Viết bởi Nguyễn Du » Hai T5 06, 2013 4:34 pm
Thời gian gần đây, các Du học sinh Đông Du đã tổ chức nhiều hoạt động học tập có ý nghĩa, như Hội thảo Đông Du, giao lưu Sempai trước 1975, giao lưu Kohai mới vào đại học... Thầy và các giáo viên trong trường rất vui vì tinh thần học hỏi lẫn nhau của các em và hi vọng tinh thần đó sẽ lan rộng hơn nữa.
Chúng ta đi Nhật Bản là để học tập, mong sao tương lai sẽ trở về đóng góp công sức vào việc xây dựng đất nước giàu mạnh. Đất nước chúng ta còn nghèo, khoa học kỹ thuật hầu như không phát triển. Mặc dù cuộc sống của người Việt Nam đã khá hơn, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Chúng ta không có đủ năng lực để gia tăng giá trị sản phẩm, sản xuất ra những hàng hoá tốt... Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn ý thức sứ mệnh của mình, không ngừng phấn đấu học tập để đem tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nước.
Du học sinh Đông Du được xã hội nể phục vì tinh thần đoàn kết, chịu khó. Tuy nhiên, đừng vì thế mà tự mãn. Ít ai trong chúng ta tự thú nhận rằng tiếng Nhật của mình còn yếu. Tiếng Nhật còn hạn chế khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu kiến thức. Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để đọc và hiểu những trang sách ở đại học, trong khi chúng ta không có nhiều thời gian để đọc sách. Vừa làm, vừa học đòi hỏi chúng ta phải đọc sách một cách hiệu quả. Phải trau dồi tiếng Nhật, đọc sách Nhật từ trước khi vào đại học. Vào đại học rồi phải tập đọc sách chuyên môn từ sớm. Nói chung, tiếng Nhật là chìa khoá của việc học, có tiếng Nhật thì sẽ có kiến thức, không có tiếng Nhật thì sẽ không có kiến thức.
Đất nước đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Có nhiều tiến bộ tốt, nhưng chưa thấm vào đâu so với những khó khăn phải đối mặt. Đất nước đang phải tự thay đổi để thích ứng, tự làm chủ cuộc sống cạnh tranh. Trong nước, ai ai cũng nhận thức được điều này. Còn chúng ta thì đi du học nên không được chứng kiến những bước khó khăn, thăng trầm của đất nước. Đó là thiệt thòi lớn đối với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể bù đắp điều này bằng kiến thức học được ở Nhật. Chính vì thế, chúng ta phải hăng say học tập, lấy việc học để tiếp thu kiến thức là ưu tiên hàng đầu. Nếu không thì khi về nước, chúng ta sẽ thua kém những người học tập trong nước.
Vậy, chúng ta đã học tốt hay chưa?
Gần đây, Du học sinh Đông Du về nước ngày càng đông. Ai cũng tìm được việc làm và một số người kinh doanh độc lập. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trường, du học sinh Đông Du còn thiếu rất nhiều kiến thức. Cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức tổng quát. Ít ai về Việt Nam làm đúng chuyên môn của mình. Hầu hết vào làm ở công ty Nhật với vai trò thông dịch. Còn ít người đủ tự tin lập công ty riêng.
Cái chúng ta có là tiếng Nhật, đủ để giao tiếp và thông dịch. Kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội tiếp thu được trong suốt quá trình du học còn rất hạn chế. Thậm chí, không ít người đọc sách chưa lưu loát! Phải chăng, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để đến trường, nhưng chúng ta học được quá ít. Hay là chúng ta chưa thực sự bỏ sức ra để học? Đây là câu hỏi lớn mà Thầy đang đặt ra cho mỗi chúng ta.
Chúng ta phải học ra sao đây?
Học thì phải có Thầy. Ngoài người Thầy đứng trên bục giảng, chúng ta còn có những người Thầy khác. Thí dụ, Sách, Bạn bè, Cuộc sống. Người Thầy trên bục giảng có thể nhiệt tình với chúng ta ngay cả khi chúng ta không muốn tiếp thu. Nhưng còn những người Thầy này sẽ không dạy cho chúng ta điều gì nếu chúng ta không nỗ lực tìm đến.
