Học đại học
Ngày xưa, học đại học ngành Điện tử - Viễn thông ở Việt Nam mình cũng mang thắc mắc như thế này. Chương trình Đại học có rất nhiều môn, một vài môn trong đó học xong rồi mà chẳng biết ứng dụng vào việc gì. Thậm chí có môn còn gặp lại y chang ở bên khoa Quản Trị Kinh Doanh nữa chứ...
Nhưng lúc ấy, trong đầu mình vẫn nghĩ: "Thôi, cứ học, một lúc nào đó lại sử dụng đến thôi. Giáo trình Bộ giáo dục soạn, rồi trường soạn thì chắc chắn phải có mục đích, có ý nghĩa nào đấy..."
Mãi rồi cũng học xong, nhưng cũng chẳng có thầy nào dạy mình biết giá trị của những môn học mà mình học. Hỏi đến thì các thầy bảo là: "Mục đích của môn học các em đã được học từ ngày đầu tiên, sao giờ lại hỏi? Muốn biết thì lật lại giáo trình mà tìm".
Ừ thì cũng lật, cũng xem, cũng nghiền ngẫm...Quái, chẳng có liên quan gì đến ngành mà mình học cả.....vậy là kiến thức mình sang ngang từ dạo đó...."Học cho qua, thi để đậu". Thế thôi!
Đi làm
Không tính những việc mình tự làm thì công việc chính thức là ở một công ty kinh doanh, sửa chữa ôtô -
lại chẳng có gì gọi là liên quan đến ngành học - thế mà sao đó nhiều lần mình lật lại giáo trình đấy :nhamhiem
Vốn dĩ công việc của mình chỉ ở trong văn phòng thôi [Kinh doanh - dịch vụ] nhưng cái số nó định sẵn thế nào mà mình vẫn phải lếch thân xuống xưởng sửa chữa. Khi thì chỉ cho khách xem xe đang sửa, khi thì giải thích - chỉ chỏ lại những bộ phận hỏng hóc mà trước đó các anh các chú thợ báo cáo...
Và rồi chuyện gì đến nó cũng đến: trong một lần anh Kỹ sư phụ trách kiểm định xe có việc đột xuất không đi làm được, mình phải thay anh ấy sử dụng thiết bị kiểm định để kiểm tra lỗi cho xe. Do trong bản CV của mình có liên quan đến điện tử này nọ nên giám đốc bắt đi làm =_="!
Mình xin giải thích đại khái về việc này: các đời xe hiện đại bây giờ thường được kiểm tra hỏng hóc bằng các thiết bị kiểm định kết nối vào xe, từ thiết bị này có thể kiểm tra hầu hết các lỗi lớn nhỏ phát sinh trong quá trình sử dụng. Thiết bị này cũng hiển thị ra bộ phận nào, nằm ở vị trí nào, bị hỏng như thế nào, và cả cách khắc phục. Tuy không chính xác được 100% nhưng cũng nằm ở mức 80~90%. Nhờ vậy mà việc sửa chữa xe bây giờ tiết kiệm thời gian hơn thời xưa rất nhiều. (anh chị em nào học về ô tô thì xin bỏ qua cho việc mình múa rìu qua mắt thợ nhé)
Cũng nhờ máy giải thích khá đơn giản bằng tiếng Anh nên việc sử dụng cũng không có gì khó khăn, chỉ có điều khi đó mình không có kiến thức chuyên môn về ôtô nên tên riêng của các bộ phận mình không biết - đọc tiếng anh thế nào thì thông báo cho thợ máy như thế - và thế là bất đồng ngôn ngữ giữa người Việt với nhau. =.="
Thêm một điều may nữa là cái máy kiểm định nó có sơ đồ kỹ thuật để thuyết minh về vị trí nên mình chỉ chỗ cho thợ máy được. Ôi cái lần đầu tiên đau khổ ấy tốn gần 2 tiếng vật vã với cái máy và ông thợ.
Thế rồi ngay hôm sau mình được giám đốc với anh kỹ sư "ưu ái" cho một khóa đào tạo cấp tốc suốt 1 tháng rưỡi sau đó :daukho
Trong khóa đào tạo không tên này mình được dạy lại - hay gọi chính xác là mình học lại kiến thức về các thiết bị điện tử sử dụng trên xe ôtô. Nói học lại chứ gần như là học từ đầu vì kiến thức ngày còn học đại học nó khác rất xa với kiến thức thực tế. Ban ngày vừa làm vừa học, tối về mò lại sách điện tử để xem các ký hiệu - ý nghĩa cơ bản của các thiết bị cơ sở có dính dáng gì với kiến thức mới hay không. Kết quả là có. Mà không chỉ mỗi môn đó, còn nhiều môn khác cũng có thể áp dụng vào, có điều công việc lúc đó không đòi hỏi nhiều đến thế...
Lời kết
"Kiến thức không bao giờ là thừa" đó là điều mình kiểm chứng được từ những gì đã trải qua. Cho nên nếu bảo kiến thức đại học Việt Nam không có giá trị thì mình hoàn toàn không đồng ý. Nhưng những kiến thức ấy có phù hợp với cuộc sống và công việc thực tế hay không lại là một vấn đề khác.
Kiến thức ở môi trường Đại học Việt Nam phải nói là rộng, rất rộng...rộng đến nỗi người học gần như bơi trong một đại dương kiến thức. Bơi nhưng lại không biết mình đang bơi về đâu nên nhiều lúc nghĩ mình bị chìm.
Tâm lý chung những ngày ngồi trên giảng đường là: môn nào hay, bổ ích thì học kỹ. Môn nào không hay, không hứng thú thì cũng phải học, học cho qua và thi cho đậu. Cơ bản là học mà không biết được cái áo nghĩa đằng sau môn học đó.
Đến bây giờ ngẫm lại mới biết lúc đó mình thiếu một định hướng rõ ràng. Người ta vẫn bảo nhau: "Học là vì tương lai, vì cuộc sống sau này" Nhưng có mấy ai hình dung được tương lai mình ra sao, cuộc sống sau này mình sẽ như thế nào?
Quãng thời gian mình đi làm, tuy không phải là dài nhưng cũng đủ giúp mình hiểu....thời gian không chờ ai cả. Dù hôm qua mình làm gì, thành công, thất bại ra sao thì thời gian cũng không quay lại để mình thay đổi điều đó, cuộc sống vẫn tiếp tục. Điều quan trọng là mình thích ứng với ngày hôm nay như thế nào, và chuẩn bị cho ngày mai ra sao...