Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Re:Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi ..... » Chủ nhật T8 03, 2008 10:47 am

Một bài viết,tuy đầy tâm huyết, nhưng vẫn chưa đào khoét sâu vào vấn đề.
2 chỉ trích hết sức đúng đắn là :

-Thay đổi cơ chế tổ chức,sự đấu tranh nội bộ là không khả thi.
-Thay đổi chế độ tiền lương.

Tuy nhiên,2 vấn đề này không đã đủ chưa,và cụ thể vấn đề thay đổi như thế nào thì trong bài viết này không đề cập tới.(Chế độ mới mô hình thế nào, sửa từ đâu ,sửa như thế nào..)
Xin lạm bàn về 2 ý kiến trên của giáo sư Hoàng Tụy:

1/Vấn đề thay đổi cơ chế:
Cơ chế thay đổi ở đây chỉ đề cập tới vấn đề thay đổi cơ chế trong bộ máy hành chính, hay thay đổi cả bộ máy hành chính  đó dẫn tới những đường hướng(về chính sách,luật,nhân sự) khác nhau

Trước tiên, nhìn về vấn đề chi phí thay đổi (switching cost):
Giống như có một căn nhà dột nóc, việc sửa từng chỗ dột hay,dỡ cả căn nhà đi xây lại dẫn tới những chi phí khác nhau.
-Mô hình "Mới" sử dụng một phần mô hình cũ (con người cũ) thì sẽ dẫn đến tình trạng đẩy những con người đang sống "nhờ" tham nhũng vào thế cụt đường, giải quyết vấn đề ấy thế nào ?Chưa kể đến việc nếu những thành viên ở mô hình cũ giữ trọng trách trong mô hình mới thì còn có khi lây lan cho mô hình mới

-Mô hình mới hoàn toàn,tức là một cơ chế hoàn toàn mới thì nhân sự là ai, ai là người tuyển chọn nhân sự, nguồn kinh phí xây dựng từ đâu ?Ai là người bảo vệ cho sự hình thành của cơ chế này?

Về vấn đề đấu tranh nội bộ:
Giáo sư có đề cập tới vấn đề "việc đấu tranh nội bộ là không khả thi",vấn đề này dĩ nhiên là dễ hiểu, vì thực ra, tham nhũng không thể tồn tại độc lập, các mối quan hệ lợi hại của một tổ chức rất gắn kết, tham nhũng trực tiếp (người rút tiền,làm giả giấy tờ..) hay tham nhũng gián tiếp (không trực tiếp làm ,nhưng kí kết, nhắm mắt,nhận tiền "chia" dưới các hình thức "thù lao họp""tiền tàu xe"...) chỉ là mặt trái,mặt phải của vấn đề.Một mắt của chuỗi xích không thể tố cáo một mắt xích khác được vì mình cũng nằm trong quan hệ với cái sự tham nhũng đó, không chỉ thế, gia đình mình cũng đang sống bằng đồng lương tham nhũng đó.
Giáo sư Hoàng Tụy không đề cập xa hơn tới cốt lõi nguyên nhân gây ra cái vấn đề "bao che nội bộ" ấy ở đâu, ở phần nào trong cơ chế.Về cơ bản, nguồn gốc của vấn đề là không có một lực lượng thứ 3 quan sát, lực lượng thứ 3 chịu trách nhiệm và có đủ quyền hạn để xử lý.
Cơ quan pháp luật tối cao của ta là Tòa Án Tối Cao, nhưng Tòa Án Tối Cao nằm dưới sự chỉ đạo của Quốc Hội.Nói một cách giản đơn, là chúng ta không sử dụng chế độ Tam Quyền Phân Lập, nên chỉ là người trong nhà xử nhau. Mà người trong cùng nhà,(cùng cơ chế) thì như trình bày bên trên, có quan hệ về quyền lợi ,nên làm sao có thể xử công bằng được.

