Những đứa con 9X thành thị

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Những đứa con 9X thành thị

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi STH » Hai T10 01, 2012 10:40 am

...bên cạnh đó là cách dùng từ chưa chuẩn dễ đụng chạm đến 1 phần 9x thành thị khác. Đây có phải là nhươc điểm mà tác giả cần phải khắc phục không?


Vấn đề này thật khó mà diễn giải, mà có diễn giải cũng chưa chắc đã đúng với ý của tác giả. Thôi thì xem như anh viết lảm nhảm cho vui đi nhé.

Mọi vấn đề đều có 2 mặt của nó, sự đụng chạm đó có thể là vô tình, cũng có thể là cố ý. Với văn phong của tác giả thì việc né tránh để không đụng chạm không phải là khó...nhưng nếu là anh, anh sẽ giữ nguyên sự đụng chạm đó. Đụng chạm để lôi kéo những-người-tưởng-chừng-như-không-liên-quan mà lại có khả năng tạo ảnh hưởng rất nhiều.

Ảnh hưởng dễ thấy nhất là trên phương diện lan truyền. Sẽ có những người như em, phản đối với tác giả, và vì thế họ lên tiếng, họ chống đối. Và sẽ có những người như anh, họ đồng tình, họ suy nghĩ, họ bảo hộ cho suy nghĩ của tác giả, họ tìm cách để thay đổi thực trạng đó - bằng lời nói, bằng câu chữ, bằng hành động. Và sẽ thêm những người bạn của em, bạn của anh, được hoặc bị chia sẻ bài viết này để tìm kiếm sự đồng tình, những người bạn ấy sẽ lại phân ra làm 2 chiều suy luận - lại tranh luận - lại đắn đo....

Cái vòng đối lập đó nó có tác dụng gì? Sẽ có nững bạn trẻ vì thế mà thay đổi chứ? Có thể có, cũng có thể không. Có những trường hợp đã dấn quá sâu vào sự sai lầm - họ bất cần, họ buông xuôi. Nhưng sẽ có những trường hợp giữ được tỉnh táo, hiểu được vấn đề - và vì thế họ quay đầu. Như vậy ít nhất bài viết này cũng góp một phần làm thay đổi suy nghĩ của không ít người. Đối với đối tượng 9X mà tác giả nêu - như thế nó có tác dụng không?

Sự nỗ lực của bản thân như em nói, tất nhiên là một điều đáng quý. Nhưng trong đời ai rồi cũng phải vấp ngã, có người có thể đứng dậy đi tiếp thì cũng có người không đủ sức để vượt qua. Khi ấy họ cần 1 bàn tay để kéo họ dậy, tất nhiên dù có kéo cũng chưa chắc đã kéo được nhưng ít nhất điều đó cũng thể hiện một chút gì đó mà người ta gọi là "nhân tính" (tác giả thì có lẽ thích gọi là "Nhân văn" hơn, nhỉ?). Nếu xã hội ai cũng nghĩ như em thì rồi cái khoảng cách giữa người với người nó còn xa đến mức nào? Cái ý thức tự giác, tự lực, tự lực mà em nói - nếu ai ai trong xã hội cũng có được thì đó đã là một xã hội lý tưởng - một xã hội không chiến tranh, không phạm pháp rồi em. Nhưng nếu một xã hội mà ai cũng nghĩ như em - mình lo cho mình trước đã, mình no cơm ấm áo trước đã, rồi tính gì thì tính - ai khôn thì nhờ, ai khờ thì chịu - thì xã hội sẽ đi về đâu? Xin lỗi, anh không có ý trách em nhưng dường như hiện thực là ngày càng có nhiều người có suy nghĩ như em...

Còn thế hệ 9X lạc lối - theo anh thì từ các thế hệ trước cũng đã lạc rồi - chỉ là đến thế hệ của em thì nó mới thực sự bị báo động mà thôi. Họ chỉ đơn giản là vấp ngã và buông xuôi thế thôi - còn thái độ của "Người lớn" như thế nào là do "Người lớn" quyết định - và sự thật là "cơm, áo, gạo, tiền" đã làm con người ngày càng thờ ơ với những vấn đề chung của xã hội ấy, thậm chí "Đi đường bị cướp, giật lại được túi tiền, nhưng nó vung vãi ra đường còn bị người đi đường tranh nhay mà cướp" thì còn gì để nói? . Bởi đơn giản họ nghĩ: "Bản thân mình lo chưa xong, thì lo được cho ai?" Cứ như thế, cứ như thế ...và khoảng cách giữa người với người cứ thế mà xa nhau. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cứ ngày càng nhân rộng...

Và 9X - họ có tuyên bố là "chờ đợi" sự giúp đỡ của người lớn đâu? Ngay cả trong bài viết này, tác giả cũng có nói câu nào là "Hãy giúp chúng tôi!" đâu nào?

Nhưng tôi không buồn đâu bạn à. Chụp ảnh hở ngực hay quay clip sex, nhảy nhót điên cuồng trên bar hay ngồi cafe nghe nhạc Trịnh, đợi Diablo III hay đi nhặt rác ngoài biển; chúng tôi – 9x -đều đang sống, và cho người ta biết là chúng tôi sẽ sống. Với tất cả những tầm thường, trống rỗng, những lạc lối, hoang mang; chúng tôi vẫn đi tiếp.


