Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi sun_sea » Năm T7 20, 2006 7:48 pm


  @ không biết cái nhân vật Lý Thế Dân là ai mà nghe quen nhỉ .

Lý Thế Dân là tên tục của Đuờng Thái Tông, vị vua thứ 2 của nhà Đuờng bên Trung Quốc. Cha của Lý Thế Dân là Lý Uyên là người lập nên nhà Đuờng( Đuờng Cao Tổ) nhưng chỉ cai trị đuợc vài năm. Anh em ai cũng xem Tây Du Kí vài lần rồi chắc còn nhớ lão vua mà truớc khi tiễn Đuờng Tăng lên đuờng sang Tây Trúc thỉnh kinh, có cúi xuống nhặt 1 ít đất cho vào chén rượu mời Đuờng Tăng uống đúng không. Lão vua đó chính là Đuờng Thái Tông = Lý Thế Dân = anh Hoàn maru nhà ta đấy

 Nhà Đuờng thịnh đuợc vài đời thì đến đời Đuờng Huyền Tông ( Đuờng Minh Hoàng - cha này cùng tên với mình mới cay chứ) là 1 tên vua( xin lỗi chị em ) ham dâm vô đạo  gần nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Hoa, suốt ngày chỉ ăn chơi huởng lạc, gặp lọan An Lộc Sơn nên nhà Đuờng từ đó yếu dần rồi tèo..vào hơn 100 năm sau.

em cứ thấy cái này giống y cái đồ thị hs nhận trục hoành làm tiệm cận [grin]

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi Tran Chi Trung » Năm T7 20, 2006 7:17 pm

 BUONCHOSOPHAN nghiên cứu ở đâu mà hay quá vậy. Chỉ em vài chiêu vói[lol][lol][lol]

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi BuOnChOSoPhaN » Năm T7 20, 2006 5:14 pm

  @ không biết cái nhân vật Lý Thế Dân là ai mà nghe quen nhỉ .

Lý Thế Dân là tên tục của Đuờng Thái Tông, vị vua thứ 2 của nhà Đuờng bên Trung Quốc. Cha của Lý Thế Dân là Lý Uyên là nguời lập nên nhà Đuờng( Đuờng Cao Tổ) nhưng chỉ cai trị đuợc vài năm. Anh em ai cũng xem Tây Du Kí vài lần rồi chắc còn nhớ lão vua mà truớc khi tiễn Đuờng Tăng lên đuờng sang Tây Trúc thỉnh kinh, có cúi xuống nhặt 1 ít đất cho vào chén rượu mời Đuờng Tăng uống đúng không. Lão vua đó chính là Đuờng Thái Tông = Lý Thế Dân = anh Hoàn maru nhà ta đấy [lol][lol][lol]

 Nhà Đuờng thịnh đuợc vài đời thì đến đời Đuờng Huyền Tông ( Đuờng Minh Hoàng - cha này cùng tên với mình mới cay chứ) là 1 tên vua ( xin lỗi chị em ) ham dâm vô đạo [ban] gần nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Hoa, suốt ngày chỉ ăn chơi huởng lạc, gặp lọan An Lộc Sơn nên nhà Đuờng từ đó yếu dần rồi tèo vào hơn 100 năm sau.[angel]

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi navq » Năm T7 20, 2006 4:37 pm

 Bài viết tỉ mỉ và lý luận thật hợp lý , không biết cái yếu tố chính nào là chủ đạo sinh ra các nét tính cách phức tạp đôi khi mâu thuẫn nhau đó không  . Tuy nhiên văn minh hay văn hoá đều không phải là bất biến ,huống chi bài viết đã được viết cách đây khá lâu ,từ bấy đến nay ngay cả chiều cao trung bình của người Việt cũng đã tăng thêm 5 ,7 phân rồi .

 @ không biết cái nhân vật Lý Thế Dân là ai mà nghe quen nhỉ .

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi LiTheDan » Ba T7 18, 2006 9:53 pm

Đã trót rồi cho trét luôn, sau đây là 10 tính cách tiêu biểu của người VN

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện,
khoe khoang, thích hơn đời).
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong
những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống
tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì
những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng
một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)

(nghe nói cái này là thành quả nghiên cứu mấy năm trời của mấy chú người Mĩ, vì không tin tưởng lắm nên chỉ xem làm tham khảo thôi).

Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi LiTheDan » Ba T7 18, 2006 9:06 pm

II.Loại hình tinh thần

Như vậy là bức chân dung thể chất của người Việt Nam cho chúng ta thấy rằng chủng tộc này vóc người nhỏ và có trọng lượng không vượt quá số trung bình là 45 hay 50kg. Sống dưới một khí hậu nóng ẩm, ở một dải đồng bằng nhỏ không đủ nuôi một cư dân sinh sản nhiều, người Việt Nam thường ăn uống quá kham khổ. Người nào ăn đều đặn đủ suất cơm, thịt hoặc cá của mình thì có tầm vóc vượt xa 1,60m và nặng gần 60kg.

Ở một vài bộ phận thân thể, cơ bắp bị sức nóng gay gắt của mặt trời làm khô đi từ lúc còn nhỏ tuổi-và tình trạng này tồn tại từ rất nhiều thế hệ-đã teo lại. Ở dân Thái Bình và Nam Định sống trên mặt nước, đôi chân không phát triển được.

Đã thế, môi trường vật chất độc hại và làm sa sút sức khoẻ này cũng tác động chẳng kém đến tính chất người Việt Nam. Tác động trực tiếp nhất và cũng bền bỉ nhất của sức nóng thường xuyên, đó là thần kinh uể oải làm cho con người buồn ngủ và lười nhác. Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý, rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi.

Sự khó khăn nhất định trong việc cung cấp việc làm có lợi cho tất thảy mọi người trong một xứ sở quá đông dân: cũng góp phần khiến người Việt Nam sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút ít tiền bạc, hoặc có đủ ruộng, thì sống hoàn toàn ăn không ngồi rồi. Cũng nhiều người chăm chỉ lao động trong một số ngày để sau đó có gì sống một thời gian nhất định mà không cần phải làm gì cả. Nhiều thanh niên có xu hướng sống ăn bám, tìm cách sống qua ngày bằng cách dựa vào họ mạc ít nhiều gần gũi, dựa vào bạn bè tương đối dễ tính. Nếu chẳng ai phản ứng, thì những kẻ ăn bám này cứ sống hết đời như vậy.

Xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm về phương diện tinh thần do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp. Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trau dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chội một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống.

Thành ra ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Nhà nho xưa kia, ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chất đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến sự trau dồi trí luệ nữa. Họ già trước buổi. Hoặc là, họ can đảm chịu nhẫn nhục để khỏi bị một ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là họ sa đà vào một thú chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy nhưng dễ làm cạn kiệt đi ở nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học.

Cái tính ngông này khiến người Việt thù ghét mọi sự gò bó và mọi quy tắc quá chặt chẽ, ngoại trừ cái vốn lễ nghi lưu truyền lại từ nhiều thế kỷ. Chẳng hạn, nếu xem xét nền văn học Việt Nam thời hậu chiến, người ta ngạc nhiên thấy cả một khối tác phẩm bộc lộ quá rõ khuynh hướng mơ mộng vốn là một đặc tính lai giống từ tổ tiên của chủng tộc này.

Nhưng từ một số năm trở về đây, nhờ sự đổi mới giáo dục, nhờ ứng dụng các phương pháp của phương Tây, ta đã thấy hình thành những đầu óc trẻ bộc lộ một khả năng lớn nghiên cứu khoa học, cả trong lĩnh vực toán học lẫn trong các khoa học xã hội.

Dù sao, nói chung, người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính. Họ yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mong ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển nhất.

Ta cũng nên tránh khái quát hoá quá mức. Tất cả ở đây phản ánh cái tính chất ít khoan dung, khiến cho một cái vốn chẳng ra gì chẳng mấy chốc bị phóng lên thành một cái to vô tận. Chẳng khuyết điểm nào, chẳng ưu điểm nào, nói tóm lại, chẳng có mặt nào của tính cách người

Việt lại không có mặt bù lại, và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Chúng ta đã nói về tính biếng nhác và sự uể oải của người Việt, nhưng người ta chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy và những người lao động bằng lòng nhận ít ỏi như vậy để làm những công việc nặng nhọc đến như vậy.