Về vấn đề thay đổi cơ chế là vấn đề hết sức đáng thận trọng của Việt Nam, thay đổi như thế nào, thành mô hình gì...là nhữung vấn đề vượt ra ngoài tầm cỡ một cá nhân, một chuyên viên, hay chỉ một nhóm tổ chức.Chưa kể sự thay đổi quá nhanh sẽ gây nên xáo động về mặt xã hội (mới chỉ thay đổi sách giáo khoa thôi,mà điêu đứng bao nhiêu lớp học sinh rồi),chưa kể những phần tử lợi dụng đục nước béo cò.
Để an toàn thì thay đổi từ Giáo Dục, nhưng sẽ thay đổi thế nào đây khi ngay chính bộ máy giáo dục đầy rẫy những tệ nạn ??


2/Vấn đề thay đổi chế độ tiền lương:

Đây là vấn đề hoàn toàn đúng đắn, sự trả công xứng đáng với công sức lao động quyết định cho mức phát triển với xã hội đó. Tuy nhiên nói một câu :thay đổi chế độ tiền lương thôi thì chẳng khác gì mang con bỏ chợ. Xin được đào bới vấn đề một chút về việc này.

1/Ai là người trả lương, lương trích ra từ đâu
Chúng ta hay nghe một từ chung chung : lương sinh ra từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.Vậy ngân sách nhà nước sinh ra từ đâu ?
Hầu hết ngân sách nhà nước sinh ra du nguồn thu nhờ việc bán tài nguyên, thuế và bảo hiểm.Hiện tại nhiều nhất là thu từ tài nguyên (bán dầu thô),bán điện , thuế xuất nhập khẩu (nông sản, thủy sản..),thuế doanh nghiệp.Từ các nguồn thu này nhà nước sẽ chi tiêu cho các mặt lớn là
1/Quốc phòng,
2/bảo hiểm, trợ cấp (y tế, thất nghiệp, nhi đồng..),
3/Thiết bị công cộng,
4/Giáo dục,
5/Lương cho công chức nhà nứơc,
6/Trả nợ ,lãi nợ cho các nguồn vay quốc tế.
(Rất đáng tiếc tỉ lệ thu chi thế nào thì không công khai)
Về 6,nói sơ sơ thế này :Thực chất, giống như một công ty sự vận hành thu chi quyết định sự sống còn của công ty đó, các công ty thường vay một số vốn (nhìn chung là tương đương với tài sản) để thúc đẩy phát triển (phát hành cổ phiếu cũng là hình thức vay vốn).Vậy nhà nước ta vay vốn từ đâu. Từ ngân hàng quốc tế, các khoản ODA có tính lời và không tính lời.
Theo như mình biết thì Việt Nam là nước làm ăn thua lỗ.(Đơn cử : chúng ta luôn luôn là nước nhập siêu mấy chục năm nay, nói đơn giản là làm ra thì ít mà chi tiêu thì nhiều).
Trong vấn đề cơ bản này, việc tăng lương (tăng chi) của nhà nước sẽ gặp những khó khăn có thể đơn củ như sau
a/Tiếp tục thâm hụt ngân sách -> tiếp tục vay tiền -> tiền nợ và lãi nợ tăng -> gánh nặng cho tầng lớp sản xuất trực tiếp (làm ra vật chất) càng tăng -> xã hội bất ổn.
b/Phát hành thêm tiền -> lạm phát-> tiền nhận được thêm về lượng nhưng không tăng về chất...

Việc tăng lương nằm trong một vòng luẩn quẩn của cơ cấu hành chính,cơ cấu thu chi, cơ cấu phân chia lợi ích, đi vào vấn đề này sẽ chạy ra vấn đề cơ chế bên trên.

Đây là một chủ đề lớn, chỉ đưa mạo đầu vấn đề như trên, để ai có hứng thú thì tìm hiểu thêm về kinh tế vĩ mô, kinh tế nhà nước.

Vài ý kiến mạo muội ,chia sẻ với mọi người như trên. Theo mình, việc quan tâm, tìm hiểu vấn đề là hết sức cần thiết, vấn đề giải quyết thì cứ từ từ mà nghĩ, sẽ có những thời điểm buộc phải có sự thay đổi(hì hì, đoán mò tí thôi).Có  những ý kiến về cải cách như : Việc tư nhân hóa, độc lập thu chi cho các cơ quan nhà nước (pháo nhân hóa các trường đại học như ở Nhật chả hạn), hay lập thêm cơ quan quan sát chính phủ,....là nhiều đề tài được luận bàn sãn rồi, tìm thông tin là có thôi.