Một sự khẳng định của tác giả nhưng lại là lời mỉa mai đầy chưa chát! Người Việt Nam dẫu sao vẫn là những người mang trong mình dong máu nóng - dòng máy của sự sẻ chia, đùm bọc - nhưng dòng máu ấy có lẽ đang mất nhiệt bởi đồng tiền, bởi những tranh đua của cuộc sống...

Lại nói về cách làm của tác giả, khi mà những-tư-tưởng-đúng-đắn - những 9X có ăn, có học, có giáo dục về phe "Người lớn" - lên tiếng tẩy chay những 9X lạc lối kia - thì tác giả lại đứng ra chà đạp lên cái sự tẩy chay ấy để khẳng định sự tồn tại - theo một cách rất riêng. Em thử đọc lại bài viết 1 lần nữa xem - có thấy sự đối lập trong chính lập luận của tác giả không?
Có một thời gian tôi đã chán ngán tự hỏi vì sao mình lại thuộc về thế hệ này? Tôi nghe nhạc tiền chiến, đọc tiểu thuyết kinh điển, viết văn đúng chính tả và thích đọc thơ; hẳn có một điều gì đó sai, rất sai; hoặc với tôi, hoặc với cả một tập hợp những kẻ sinh vào những năm 90. Lúc đó nhìn ra xung quanh, tôi không nghĩ 9x sẽ làm được gì, ngoài một hệ thống ngôn ngữ cải biên quái gở tật nguyền và những trò quá lố– vốn cũng do 8x “nhập khẩu” vào. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những tin tức kiểu 9x phát minh bóng đèn biết phát sáng khi được bật công tắc, doanh nhân 9x, 9x đạt học bổng trường danh tiếng, v.v… Nhưng bỏ qua một bên những thành tích cá nhân nhất thời và phù phiếm đó, thế hệ của chúng tôi sẽ để lại gì ngoài một lớp tro bụi, gió thổi sẽ bay?


Và 9X họ cũng là một cộng đồng riêng, khi mà người lớn đã tách ra làm 1 thế giới đầy toan tính - vụ lợi thì 9X trở nên lạc loài, họ nhìn nhau mà sống - một đứa hư thì cả bọn cũng theo hùa.

Lại có một điều gì đó rất sai ở đây, một bánh răng trong hệ nhận thức của tôi bị lệch. Chúng tôi phải định nghĩa lại những gì người lớn đã nhồi nhét, đã vỡ mộng nhận ra sự trơ tráo giả dối trong những gì được học, nhưng chẳng ai cho chúng tôi biết mình nên học thứ gì khác. Chỉ có phủ nhận, mà không biết cách khẳng định; chúng tôi phải tự tìm đường cho mình, đi lạc là chuyện tất nhiên.

Và bạn trẻ à, chúng tôi đến bây giờ còn là một thế hệ của những điều tầm thường nữa. Người ta bảo chúng tôi sướng, vì gia đình đầy đủ, đất nước (có vẻ) thái bình. Quá sướng nên những nỗi đau của chúng tôi chưa bao giờ được ghi nhận.


Vừa khẳng định sự khác biệt của bản thân nhưng cũng khéo léo hòa mình với cả thế hệ, để chỉ ra sự khác biệt của thế hệ, của hoàn cảnh - thứ mà người lớn luôn chụp mũ lên đầu đám trẻ: "Các em bây giờ sướng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm..." Nếu là một 9X lạc đường - em thích nghe lời "dạy đời" của người lớn hay sự đồng cảm của một người bạn như tác giả?

Ôi lâu lắm rồi mới có cảm giác làm tập làm văn như thế này....Đọc lại những gì mình viết muốn đào lỗ mà chui dễ sợ T_T

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi trần trọng tín » Hai T10 01, 2012 2:04 am

hehe! em không buồn vì anh nghĩ em thế đâu, anh biết không em rất thích phản biện, tranh luận vì lợi ích của việc này thì không cần bàn cãi! Ngán ngẫm nhất là khi vào face thường thấy mấy cai stt hay bài viết của mấy em hotgirl về những vấn đề rất tào lao vậy mà hàng trăm người like hàng chục cái comment đại khái là:"ccmnr, chuẩn men, hay...."Thật nhàm chán! Trở lại vấn đề:
1/ Sau khi đọc replay của anh em đã hiểu rõ về bài viết. như em đã nói em biết tác giả không phải là đối tượng như trong bài viết thậm chí (có thể) tác giả rất giỏi. Tác giả đã viết về một bộ phận 9x với sự cảm thông và mong muốn có thể giúp họ thay đổi. tinh thần ấy thật đáng trân trọng, và thực sự là em chỉ hiểu được những điều này sau khi đã tranh luận với anh, hiểu đươc mục đích bài viết của tác giả qua hai bài giải thích khác?!. có gì đó bất thường không anh dù em đã đọc bài viết 3 lần rồi mới comment?bên cạnh đó là cách dùng từ chưa chuẩn dễ đụng chạm đến 1 phần 9x thành thị khác. Đây có phải là nhươc điểm mà tác giả cần phải khắc phục không?
2/ Em nghĩ người lớn nào cũng sẵn sàng vị tha cho những lầm lỗi của con em mình! Nhưng để em nói rõ điều này, em phản bác vì em luôn đề cao sự nỗ lực của bản thân và càng phải nổ lực khi lầm lỡ chứ không phải là chờ đợi sự giang tay giúp đỡ từ "người lớn". Và khi chúng ta nỗ lực sửa sai thì mọi người cũng sẽ giang tay giúp đỡ thôi anh nhỉ! xã hội nào cũng vậy, những người biết suy nghĩ + nỗ lực=> thành công. 9x là con nít nhưng 9x sẽ lớn, biết suy nghĩ sớm giúp 9x có những bước đà tốt => khả năng thành công cao, biết suy nghĩ trễ vẫn có thể thành công, không biết suy nghĩ thì oán trách ai bây giờ? Và tất nhiên có những người thành công thì cũng phải có những người thất bại, có người giàu thì cũng phải có người nghèo. Cuộc sống là một cuộc chạy đua và em tin rằng cuộc đua của 9x ngày nay vô cùng khốc liệt. Có nhiều người gia cảnh khó khăn, mồ côi mà vẫn thành công, vào đươc những đại hoc danh tiếng được đi du học cũng có những người nhà có điều kiện thì lại lầm lỗi rồi trách móc. Có niềm tin gì ở thành phần này nhỉ? muốn được cảm thông thì đừng yêu cầu mà hãy chứng minh đi.

