Viết bởi Admin » Sáu T2 18, 2005 4:56 pm
Năm nay vừa đúng 100 năm kỷ niệm phong trào Đông Du do chí sĩ Phan Bội Châu khởi xướng. Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật gây dựng phong trào Đông du. Đó là thời điểm nước ta đứng trước một yêu cầu bức thiết phải canh tân xứ sở và Phan tiên sinh cho rằng phải cử nhiều thanh niên sang Nhật Bản, nhằm tạo ra một lực lượng có thực tài làm nòng cốt cho sự nghiệp phục quốc. Cũng năm này, cụ Phan đã hoàn thành trước tác Việt Nam vong quốc sử và sau đó 1 năm là trước tác Hải ngoại huyết thư. Kỳ vọng vào việc xây dựng lại đất nước theo hình mẫu của nước Nhật dưới thời Minh Trị, cụ Phan rất hâm mộ một nhà giáo dục và nhà tư tưởng danh tiếng thời đó là Fukuzawa Yukichi (cụ dịch là Phúc Trạch Dụ cát).
Khác với các sĩ phu đương thời, cụ Phan không muốn tiến thân bằng con đường khoa bảng mà sẵn sàng xả thân vào sự nghiệp thương dân, cứu nước. Fukuzawa cũng là người đi tiên phong trong việc đả phá lối học hành hư văn. Ông đã từng viết: Lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày. Ông đề xuất chủ trương Thực học (Jitsugaku) - nền học vấn gắn với đời sống con người. Fukuzawa đã sang Mỹ và châu Âu 3 lần và đã viết 3 tập của bộ sách Seiyô jijô (Tây dương sự tình) kể về các chuyện lạ mà ông đã lĩnh hội được từ các nước phương Tây.
Mặc dầu khi đó nước Nhật đã giành được độc lập nhưng chính quyền Tokugawa đã ký kết những điều ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây. Fukuzawa cho rằng nền độc lập quốc gia chỉ có thể có được trên nền tảng tinh thần độc lập của từng người trong nước. Đó là tinh thần: Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không cậy nhờ người khác... Biết phân tích phải trái một cách đúng đắn mà không ỷ lại vào trí khôn của người khác... Dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy nhờ vào sức người khác... Fukuzawa đặc biệt quan tâm đến việc dùng biện pháp kinh tế để vừa duy trì độc lập vừa đưa Nhật Bản lên hàng ngũ các cường quốc. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù quân sự mà là kẻ thù thương mại, không phải là kẻ thù vũ lực mà là kẻ thù trí lực.
Trong các trước tác viết trong phong trào Đông du, cụ Phan đã phân tích rạch ròi : Dân trí thấp kém, dân quyền bị khinh bỉ và tình trạng thiếu đoàn kết là những nguyên nhân đưa đến hiểm họa vong quốc ở Việt Nam. Cụ viết về nguyên nhân mất nước của ta: Một là, Vua sự dân chẳng biết/ Hai là, quan chẳng thiết gì dân/ Ba là, dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai (Việt Nam nghĩa liệt sử).
Bàn về Thực học, cụ Phan khuyên du học sinh: Việc học tập thành thạo các ngành binh công nông thương có nhanh cũng đến 5 năm ta chớ lấy làm lâu! Muốn học được nghề nghiệp của các nước trước hết phải học tiếng nói, chữ viết, 1 năm, 2 năm cho quen tiếng, nhuần lưỡi, người có chí không lấy làm khó, mà cốt lên vũ đài văn minh mà thôi.
Cả Fukuzawa lẫn Phan Bội Châu đều mong muốn tiếp thu văn minh nước ngoài với tinh thần khiêm tốn nhưng tích cực, chủ động và sáng tạo để từng bước rút ngắn khoảng cách của nước mình với các nước tiên tiến.