Chúc cả nhà vui vẻ.Cảm ơn anh Ngọc nhé.


[smile]

Re:Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi nguyenhoangtue » Chủ nhật T8 03, 2008 9:02 am


Giáo sư Toán học Hoàng Tụy rất xuất sắc trong lĩnh vự toán học, nhưng trong những bài chống tham nhũng của Ông giống như là một tiếng kêu lớn đầy bất lực. Cho nên có nhiều đoạn đọc xong mới thấy sự hồn nhiên của một nhà toán học, lơ thơ như con trẻ ....  
Về nội dung bài viết : không có gì mới.
Tiêu đề:" Cơ chế sản sinh ra tham nhũng" cái ni cũng bình thường nốt , có cái cơ chế nào mà không sinh ra tham ô hối lộ từ trước đến nay trong chiều dài lịch sử Việt nam....

Cơ chế sản sinh ra nói láo nữa, cái này thì thuộc vế bản chất của phần lớn người Việt Nam ( Người Việt Nam xấu xí). Và cũng nói rõ ra rằng không chỉ sống ở Việt Nam , mà ngay những người Việt ở ước ngoài cũng vậy nốt,từ người vượt biên cho đến du học sinh, cái này thì có đỗ lỗi cho cơ chế có được không... ặc ặc... nhiều không kể hết..
Nói láo quen, nên sẽ thấy bình thường, là những bước khởi đầu của tham ô , hối lộ. Vì vậy Giáo sư Hoang Tụy nên quay vế vấn đề giáo dục là hay hơn, cụ thể là giáo dục mầm non, chứ không phải là giáo dục Đại học.

Đúng là các ngài giáo sư, trong lĩnh
vực riêng của họ thì ho xuất sắc, nhưng đi vào các chuyện chính trị thì làm sao mà sắc xảo cho bằng mấy bậc tiền bối đang ở trong chăn của chế độ này... Ôi chính trị. Nhưng cảm ơn bài viết có chí khí của Người Quảng Nôm con sót lại cho đến hôm nay!

Re:Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi anhsiu » Bảy T8 02, 2008 11:31 pm

  Lâu ngày mới được đọc 1 bài hay , đúng là lý luận của giáo sư có khác .
   Cơ chế bất hợp lý , đồng lương phi lý là nhận định ông đưa ra là nguyên nhân gây bệnh . Nhưng mà , với tình trạng bây giờ tăng lương rồi có chữa được tham nhũng hay không cũng là 1 câu chuyện nhiều tình tiết .  Thêm vào đó là có tăng được hay không cũng là 1 mảng rắc rối không kém .
   Theo cá nhân em thấy thì là : nhiều căn bệnh hiện nay chữa là 1 chuyện , nhưng tiêm phòng cũng là 1 cái quan trọng hết sức . Như vậy vấn đề giáo dục tư tưởng của bộ giáo dục là cái quan trọng trong việc đẻ ra xa hội sau này .
  Mà đọc và 8 chuyện vậy thôi chớ chưa dám nghĩ tới mấy cái ni, có nghĩ cũng như ếch ngồi giếng . [cool]

Re:Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi phuongthe_ngoc » Bảy T8 02, 2008 7:09 pm

Bài viết về tệ nạn tham nhũng nàylàm mình nhớ lại một vụ án nổi tiếng diễn ra trong chính phủ Việt Nam non trẻ, vào những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng 8 thành công.
Đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước được nhà biên kịch Lưu Quang Hà viết thành một kịch bản kịch nói và và vở kịch này cũng thu được nhiều thành công không kém gì những vở kinh điển khác nói về tiêu cực trong Xã hội mới như "Tôi và chúng ta", "Lời thề thứ 9"...
Đây là vụ án tiêu cực mà bị cáo là đại tá Hòang Trọng Vinh. Anh ta là một cán bộ tiền kháng chiến, do có nhiều công lao nên sau khi CMT8 thành công, được Bác Hồ chỉ định làm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Nhu (nay là Tổng Cục Hậu Cần)lo về lương thực đạn dược cho quân đội.Từ đây hắn bắt đầu biến chất và có những hành vi tham ô, hối lộ...Hắt hủi vợ con, coi thường tính mạng đồng đội.Tổ chức những cuộc vui sa đọa, tốn kém trong khi các chiến sỹ phải chiến đấu ngoài chiến trường vơisuwj thiếu thốn lương thực, thuốc men...
Khi tội ác đã bị vach trần, Bác Hồ đã một đêm thức trắng để quyết định ký vào Bản Án tử hình dành cho Hoàng Trọng Vinh.
Chuyển thể kịch nói được đánh giá là sát với câu chuyện có thực có tác dụng giáo dục cao. Vở kịch vừa được các nghệ sỹ thuộc Nhà Hát Tuổi trẻ tái dàn dựng.Các bạn có thể xem online dưới đây