Chúng ta cũng đã nói về tính phóng túng, bông lông và mơ mộng của người Việt, thế mà chúng ta lại khám phá dễ dàng ở nước này một đầu óc thực tế có khi đến lạ lùng, quyết định chiều hướng tâm hồn của người nông dân, và tạo cho họ cái tính kiên nhẫn là vũ khí lợi hại đến như vậy trong tay người thợ mỹ nghệ, thợ thêu, thợ khắc, thợ kim hoàn... Nếu ta thấy người Việt tính hay thay đổi là đặc trưng cho cuộc sống của họ, thì ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy một số kẻ trong bọn họ đã tỏ ra là những tay xin xỏ bám riết và dai dẳng biết bao nhiêu, những kẻ sinh kiện tụng hầu như không có ai địch nổi, những học sinh và sinh viên quyết chí theo đuổi những bằng cấp từ thấp đến cao của bậc thang đại học.

Có những nhà quan sát nước ngoài thấy người Việt hay trộm cắp và dối trá. Cả ở điểm này nữa, ta cũng không nên suy rộng ra cho tất cả mọi người Việt Nam. Trong một thời gian dài, nhân dân nước này đã bị cai trị kém. Họ bị gạt ra không được tham gia công việc hành chính. Một chính sách ngu dân thật sự đã thấm sâu vào đời sống Nhà nước.

Đương nhiên là đã có những thời kỳ huy hoàng, những đấng minh quân, những vị quan dũng cảm và nhạy bén với các nỗi đau và nhu cầu của nhân dân. Nhưng thông thường thì cá nhân con người, luôn luôn bị săn đuổi, buộc phải tự bao quanh mình một tấm màn bí mật. Làng xã cũng vậy, trong cuộc đấu tranh với Nhà nước, đã giữ được qua nhiều thế kỷ thái độ nếu không độc lập thì ít nhất cũng ương bướng đối với tất cả cái gì xuất phát từ chính quyền Trung ương.

Mặt khác, thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử nước Việt Nam, tức là thời nhà Lê, lúc có một sức bành trướng và tổ chức thật sự, thời kỳ ấy lại đã bị các cuộc nội chiến liên miên và tàn hại phá phách. Ở các thời kỳ khác, có những cuộc ngoại xâm, hay những viên quan cai trị đầu óc thủ cựu và kém năng lực.

Nếu kinh tế tiến bộ và thuần phong mỹ tục được đưa vào trong hoạt động của bộ máy cai trị, thì dân tộc này sẽ ít sản sinh những con người hèn kém hơn.

Nhưng không nên nói rằng người Việt có một sự thích thú nào đó đối với sự trộm cắp hay nói dối, vì có một điều chắc chắn là người Việt rất hay tự ái. Họ ít chịu thú thật nỗi cực nhọc của họ, ít khi họ kêu ca nỗi đau đớn của mình. Họ thiết tha với tinh thần hiếu khách và hào hiệp. Họ có thể đãi bạn bè bữa cơm cực kỳ thịnh soạn, dù phải sống rất đạm bạc trong nhiều ngày với vợ con.

Nhưng tính tự ái thường đi đói với tính khoe khoang. Người Việt rất kiêu căng. Ở nông thôn, vấn đề "thể diện" có một tầm quan trọng xã hội hàng đầu. Người nông dân Việt rất thích nổi bật trước mắt kẻ khác, và thích nên danh nên giá. Họ chẳng lùi bước trước một điều gì để thoả mãn tính hiếu danh của mình, để chiếm một chỗ đứng tốt giữa các người đồng hương. Họ chịu nhịn thịt và các món ăn ngon lành trong gần cả năm, hay mặc những quần áo vá chằng vá đụp, nhưng họ khao rất linh đình các bằng sắc họ được phong.

Dưới vẻ ngoài ngây thơ chất phác, người Việt rất khôn. Tính cách họ nhẹ nhàng, linh hoạt, thích giễu cợt, họ đặc biệt giỏi phát hiện các khía cạnh tức cười của những kẻ giao dịch với họ. Họ rất có tài bắt chước. Những người ít bị lễ nghi kiềm chế thì làm quen nhanh chóng với các tập tục hiện đại của phương Tây.