Ai cũng đều biết Sách của Nhật đều là sách tốt, kiến thức rõ ràng. Nhưng cần tiếng Nhật phải thật vững, đọc nhiều lần thì mới hiểu được vấn đề cốt lõi. Đặc biệt, sách khoa học thì cần phải có nền tảng cơ bản từ Toán, Lý, Hoá. Sách của người Nhật không thừa một chữ nào. Mỗi chữ đều có ý nghĩa. Khi đọc phải hiểu cặn kẽ từng chữ thì mới nhìn được kiến thức phía sau con chữ. Đọc xong mà thấy hay thì mới đúng là hiểu. Đọc xong mà thấy lờ mờ thì chưa hiểu, phải đọc đi đọc lại mới hiểu được. Tiếng Nhật là bức tường lớn,nhưng không thể tránh, chúng ta cần phải vượt qua, chỉ cần học tỉ mỉ là được. Đừng bao giờ được tự mãn về khả năng tiếng Nhật của mình.
Bạn bè là những người Thầy lớn nếu biết chia sẻ. Nếu cởi mở với bạn bè, chúng ta sẽ có thể học hỏi ở bạn rất nhiều điều. Bạn bè càng thân thiết càng dễ cởi mở. Giữa hai người bạn cần phải có chung chủ đề, và sẵn sàng đôi co để cùng tìm hiểu đến cùng. Khi thảo luận về một đề tài, cần phải tập cho mình khả năng trình bày. Nhiều khi mình nghĩ đúng nhưng nói ra thì không ai hiểu. Phải tập viết về một đề tài, tập trình bày diễn thuyết (speech) thì khi thảo luận mới có thể truyền đạt ý kiến của mình cho người khác. Và điều trước tiên là phải biết lắng nghe người khác trình bày. Nghe giỏi thì mới có thể nói giỏi được. Có những người bạn để tranh luận, chia sẻ là điều đáng quý.
Để vào được đại học công lập đã khó, để học tốt ở đại học lại càng khó hơn. Sinh viên Nhật thích chơi nhiều hơn thích học. Chúng ta không nên quá sa đà vào thú vui của họ. Các giáo sư đại học ít chú tâm đến tâm tư của từng học trò. Việc học ở đại học là tự học. Nỗ lực học hay không là từ động lực của bản thân mình. Thời gian của chúng ta bị giới hạn rất nhiều. Cho nên chúng ta càng phải tận dụng tối đa thời gian và tập trung cao độ. Phải tìm cho mình động lực thật lớn để lao vào việc học.
Thử nghĩ lại xem, sinh viên Đông Du chúng ta đi Nhật để làm gì? Trước khi đi Nhật chúng ta đã ước mơ những gì? Chúng ta từ bỏ ước mơ hay chưa? Chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được 4 năm đại học. Cũng có rất nhiều người chúng ta đã hi sinh vì việc học của chúng ta. Vì thế, không thể nào chúng ta không cố gắng hết mình. Hãy trở lại với ước mơ của mình để sống hết mình vì nó. Chí càng lớn thì chúng ta càng quý thời gian của mình. Chí càng lớn thì chúng ta càng biết khát khao kiến thức. Có khát khao kiến thức thì chúng ta mới biết coi trọng việc học của mình. Đó mới chính là xuất phát điểm của chúng ta.
Đối với bạn bè và những người xung quanh, đừng nên cố che đậy sự thiếu hiểu biết. Hãy thành thật mỗi khi không biết, hãy cởi mở lắng nghe sẵn sàng tiếp thu những quan điểm mới. Ham học hỏi không chỉ ở sách vở, ham học hỏi cả đối với bạn bè và những người xung quanh. Thật xấu hổ nếu như người khác biết mình thiếu hiểu biết. Nhưng không xấu hổ thì chúng ta không thể nhận ra mình còn thiếu sót. Vì thế nên đừng ngại xấu hổ, đó cũng là động lực của việc học.