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi STH » Chủ nhật T9 30, 2012 8:55 pm

Trước hết, anh đính chính lại về cách nhìn của anh dành cho em trước cuộc tranh luận này: anh không hề xem em là con nít! Thông qua 3 bài viết đầu tiên của em: 1 ở topic nhờ giúp đỡ, 1 ở topic "23 tuổi..." và bài viết đầu tiên ở topic này, ấn tượng đầu tiên của anh đối với em là một anh kỹ sư ngạo mạn, viết tiếng Việt chưa chuẩn mà lại quá tự tin vào bản thân mình (xin lỗi anh góp ý thẳng, vì anh nghĩ qua cuộc tranh luận này anh em mình đã hiểu nhau hơn, không cần phải dè chừng e ngại nữa).

Tiếp theo, xin giới thiệu với em một diễn đàn kết nối những người kỹ sư Việt Nam do các đàn anh của Đông Du cùng góp tay xây dựng: Vietnamese Engineers Community
Tiêu chí của diễn đàn ấy em có thể đọc ở đây: Giới thiệu về Group Vietnamese Engineers Community
Anh nghĩ diễn đàn ấy nó phù hợp với nguyện vọng của em (nhưng đừng bỏ dongdu.org nhé ^^)

Và phần quan trọng nhất, tiếp tục cuộc tranh luận. Những lập luận mà em đưa ra, anh nghĩ là tác giả hiểu rất rõ, nhưng điều cô ấy muốn mọi người hiểu không giới hạn ở đó em à. Mục đích của bài viết hướng tới nhiều đối tượng chứ không nhóm lại một nhánh nhỏ nào đâu.

Đối với góc nhìn của em - những người trưởng thành (có vẻ) đúng chuẩn - thì cách nhìn như em không có gì lạ, và đây là nhóm đối tượng chính sẽ phản bác lại, ném đá vào bài viết của tác giả. Điều này không có gì lạ, nó hoàn toàn nằm trong dự kiến của tác giả rồi. Nhưng để anh đưa thêm vài góc nhìn khác cho em hình dung, rồi sẽ quay lại bàn về góc nhìn của em.

Đối với nhóm đối tượng 9X mà tác giả nêu trong bài - những người sống buông trôi, bất cần đến sự đời - hoặc những người có thừa sức trẻ, có thừa năng lượng nhưng lại phóng thích nó "SAI nơi và LẦM mục đích". Cứ thử đặt vào hoàn cảnh của họ mà đọc bài viết này, họ là những người lạc lối (như tác giả miêu tả) và họ cần một cái nhìn cảm thông của "Người lớn", họ cần "Người lớn" mở lòng tha thứ cho những lỗi lầm của họ, cần "Người lớn" vị tha giúp họ đi đúng con đường dành cho họ (không phải con đường mà người lớn muốn họ đi) - đó là điều họ cần nhưng không nói ra/cũng có thể là không biết cách bày tỏ sao cho đúng. Nói đơn giản là là họ cần sự đồng cảm, chứ không phải sự bác bỏ. Và ở đây, ngay trong bài viết - tác giả muốn cho thấy rằng:

Nói về bản sắc Việt, tôi thuộc về một thế hệ với phần đông những con người kêu gọi phản đối SOPA/ PIPA bằng tiếng Việt; kêu gọi Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam cũng bằng tiếng Việt; cho người Việt nghe, người Việt đọc, click một cái là ủng hộ cho ABC XYZ 5 xu, viết một comment dài lê thê một trăm lẻ hai chữ là bảo vệ chính kiến; một thế hệ tự tin và hoang mang, yên tâm và sợ hãi, …Tôi thuộc về một thế hệ hướng tới sự cao quý bằng con đường an toàn.


Tác giả đã tự hòa mình vào cái dòng suy nghĩ chưa đến - chưa đủ ấy để nói lên một thông điệp rằng: "Các bạn của tôi ơi - thế hệ 9X ơi, đường các bạn đi sai rồi đó! Người lớn có thể nhìn sai các bạn, nhưng các bạn không được nhìn sai về mình - bạn có quyền khẳng định nhưng hãy làm cho đúng cách. Hãy tỉnh táo lại đi, đừng tự hủy mình vì những điều không xứng đáng."