Người Việt hiền lành thích yên ổn và dễ bảo, rất dễ phục thiện, ít khi họ bộc lộ sự nôn nóng, và thường lên án sự giận dữ. Sự kích động thần kinh chậm xảy đến với họ. Họ không dễ dàng buông trôi theo các hành động hung bạo đột ngột. Nhưng lúc họ nổi giận, thì cơn giận của họ cũng khó kìm giữ chẳng kém gì cơn giận của người phương Tây.

Dưới bề ngoài lạnh lùng và thản nhiên, người Việt coi sự tự sát là lối thoát bình thường khỏi một số tình thế nan giải, và họ hy sinh rất dũng cảm cho những sự nghiệp lớn.

Người Việt không thiếu dũng cảm. Họ ghét chiến tranh và khinh bỉ các biểu hiện của bạo lực. Nhưng họ có khả năng kháng cự lâu dài, trong những điều kiện thiếu thốn tệ hại nhất, chống lại những lực lượng mạnh hơn họ về số lượng và chất lượng. Dân tộc này đã chẳng đương đầu trong nhiều thế kỷ với một nước Trung Hoa mạnh hơn họ rất nhiều đó sao? Vả lại, người nông dân Việt Nam có thể trở thành người lính dũng cảm và bền bỉ, có sức xông lên mạnh mẽ nếu họ được chỉ huy tốt và được ý thức về nghĩa vụ động viên.

(ttvnonline.net)

Xin được nói thêm Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Trường đại học Sorbonne-một trong những truờng đại học lớn nhất nước Pháp và có uy tín trên thế giới, nguyên là bộ trưởng bộ Giáo Dục từ năm 1946 đến 1975(là lúc ông mất). Tác phẩm được viết từ lâu nên có lẽ có 1 số thông tin không còn chính xác.



Re:Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi LiTheDan » Ba T7 18, 2006 9:03 pm

Dù thế nào đi nữa, những đặc điểm khác của mặt vẫn phân biệt người Việt với các kiểu người Âu. Đôi mắt họ hơi xếch về phía ngoài, mở to, đẹp, rất đen, rất hiền và rất diễn cảm nói chung. Nhưng cần phải nói ngay rằng, mặt người Việt, cả về hình dạng lẫn màu sắc, đều có thể khác nhau. Người Việt thuộc loại hình Mông Cổ. Da họ có thể là nâu hay màu hạt dẻ.

Môi người Việt rất mọng, nhưng không dày lắm.

Nói chung, hàm người Việt rất phát triển. Hàm răng rất đẹp, nhưng người nông dân lại thường thường nhuộm đen.
Tục "nhuộm" răng bằng một thứ thuốc nhuộm đen làm bằng một hỗn hợp fero-tanic, sau khi bôi một loại thuốc hãm màu chế bằng một chất nhuộm đỏ lấy từ cánh kiến, ngày xưa phổ biến cả ở đàn ông và đàn bà người Việt

Từ mấy năm nay, do ảnh hưởng phong tục phương Tây, thanh niên các đô thị từ bỏ tục này, và nhiều người thậm chí còn cạo lớp thuốc nhuộm đi. Ngày xưa, phụ nữ Việt Nam làm đẹp bằng cách nhuộm răng từ lúc 14 hay 15 tuổi. Phụ nữ ngày nay coi tập tục đó là làm xấu đi. Hiện thời, răng trắng chẳng những trở thành một thị hiếu, mà còn là một thói quen bình thường ở các đô thị và trong xã hội thượng lưu. Nếu như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đa số người nông thôn còn giữ tục lệ này, thì việc nhuộm răng lại trở thành rất hiếm tại Nam Kỳ hiện nay.

Râu chỉ mọc vào tuổi từ 25 đến 30, và vẫn thưa. Râu đen, cứng, thẳng và chỉ mọc ở cằm và phía trên môi. Tuy vậy ta vẫn thấy ở một vài người râu mọc ở dưới tai và hai bên má.

