Viết bởi tungxeng » Chủ nhật T7 01, 2007 7:04 am
Nhà mình cái gì cũng theo thứ tự tuổi tác, ba rồi đến mẹ rồi mới đến con. Chỉ duy có cái di động là trật tự bị đảo ngược.
Con đi học xa nhà, được ưu tiên có trước, rồi mẹ hay đi công tác xa cũng phải sắm một cái. Ba quanh quẩn chuyện đồng áng, tưởng không cần, nhưng mấy bác “động viên” quá, mà cũng phải có một cái để mẹ tiện bề... quản lý!
Cả đến mức độ xịn của di động cũng có sự xáo trộn. Mẹ mua máy mới nhưng nhường cho con, con đưa máy đời trước cho mẹ. Ba có máy mới, chỉ bỏ túi vài ngày, rồi cũng đổi với con trai trên Sài Gòn. Người ta nghe chuyện hai ông bà già như vậy, ngỡ ngàng: “Sao chiều nó quá! Làm vậy khác nào tập nó đua đòi?”. Ba không nói, chỉ cười. Còn mẹ thì trìu mến: “Cũng phải có cái để nó đỡ thua thiệt với bạn bè”...
Từ ngày gia đình được “di động hoá”, có nhiều chuyện vui. Ba học mãi vẫn chỉ loay hoay vài thao tác: gọi, nhận cuộc gọi, lưu danh bạ... Còn mấy chức năng khác, ba bỏ qua hết. Thằng con về thăm nhà, ngạc nhiên nói: “Ba làm vậy là phí các chức năng của nó rồi”. Ba tỉnh bơ: “Điện thoại nguyên thuỷ là chỉ để nói thôi mà!”. Rồi hai ông bà già cùng cười... Chỉ có thằng con, thấy trong tiếng cười có cái gì đau nhói. Chợt nhận ra, ba đã già, mắt bắt đầu mờ rồi, còn đâu cái thời gặp gì mới cũng tò mò, tí toáy như nó...
Mẹ thì tiến bộ hơn ba nhiều. Tự tay nạp card được, cài lịch làm việc được, hay lâu lâu nhá máy cho ba. Đến một ngày thằng con nhận được cái tin nhắn của mẹ: “Me biet nhan tin roi! Mai mot nhan tin cho con”. Nó ngạc nhiên quá đỗi, nào giờ chỉ toàn nhắn tin đùa giỡn với bạn bè, đã nhắn được cho mẹ nó cái nào đâu. Về quê mẹ hỏi: “Sao bọn trẻ thích nhắn tin hơn gọi vậy nhỉ?”. Nó cười to: “Có những cái tình cảm viết dễ hơn nói mẹ à”. Vậy mà... nó đã nhắn được cho mẹ cái tin tình cảm nào ra hồn đâu?
Rồi bẵng đi một thời gian, tin nhắn của mẹ cứ vơi dần, vơi dần, chỉ toàn gọi điện. Nó hỏi, mẹ trả lời mà như khóc: “Tin nhắn không nghe được. Mà mẹ nhớ giọng con quá...”
Ra là với nó, cái di động không rút ngắn được khoảng cách nào cả, chỉ kéo thêm dài những tình thương mà thôi...
Theo Hữu Phan
Sài Gòn Tiếp Thị
Nhà mình cái gì cũng theo thứ tự tuổi tác, ba rồi đến mẹ rồi mới đến con. Chỉ duy có cái di động là trật tự bị đảo ngược.
Con đi học xa nhà, được ưu tiên có trước, rồi mẹ hay đi công tác xa cũng phải sắm một cái. Ba quanh quẩn chuyện đồng áng, tưởng không cần, nhưng mấy bác “động viên” quá, mà cũng phải có một cái để mẹ tiện bề... quản lý!
Cả đến mức độ xịn của di động cũng có sự xáo trộn. Mẹ mua máy mới nhưng nhường cho con, con đưa máy đời trước cho mẹ. Ba có máy mới, chỉ bỏ túi vài ngày, rồi cũng đổi với con trai trên Sài Gòn. Người ta nghe chuyện hai ông bà già như vậy, ngỡ ngàng: “Sao chiều nó quá! Làm vậy khác nào tập nó đua đòi?”. Ba không nói, chỉ cười. Còn mẹ thì trìu mến: “Cũng phải có cái để nó đỡ thua thiệt với bạn bè”...
Từ ngày gia đình được “di động hoá”, có nhiều chuyện vui. Ba học mãi vẫn chỉ loay hoay vài thao tác: gọi, nhận cuộc gọi, lưu danh bạ... Còn mấy chức năng khác, ba bỏ qua hết. Thằng con về thăm nhà, ngạc nhiên nói: “Ba làm vậy là phí các chức năng của nó rồi”. Ba tỉnh bơ: “Điện thoại nguyên thuỷ là chỉ để nói thôi mà!”. Rồi hai ông bà già cùng cười... Chỉ có thằng con, thấy trong tiếng cười có cái gì đau nhói. Chợt nhận ra, ba đã già, mắt bắt đầu mờ rồi, còn đâu cái thời gặp gì mới cũng tò mò, tí toáy như nó...
Mẹ thì tiến bộ hơn ba nhiều. Tự tay nạp card được, cài lịch làm việc được, hay lâu lâu nhá máy cho ba. Đến một ngày thằng con nhận được cái tin nhắn của mẹ: “Me biet nhan tin roi! Mai mot nhan tin cho con”. Nó ngạc nhiên quá đỗi, nào giờ chỉ toàn nhắn tin đùa giỡn với bạn bè, đã nhắn được cho mẹ nó cái nào đâu. Về quê mẹ hỏi: “Sao bọn trẻ thích nhắn tin hơn gọi vậy nhỉ?”. Nó cười to: “Có những cái tình cảm viết dễ hơn nói mẹ à”. Vậy mà... nó đã nhắn được cho mẹ cái tin tình cảm nào ra hồn đâu?
Rồi bẵng đi một thời gian, tin nhắn của mẹ cứ vơi dần, vơi dần, chỉ toàn gọi điện. Nó hỏi, mẹ trả lời mà như khóc: “Tin nhắn không nghe được. Mà mẹ nhớ giọng con quá...”
Ra là với nó, cái di động không rút ngắn được khoảng cách nào cả, chỉ kéo thêm dài những tình thương mà thôi...
Theo Hữu Phan
Sài Gòn Tiếp Thị