Chúng ta được sống trong môi trường khoa học kỹ thuật tiên tiến. Chúng ta có thể nhìn thấy các vấn đề của đất nước và cùng bạn bè nghĩ ra phương hướng giải quyết. Chúng ta có thể thảo luận về nhiều vấn đề, như vấn đề an toàn giao thông, vấn đề lũ lụt, vấn đề giáo dục, văn hoá, kinh tế, giáo dục... Bắt đầu từ những vấn đề đơn giản nhất. Không cần phải chuyên ngành mới có thể nghĩ được mà ai cũng cần phải suy nghĩ, phải hiểu. Quan trọng không phải là ai đúng, mà là cùng nhau tìm hiểu, từ đó chúng ta sẽ có thể mở mang kiến thức. Chúng ta phải có khả năng lý giải nhiều vấn đề, phải có tầm nhìn rộng thì mới có thể thành công trong công việc chuyên môn.
Trường Đông Du đặt rất nhiều kỳ vọng vào các Du học sinh. Mong muốn các sinh viên Đông Du có đủ đức, đủ tài để thay đổi xã hội, gánh vác trách nhiệm khi đất nước cần chúng ta. Thầy ở nhà luôn dõi theo các anh em ở Nhật và OB đã về nước. Thầy luôn luôn đau đáu vì thấy các anh em học hành chưa thành công. Thầy và các giáo viên trong trường mong rằng các em sẽ suy nghĩ nhiều hơn nữa về chuyện học. Đất nước đang cần những người tài, nhưng không thể có người tài nếu chúng ta thiếu hiểu biết. Muốn có hiểu biết, không có cách nào khác là chúng ta phải chấp nhận gian lao, chuyên tâm việc học. Các em hãy tự suy xét lại việc học của mình, tự nhìn lại mình mà phấn đấu vươn lên. Đừng ngại khó khăn gian khổ.
Lời cuối cùng, chúc các em sức khoẻ và học tập thật tốt.
TRƯỜNG NHẬT NGỮ ĐÔNG DU
Trịnh Đình Thắng - Cựu DHS khoá 2003
Thời gian gần đây, các Du học sinh Đông Du đã tổ chức nhiều hoạt động học tập có ý nghĩa, như Hội thảo Đông Du, giao lưu Sempai trước 1975, giao lưu Kohai mới vào đại học... Thầy và các giáo viên trong trường rất vui vì tinh thần học hỏi lẫn nhau của các em và hi vọng tinh thần đó sẽ lan rộng hơn nữa.
Chúng ta đi Nhật Bản là để học tập, mong sao tương lai sẽ trở về đóng góp công sức vào việc xây dựng đất nước giàu mạnh. Đất nước chúng ta còn nghèo, khoa học kỹ thuật hầu như không phát triển. Mặc dù cuộc sống của người Việt Nam đã khá hơn, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Chúng ta không có đủ năng lực để gia tăng giá trị sản phẩm, sản xuất ra những hàng hoá tốt... Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn ý thức sứ mệnh của mình, không ngừng phấn đấu học tập để đem tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nước.
Du học sinh Đông Du được xã hội nể phục vì tinh thần đoàn kết, chịu khó. Tuy nhiên, đừng vì thế mà tự mãn. Ít ai trong chúng ta tự thú nhận rằng tiếng Nhật của mình còn yếu. Tiếng Nhật còn hạn chế khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu kiến thức. Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để đọc và hiểu những trang sách ở đại học, trong khi chúng ta không có nhiều thời gian để đọc sách. Vừa làm, vừa học đòi hỏi chúng ta phải đọc sách một cách hiệu quả. Phải trau dồi tiếng Nhật, đọc sách Nhật từ trước khi vào đại học. Vào đại học rồi phải tập đọc sách chuyên môn từ sớm. Nói chung, tiếng Nhật là chìa khoá của việc học, có tiếng Nhật thì sẽ có kiến thức, không có tiếng Nhật thì sẽ không có kiến thức.