Góc nhìn của người (có vẻ) lớn - những người có con cái, em út là những 9X mà tác giả nêu - họ thấy gì qua bài viết này? "Đây có phải là cách đứa con/đứa em ở nhà của mình nghĩ? Tụi nó muốn khẳng định mà sao nó lại dùng những cách thức khờ dại thế? Phải chăng cách dạy dỗ của mình/ của gia đình mình là sai? Phải chăng mình đã định hướng sai cho tụi nhỏ(có định hướng không còn là dấu hỏi)....v.v."

Còn nhiều góc nhìn nữa, nhưng để bàn xa hơn thì anh nghĩ mình không đủ trình độ và cũng không cần thiết trong cuộc tranh luận này. Trong 3 nhóm đối tượng trên thì nhóm tác giả hướng tới là 2 nhóm sau. Chỉ cần một bộ phận 9X kia nhìn thấy mình trong bài viết, nhìn thấy cái Giá trị tồn tại của bản thân họ, nhìn thấy con đường họ đang đi là sai, để sửa lại là đã đủ lắm rồi (vì mục đích này nên tác giả mới đánh đồng bản thân với tất cả - một thế hệ 9X sai đường - một sự áp đặt có chủ ý). Còn với người lớn thì chắc không phải bàn nữa nhỉ? Em đã nêu ra góc nhìn và nguyện vọng của người lớn, em thấy được điều đó thì tác giả cũng thấy được - nhưng điều tác giả muốn hướng tới là cái khác - "Hãy giang tay kéo thế hệ 9X lại bằng cái nhìn cảm thông hơn, thấu hiểu hơn!". Trở lại với góc nhìn của em - những người đọc bài viết và có ngay cái nhìn phản cảm - đa phần là người chưa lập gia đình, và nếu có cũng chưa trải qua cảnh nuôi dạy những đứa con, đứa em thuộc thế hệ này. Và tất nhiên họ sẽ khẳng định cái tôi của mình - khẳng định những suy nghĩ (có vẻ) đúng đắn - và một lần nữa chà đạp, phỉ báng những 9X kia. Nhưng buồn thay cái suy nghĩ này hoàn toàn không có giá trị hỗ trợ gì cho nhóm 9X mà tác giả nêu cả - chỉ là những lời phán xét với ý khẳng định: "Tôi không nằm trong số đó!"

Như thế có đủ trả lời cho câu em hỏi: " tại sao bạn không tìm cách làm người lớn thay đổi cách nhìn về mình mà lại trách móc rồi lại dồn năng lượng cho những việc vô bổ rồi lai trách móc. Sao không tự trách bản thân không đủ đam mê, không đủ năng lực để thay đổi suy nghĩ hay chứng minh cho "người lớn" thấy là mình đúng. Mình rất tôn trọng cách suy nghĩ vì mọi người của tác giả nhưng thay vì phê phán "người lớn" thì tai sao không viết bài để khuyến khích giới trẻ...?"


Và ở đây một lần nữa em đã tự khẳng định cho dòng suy nghĩ của nhóm "Những người trưởng thành (có vẻ) đúng chuẩn": " Có phải "người lớn" luôn xem bạn là đồ con nít, như cách nhìn của anh Li4lo0rLo2li với mình ban đầu nhưng rõ ràng sau bài viết của mình thì anh ấy phải thay đổi cách nhìn". Họ chỉ cần khẳng định cái tôi của bản thân, khẳng định cho người khác thấy mình "đúng chuẩn", thế là đủ. Việc có nói thêm đằng sau, chỉ để phụ họa lên sự thật chua chát rằng: họ không hiểu ý tác giả muốn nói, không hiểu cảm nhận của những 9X "không đủ đam mê, không đủ năng lực" (như cách em nhìn họ). Em lại càng không hiểu được toàn bộ ý đồ của tác giả nếu chỉ đọc qua 1 bài viết như thế này.

Giới thiệu cho em một bài viết khác: Em cứ viết thôi có gì đâu mà ngại

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi trần trọng tín » Chủ nhật T9 30, 2012 1:42 pm