Một trăm năm sau phong trào Đông du, chúng ta thấy rằng chủ trương Cách tân của Đông du không khác gì nhiều với đường lối Đổi mới mà nhân dân ta đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta chủ trương Làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, có nghĩa là không cứ gì Nhật Bản mà chúng ta chủ trương học hỏi kinh nghiệm và thành tựu của mọi nước trên thế giới.
Chúng ta vui mừng vì hiện nay có tới gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ờ nước ngoài, trong số này có tới trên 300.000 trí thức với không ít các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác nhau. Chúng ta cũng rất vui mừng vì hiện có tới trên 30.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài, trong đó phần lớn là đi học bằng kinh phí tự túc nền giáo dục trong nước đang được ngày càng mở rộng với 214 trường đại học và cao đẳng, 286 trường trung học chuyên nghiệp và 546 trường dạy nghề. Và, với tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngày nay mọi người nếu có kiến thức cơ bản về khoa học và biết ngoại ngữ đều có thể học hỏi một cách vô hạn khi tìm kiếm tri thức trên mạng lnternet (ví dụ tìm kiếm thông tin từ các địa chỉ wwwgoogle.com hay www.yahoo.com).
Vậy tại sao nền giáo dục nước nhà lại bị kêu ca rất nhiều về tình trạng ngược với tinh thần thực học và thực nghiệp? Vì sao có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo? Vì sao rất nhiều thanh niên muốn tiếp tục được học tập mà không có cơ hội? Vì sao có rất nhiều tiến sĩ mà rất ít công trình nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng muốn khắc phục cần tiến hành thực hiện ngay mấy chuyện sau đây:
Một là, không nên chạy theo Bó hẹp cổng vào đại học, cao đẳng. Thanh niên chỉ cần có chí tiến thủ đều có thể có cơ hội học tập nếu Nhà nước tạo điều kiện liên thông giữa các cấp bậc đào tạo và nền giáo dục đại học tổ chức việc đào tạo theo tín chỉ (credit) như phần lớn các nước tiên tiến khác. Tại sao Trung Quốc nhận mọi lưu học sinh Việt Nam khi chỉ cần có (lấy lệ) tấm bằng tốt nghiệp THPT (kể cả bằng Bổ túc văn hoá). Không thể nói chất lượng đại học của Trung Quốc là thấp vì mọi sinh viên học không đạt yêu cầu thì không được lên lớp và việc học đại học không có thời gian cố định đối với mọi sinh viên. Việc bó hẹp cửa vào cao đẳng, đại học của chúng ta đã làm giàu cho các nước khác và làm thui chột khát vọng học hỏi của rất đông thanh niên nông thôn. Đừng quên rằng nếu sau 12 năm đèn sách mà chỉ về đi cày thì thanh niên nông thôn sẽ bỏ học từ cấp THCS, với miền núi có khi sẽ bỏ học từ cấp tiểu học. Nếu xảy ra phổ biến tình trạng này thì làm sao có thể thực hiện được hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Tại sao không dành đất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê để mở trường tại chỗ, từ đó làm tiết kiệm được rất nhiều kinh phí đầu tư của phụ huynh cho việc du học của con em mình. Thiếu giáo viên thì thuê chuyên gia nước ngoài và cử cán bộ trẻ theo học các chuyên gia này hoặc đi thực tập tại nước ngoài.
Hai là, cần khắc phục tình trạng rất phổ biến là chuộng Hư danh. Xã hội công nghiệp cần những người lao động có thực lực chứ không chỉ câu nệ vào bằng cấp. Các doanh nghiệp khi tuyển cán bộ, công nhân đều thực hiện việc phỏng vấn trực tiếp và bắt buộc có thời gian thử việc tại doanh nghiệp đó. Nếu mọi cơ quan đều tuyển người theo cơ chế này thì bằng giả sẽ bị vô hiệu hoá một cách nhanh chóng. Ngay bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng chỉ nên cấp cho những người thực sự có những công trình nghiên cứu được chứng thực và được thẩm định là không trùng lặp với công trình của người khác. Các cơ quan hành chính sự nghiệp không làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hoặc triển khai công nghệ, các lực lượng vũ trang nhân dân không nên đưa các học vị vào tiêu chuẩn đề bạt cán bộ. Có như vậy mới có thể chấm dứt nhanh chóng tình trạng chạy chọt, xin xỏ, hối lộ, móc ngoặc để có bằng được học vị. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư là chức vụ kèm theo những nhiệm vụ cụ thể ở các trường đại học, không phải là một danh hiệu vinh dự để ban phát cho cả các cán bộ không liên quan gì đến nhiệm vụ giảng dạy đại học. Có như vậy mới chấm dứt được việc lạm phát một cách vô ích chức vụ này.