Tóc thì đen tuyền, rậm, rất dài và hơi cứng. Ta biết rằng tóc là sản phẩm chất sừng hệ trọng nhất của da, về phương diện phân biệt các giống người. Giống như người Trung Hoa, người Việt Nam phải được xếp vào các chủng tộc tóc thẳng và mượt. Nếu nói chung họ có tóc thô và cứng, thì ta cũng có thể thấy những người tóc thanh và mịn. Một vài người thậm chí có tóc làn sóng và quăn. Dù sao, tóc này bạc tương đối muộn, chỉ vào quãng năm mươi tuổi mới bạc. Lông mọc thưa.

Người Việt, lúc còn là trẻ con, có những nét rất thanh tú và quả là duyên dáng như ta thường nói. Lúc đứng tuổi, sự biểu hiện của diện mạo ít dễ chịu hơn; một số người thậm chí xấu xí ở thời kỳ này. Trái lại, những khuôn mặt có chòm râu nhỏ và tóc bạc và cứng thì lại đẹp và không thiếu một vẻ oai vệ thật sự.
Vai rộng, thân mình gầy gò và dài so với hai chân. Ngực nhô ra đằng trước, khung chậu ít phát triển. Chân tay dài, cơ khớp mềm mại, làm cho họ nhanh nhẹn. Người Việt có khả năng dùng chân nhặt những vật nhỏ, điều khiển thuyền bằng các ngón chân. Bàn tay thon nhỏ và thanh, đốt ngón tay có mấu. Xưa kia, các nhà nho Việt Nam quen để móng tay thanh mảnh của họ thật dài.

Về đại thể, người Việt rất mềm mại, và có khiếu về vận động thân thể. Họ trèo cây rất nhanh nhẹn, thân người tách khỏi thân cây, bàn tay và bàn chân cử động giống như những chiếc móc sắt. Về trò phóng giáo và đánh vật, ngày nay vẫn còn thịnh hành trong các hội làng, họ tỏ ra nhanh và dẻo như giống mèo. Ta ngạc nhiên khi thấy tấm thân kia, lúc thường thì bơi trong mớ áo quần rộng lùng thùng, trở nên mềm mại và nhanh nhẹn để tránh các đòn của đối thủ, và nhanh như chớp tung ra những cú đánh sấm sét.

Người Việt nói chung không béo phị. Phụ nữ rất cân đối. Họ có những nét đẹp, bàn chân và bàn tay rất nhỏ, cổ chân, cổ tay rất xinh xắn.

Đôi lúc ta còn thấy, ở Bắc Kỳ, những người Việt có hai ngón chân cái tách ít nhiều khỏi những ngón khác, để hướng về nhau, dường như muốn giao nhau. Một số kẻ gọi những người này là Giao Chỉ. Những kẻ khác coi họ là những đại biểu cuối cùng của một dân tộc phía nam Trung Hoa, tổ tiên xa xôi của người Việt hiện thời. Ngày nay, những người này cực kỳ hiếm thấy.

Dù sao, người Việt nói chung có dáng đi không duyên dáng; họ đi chân chữ bát. Nhưng dáng đi đó mạnh bạo và quả quyết lanh lẹn và chủ động. Tuy nhiên, có những người có dáng đi không thiếu mềm mại. Nhất là phụ nữ có dáng đi yểu điệu. Đôi chân rất vòng kiềng do các bà mẹ có thói quen xấu ẵm con bên hông.
Sức mạnh cơ bắp của người Việt Nam không đáng kể. Nhưng nói chung, họ rất dẻo dai. Những người kéo xe hằng ngày chạy từ 50 đến 60km với tốc độ 12km mỗi giờ, với cả trọng tải. Người chèo thuyền chèo liên tục nhiều giờ dọc sông, ban ngày chỉ nghỉ vài lần ngắn ngủi để ăn cơm. Đàn bà và đàn ông làm việc phần lớn thân mình ngâm trong bùn lầy nước đọng, dưới ánh mặt trời chói chang, chịu ánh phản chiếu gay gắt và mùi xú khí gây cho người ta phát sốt xông lên từ đất ẩm mùa hè, và về mùa đông thì bị mưa phùn xứ Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ táp vào mặt. Họ nhẫn nhục và can đảm chịu đựng những thiếu thốn và nghèo nàn vật chất.

Da, do nhiễm sắc tố, là đặc tính hình thái đầu tiên làm cho người quan sát chú ý. Và sự phân loại đơn giản nhất các chủng tộc là dựa trên những khác biệt của da. Người Việt thuộc nòi giống da vàng. Nhưng nước da họ thẫm hơn người Trung Hoa.