à há vậy ra một chị 90 àh!em sẽ tiếp tục tranh luận nhé! một người thầy đã dạy em rằng:" tranh luận giúp cho dễ ngủ" :tungtang hehe! em thỉnh thoảng cũng đọc những bài báo về giới trẻ thế này thế nọ những bài nào chuẩn mực, được thôi sao kỹ lưỡng thì rõ ràng là không thể bắt bẻ được gì còn những bài viết áp đặt thì em không quan tâm vì thấy như vậy thật phí thời gian! Nhưng mọi biết không em đã học ở Đông Du hơn 1 năm và đối với em Đông Du rất đặc biệt!
Lúc đầu em thấy hơi khó hiểu vì tác giả bài viết này, em nghĩ tác giả cũng không phải như đối tượng trong bài viết! Nhưng nhờ phần giải thích của anh thì em hiểu rõ hơn! thanks anh ! tác giả muốn nhắn nhủ một lời trách móc tới "người lớn" cũng như sụ cảm thông tới 9x thành thị. thật đẹp [ro2] . Tuy nhiên mỗi người sinh ra một ở một hoàn cảnh sống và mỗi hoàn cảnh sống đều có một ưu thế cũng như bất lợi cho sự phát triển. Nhà có điều kiện thì đươc học hành tử tế rồi anh văn, vi tính này nọ... nhà không có điều kiện thì đó là cơ hội cho sự tự lập....Nó phụ thuộc vào bản thân mỗi người thôi! muôn đời nay vẫn thế mà! "Người lớn" nào mà không thương con mọi người nhỉ? Nhưng đa phần họ không hiểu là tuổi trẻ cần lí tưởng cần thể hiện. Họ muốn con cái đi theo một con đường thật êm, thật an toàn. vì sao vậy? tác giả có hiểu cho người lớn không? có hiểu đó là đặc trưng của nền văn hòa phương Đông? nó khác với xứ sở "ăn hamburger, là đồ Mỹ, là hàng McDonald".Một ngày nào đó con trai bạn đến với bạn và nói " ba ơi! con muốn làm con gái!". mọi người sẽ trả lời thế nào? Những anh chị em bạn bè hiện đang học ở nhật trả lời mình xem nước nhật có phát triển, người nhật có thành tài với cách giáo dục phương Đông không?. Có phải "người lớn" luôn xem bạn là đồ con nít, như cách nhìn của anh Li4lo0rLo2li với mình ban đầu nhưng rõ ràng sau bài viết của mình thì anh ấy phải thay đổi cách nhìn, vậy tại sao bạn không tìm cách làm người lớn thay đổi cách nhìn về mình mà lại trách móc rồi lại dồn năng lượng cho những việc vô bổ rồi lai trách móc. Sao không tự trách bản thân không đủ đam mê, không đủ năng lực để thay đổi suy nghĩ hay chứng minh cho "người lớn" thấy là mình đúng. Mình rất tôn trọng cách suy nghĩ vì mọi người của tác giả nhưng thay vì phê phán "người lớn" thì tai sao không viết bài để khuyến khích giới trẻ...?
P/s:Li4lo0rLo2li : điều tốt nhất là mỗi người nhìn ra năng lực của mình anh Li4lo0rLo2li ạ! hehe! quan điểm của em là
"Đừng cố làm những gì to tát cả
Mây của trời cứ để gió cuốn đi"
(st)
Em chỉ muốn góp 1 phần nhỏ để phát triển nền công nghiệp của VN và em cố gắng hết sức để cái phần nhỏ ấy càng to càng tốt [happy] ! Em cố gắng từng chút một để thực hiện mong muốn đó còn những việc to tát hơn thì em thấy mình chưa đủ trình!hehe

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi STH » Chủ nhật T9 30, 2012 12:02 pm

Phản biện tốt, anh thay đổi các nhìn về em rồi đấy.

Phần nhiều thế hệ 9X mà anh nói là phần nhiều những bạn mà anh nhìn thấy - ngay câu trên có viết đó, không mang giá trị tổng thể. Còn về tác giả, chẳng phải ngay tiêu đề tác giả đã nêu rõ góc nhìn của mình là 9X thành thị còn gì, đâu cần thiết phải lập lại cụm từ ấy trong cả bài văn. Như thế rõ ràng tác giả đã gói gọn lại trong thế giới mà tác giả thấy - tác giả sống, đồng ý chứ?

Còn hạ thấp hay không hạ thấp bản thân tác giả hay cả thế hệ thì nó liên quan đến mục đích của bài viết em ạ. Biết bao nhiêu bài viết chỉ trích, phê phán lối sống - lối suy nghĩ của thế hệ 9X, bao nhiêu bài viết chê trách sự hâm mộ thái quá hay thói thờ ơ của thế hệ 9X được đăng tải hà rằm trên mặt báo, trên internet - hẳn em cũng đọc không ít bài trong số đó, đúng không? Em có thấy oan ức nếu người ta đánh đồng em vào một bộ phận hỗn tạp đó không? Khi đó em làm gì để người khác hiểu mình không như vậy?

Và một khi những giá trị đã bị đảo lộn, một khi những đạo đức của người lớn truyền cho đã trở thành thứ sáo rỗng mục ruỗng, chúng tôi lắm lúc đã chạy lung tung vô nghĩa như một bầy thú không não.

Nói về bản sắc Việt, tôi thuộc về một thế hệ với phần đông những con người kêu gọi phản đối SOPA/ PIPA bằng tiếng Việt; kêu gọi Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam cũng bằng tiếng Việt; cho người Việt nghe, người Việt đọc, click một cái là ủng hộ cho ABC XYZ 5 xu, viết một comment dài lê thê một trăm lẻ hai chữ là bảo vệ chính kiến; một thế hệ tự tin và hoang mang, yên tâm và sợ hãi, …Tôi thuộc về một thế hệ hướng tới sự cao quý bằng con đường an toàn.

Trớ trêu thay, có con đường an toàn nào hướng đến sự cao quý bao giờ.

Khi chúng tôi mở miệng nói đến chính trị; người lớn bảo chúng tôi im đi, giữ thân mà sống. Khi chúng tôi nói đến lý tưởng và ước mơ, họ bảo chúng tôi làm ơn hạ cánh mơ mộng mà bò bằng cả 2 tay 2 chân. Năng lượng tuổi trẻ không còn biết dùng để làm gì, đành phải dạt vào bar, vào club, chụp hình tự sướng bằng Instagram, sáng tác vài bài hip hop cờ đỏ sao vàng yêu nước, quay vài bộ phim ngắn màu mè, làm vài clip hài, …


Đoạn này chẳng phải đã thể hiện rõ sự bất mãn và ý đồ của tác giả hay sao? Phải chăng tác giả muốn chứng minh rằng: tư tưởng của thế hệ 9X đang bị vùi dập bởi những toan tính, những suy nghĩ "an phận thủ thường" của người lớn?