Ba là, cần hội nhập quốc tế về trình độ đào tạo cả ở bậc phổ thông lẫn bậc đại học. Không có lý gì học sinh, sinh viên (HS, SV) chúng ta không tiếp thu nổi vốn kiến thức chung mà HS, SV các nước khác đang được truyền thụ. Càng không có lý gì với muôn vàn khó khăn về trình độ giáo viên, về phòng thí nghiệm, về đời sống mà HS, SV ta lại phải học một chương trình nặng nề hơn học sinh, sinh viên các nước khác. Cần rà soát lại và có so sánh cụ thể với chương trình của phần lớn các nước khác. Với thời đại thông tin phát triển như hiện nay đừng bắt bọn trẻ phải hao tổn trí tuệ để nhét vào đầu những con số thống kê vô hồn và thường xuyên biến động, những gì thầy cô cũng không nhớ nổi thì có lý gì bắt HS,SV phải nhớ? TS Việt kiều Vũ Quang Việt (chuyên gia của LHQ) cho biết : Chương trình 4 năm của SV ngành Kinh tế ở nước ta học nhiều hơn chương trình dạy ở Hoa Kỳ tới 803 giờ (!), trong khi đó thì những môn đáng lẽ ra là môn học lựa chọn thì chúng ta bắt mọi SV phải học. TS.Việt nhận xét: Học sinh trong 4 năm phải học gần như tất cả mọi thứ trên đời về kinh tế mà nhà trường có thể nghĩ ra được (!). Cũng cần thẳng thắn nêu lên việc bắt SV mọi trường CĐ, ĐH phải học và phải thi tốt nghiệp một chương trình chính trị với số giờ nhiều hơn mọi quốc gia khác. Nhẽ ra đây phải là môn học hấp dẫn, hữu ích, nhưng cần xem xét lại nội dung và phương pháp giảng dạy để biết rõ vì sao không có SV nào thích thú, và không có cách nào khác ngoài cách học vẹt để đối phó một cách vất vả với các kỳ thi.
Bốn là, cần chấn chỉnh ngay nội dung chương trình và chất lượng đào tạo ở các trường TH chuyên nghiệp, các trường dạy nghề. Vì sao chủ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường phàn nàn là HS tốt nghiệp các trường này đều có tay nghề kém, hầu hết đều phải đào tạo lại tại ngay doanh nghiệp đó. Tại sao trong Luật Giáo dục lại quy định Chương trình dạy nghề thấp nhất phải cần 3 tháng?! Trung tâm dạy nghề ngắn hạn tại Yên Mô, Ninh Bình là một minh chứng cụ thể. Tại đây thanh niên nông thôn được học các nghề rất thiết thực (như nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi ba ba, nuôi cá, trồng măng, trồng hoa xuất khẩu, trồng nấm ăn, trồng nấm dược liệu...). Đăng ký nghề nào, học nghề ấy và khi có chứng chỉ tốt nghiệp thì sẽ được phép thường xuyên nhận giống và được tiêu thụ mọi sản phẩm làm ra. Thời gian vừa học vừa thực hành đối với 1 nghề chỉ là ...10 ngày(!). Nếu kéo dài hơn sẽ không còn có gì để dạy (!). Bạn trẻ nào thi trượt đại học và muốn làm giàu ngay tại quê nhà , bằng chính sức mình, hãy thử liên hệ qua số ĐT: 030-680301; 0903410736. Từ một nghề tự làm cho gia đình mình có thể trở thành chủ doanh nghiệp huy động lao động trong cả xã, thậm chí cả huyện và có thể có nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn.