Đất nước đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Có nhiều tiến bộ tốt, nhưng chưa thấm vào đâu so với những khó khăn phải đối mặt. Đất nước đang phải tự thay đổi để thích ứng, tự làm chủ cuộc sống cạnh tranh. Trong nước, ai ai cũng nhận thức được điều này. Còn chúng ta thì đi du học nên không được chứng kiến những bước khó khăn, thăng trầm của đất nước. Đó là thiệt thòi lớn đối với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể bù đắp điều này bằng kiến thức học được ở Nhật. Chính vì thế, chúng ta phải hăng say học tập, lấy việc học để tiếp thu kiến thức là ưu tiên hàng đầu. Nếu không thì khi về nước, chúng ta sẽ thua kém những người học tập trong nước.
Vậy, chúng ta đã học tốt hay chưa?
Gần đây, Du học sinh Đông Du về nước ngày càng đông. Ai cũng tìm được việc làm và một số người kinh doanh độc lập. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trường, du học sinh Đông Du còn thiếu rất nhiều kiến thức. Cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức tổng quát. Ít ai về Việt Nam làm đúng chuyên môn của mình. Hầu hết vào làm ở công ty Nhật với vai trò thông dịch. Còn ít người đủ tự tin lập công ty riêng.
Cái chúng ta có là tiếng Nhật, đủ để giao tiếp và thông dịch. Kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội tiếp thu được trong suốt quá trình du học còn rất hạn chế. Thậm chí, không ít người đọc sách chưa lưu loát! Phải chăng, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để đến trường, nhưng chúng ta học được quá ít. Hay là chúng ta chưa thực sự bỏ sức ra để học? Đây là câu hỏi lớn mà Thầy đang đặt ra cho mỗi chúng ta.
Chúng ta phải học ra sao đây?
Học thì phải có Thầy. Ngoài người Thầy đứng trên bục giảng, chúng ta còn có những người Thầy khác. Thí dụ, Sách, Bạn bè, Cuộc sống. Người Thầy trên bục giảng có thể nhiệt tình với chúng ta ngay cả khi chúng ta không muốn tiếp thu. Nhưng còn những người Thầy này sẽ không dạy cho chúng ta điều gì nếu chúng ta không nỗ lực tìm đến.
Ai cũng đều biết Sách của Nhật đều là sách tốt, kiến thức rõ ràng. Nhưng cần tiếng Nhật phải thật vững, đọc nhiều lần thì mới hiểu được vấn đề cốt lõi. Đặc biệt, sách khoa học thì cần phải có nền tảng cơ bản từ Toán, Lý, Hoá. Sách của người Nhật không thừa một chữ nào. Mỗi chữ đều có ý nghĩa. Khi đọc phải hiểu cặn kẽ từng chữ thì mới nhìn được kiến thức phía sau con chữ. Đọc xong mà thấy hay thì mới đúng là hiểu. Đọc xong mà thấy lờ mờ thì chưa hiểu, phải đọc đi đọc lại mới hiểu được. Tiếng Nhật là bức tường lớn,nhưng không thể tránh, chúng ta cần phải vượt qua, chỉ cần học tỉ mỉ là được. Đừng bao giờ được tự mãn về khả năng tiếng Nhật của mình.
Bạn bè là những người Thầy lớn nếu biết chia sẻ. Nếu cởi mở với bạn bè, chúng ta sẽ có thể học hỏi ở bạn rất nhiều điều. Bạn bè càng thân thiết càng dễ cởi mở. Giữa hai người bạn cần phải có chung chủ đề, và sẵn sàng đôi co để cùng tìm hiểu đến cùng. Khi thảo luận về một đề tài, cần phải tập cho mình khả năng trình bày. Nhiều khi mình nghĩ đúng nhưng nói ra thì không ai hiểu. Phải tập viết về một đề tài, tập trình bày diễn thuyết (speech) thì khi thảo luận mới có thể truyền đạt ý kiến của mình cho người khác. Và điều trước tiên là phải biết lắng nghe người khác trình bày. Nghe giỏi thì mới có thể nói giỏi được. Có những người bạn để tranh luận, chia sẻ là điều đáng quý.