Nhưng tôi không buồn đâu bạn à. Chụp ảnh hở ngực hay quay clip sex, nhảy nhót điên cuồng trên bar hay ngồi cafe nghe nhạc Trịnh, đợi Diablo III hay đi nhặt rác ngoài biển; chúng tôi – 9x -đều đang sống, và cho người ta biết là chúng tôi sẽ sống. Với tất cả những tầm thường, trống rỗng, những lạc lối, hoang mang; chúng tôi vẫn đi tiếp.


Thông qua cả bài viết tác giả đã thể hiện cho người đọc thấy là cô ấy là một người biết suy nghĩ, cô ấy thừa nhận những thói hư tật xấu của bạn bè mình, của thế hệ mình nhưng lại không có ý phủ nhận và chê trách sự tồn tại đó. Điều cô ấy muốn nói có phải là: "Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Thực trạng của chúng tôi là như thế này đây, nhưng điều đó không hẳn do chúng tôi muốn. Các người có thể chê trách, có thể phỉ báng nhưng hiện thực vẫn là hiện thực, chúng tôi vẫn tồn tại như thế. Người lớn các người có giỏi thì hãy giúp chúng tôi thay đổi, đừng ở đó giở giọng dạy đời!!!"

Thế đấy, nội dung 1 bài viết khách quan hay chủ quan là do người đọc là thế. Mỗi người chúng ta, ai cũng có một hoàn cảnh sống khác nhau, có điều kiện giáo dục khác nhau. Có thể em được dạy dỗ tốt, con đường em đi luôn suôn sẻ, em bỏ qua những thứ nhố nhăng xung quanh em để tập trung trên con đường của mình...và tất yếu em sẽ thành công, nhưng cái thành công đó sẽ chỉ dành cho em, và những gì trong phạm vi của em mà thôi. Còn tác giả bài viết, anh nghĩ cô ấy hướng đến một mục tiêu không chỉ cho bản thân mình.

Vài lời chia sẻ, có sai thì anh em góp ý nhẹ nhàng, đừng ném đá em :chucmung

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi trần trọng tín » Chủ nhật T9 30, 2012 11:17 am

anh Li4lo0rLo2li hiểu sai ý em rồi! em không cần thanh minh!Tác giả cảm thấy không hạnh phúc dù được một cuộc sống ở thành thị, không có đồng cỏ, không được thả diều nhưng tác giả có biết là có nhiều bạn ở nông thôn gắng liền với đồng cỏ nhưng là những buổi mò cua, mót lúa, tuổi thơ không đươc đến trường, không biết đến tivi không có sách mà đọc, không có nhạc Trịnh mà nghe và những đứa trẻ ấy mơ về cuộc sống thành thị.Đấy chỉ là một trong những điểm mà em không đồng tình với tác giả tuy nhiên em cũng không cần phủ nhận bài viết vì em đã nói nó thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, chúng ta không có quyền áp đặt suy nghĩ của mình cho ai cả! nhưng trong bài viết tác giả dùng rất nhiều từ " chúng tôi, thế hệ 9x....." có phải là tác giả đả áp những suy nghĩ đó cho cả thế hệ 9x không anh Li4lo0rLo2li ? nó có thể chỉ đúng với cái thế giới mà tác giả nhìn thấy mà thôi! tác giả có quyền hạ thấp bản thân xem bản thân là tầm thường, lạc lối nhưng tác giả không có quyền dùng những từ như trên để hạ thấp cả 1 thế hệ. ví dụ tiêu biểu là hàng ngàn du học sinh Đông Du- những người có khác khao và hoài bão! còn anh Li4lo0rLo2li nói phần lớn là đúng thì em nghĩ anh nên xem lại. một đất nước mà phần lớn một thế hệ trẻ sống buông thả đến độ làm lu mờ hết những điều tốt từ bộ phận thiểu số 9x còn lại thì còn gì tương lai đấy nước nữa hả anh? vậy chẳn lẽ những ai đã đi du học thì nên định cư luôn ở bên ấy về VN làm gì nữa! chủ quan là chủ quan, khách quan là khách quan sao lại tùy vào người đọc nhỉ?

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi STH » Chủ nhật T9 30, 2012 10:27 am

Chỉ là một bài viết để suy ngẫm, tựa đề là của tác giả đặt, và đó là góc nhìn của tác giả. Chủ quan hay khách quan thì lại tùy vào người đọc, tùy vào những gì mà người đọc nhìn, chứng kiến và cảm nhận. Có ai phủ định giá trị tồn tại của bạn dựa vào bài viết này đâu mà phải thanh minh? Cũng như tôi - một 8X - tôi chia sẻ bài viết đấy chứ tôi có bảo tôi là một trong những 8X mà tác giả nêu trong bài đâu - nhưng không phải vì thế mà tôi phủ nhận những điều tác giả viết - vì so với những gì tôi vẫn nhìn thấy từ thế hệ của tôi, của bạn - tuy không phải là tất cả nhưng phần lớn là nó đúng. Chẳng thế mà những vấn đề tác giả nêu vẫn diễn ra nhan nhản hàng ngày đó sao? Cái sự thật chua chát ấy - cái lối sống buông trôi của phần nhiều thế hệ 9X ấy nó làm lu mờ hết những điều tốt từ bộ phận thiểu số những 9X còn lại bạn à.

Muốn phủ nhận thì hãy chứng minh đi!

