức cũng như văn học sử Đức từ thời Meiji đã đóng góp vào việc phát triển tự do dân quyền ở Nhật. Một người như Takagi Isaku (Cao Mộc, Y Tác, tác giả tập nghiên cứu nhan đề Goethe (1893) đã xem thi nhân Goethe và anh hùng Napoléon là hai nhân vật quan trọng nhất của thời cận đại nhưng chính Goethe mới “là người dạy cho ta (người Nhật) thế nào là can đảm và bình đẳng”.
E) Tây Ban Nha
Tác phẩm Tây Ban Nha đã được dịch ra tiếng Nhật tự thời Azuchi Momoyama (1568-1600). Năm 1592 tức sau khi Hideyoshi Toyotomi thống nhất thiên hạ, đã có một tác phẩm được in ra bằng chữ La Mã ở Kyuushuu. Đó là Fides no Doxi còn gọi là Shinjinroku có nghĩa là Bài Giảng Của Nhà Truyền Giáo. Quyển sách với mục đích dạy giáo lý nầy đã dịch từ nguyên tác của thầy dòng Dominicain tên Luis de Grenada (1504-1588). Ông này còn có một tác phẩm khác nhan đề Dẫn Dắt Kẻ Phạm Tội (Guía de pecador, 1556-1557) được phiên trực tiếp qua âm Nhật thành Giyadopekadoru.
Đến đời Meiji, tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng nhất được giới thiệu cho người Nhật không gì khác hơn Don Quixote (1605-1615) của Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616), được dịch thành Độn Hỷ Ông kỳ hành truyện (Truyện về hành vi lạ lùng của ông Don Ki) vào năm 1885. Tuy nhiên, từ năm 1613 trong tập đoản thiên Tập Đoản Thiên Mẫu Mực (Mohan Shôsetsu-shuu hay Novelas Ejemplares) có đăng hai tác phẩm khác là Kết Hôn Trá Hình (El casamiento enganoso) và Sức mạnh của huyết tộc (Le fuerta de sangre). Don Quixote với nội dung phúng thích lớp kỵ sĩ suy vi, có giá trị giáo dục đối với người đương thời nhưng hai tác phẩm kia chỉ được người dịch giới thiệu như một chuyện có thật và khai thác khía cạnh ly kỳ của nó thôi.
F) Văn Học Châu Mỹ La Tinh
Văn học Châu Mỹ La Tinh chỉ đến Nhật thực sự từ thập niên 1970 nghĩa là trên 30 năm nay. Dầu có nhiều người Nhật di dân đến Brazil, Argentine, Peru nhưng Nhật Bản chỉ chú ý đến đời sống tinh thần của khu vực này từ khi có những biến chuyển chính trị năm 1959 của cuộc cách mạng Cuba. Trong thập niên 1950, thơ của Pablo Neruda ( 1904-1973) và văn Jorge Luis Borges (1899-1986) được độc giả biết đến và tán thưởng, trong thập niên 1960, đôi bài thơ mang màu sắc chính trị được dịch ra trong các tuyển tập thơ hay quốc tế nhưng nói chung chưa để lại ấn tượng sâu sắc. Bất đồ sau đó, với sự xuất hiện của những cây viết mới được sách báo Âu Mỹ giới thiệu, một phong trào ái mộ văn học Châu Mỹ La Tinh đã thành hình ở Nhật Bản.
Văn học Châu Mỹ La Tinh viết bằng hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã xuất phát từ thế kỷ 16 nhưng chỉ là mô phỏng Âu Mỹ. Mãi đến giai đoạn 1880-1920 mới có những cây bút trẻ ra đời qua cuộc vận động cách tân (Modernisimo). Trên con đường đó, văn học đã khai hoa với những nhà văn nhà thơ phần nhiều lưu vong ở Âu Châu như Miguel Angel Asturias (1899-1974), Alejo Carpentier (1904-1980), Jose Luis Borges (1899-1986). Asturias viết Ngài Tổng Thống (El Senor Presidente, 1946) phê phán chính quyền độc tài, có tiếng vang lớn, sau đoạt giải Nobel văn chương năm 1967. Carpentier cho ra đời vào năm 1946 tác phẩm Vương quốc cuộc đời (El reine de este mundo), trình bày hiện thực kinh dị của xã hội Mỹ La Tinh, một hiện thực không thua gì thế giới huyễn tưởng thấy trong của những nhà văn siêu thực Âu Châu mà ông đi lại. Borges đi theo một con đường khác. Sinh trưởng trong gia đình thượng lưu ở Buenos Aires, ông bắt đầu bằng thơ, sau đó bước qua lãnh vực tiểu thuyết.Tác phẩm tiêu biểu có Tập truyện truyền kỳ (Ficciones, 1944) và Chữ A (El Aleph, 1949), khai triển những chủ đề liên quan đến các ý niệm như thời gian, vĩnh cữu, cái chết, mộng, mê cung…
Ba nhà văn này đã gây nên phong trào yêu chuộng văn học Châu Mỹ La Tinh ở Nhật. Sau các ông, đến lượt nhà văn người Peru, Mario Vargas Llosa (1936- ), với Thành phố và bầy chó (La ciudad y los perros, 1962) trình bày vấn đề bạo lực dã man ở một học viện quân sự. Ngoài ra còn phải kể đến nhà văn người Uruguay Juan Carlos Onetti (1909-1994), nhà văn Mehico Juan Rulfo (1918-1986), những người đã khẳng định sự hiện hữu của văn hóa Châu Mỹ La Tinh.
