Thăm công ty Metran, giao lưu với chú Phúc - nghệ nhân kỹ thuật Nhật bản

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Thăm công ty Metran, giao lưu với chú Phúc - nghệ nhân kỹ thuật Nhật bản

Thăm công ty Metran, giao lưu với chú Phúc - nghệ nhân kỹ thuật Nhật bản

Viết bởi Abchien » Tư T7 16, 2008 11:29 pm



12/07/2008 Thứ 7, 1h30 .....chạy vội ra cửa tây ga Kawaguchi, rẽ trái theo hướng dẫn của Mr Huân trước đó, tôi cùng 2 người bạn nữa, chạy một mạch vì lỡ hẹn chuyến đi tham công ty với mọi người. Vừa tới ngã tư đầu phố, thấy một chú dáng người gầy còm, mặc cái áo màu nâu cháo lòng, giơ tay vẫy vẫy: - Mấy đứa là học sinh Đông Du phải không ?Chú Kha đây, ra đón các con vào công ty cho khỏi lạc đường.

 A~.. Chú Phạm Mạnh Kha, một đại senpai (tiền bối) nữa của Đông Du, nghe tiếng chú đã lâu, vừa gặp đã nghe chú gọi là “con” thấy sao thân mật quá. Tụ họp với nhóm anh em Đông Du và mấy người bạn của Đông Du tới trước đó, 15 người chúng tôi,  đội cái nắng đầu hè oi ả đi tới công ty Metran.

Tôi đã nghe về công ty Metran, về người sáng lập - chú Trần Ngọc Phúc, người được tôn vinh vào trong 60 nghệ nhân kĩ thuật (物作り職人)của Nhật trong thế kỉ 20, trong đó có những người tên tuổi như Matsushita, Honda...đấy. Công việc chính của chú là sáng chế, sản xuất máy hô hấp nhân tạo dùng cho các trẻ em thiếu tháng, khi phổi còn chưa nở ra, hay thay thế lá phổi cho bệnh nhân trong khi phẫu thuật...Lần này gặp chú, lần đầu tiên được nghe chú kể về con đường lập nghiệp, những động cơ, trăn trở với việc cứu người, những tâm huyết với cuộc sống, với tuổi trẻ... và có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả các thành viên tham dự ngày hôm đó đều nhận được một nguồn năng lượng lớn, và học được từ chú những bài học thấm thía cho con đường đi tới của mình. Sau đây tôi xin tóm tắt lại nội dung của buổi tham quan, trao đổi và giao lưu với chú Trần Ngọc Phúc - giám đốc Xí nghiệp vừa và nhỏ Metran .

1/Quá trình lập nghiệp

Tốt nghiệp đại học Tokai (Đông Hải) ngành Hóa công nghiệp, nhưng đúng vào thời kì các công ty hóa học gặp tình trạng khó khăn do khủng hoảng dầu lửa năm 73, nên chú Phúc không xin việc đúng ngành được . Đây cũng là một cái rủi mà may, khi nhờ nó mà chú chuyển sang đi làm ở một công ty sản xuất máy lọc máu (may thay thế chức năng của thận). Sau 3 năm làm việc tại công ty, chú được liệt vào hàng “nhà sáng chế” do luôn có những ý tưởng hay sáng chế ra những dụng cụ cải tạo công việc, chú chuyển lên làm bộ phận nghiên cứu. Sau 10 năm lăn lộn trong nghề, với những nỗ lực ngày đêm, đọc các tài liệu nghiên cứu trong quá khứ, và bằng những ý tưởng, thử nghiệm táo bạo, chú đã vượt qua sự kì thị của người Nhật đối với người nước ngoài, để vươn lên tầm những người có tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu dụng cụ y tế nhân tạo. Từ nỗ lực lập một bộ phận mới trong công ty nhằm thử thách với khu vực“nguy hiểm” nhất trong lĩnh vực này. Với phương châm  vượt qua kĩ thuật của Nhật, chú đã mạnh dạng xây dựng một công ty để mở rộng tầm nghiên cứu, phát minh của mình. Và hiện nay chú Phúc đã trở thành một trong những người đi đầu trên thế giới về kĩ thuật hô hấp nhân tạo. Sản phẩm máy hô hấp nhân tạo của Metran đã có mặt trên khắp thế giới. 22 năm nay, mỗi năm có hàng ngàn trẻ em được cứu sống nhờ những phát minh của công ty chú. Công ty Metran, nằm khiêm tốn trong một căn nhà xưởng 2 tầng giản dị, không hào nhoáng, không tấp nập. Với chỉ vỏn vẹn 34 thành viên, nhưng hằng năm vẫn cho ra hàng chục sản phẩm mới xuất phát từ các ý tưởng, các phát minh đã cứu sống và bảo vệ sức khỏe những trẻ em trên khắp thế giới . Ngoài công ty Metran tại Nhật, các thành viên trong gia đình chú lập thành Metrangroup, có chi nhánh tại Mỹ, tại Việt Nam. Hiện tại, chú đang chuyển dần các công việc về Việt Nam, và với mục tiêu “chất lượng Việt Nam cao hơn Nhật “, và các xí nghiệp đang từng bước phát triển, hiện đã tới quy mô hơn 1 ngàn công nhân.