Re:Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi trần trọng tín » Chủ nhật T9 30, 2012 9:37 am

Đây chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả bài viết! tác giả không đại diện cho 9x nào cả! Tôi và những người bạn cua tôi đều có những khác khao, hoài bão cho riêng mình! và tôi cũng chẳn phân biệt thế hệ 8x, 9x gì cả mọi thế hệ sinh ra đều có vai trò lịch sử riêng thôi!

Những đứa con 9X thành thị

Viết bởi STH » Chủ nhật T9 30, 2012 8:11 am


Tôi thuộc lứa đầu tiên của thế hệ mà người ta gọi là 9x. Có một thời gian tôi đã chán ngán tự hỏi vì sao mình lại thuộc về thế hệ này? Tôi nghe nhạc tiền chiến, đọc tiểu thuyết kinh điển, viết văn đúng chính tả và thích đọc thơ; hẳn có một điều gì đó sai, rất sai; hoặc với tôi, hoặc với cả một tập hợp những kẻ sinh vào những năm 90. Lúc đó nhìn ra xung quanh, tôi không nghĩ 9x sẽ làm được gì, ngoài một hệ thống ngôn ngữ cải biên quái gở tật nguyền và những trò quá lố – vốn cũng do 8x “nhập khẩu” vào. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những tin tức kiểu 9x phát minh bóng đèn biết phát sáng khi được bật công tắc, doanh nhân 9x, 9x đạt học bổng trường danh tiếng, v.v… Nhưng bỏ qua một bên những thành tích cá nhân nhất thời và phù phiếm đó, thế hệ của chúng tôi sẽ để lại gì ngoài một lớp tro bụi, gió thổi sẽ bay?

Lúc nghĩ như thế tôi chỉ là một đứa con nít tự cho phép mình già dặn với dăm ba câu nhạc Trịnh và vài quyển tiểu thuyết những năm 40-80. Bằng một sự tự tôn quá lố, tôi đã không nhận ra thế hệ của mình tuyệt vời như thế nào – thế hệ của pro, kute, của những phong trào mau “hot” chóng tàn, và của những giá trị luôn bị đập nát để nhìn lại.

9x là một thế hệ của mất mát và trống rỗng. Từ những năm tuổi thơ khi đất nước bắt đầu có của ăn của để, những đứa con thành thị đã không còn chỗ để chơi với thiên nhiên. Chúng tôi không có những khoảng đất, những bờ ao, hay ruộng lúa. Và chân thành mà nói, làm sao yêu thương một điều mà bạn không hề có? Thời thơ ấu của chúng tôi bị hắt hủi như một đứa con ghẻ lạc loài. Tuổi thơ đồng ruộng cánh diều của các cô chú anh chị đi vào sách giáo khoa, vào tranh vẽ bằng những lời ca ngợi, rồi sau đó họ bắt 9x học thuộc lòng. Còn tuổi thơ điện tử truyện tranh của chúng tôi trôi dạt trên facebook, trong những tấm hình “Ấu thơ trong tôi là…”, vốn không được một hệ thống chính thức nào thừa nhận. Tôi luôn tự hỏi có cần thiết phải chơi với dế trên cánh đồng để được công nhận là trẻ em đích thực hay không? Chẳng phải Doraemon đã thắp lên những giấc mơ thần tiên trong chúng tôi không kém một ông Bụt nào, và cuốn băng 5 anh em siêu nhân hay Mario đi cứu công chúa cũng có gì thua kém một chàng dũng sĩ diệt rồng trong cổ tích đâu? Chúng tôi không cần bám lấy những gì xưa cũ để có một tuổi thơ được cấp giấy chứng nhận thơ mộng.

Sau đó chúng tôi lớn lên, và hãy nhìn xem chúng tôi đã đem lại cho Việt Nam điều gì: 8x sex trước hôn nhân; và chúng tôi công khai điều đó; 8x chơi thuốc, và chúng tôi là người đã đưa chủ đề này lên mặt báo thường xuyên; 8x lộ hàng, và chúng tôi biến nó thành chuyện bình thường. 9x đã làm mọi thứ tệ hơn, hay đúng ra là chúng tôi đã phơi bày mọi thứ như nó vốn là, khi mà thế hệ 8x có công nhập khẩu văn minh Tây Âu vào nhưng lại không đủ can đảm để công khai thừa nhận những mặt trái và phải của nó? Bộ mặt hào nhoáng bóng lộn của món hàng “văn minh” đã được chúng tôi hồn nhiên phơi ra, dù cố ý hay vô tình, bằng tất cả tự trọng và liêm sỉ. Sau này nếu một nhà xã hội học nào đó rảnh rỗi nghiên cứu về chuyện này, tôi mong rằng ông ta sẽ không quên chi tiết: 9x là thế hệ đầu tiên mà cái tên của chúng tôi đã từng là một tính từ mang nghĩa tiêu cực. “Một đám 9x!”