Năm là, cần chọn khâu đột phá như xác nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là giáo viên. Không lẽ GV vẫn tiếp tục dạy theo kiểu thầy dạy trò ghi, kể cả ở cấp CĐ, ĐH? Không lẽ bản thân thầy không thạo một nghề nào mà lại bắt SV phải thạo nghề ngay sau khi ra trường? Không có lý gì một nước nghèo như nước ta mà lại tách các viện nghiên cứu khoa học ra khỏi các trường đại học, mà hầu hết các nước phát triển từ lâu đã đưa các viện nghiên cứu khoa học gắn liền với các trường đại học. Giáo viên đại học không thể không thạo ngoại ngữ, không nghiên cứu khoa học. Không thể để thạc sĩ hướng dẫn làm luận án thạc sĩ. Không thể để người không có học hàm GS bỏ phiếu xét tuyển GS …
Một trăm năm trước các sĩ phu phải Đông du để hy vọng chấn hưng đất nước, nhưng lòng thành mà lực bất tòng tâm. Ngày nay với chính sách Đổi mới, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, chúng ta có biết bao cơ hội để mở rộng cánh tay đón nhận các thành tựu của khoa học, công nghệ, của kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Vấn đề mang tính quyết định là cần coi trọng Thực học (Học thật), Thực nghiệp (Làm thật) để có thể nhanh chóng nâng cao dân trí, trọng dụng nhân tài, phát huy mọi lực lượng của nhân dân, trí tuệ của thời đại để bứt phá ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, xứng đáng với vị trí của một quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, một quốc gia đã có những truyền thống hào hùng qua nhiều thời đại.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí Khoa giáo, tháng 12/2004.
Năm nay vừa đúng 100 năm kỷ niệm phong trào Đông Du do chí sĩ Phan Bội Châu khởi xướng.
Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật gây dựng phong trào Đông du. Đó là thời điểm nước ta đứng trước một yêu cầu bức thiết phải canh tân xứ sở và Phan tiên sinh cho rằng phải cử nhiều thanh niên sang Nhật Bản, nhằm tạo ra một lực lượng có thực tài làm nòng cốt cho sự nghiệp phục quốc. Cũng năm này, cụ Phan đã hoàn thành trước tác Việt Nam vong quốc sử và sau đó 1 năm là trước tác Hải ngoại huyết thư. Kỳ vọng vào việc xây dựng lại đất nước theo hình mẫu của nước Nhật dưới thời Minh Trị, cụ Phan rất hâm mộ một nhà giáo dục và nhà tư tưởng danh tiếng thời đó là Fukuzawa Yukichi (cụ dịch là Phúc Trạch Dụ cát).
Khác với các sĩ phu đương thời, cụ Phan không muốn tiến thân bằng con đường khoa bảng mà sẵn sàng xả thân vào sự nghiệp thương dân, cứu nước. Fukuzawa cũng là người đi tiên phong trong việc đả phá lối học hành hư văn. Ông đã từng viết: Lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày. Ông đề xuất chủ trương Thực học (Jitsugaku) - nền học vấn gắn với đời sống con người. Fukuzawa đã sang Mỹ và châu Âu 3 lần và đã viết 3 tập của bộ sách Seiyô jijô (Tây dương sự tình) kể về các chuyện lạ mà ông đã lĩnh hội được từ các nước phương Tây.