Thật ra, ta thấy họ có nhiều sắc độ khác nhau. Tùy theo giai tầng xã hội của con người, nước da họ có thể biến đổi từ màu sáng của thuốc lá đến màu trắng xỉn. Màu da hay gặp nhất là vàng nhợt: màu đất, hay màu da bò. Ở người thôn quê ta thường thấy một màu vàng thẫm hơn, có thể thẫm đến như màu vàng nâu của dân Mã Lai. Trong các gia đình giàu có hay quyền quý, ta thấy những thanh niên, và chủ yếu các thiếu nữ, có nước da trắng khả dĩ so sánh được với màu trắng của những kiểu da được ưa chuộng của phương Tây. Trong khi đó thì ở phụ nữ nông thôn hằng ngày làm lụng ngoài trời, nước da có màu rám nắng, đẹp, rất được người Việt ưa chuộng. Họ gọi màu da đó là đen giòn.

Người Việt cả nam lẫn nữ đều phát triển chậm. Thường thường, một thanh niên 20 tuổi chỉ có vẻ 15 tuổi, còn các thiếu nữ thì, trong một thời gian dài, vân trông như những em bé gái. Tuổi dậy thì khá muộn ở Việt Nam. Tuổi trung bình để kết hôn là từ 14 đến 15. Phụ nữ rất mắn đẻ và ta thường thấy những gia đình từ bốn đến sáu con. Người ta ước lượng có đến trên 4% gia đình có hơn một chục con. Con số chửa đẻ trung bình được ước tính là bốn.

Ngược lại, người Việt già đi nhanh chóng, bắt đầu từ tuổi bốn mươi. Một người đàn ông 50 tuổi đã già lụ khụ. Tuy nhiên, tuổi thọ không thua kém ở châu Âu. Nhiều người sống đến 70 tuổi. Người 80 tuổi chẳng hiếm. Và thậm chí đôi khi ta còn gặp một số cụ thọ 100 tuổi.

Số tử vong ở trẻ sơ sinh khá lớn, nhất là trong các giai tầng nghèo và ở thôn quê. Trẻ con bú mẹ rất lâu, hầu như bao giờ cũng đến tận lúc 3 tuổi. Nhưng đồng thời, ngay từ lúc thơ ấu, từ tháng thứ 3, thậm chí đôi khi sớm hơn, người ta thêm vào sữa mẹ nước cháo đặc, và sau tháng thứ 6, cơm nhai.

Răng mọc muộn. Khoảng cuối năm thứ ba thì tất cả hai mươi răng mới mọc đủ. Và chỉ từ năm thứ 12 trở đi, những răng đó mới bị thay bằng răng mọc lần thứ hai, nói chung rất chắc. Răng khôn mọc rất chậm.

Một số người Việt xăm mình, nhất là ở cánh tay, bằng kim và một thứ thuốc nhuộm xanh. Ông Veyre tiến hành về vấn đề này một cuộc khảo sát quan trọng, công bố ở tập Compte-rendus des séances de linstitut Indochinois pour l’Instiute de l’Homme (Báo cáo về những cuộc họp của Viện Đông Dương nghiên cứu Con người) (năm 1938 ). Trong các hình xăm, ngoài chữ Hán có ý nghĩa chúc tụng, ta thấy hình những vật bất động như mỏ neo, binh khí, cờ, bánh lái ô tô, hoặc hình cây cỏ (hoa đào, hoa hồng, hoa sen), hình động vật (rùa, ngựa, công, hổ, vịt...) ít nhiều có giá trị biểu tượng.

Trong sử biên niên Việt Nam, ta thấy ngày xưa dân chài lưới người Việt xăm lên mình những hình thuỷ quái để tránh tai nạn lúc họ phải lặn dưới nước. Ở thời cổ đại, tục xăm mình này chắc là có một giá trị tôn giáo. Tục lệ đó còn tồn tại đến tận thế kỷ XIII, lúc vua Trần Anh Tôn (1293-1314) không chịu cho vẽ lên hai chân mình hình rồng, biểu tượng của sức mạnh và can đảm, và lôi kéo cả nước bắt chước. Ngày nay, chỉ một số người thuộc các giai tầng dưới trong xã hội Việt Nam còn giữ tục đó.