ĐÊM TRẮNG


[movie]http://www3.tuoitre.com.vn/Media/Playlist.aspx?Media=9476[/movie]

Re:Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi phuongthe_ngoc » Bảy T8 02, 2008 10:47 am

Đấu tranh nội bộ là không khả thi
Điều nguy hiểm chính là ở chỗ ấy: cán bộ cấp dưới nếu có phạm pháp ít nhiều để sống thì cấp trên phải thông cảm, phải làm ngơ. Song tâm lý con người là rất ít ai chịu dừng ở mức đủ sống, mà đi xa hơn, ngày càng xa, dẫn đến phạm tội. Còn cấp trên thì sao? Lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở, và vì đám này nhiều quyền lực nên phạm vi, quy mô tham nhũng lớn, không phải chỉ kiếm thêm vài triệu/tháng như cấp dưới, mà phải 5-7 triệu, hàng chục, hàng trăm triệu. Hành vi tham nhũng của họ, công chức dưới quyền dù có biết cũng ít dám đấu tranh vì bản thân cấp dưới cũng tự biết chính mình đâu có trong sạch được 100%, giá thử có muốn đấu tranh thì chưa biết chừng kẻ bị trừng trị trước hết là chính mình chứ không phải sếp. Cho nên cấp dưới trở thành vỏ bọc che chắn cho cấp trên, rồi cấp trên lại che chắn cho cấp trên cao nữa, cứ thế tham nhũng đi dần từ dưới lên, từ cơ sở lên đến trung ương, càng lên cao tham nhũng càng tinh vi. Đến mức là trong nhiều cơ quan, ai đứng ngoài hệ thống tham nhũng sớm muộn đều bị đánh bật ra khỏi cơ quan.

Và chính vì thế mà biện pháp đấu tranh nội bộ nêu ra trong dự thảo Luật phòng chống tham nhũng chỉ là lý thuyết, chứ không thực tế. Khi tham nhũng đã tràn lan, có tính tập thể, đi từ dưới lên trên, rộng khắp, có vỏ bọc bảo vệ chắc chắn như trên đã phân tích, thì đấu tranh nội bộ không thể bảo đảm an toàn. Đó là lý do giải thích tại sao phần lớn các vụ tham nhũng đều do quần chúng, công luận đấu tranh phát hiện, chứ it khi bị tố cáo từ trong nội bộ cơ quan.
Phải cải cách chế độ tiền lương
Thành thử, nếu chúng ta còn duy trì chế độ lương phi lý như hiện nay thì không có cách nào chống tham nhũng có hiệu quả. Chúng ta đều thấy, với chế độ tiền lương hiện nay, khi không một ai có thể sống bằng lương được cả, thì tham nhũng tràn lan, khó huy động toàn xã hội chống tham nhũng được. Trung ương có lẽ đã thấy điều đó, nên đã có nghị quyết phải giải quyết vấn đề tiền lương một cách cơ bản. Vậy mà sau năm năm nghiên cứu và tiêu tốn không ít tiền của, công sức, các Bộ Tài chính và Nội vụ mới đưa ra được một đề án cải cách tiền lương tốt đến mức ... mới bắt đầu thực hiện đã phá sản hoàn toàn. Và cho đến nay, sau các kiểu điều chỉnh lương, phụ cấp linh tinh, vẫn chưa ai được tăng một đồng lương thực tế nào cả. Tiền lương cơ bản, theo giá trị mới của đồng tiền, không hề thay đổi. Cái cơ chế trả lương từng đẩy nhiều người đến hành vi sai trái mới có thể sống được vẫn giữ gần nguyên.