2/Triết học kinh doanh – Phụng sự cho xã hội

Khi được hỏi chuyện về động cơ làm việc của chú Phúc, chú nói:
“Đối với mình thì hạnh phúc là làm cái gì cho thỏa chí chứ không ham tiền bạc, nên cứ chú tâm vô nghiên cứu thôi “,” Mơ ước thì ai cũng có, nhưng thực sự có đủ khả năng chịu khổ để thực hiện nó không thì khác “, ”Làm giám đốc mọi người nghĩ là hào nhoáng lắm, nhưng thực sự rất khổ, vì phải đặt trách nhiệm đối với nhân viên và cả với gia đình họ lên vai nữa” ,”mình hàng đêm 2h lúc nào cũng bật dậy, lo lắng không rõ hàng nghìn trẻ em đang dùng máy ấy có sao không, có cái máy nào bị trục trặc không “...”hồi đó mình phải bỏ tiền túi ra mua lại toàn bộ cổ phiếu của công ty, vì những nhà đầu tư chỉ muốn nhanh kiếm lời, không nghĩ tới trách nhiệm đối với xã hội, Metran không thể coi thường tính mạng con người được, nên chỉ cần những người thực sự có tâm huyết với xã hội đầu tư “, “muốn lập nghiệp trước tiên là phải là một người làm công thực giỏi, nếu không làm được, chịu đựng được gấp 5 gấp 10 lần người khác thì không thể lập nghiệp được “.
Vâng, có lẽ không thể diễn đạt lại tất cả những hàm ý thâm thúy sau mỗi lời tâm sự của chú, xin các bạn tự cảm nhận và nếu được hãy gặp chú để nghe thêm nhé. Với mình, học được một điều thật đáng quý : “ làm giám đốc là đủ khả năng đặt trách nhiệm của tất cả thành viên trong công ty, gia đình họ,cũng như trách nhiệm với xã hội lên vai “.

Chú Phúc nói, công ty Metran là một hãng phát minh, chứ không phải sản xuất, khi hỏi về những phát minh ấy, chú nói : “đọc, tìm hiểu thật nhiều, biết thật nhiều, từ những luận văn hàng chục hàng trăm năm trước, ý tưởng thì có nhiều rồi, chỉ thiếu người hiện thực hóa, suy nghĩ, suy nghĩ 24 trên 24, sẽ thành nhà phát minh”. Các bạn nghiên cứu kĩ thuật, hãy học hỏi nhé.

3/ Quan điểm về cống hiến, trăn trở về hiện trạng xã hội

Hàng năm chú đều trở về Việt Nam, đi dạy cho vài trăm bác sĩ từ các bệnh viện thành phố,tỉnh thành. Về tận những vùng kinh tế mới, bệnh viện địa phương ,những nơi “thiếu dao mổ ,chạy ra mua lưỡi lam thay thế “, để truyền đạt những kiến thức của mình, nhằm cải thiện chất lượng y tế. Chú trăn trở với điều kiện vật chất còn hạn hẹp, lực lượng y sĩ còn nghèo nàn, và cần mẫn góp sức mình cải tạo nó. “Mình làm những cái trong khả năng của mình, bắt tay với những hiện thực trước mắt, những điều xa quá tầm tay thì không bàn vội, mình muốn dùng tất cả năng lượng (chú nói là energy) của mình để giúp cho những con người khốn khó ngay trong công việc của mình, với mình đó là điều tất yếu, chả phải cống hiến gì đâu, mình được như thế này là do nhiều người giúp đỡ, nên mình giúp những người khác như một lẽ bình thường thôi” “mình không có quan niệm về quốc gia, với mình con người ,nhân loại đều bình đẳng “....

Vâng, những điều tưởng chừng như trong sách giáo khoa, những điều như là “lý tưởng”, được chú nói ra rất giải dị, như một chân lý bình thường.
.............................
4h đồng hồ, say mê với những câu chuyện, với những trao đổi giữa 2 thế hệ, chúng tôi đã có một bữa tiệc thân mật tại một nhà hàng gần đó. Lại những chủ đề thú vị với Phát Minh, những câu chuyện hóm hỉnh quanh cách nấu phở, chúng tôi chia tay chú Phúc, chú Kha, và các anh chị trong công ty trong sự ấm áp, sự ấm áp của những con người đồng cảm. Dường như sau buổi gặp, bước chân của chúng tôi vào tương lai vững vàng hơn, tự tin hơn, do nhận được những bài học về sự phấn đấu ,nỗ lực tới thành công của chú.

Xin cảm ơn chú Phúc, cảm ơn chú Kha, cảm ơn các anh chị ở công ty Metran đã dành cho chúng em một buổi giao lưu thật đáng quý.
Cảm ơn Ban đại diện Đông Du đã tổ chức một buổi tham quan bổ ích .Còn nhiều điều không tường thuật được hết ,xin mọi người bổ sung nhé.


14/07/2008
Abchien



Một số hình ảnh buổi tham quan:


Hàng 1(từ trái sang phải):Ngọc Chiến K01, Ích Nguyên K01, Chú Trần Ngọc Phúc, Thanh Hùng K03, Cẩm Huy K05.
Hàng 2: Tường Huân K01, Mr Sơn (Metran), Phương Anh K04, Trọng Kiên K01, Nguyên K06, Đình Thắng K03.
Hàng 3: Chú Kha, Trần Phương K01, Quang Hưng K05, Quang Nam K01, Mr Dũng Tokodai, Mr Tường (Metran).