Mặc dầu khi đó nước Nhật đã giành được độc lập nhưng chính quyền Tokugawa đã ký kết những điều ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây. Fukuzawa cho rằng nền độc lập quốc gia chỉ có thể có được trên nền tảng tinh thần độc lập của từng người trong nước. Đó là tinh thần: Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không cậy nhờ người khác... Biết phân tích phải trái một cách đúng đắn mà không ỷ lại vào trí khôn của người khác... Dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy nhờ vào sức người khác... Fukuzawa đặc biệt quan tâm đến việc dùng biện pháp kinh tế để vừa duy trì độc lập vừa đưa Nhật Bản lên hàng ngũ các cường quốc. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù quân sự mà là kẻ thù thương mại, không phải là kẻ thù vũ lực mà là kẻ thù trí lực.
Trong các trước tác viết trong phong trào Đông du, cụ Phan đã phân tích rạch ròi : Dân trí thấp kém, dân quyền bị khinh bỉ và tình trạng thiếu đoàn kết là những nguyên nhân đưa đến hiểm họa vong quốc ở Việt Nam. Cụ viết về nguyên nhân mất nước của ta: Một là, Vua sự dân chẳng biết/ Hai là, quan chẳng thiết gì dân/ Ba là, dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai (Việt Nam nghĩa liệt sử).
Bàn về Thực học, cụ Phan khuyên du học sinh: Việc học tập thành thạo các ngành binh công nông thương có nhanh cũng đến 5 năm ta chớ lấy làm lâu! Muốn học được nghề nghiệp của các nước trước hết phải học tiếng nói, chữ viết, 1 năm, 2 năm cho quen tiếng, nhuần lưỡi, người có chí không lấy làm khó, mà cốt lên vũ đài văn minh mà thôi.
Cả Fukuzawa lẫn Phan Bội Châu đều mong muốn tiếp thu văn minh nước ngoài với tinh thần khiêm tốn nhưng tích cực, chủ động và sáng tạo để từng bước rút ngắn khoảng cách của nước mình với các nước tiên tiến.
Một trăm năm sau phong trào Đông du, chúng ta thấy rằng chủ trương Cách tân của Đông du không khác gì nhiều với đường lối Đổi mới mà nhân dân ta đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta chủ trương Làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, có nghĩa là không cứ gì Nhật Bản mà chúng ta chủ trương học hỏi kinh nghiệm và thành tựu của mọi nước trên thế giới.
Chúng ta vui mừng vì hiện nay có tới gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ờ nước ngoài, trong số này có tới trên 300.000 trí thức với không ít các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác nhau. Chúng ta cũng rất vui mừng vì hiện có tới trên 30.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài, trong đó phần lớn là đi học bằng kinh phí tự túc nền giáo dục trong nước đang được ngày càng mở rộng với 214 trường đại học và cao đẳng, 286 trường trung học chuyên nghiệp và 546 trường dạy nghề. Và, với tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngày nay mọi người nếu có kiến thức cơ bản về khoa học và biết ngoại ngữ đều có thể học hỏi một cách vô hạn khi tìm kiếm tri thức trên mạng lnternet (ví dụ tìm kiếm thông tin từ các địa chỉ wwwgoogle.com hay www.yahoo.com).