Nếu mục tiêu cải cách tiền lương chỉ là tăng lương cơ bản cho đủ sống (chứ không động gì đến cơ chế phân phối lương và thu nhập phụ ngoài lương), như các Bộ phụ trách đã quan niệm, thì bất cứ ai cũng thừa hiểu đó là mục tiêu phi thực tế, đâu cần các vị phải mất công giải thích rằng chỉ tăng 10 nghìn đồng/tháng thôi cho mỗi công chức, cán bộ cũng đã vượt quá khả năng của ngân sách !

Từ bao lâu nay, nói đến tiền lương còn ai lạ gì cái nghịch lý sờ sờ : người nào cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đàng hoàng ! Vậy mấu chốt là phải xoá bỏ cái nghịch lý ấy chứ, tức là phải sửa cơ chế trả lương để sao cho ngoài lương chính thức ra, đại đa số công chức cán bộ không còn có thêm khoản thù lao, phụ cấp, nào khác từ ngân sách và tiền đóng góp của dân hay tiền dự án vay quốc tế. Các khoản này đều phải chỉnh đốn lại và tính gộp hết vào tiền lương chính thức cho công bằng, để các hoạt động trước đây được thù lao dưới hình thức tuỳ tiện nay đều được tính trong nhiệm vụ của người hưởng lương. Nếu làm như vậy thì với khả năng ngân sách hiện tại, theo tính toán cụ thể trong một ngành như giáo dục, lương vẫn có thể đảm bảo mức sống phù hợp năng suất lao động từng người, giúp cho mỗi người không phải lo toan xoay xở chật vật, nhiều khi phạm pháp, để mưu sinh, mà có điều kiện dồn tâm trí vào nhiệm vụ chính của mình và dành thì giờ chăm sóc gia đình, con cái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Muốn phòng, chống tham nhũng một cách triệt để thì phải cải cách tiền lương, tạo lập sự công bằng. Khi đó, nếu ai còn tìm cách xoáy thêm tiền nhà nước, móc thêm túi người dân thì không còn lý do gì bào chữa, cả về đạo đức cũng như pháp lý. Bọn quan chức tham nhũng sẽ mất đi cái vỏ bọc lâu nay vẫn che chắn chúng, cấp dưới, người dân sẽ không còn bị khống chế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đó sẽ dễ dàng hơn.

Nhìn ra thế giới, những nước nào mà công chức phải xoay xở thêm mới đủ sống đều có tình trạng tham nhũng nặng nề. Rất tiếc là Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng chưa chú ý đầy đủ kinh nghiệm đó. Đương nhiên không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn thì tham nhũng sẽ hết. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng còn gay go.

Năm 1978, trong một dịp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi ý kiến một số nhà khoa học về vấn đề chống tiêu cực, tôi đã có phát biểu đại ý như trên. Năm 1995, tôi cũng đã xin nhắc lại ý kiến đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và theo lời khuyên của cố Thủ tướng tôi cũng đã trình bày trực tiếp ý kiến đó với Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Trần Đức Lương, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, và sau này với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đến bây giờ, sau ba thập kỷ chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, tôi vẫn tin rằng nếu không triệt được mầm mống tham nhũng từ trong cơ chế thì chưa có cách nào kiểm soát được cái quốc nạn này.

Cơ chế sản sinh ra tham nhũng

Viết bởi phuongthe_ngoc » Bảy T8 02, 2008 10:46 am

Đọc thấy bài viết này hay nên gửilên đây cho mọi người cùng đọc

-----------------------
Cơ chế sản sinh ra tham nhũng
(GS Hoàng Tụy Tạp chí Lập pháp - Số Chủ đề Hiến kế lập pháp tháng 9/2005)

Tham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Theo ông, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bên cạnh những biện pháp trừng trị, vấn đề cơ bản là phải phòng ngừa bằng cách thay đổi cơ chế, mà trước hết là xem xét lại chế độ tiền lương.

Trừng trị là biện pháp cần nhưng chưa đủ
Tôi cho rằng, tham nhũng là một khối u nhức nhối vô cùng. Nếu chúng ta không cắt được khối u ấy, không cách nào làm cho xã hội phát triển mạnh được. Tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng. Do vậy, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay. Nhưng theo tôi, trong xã hội ta, từ lâu, tuy mọi người đều lên án mạnh mẽ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tuyên chiến quyết liệt với quốc nạn này.