Trong số những nhà văn của vùng đất này, người được coi như đóng góp nhiều hơn cả có lẽ là Gabriel Garcia Marquez (1928- ), người gốc Columbia giải Nobel văn chương 1982, với Trăm năm Cô Đơn (1967), một tác phẩm ăn khách không tiền khoáng hậu của một tác giả Mỹ La Tinh. Tác phẩm vẽ nên khung cảnh với những thảm trạng tiêu biểu cho một xã hội Mỹ La Tinh bất cứ ở đâu. Thủ pháp pha trộn yếu tố hiện thực với siêu tự nhiên của ông được gọi là “hiện thực huyền ảo” (magic realism), đã trở thành một nét đặc trưng của văn học Mỹ La Tinh.
Các nhà văn Nhật Bản trước tiên đã biết đến tác phẩm văn học của Châu Mỹ La Tinh qua tiếng Pháp. Họ là Shinoda Hitoshi, Nakamura Shin-ichirô, Shimizu Tôru, Tsuji Kunio, Ôe Kenzaburô. Văn học vùng đất này đã được dịch rất nhiều trong các tạp chí ở Nhật trong niên đại 1960 và sau khi Asturias đoạt giải Nobel thì sách dịch về họ bắt đầu ra đời. Ngài Tổng Thống (1971), Trăm Năm Cô Đơn (1972)… được nhiệt liệt tán thưởng nên đến khoảng 1977 đã bắt đầu có những bộ tùng thư về văn học Mỹ La Tinh trên thị trường. Đáng kể nhất là bộ của nhà xuất bản Shuueisha gồm 18 quyển (1983-84) và bộ của Gendai Kikakushitsu có tới 15 quyển (1992-96).
Lời tạm kết:
Trên đây, người viết chỉ có thể trình bày một cách sơ sài về quá trình tiếp thu ảnh hưởng Tây Phương của các nhà văn Phù Tang. Nước Nhật đã biết đến văn học Tây Phương từ thế kỷ 16 nghĩa là rất sớm và tỏ ra có tính hiếu kỳ và cầu tiến, muốn biết người để biết mình. Việc phiên dịch các tác phẩm ngoại quốc nằm trong quĩ đạo quốc sách “thoát Á nhập Âu” của buổi đầu thời Meiji (thế kỷ 19) là cách học hỏi mau chóng hơn cả, nay đã lan mãi ra không biết đến bến bờ nào. Tuy việc dịch thuật ít nguy hiểm hơn sáng tác vì ìt khi bị rơi vào cái họa “văn tự ngục” song lắm khi người dịch cũng gặp rắc rối đến nổi phải ra hầu tòa như trường hợp người đầu tiên dịch Người tình của phu nhân Chatterley (Lady Chatterley ‘s Lover) sang tiếng Nhật. Tác phẩm gây chấn động thời đó của nhà văn Anh D.H. Lawrence (1885-1930) ngày nay chẳng qua một quyển sách với nội dung quá hiền lành nếu đem đặt bên cạnh các sáng tác của lớp nhà văn đến sau ông.
Như đã nói, người Nhật có tiếng là một dân tộc dịch sách và đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy sự nghiệp dịch thuật, dù chỉ trong phạm vi tác phẩm văn chương, đã góp phần vào việc khai sáng (người Nhật thời Meiji gọi là keimô (khải mông)) [xxi] và canh tân đất nước nói chung, làm phong phú cho hoạt động của giới sáng tác và nâng cao tri thức và trình độ thưởng ngoạn của độc giả nói riêng.
(Trích Phác Thảo Lịch Sử Văn Học Nhật Bản, chưa xuất bản)
(Ph.d Nguyễn Nam Trân)