Vậy tại sao nền giáo dục nước nhà lại bị kêu ca rất nhiều về tình trạng ngược với tinh thần thực học và thực nghiệp? Vì sao có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo? Vì sao rất nhiều thanh niên muốn tiếp tục được học tập mà không có cơ hội? Vì sao có rất nhiều tiến sĩ mà rất ít công trình nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng muốn khắc phục cần tiến hành thực hiện ngay mấy chuyện sau đây:
Một là, không nên chạy theo Bó hẹp cổng vào đại học, cao đẳng. Thanh niên chỉ cần có chí tiến thủ đều có thể có cơ hội học tập nếu Nhà nước tạo điều kiện liên thông giữa các cấp bậc đào tạo và nền giáo dục đại học tổ chức việc đào tạo theo tín chỉ (credit) như phần lớn các nước tiên tiến khác. Tại sao Trung Quốc nhận mọi lưu học sinh Việt Nam khi chỉ cần có (lấy lệ) tấm bằng tốt nghiệp THPT (kể cả bằng Bổ túc văn hoá). Không thể nói chất lượng đại học của Trung Quốc là thấp vì mọi sinh viên học không đạt yêu cầu thì không được lên lớp và việc học đại học không có thời gian cố định đối với mọi sinh viên. Việc bó hẹp cửa vào cao đẳng, đại học của chúng ta đã làm giàu cho các nước khác và làm thui chột khát vọng học hỏi của rất đông thanh niên nông thôn. Đừng quên rằng nếu sau 12 năm đèn sách mà chỉ về đi cày thì thanh niên nông thôn sẽ bỏ học từ cấp THCS, với miền núi có khi sẽ bỏ học từ cấp tiểu học. Nếu xảy ra phổ biến tình trạng này thì làm sao có thể thực hiện được hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Tại sao không dành đất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê để mở trường tại chỗ, từ đó làm tiết kiệm được rất nhiều kinh phí đầu tư của phụ huynh cho việc du học của con em mình. Thiếu giáo viên thì thuê chuyên gia nước ngoài và cử cán bộ trẻ theo học các chuyên gia này hoặc đi thực tập tại nước ngoài.
Hai là, cần khắc phục tình trạng rất phổ biến là chuộng Hư danh. Xã hội công nghiệp cần những người lao động có thực lực chứ không chỉ câu nệ vào bằng cấp. Các doanh nghiệp khi tuyển cán bộ, công nhân đều thực hiện việc phỏng vấn trực tiếp và bắt buộc có thời gian thử việc tại doanh nghiệp đó. Nếu mọi cơ quan đều tuyển người theo cơ chế này thì bằng giả sẽ bị vô hiệu hoá một cách nhanh chóng. Ngay bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng chỉ nên cấp cho những người thực sự có những công trình nghiên cứu được chứng thực và được thẩm định là không trùng lặp với công trình của người khác. Các cơ quan hành chính sự nghiệp không làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hoặc triển khai công nghệ, các lực lượng vũ trang nhân dân không nên đưa các học vị vào tiêu chuẩn đề bạt cán bộ. Có như vậy mới có thể chấm dứt nhanh chóng tình trạng chạy chọt, xin xỏ, hối lộ, móc ngoặc để có bằng được học vị. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư là chức vụ kèm theo những nhiệm vụ cụ thể ở các trường đại học, không phải là một danh hiệu vinh dự để ban phát cho cả các cán bộ không liên quan gì đến nhiệm vụ giảng dạy đại học. Có như vậy mới chấm dứt được việc lạm phát một cách vô ích chức vụ này.
Ba là, cần hội nhập quốc tế về trình độ đào tạo cả ở bậc phổ thông lẫn bậc đại học. Không có lý gì học sinh, sinh viên (HS, SV) chúng ta không tiếp thu nổi vốn kiến thức chung mà HS, SV các nước khác đang được truyền thụ. Càng không có lý gì với muôn vàn khó khăn về trình độ giáo viên, về phòng thí nghiệm, về đời sống mà HS, SV ta lại phải học một chương trình nặng nề hơn học sinh, sinh viên các nước khác. Cần rà soát lại và có so sánh cụ thể với chương trình của phần lớn các nước khác. Với thời đại thông tin phát triển như hiện nay đừng bắt bọn trẻ phải hao tổn trí tuệ để nhét vào đầu những con số thống kê vô hồn và thường xuyên biến động, những gì thầy cô cũng không nhớ nổi thì có lý gì bắt HS,SV phải nhớ? TS Việt kiều Vũ Quang Việt (chuyên gia của LHQ) cho biết : Chương trình 4 năm của SV ngành Kinh tế ở nước ta học nhiều hơn chương trình dạy ở Hoa Kỳ tới 803 giờ (!), trong khi đó thì những môn đáng lẽ ra là môn học lựa chọn thì chúng ta bắt mọi SV phải học. TS.Việt nhận xét: Học sinh trong 4 năm phải học gần như tất cả mọi thứ trên đời về kinh tế mà nhà trường có thể nghĩ ra được (!). Cũng cần thẳng thắn nêu lên việc bắt SV mọi trường CĐ, ĐH phải học và phải thi tốt nghiệp một chương trình chính trị với số giờ nhiều hơn mọi quốc gia khác. Nhẽ ra đây phải là môn học hấp dẫn, hữu ích, nhưng cần xem xét lại nội dung và phương pháp giảng dạy để biết rõ vì sao không có SV nào thích thú, và không có cách nào khác ngoài cách học vẹt để đối phó một cách vất vả với các kỳ thi.