Cho đến nay, tôi thấy các biện pháp mà Dự luật phòng, chống tham nhũng đưa ra vẫn chỉ là những phương pháp cổ điển mà chúng ta đã sử dụng hàng ba chục năm nay, bây giờ nói mạnh hơn chứ chưa thấy có phương pháp gì mới. Vậy làm sao hy vọng công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả mang tính đột phá được? Trong vòng vài mươi năm lại đây, ai có chút liêm sỉ đều coi tham nhũng là quốc nạn và nhiều vụ tham nhũng lớn cũng đã bị phanh phui và trừng trị, ấy thế mà mỗi năm, số vụ tham nhũng vẫn cứ tăng, không hề giảm mà các thủ đoạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Mấy thập kỷ rồi, tất cả các biện pháp đó đều đã được sử dụng mà tình trạng vẫn chưa thay đổi bao nhiêu, lại có vẻ trầm trọng hơn, thì tại sao chúng ta không xét xem có biện pháp nào khác hữu hiệu hơn không ? Muốn thế cần tìm hiểu căn nguyên tại sao tham nhũng ở ta tràn lan, từ dưới lên trên cấp nào cũng có, nơi nào cũng có, chỉ khác nặng với nhẹ ?

Trừng trị là cần thiết, nhưng ta chỉ có thể trừng trị nặng những tội tham nhũng lớn, còn đối với tình trạng tham nhũng tràn lan như ở ta hiện nay thì làm sao trừng trị cho hết được. Mà chừng nào tham nhũng còn tràn lan thì đó chính là vỏ bọc che chắn cho bọn tội phạm tham nhũng lớn. Cho nên cần đi sâu hơn vào nguyên nhân sinh ra tham nhũng tràn lan, tìm ra biện pháp khắc phục nó thì mới đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng. Các biện pháp trừng trị là cốt để răn đe, ngăn ngừa nhưng trừng trị chỉ có hiệu quả khi nào đại đa số cán bộ, công chức không cần và không muốn tham nhũng.

Thời kháng chiến chống Pháp, Trần Dụ Châu khi đó là cán bộ cao cấp bị tử hình vì tội tham nhũng. Đó là một vụ án làm rung động cả nước và sau đó thì hầu như không còn tham nhũng nữa. Nhưng tình hình hồi đó khác bây giờ. Hồi đó, trong kháng chiến, cán bộ công chức nói chung đều đủ sống, tuy mức sống rất thấp nhưng là mức chung trong xã hội, ai cũng cảm thấy công bằng. Cho nên tham nhũng có xuất hiện cũng chỉ lẻ tẻ ở cấp cao, ở bên trên thôi. Nghĩa là tình hình lúc ấy khá giống như ở các nước tiên tiến bây giờ, chỉ những quan chức có quyền lực nhiều mới tham nhũng được, do đó số vụ tham nhũng không nhiều, tác hại hạn chế, họ lại có cơ chế quản lý tốt nên dễ phát hiện và có thể xử lý tham nhũng đến nơi đến chốn.