Đàn bà, và chủ yếu trẻ con, vẫn còn thói quen, ở nông thôn ngày 5 tháng Năm, nhuộm móng tay, móng chân màu đỏ trừ ngón tay trỏ, bằng lá cây móng (lausanis inermis) băm nhỏ, hy vọng xua đuổi được ma quỷ.





Trích 1 đoạn trong "Văn minh Việt Nam" của Nguyễn Văn Huyâ size=

Viết bởi LiTheDan » Ba T7 18, 2006 9:02 pm


Bài trích đoạn dưới đây viết về con người Việt Nam dưới cách nhìn "khoa học".
I.Loại hình cơ thể

Ta quen phân biệt các chủng tộc người bằng cách xem xét hình dạng của đầu. Hình dạng này có thể được quyết định bởi chỉ số đầu, tức là tỷ lệ giữa bề rộng và bề dài của sọ. Căn cứ ở tỷ lệ này, ta có ba loại người: người đầu dài, người đầu ngắn và người đầu trung bình.

Sọ người Việt tròn. Sọ đó thuộc loại đầu ngắn. Trong khoảng 500 sọ người ở Bắc Kỳ mà ông Đỗ Xuân Hợp quan sái ta có thể kết luận rằng người Việt Nam đầu ngắn trong 54,36% trường hợp; đầu trung bình trong 30,8% trường hợp. Đầu dài chỉ chiếm 3,22% trường hợp. Mặt khác, nói chung, đầu đàn bà nhỏ hơn đầu đàn ông.

Về bộ não người Việt, thì theo lời Broca, trọng lượng là 1.233gr. Bác sĩ Bigot nói rằng, trọng lượng trung bình là 1.314gr với những biến thiên từ 1.145gr đến 1.450gr. Bác sĩ Huard đã cân 25 bộ não người lớn trên bàn mổ xác, cho trọng lượng trung bình là 1.409gr với các số cao nhất và thấp nhất là 1.600gr và 1.250gr.

Người Việt vóc nhỏ bé. Vóc người đàn ông trung bình là 1.595m và đàn bà là l,53m. Bác sĩ Bigot, khi xem xét 322 người Bắc Kỳ lấy trong số lính khố xanh, kết luận rằng: 107, tức là 33,2%, vóc người nhỏ (1,50m đến 1,59m); 202, tức là 62,7% , tầm vóc trung bình (1,60m đến 1,69m); và 13 , tức là chỉ 4% có vóc cao lớn (1,70m đến 1,79m). Thật ra, theo ông, nếu ta chấp nhận tầm vóc trung bình là 1,65m, thì ta thấy rằng 261 người, tức là 82,1% dưới trung bình. Đại đa số tức là 208 (64,4%) nằm trong khoảng giữa 1,56m và 1,63m.

Ở Trung Kỳ, trong số 240 lính khố xanh được đo, ta thấy 35,4% vóc người nhỏ, 59,4% vóc trung bình, và 5,4% vóc cao lớn, 78,8% vóc người dưới 1,65m và con số hay gặp nhất là từ 1,60m đến 1,63m (34,1 % số người). Những vóc nhỏ nhất và lớn nhất là 1,495m và 1,73m.

Những thầy thuốc đo ở nhiều vùng khác nhau tại Nam Kỳ cho biết, những số trung bình từ 1,542 (Tây Ninh) đến 1,64m (Sài Gòn), qua 1,602m (Thủ Dầu Một), 1,609m (Mỹ Tho và Vũng Tàu). Tại Sài Gòn, các cuộc điều tra của bác sĩ Guérin cho thấy số đo trung bình là 1,663m nhưng đấy là những tân binh tuyển chọn ở các tỉnh khác nhau.

Do đấy, người Nam Kỳ phải được xếp vào loại vóc nhỏ bé, chứ không phải vóc trung bình. Một cuộc điều tra khác cho thấy đàn bà Nam Kỳ có tầm vóc trung bình là 1,592m với 68% vóc nhỏ bé và 27,2% rất nhỏ. Mondière thấy ở 349 đàn bà số trung bình là 1,512m, cao nhất là 1,554m.