Bốn là, cần chấn chỉnh ngay nội dung chương trình và chất lượng đào tạo ở các trường TH chuyên nghiệp, các trường dạy nghề. Vì sao chủ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường phàn nàn là HS tốt nghiệp các trường này đều có tay nghề kém, hầu hết đều phải đào tạo lại tại ngay doanh nghiệp đó. Tại sao trong Luật Giáo dục lại quy định Chương trình dạy nghề thấp nhất phải cần 3 tháng?! Trung tâm dạy nghề ngắn hạn tại Yên Mô, Ninh Bình là một minh chứng cụ thể. Tại đây thanh niên nông thôn được học các nghề rất thiết thực (như nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi ba ba, nuôi cá, trồng măng, trồng hoa xuất khẩu, trồng nấm ăn, trồng nấm dược liệu...). Đăng ký nghề nào, học nghề ấy và khi có chứng chỉ tốt nghiệp thì sẽ được phép thường xuyên nhận giống và được tiêu thụ mọi sản phẩm làm ra. Thời gian vừa học vừa thực hành đối với 1 nghề chỉ là ...10 ngày(!). Nếu kéo dài hơn sẽ không còn có gì để dạy (!). Bạn trẻ nào thi trượt đại học và muốn làm giàu ngay tại quê nhà , bằng chính sức mình, hãy thử liên hệ qua số ĐT: 030-680301; 0903410736. Từ một nghề tự làm cho gia đình mình có thể trở thành chủ doanh nghiệp huy động lao động trong cả xã, thậm chí cả huyện và có thể có nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn.
Năm là, cần chọn khâu đột phá như xác nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là giáo viên. Không lẽ GV vẫn tiếp tục dạy theo kiểu thầy dạy trò ghi, kể cả ở cấp CĐ, ĐH? Không lẽ bản thân thầy không thạo một nghề nào mà lại bắt SV phải thạo nghề ngay sau khi ra trường? Không có lý gì một nước nghèo như nước ta mà lại tách các viện nghiên cứu khoa học ra khỏi các trường đại học, mà hầu hết các nước phát triển từ lâu đã đưa các viện nghiên cứu khoa học gắn liền với các trường đại học. Giáo viên đại học không thể không thạo ngoại ngữ, không nghiên cứu khoa học. Không thể để thạc sĩ hướng dẫn làm luận án thạc sĩ. Không thể để người không có học hàm GS bỏ phiếu xét tuyển GS …
Một trăm năm trước các sĩ phu phải Đông du để hy vọng chấn hưng đất nước, nhưng lòng thành mà lực bất tòng tâm. Ngày nay với chính sách Đổi mới, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, chúng ta có biết bao cơ hội để mở rộng cánh tay đón nhận các thành tựu của khoa học, công nghệ, của kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Vấn đề mang tính quyết định là cần coi trọng Thực học (Học thật), Thực nghiệp (Làm thật) để có thể nhanh chóng nâng cao dân trí, trọng dụng nhân tài, phát huy mọi lực lượng của nhân dân, trí tuệ của thời đại để bứt phá ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, xứng đáng với vị trí của một quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, một quốc gia đã có những truyền thống hào hùng qua nhiều thời đại.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí Khoa giáo, tháng 12/2004.