Còn với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi có thể hình dung thế này: lương tôi thấp không đủ sống, tôi nhìn ra bên cạnh thấy mọi người đều sống tốt cả, mà đâu phải năng suất lao động của tôi quá tồi so với xã hội, nên tôi suy ra là tôi bị thiệt, bị trả lương thấp hơn mức tôi đáng được hưởng, nên tôi phải tìm cách xoay xở để có được mức thu nhập xứng đáng hơn. Ban đầu chỉ suy nghĩ như vậy, về sau nhìn xung quanh thấy ai cũng thế cả, ai cũng xoay xở để tồn tại, để bù vào sự thiếu hụt của tiền lương phi lý, nên dù có phải phạm pháp chút ít lương tâm vẫn cho là bình thường. Cứ thế dần dần những vụ phạm pháp, tham nhũng ban dầu chỉ lặt vặt, có thể “thông cảm” được, ngày càng trở nên phổ biến, nhiều nơi nhiều lúc phát triển vượt quá giới hạn bình thường. Không chỉ cấp cao, có nhiều quyền lực mới tham nhũng, mà tham nhũng tràn lan, phổ biến, từ dưới phát triển lên cao dần, càng lên cao càng trầm trọng và càng khó phát hiện vì được bảo vệ bởi cái vỏ bọc kiên cố từ dưới. Vì vậy, bây giờ nếu chỉ tập trung phát hiện và trừng trị đích đáng một số vụ tham nhũng lớn,…tôi e rằng vẫn chưa đủ, tuy rất cần thiết. Chống tham nhũng với các biện pháp lâu nay đã dùng rồi thì chỉ chống được ở phần ngọn. Còn nếu thật sự muốn chống tham nhũng có hiệu quả, muốn chống triệt để thì phải phòng, chống từ gốc, tức là phải sửa ngay từ cơ chế quản lý. Bởi vì chính cơ chế này là nguyên nhân sinh ra tham nhũng !
Cơ chế sinh ra tham nhũng
Muốn chữa bệnh có hiệu quả phải hiểu cơ chế phát sinh ra bệnh. Tham nhũng ở nước ta hiện nay như vết thương từ bên trong cơ thể, từ trong máu, nhưng chúng ta chỉ chăm chú chữa trị những lở loét bên ngoài, bôi hết thuốc này đến thuốc khác, cứ chỗ này vừa khỏi thì bung ra chỗ khác, dịu đi một chút rồi bùng phát trở lại, có khi còn dữ dội hơn trước và ngày càng khó chữa trị. Cần phải hiểu tham nhũng ở ta là căn bệnh từ cơ chế. Nhưng rất tiếc trong các biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng không thấy đề cập tới biện pháp nào về cơ chế. Mà trong cơ chế thì phi lý và tiêu cực nhất, cần và có thể sửa ngay nếu có quyết tâm, là cơ chế tiền lương và thu nhập của công chức, cán bộ. Thứ đến là cơ chế chi tiêu thanh toán phổ biến dùng tiền mặt, khiến cho việc ăn cắp công quỹ khá dễ, và sau nữa, nhưng quan trọng không kém là cơ chế đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.
Vấn đề đã nêu ra ngót 30 năm nay
Thật ra vấn đề chẳng có gì mới. Gần đây nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo. Trong một dịp được tiếp xúc với cấp lãnh đạo cao nhất năm 1978, tôi cũng đã từng nêu ra ý kiến như trên để trả lời câu hỏi làm sao chống tiêu cực có hiệu quả (hồi đó chỉ mới nói chống “tiêu cực” chứ chưa nói chống “tham nhũng”). Muốn hiểu tại sao cơ chế quản lý lại có thể là thủ phạm sản sinh ra tham nhũng và bảo vệ tham nhũng chỉ cần suy nghĩ về điều mấu chốt này: tiền lương cơ bản hiện nay của đại đa số công chức, cán bộ chỉ đủ sống được khoảng mươi ngày. Thế nhưng thực tế phần đông vẫn sống đàng hoàng, nhờ thu nhập “phụ” thường cao hơn mức lương chính 3-4 lần, thậm chí có khi cả chục, cả trăm lần. Vậy nguồn thu nhập “phụ” đó ở đâu ra? Có phải là từ công quỹ Nhà nước, từ đóng góp của dân, hay có nguồn nào từ trên trời rơi xuống? Lấy ví dụ ngành giáo dục là một ngành tương đối ít tai tiếng tham nhũng: khi tôi tìm hiểu chế độ lương, phụ cấp các loại trong ngành này thì nhận được một tập dày cộp không biết bao nhiêu thông tư, chỉ thị, chỉ đọc cho hết cũng phải vài ngày. Tôi nghĩ: phức tạp như thế, tránh sao khỏi sơ hở dễ bị lợi dụng, tham nhũng! Mà thực tế đâu có gì khó hiểu: đồng lương cơ bản quá thấp thì phải bịa ra nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao, nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, làm ngơ cho họ dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô, luyện thi tràn lan, chưa kể nhiều loại hoạt động có bồi dưỡng, có phong bì (hội họp, kỷ niệm, viết báo cáo, tham luận…). Rốt cục, hầu hết mọi người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập tương đối. Vậy có nghĩa là ngân sách, cộng với phần đóng góp của dân, hoàn toàn không thiếu để trả lương đường hoàng, nếu phân phối công bằng và hợp lý. Chẳng qua ta chỉ dùng một phần nhỏ để trả lương cơ bản, còn lại thì phân phối tuỳ tiện, không hiệu quả, lại tạo nhiều sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng và đục khoét. Đó là thực tế trong ngành giáo dục. Tình hình ở các ngành khác cũng tương tự, có khi còn tệ hơn. Như trong khoa học thì cơ chế lương này đẻ ra một chế độ cấp phát kinh phí cho các nghiên cứu khoa học rất đặc biệt Việt Nam. Ở các nước, tiền lương của nhà khoa học đảm bảo cho họ không phải lo chuyện mưu sinh, còn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu chỉ được phép dùng để trang trải các chi phí về phương tiện nghiên cứu (như trang thiết bị), chứ không được trích ra để bổ sung thu nhập cá nhân. Như vậy, người ta xin cấp kinh phí nghiên cứu là để có phương tịên nghiên cứu chứ không phải để tăng thu nhập. Ở ta thì trái lại, do tiền lương quá thấp, cho nên kinh phí cấp cho một đề tài nghiên cứu được phép trích ra một tỉ lệ đáng kể (trung bình khoảng 30-50%) để “trả công” cho các nhà khoa học tham gia đề tài. Có nghĩa là anh “chạy” được một đề tài với kinh phí càng lớn thì thu nhập của anh càng cao, có thể gấp nhiều lần tiền lương. Đã thế mà việc xét duyệt và nghiệm thu đều thiếu nghiêm túc, đề tài gì cũng là công trình khoa học, và khi đã được dụyệt thì phần lớn đều được nghiệm thu “xuất sắc”. Nhiều người muốn biết: sau khi trừ đi kinh phí cho những đề tài cấp Nhà nước như vậy thì các đề tài khoa học chuyên nghiệp còn được bao nhiêu kinh phí để nghiên cứu? Tin này cũng làm nhớ lại cách đây vài tháng dư luận đã từng sôi nổi về chuyện một cơ quan nọ khi làm kế hoạch đón nhận huân chương đã dự chi phong bì đủ cỡ nặng nhẹ cho các quan khách tới dự, từ Bộ trưởng trở xuống. Thảo nào mấy năm nay nước ta được mùa bội thu huân chương các loại ! Đúng là tham nhũng có thiên hình vạn trạng nấp dưới một cơ chế hợp pháp. Giá còn Bác Hồ, không hiểu Bác sẽ nghĩ gì khi cảnh tượng đó diễn ra trên đất nước đã độc lập thống nhất 30 năm rồi.