Nói chung, cấu trúc thân thể người Việt gây một ấn lượng về sự yếu ớt. Nhưng nếu ta xem xét kỹ những người được nuôi dưỡng thích đáng, thì đã thấy rằng họ có thân hình đẹp và bắp thịt nở nang. Tuy nhiên, về đại thể, khung xương nằm sát dưới da. Bác sĩ Bigot cho rằng, trọng lượng thân thể trung bình của người Việt là 45kg. Ở đồng bằng Bắc Kỳ, các số trung bình có lẽ cao hơn. Trong một nhóm lính khố xanh 202 người ở Bắc Kỳ, ông thấy 177 người, tức là 54,9%, nặng từ 50 đến 55kg; 78 người, tức 24,1%, nặng dưới 50kg, và 17 người hay 5,4%, nặng trên 60kg. Tóm lại, trọng lượng trung bình một người Bắc Kỳ, trong 79,2% trường hợp, không quá 55kg.

Ở Trung Kỳ, trọng lượng các tân binh trẻ cũng trên dưới 50kg.
Ở Nam Kỳ, trong nhóm Sài Gòn có tầm vóc trung bình là 1,63m mà ta nói ở trên, trọng lượng trung bình đạt tới con số cao là 58,44kg (46,2% nặng từ 56 đến 60kg; hơn một phần ba, 38,8% nặng 60kg và hơn). Trong thực tế, những trọng lượng lớn này phải được coi là ngoại lệ. Ví dụ ở tỉnh Tây Ninh, trọng lượng thân thể từ 40kg đến đến 54kg. Người ta thấy tại đây 64,9% cân nặng từ 43 đến 52kg, và chỉ 2,7% nặng từ 60kg trở lên. Ở Mỹ Tho, đối với một tầm vóc trung bình 1,592m, có 50 người đàn ông cân được 48,700kg.

Trọng lượng đàn bà Nam Kỳ nói chung dưới 50kg. Tại Mỹ Tho, trọng lượng trung bình của phụ nữ là 41,700kg. Ở Tây Ninh, một phụ nữ 28 tuổi cân được 26kg với tầm người 1,05m.
Khuôn mặt có hình trái xoan. Gò má rất cao, trán nở, cao và rộng. Bác sĩ Huard và các học trò của ông, bằng những cuộc nghiên cứu kiên nhẫn, ở Viện Giải phẫu Hà Nội, đã chỉ cho thấy rằng người ta có thể đoán được trước khi phân biệt được rõ các cơ da bề mặt của mặt và cổ người Việt. Nhiều đường nổi cho thấy gốc của từng cơ trong đám cơ da cổ và mặt nguyên sơ. Dù sao, ở người Việt những cơ này còn xa mới đạt đến mức phân biệt rõ, là đặc trưng của các cơ cổ và mặt ở chủng tộc người da trắng. Ở người Bắc Kỳ, sự biểu lộ xúc cảm có lẽ ăn khớp một cách quan trọng với bộ cơ mặt thể hiện nó. "Thực vậy, người ta đã chẳng từng hay nói rằng bộ mặt người Việt không diễn cảm lắm và hình như bất động hoặc không có tuổi. Người ta không thấy những nếp nhăn, những chỗ phẳng và những chỗ hõm tạo cho một số khuôn mặt người âu hay người Ơrôpôit một cá tính đôi khi mạnh mẽ, một vẻ tương phản, một ấn tượng đáng chú ý như toát ra từ một bức chạm nổi, một tuổi tác để xác định. Bộ mặt trơn nhẵn, thản nhiên, thậm chí không thể hiểu nổi của người Việt, sự mở rộng bộ xương mặt, và một sự tái hiện nhất định nào đó các đặc trưng tinh thần của tổ tiên truyền lại có thể cắt nghĩa phần nào điều đó. Một nền giáo dục rất đặc biệt từ bao thế kỷ đã góp phần tạo thành bộ mặt này".

Nhưng ta cũng gặp trong xã hội Việt Nam những bộ mặt cời mở, dí dỏm, những khuôn mặt không thiếu nếp nhăn hóm hỉnh và giễu cợt, Và ở những người đã trên năm mươi tuổi, một diện mạo không thiếu cá tính và uy lực.