Để vào được đại học công lập đã khó, để học tốt ở đại học lại càng khó hơn. Sinh viên Nhật thích chơi nhiều hơn thích học. Chúng ta không nên quá sa đà vào thú vui của họ. Các giáo sư đại học ít chú tâm đến tâm tư của từng học trò. Việc học ở đại học là tự học. Nỗ lực học hay không là từ động lực của bản thân mình. Thời gian của chúng ta bị giới hạn rất nhiều. Cho nên chúng ta càng phải tận dụng tối đa thời gian và tập trung cao độ. Phải tìm cho mình động lực thật lớn để lao vào việc học.
Thử nghĩ lại xem, sinh viên Đông Du chúng ta đi Nhật để làm gì? Trước khi đi Nhật chúng ta đã ước mơ những gì? Chúng ta từ bỏ ước mơ hay chưa? Chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được 4 năm đại học. Cũng có rất nhiều người chúng ta đã hi sinh vì việc học của chúng ta. Vì thế, không thể nào chúng ta không cố gắng hết mình. Hãy trở lại với ước mơ của mình để sống hết mình vì nó. Chí càng lớn thì chúng ta càng quý thời gian của mình. Chí càng lớn thì chúng ta càng biết khát khao kiến thức. Có khát khao kiến thức thì chúng ta mới biết coi trọng việc học của mình. Đó mới chính là xuất phát điểm của chúng ta.
Đối với bạn bè và những người xung quanh, đừng nên cố che đậy sự thiếu hiểu biết. Hãy thành thật mỗi khi không biết, hãy cởi mở lắng nghe sẵn sàng tiếp thu những quan điểm mới. Ham học hỏi không chỉ ở sách vở, ham học hỏi cả đối với bạn bè và những người xung quanh. Thật xấu hổ nếu như người khác biết mình thiếu hiểu biết. Nhưng không xấu hổ thì chúng ta không thể nhận ra mình còn thiếu sót. Vì thế nên đừng ngại xấu hổ, đó cũng là động lực của việc học.
Chúng ta được sống trong môi trường khoa học kỹ thuật tiên tiến. Chúng ta có thể nhìn thấy các vấn đề của đất nước và cùng bạn bè nghĩ ra phương hướng giải quyết. Chúng ta có thể thảo luận về nhiều vấn đề, như vấn đề an toàn giao thông, vấn đề lũ lụt, vấn đề giáo dục, văn hoá, kinh tế, giáo dục... Bắt đầu từ những vấn đề đơn giản nhất. Không cần phải chuyên ngành mới có thể nghĩ được mà ai cũng cần phải suy nghĩ, phải hiểu. Quan trọng không phải là ai đúng, mà là cùng nhau tìm hiểu, từ đó chúng ta sẽ có thể mở mang kiến thức. Chúng ta phải có khả năng lý giải nhiều vấn đề, phải có tầm nhìn rộng thì mới có thể thành công trong công việc chuyên môn.
Trường Đông Du đặt rất nhiều kỳ vọng vào các Du học sinh. Mong muốn các sinh viên Đông Du có đủ đức, đủ tài để thay đổi xã hội, gánh vác trách nhiệm khi đất nước cần chúng ta. Thầy ở nhà luôn dõi theo các anh em ở Nhật và OB đã về nước. Thầy luôn luôn đau đáu vì thấy các anh em học hành chưa thành công. Thầy và các giáo viên trong trường mong rằng các em sẽ suy nghĩ nhiều hơn nữa về chuyện học. Đất nước đang cần những người tài, nhưng không thể có người tài nếu chúng ta thiếu hiểu biết. Muốn có hiểu biết, không có cách nào khác là chúng ta phải chấp nhận gian lao, chuyên tâm việc học. Các em hãy tự suy xét lại việc học của mình, tự nhìn lại mình mà phấn đấu vươn lên. Đừng ngại khó khăn gian khổ.
Lời cuối cùng, chúc các em sức khoẻ và học tập thật tốt.
TRƯỜNG NHẬT NGỮ ĐÔNG DU
Trịnh Đình Thắng - Cựu DHS khoá 2003