Nhiều người bảo ngay ở một số nước tiên tiến tham nhũng cũng đầy rẫy. Đúng thế, nhưng ở các nước ấy tham nhũng dù sao cũng chỉ hạn chế ở một số nhân vật cấp cao của chính quyền nên người dân ít bị nhũng nhiễu. Còn ở ta thì tham nhũng hoành hành khắp ngõ ngách, từ anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ đến những cán bộ, nhân viên làm việc ở xã, phường vòi tiền “bồi dưỡng” của người dân để làm một số việc trong trách nhiệm thường ngày của họ. Tuy nhiên cần thấy rõ: nếu suy xét công bằng thì trong các hành vi phạm pháp đó chỉ 1/10000 là phạm tội. Còn lại, người ta phạm pháp chẳng qua vì cơ chế đẩy họ tới chỗ không làm thế không sống được!

Cảnh sát giao thông, cán bộ cấp xã phường… lương có khi chỉ đủ ăn trưa, như các vị lãnh đạo đã thừa nhận. Vì vậy, nếu có kẻ trong số họ tìm cách xoay xở để kiếm đủ sống thì về mặt đạo đức khó có thể lên án hành vi ấy. Cũng như việc giáo viên phải dạy thêm giờ để kiếm sống. Tuy tôi phản đối dạy thêm tràn lan vì việc đó có hại, nhưng xét về mặt đạo đức, lương không đủ sống mà cấm người ta dạy thêm là vô trách nhiệm.