9x là một thế hệ lạc lối. Những điều người lớn dạy cho chúng tôi đã bị thực tế tát vào mặt không thương tiếc. Tôi còn nhớ những năm mình học cấp II, quan hệ trước hôn nhân là một điều gì đó rất ghê tởm, những thằng con trai làm điều đó là những thằng khốn nạn, và tụi con gái – nếu không ngu thì cũng là đĩ điếm tạm thời. Lên cấp III, một buổi chiều bình yên, tôi đang online thì bà chị chạy vào hỏi, “Em nghĩ gì về gái quan hệ trước hôn nhân?” Tôi thắc mắc chị hỏi làm gì, chị trả lời, “Để làm khảo sát.” Nhưng tôi vẫn đoán được lí do thực sự. Những ngày sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ. Người yêu của chị chắc chắn không phải một thằng khốn nạn, anh rất tốt; và chị thì tuyệt đối không phải “hàng.” Lại có một điều gì đó rất sai ở đây, một bánh răng trong hệ nhận thức của tôi bị lệch. Chúng tôi phải định nghĩa lại những gì người lớn đã nhồi nhét, đã vỡ mộng nhận ra sự trơ tráo giả dối trong những gì được học, nhưng chẳng ai cho chúng tôi biết mình nên học thứ gì khác. Chỉ có phủ nhận, mà không biết cách khẳng định; chúng tôi phải tự tìm đường cho mình, đi lạc là chuyện tất nhiên.

Và bạn trẻ à, chúng tôi đến bây giờ còn là một thế hệ của những điều tầm thường nữa. Người ta bảo chúng tôi sướng, vì gia đình đầy đủ, đất nước (có vẻ) thái bình. Quá sướng nên những nỗi đau của chúng tôi chưa bao giờ được ghi nhận. Giống như việc cả tuần bạn chỉ ăn đúng một cái bánh hamburger thì bạn cũng không được than đói khổ vậy. Vì bạn đã ăn hamburger, là đồ Mỹ, là hàng McDonald, là tập hợp những thứ phù phiếm và rẻ tiền nhưng dựa vào đó người ta khẳng định là bạn no, và không có tư cách than đói, vì đói là phải ăn khoai ăn sắn. Tôi có cô bạn đói đến mức ngất xỉu trong restroom, lúc tỉnh dậy cũng chỉ đơn giản là bắt bus về nhà một mình như chưa có gì xảy ra. Tôi có những người bạn cắn răng bỏ lại người yêu ở quê nhà, lên đường du học và kiếm một tấm vé định cư. Tôi có một người em tóc nhuộm nâu mặc váy voan, nửa đêm không có tiền nhà bị chủ đuổi, phải ngủ vạ vật ở bãi giữ xe WalMart. Nhưng chúng tôi không có tư cách than vãn; người yêu bỏ lại không phải để ra trận chiến đấu, đói đến xỉu nhưng trong ví vẫn có thẻ ngân hàng, ngủ ở WalMart là ngủ trong chiếc xe cũ nát, có thể bị bất kỳ gã nào đập vỡ cửa. 9x thành thị là như vậy đấy. Chúng tôi thiếu một khung cảnh lạc hậu cần đổi mới, một background nghèo khổ cùng cực, hay một cuộc chiến; một điều gì đó vĩ đại để nỗi đau của chúng tôi được công nhận hợp pháp. 6x-7x đã xây dựng (và tàn phá) đất nước sau chiến tranh. 8x đã đưa phương Tây vào trùm lên đầu người Việt. 9x, có chăng là một đất nước hoang mang, một lớp người lớn vật vã tự vấn đâu là trắng đâu là đen; trong khi chúng tôi điên cuồng mà sống với trắng đen lẫn lộn, kệ mẹ nó đời.

Và một khi những giá trị đã bị đảo lộn, một khi những đạo đức của người lớn truyền cho đã trở thành thứ sáo rỗng mục ruỗng, chúng tôi lắm lúc đã chạy lung tung vô nghĩa như một bầy thú không não.

Nói về bản sắc Việt, tôi thuộc về một thế hệ với phần đông những con người kêu gọi phản đối SOPA/ PIPA bằng tiếng Việt; kêu gọi Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam cũng bằng tiếng Việt; cho người Việt nghe, người Việt đọc, click một cái là ủng hộ cho ABC XYZ 5 xu, viết một comment dài lê thê một trăm lẻ hai chữ là bảo vệ chính kiến; một thế hệ tự tin và hoang mang, yên tâm và sợ hãi, …Tôi thuộc về một thế hệ hướng tới sự cao quý bằng con đường an toàn.

Trớ trêu thay, có con đường an toàn nào hướng đến sự cao quý bao giờ.

Khi chúng tôi mở miệng nói đến chính trị; người lớn bảo chúng tôi im đi, giữ thân mà sống. Khi chúng tôi nói đến lý tưởng và ước mơ, họ bảo chúng tôi làm ơn hạ cánh mơ mộng mà bò bằng cả 2 tay 2 chân. Năng lượng tuổi trẻ không còn biết dùng để làm gì, đành phải dạt vào bar, vào club, chụp hình tự sướng bằng Instagram, sáng tác vài bài hip hop cờ đỏ sao vàng yêu nước, quay vài bộ phim ngắn màu mè, làm vài clip hài, …

Nhưng tôi không buồn đâu bạn à. Chụp ảnh hở ngực hay quay clip sex, nhảy nhót điên cuồng trên bar hay ngồi cafe nghe nhạc Trịnh, đợi Diablo III hay đi nhặt rác ngoài biển; chúng tôi – 9x -đều đang sống, và cho người ta biết là chúng tôi sẽ sống. Với tất cả những tầm thường, trống rỗng, những lạc lối, hoang mang; chúng tôi vẫn đi tiếp.

Tác giả: Rio Lam - The Story Teller
Nguồn: Những đứa con 9X thành thị