Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tôi Yêu Việt Nam

Đã gửi: Hai T7 06, 2009 3:14 pm
Viết bởi Asukio

Đây là bài viết về anh Vũ, hiện đang là giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu hàng đầu của Việt Nam, và được biết đến nhiều trên Thế Giới. Bài viết về một con người luôn có mình một lòng yêu nước thiết tha. Thầy Hiệu Trưởng đã đọc bài và rất phấn khích về câu chuyện của anh Vũ, chắc sẽ tìm gặp một điểm tương đồng trong anh em Đông Du?

Bài viết trên báo For Him


Vũ Trung Nguyên


Từ một cậu bé con nhà nghèo, nửa buổi lội bộ cả chục cây số đi học, nửa buổi giúp mẹ đóng gạch, nuôi lợn, bước đầu Vũ phấn đấu thoát nghèo cho mình, cho gia đình rồi phấn đấu thoát nghèo cho quê hương.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Giám đốc Cà phê Trung Nguyên
Từ tay không, Vũ đã tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng cả thế giới. Vũ bảo: "Hoàn thành hệ thống phân phối trị giá gần 400 triệu USD này, em sẽ góp phần bảo vệ hàng Việt Nam, đẩy cao được thương hiệu Việt Nam, không cho các hệ thống phân phối nước ngoài chèn ép hàng Việt Nam".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa một lần gặp Đặng Lê Nguyên Vũ (Giám đốc Cà phê Trung Nguyên), tức là chưa chơi với nhau. Tôi chơi với cả hai. Khoa thở ra là thơ và những câu dí dỏm uyên sâu đời, Vũ thở ra là vấn đề sinh tử nước non. Sẽ có lúc tôi tán hươu tán vượn về những gì Trần Đăng Khoa "Hạt gạo làng ta" với "Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng" ấy. Bây giờ tôi xin tán hươu tán vượn về những gì Vũ thở ra đã.
Chơi với Vũ, lang thang với Vũ, chưa một lần tôi nghe Vũ thở ra chuyện tán tỉnh yêu đương mà chỉ: "độc canh", "thâm canh" nào là "thương hiệu Việt", "văn hóa Việt", "nhân cách Việt". Rồi oang oang cái âm mưu phải cho người Nhật, người Mỹ biết đến một Đại Việt.
Một anh trí thức ở Quảng Nam mời Vũ tham gia hội đồng hương Quảng và lo bồi đắp gia phả họ Đặng. Vũ từ chối phắt: "Nếu gặp để lo chuyện Đại Việt thì tới". Vũ thở hắt: "Đất nước bị chia cắt bao lâu rồi, sao bây giờ còn muốn tiếp tục chia cắt nữa. Ai cũng co ro lo chuyện dòng họ thì ai sẽ lo chuyện Đại Việt đây?".
Vũ đi tìm người có tài, có tâm với việc nước ở bất cứ nơi đâu. Rồi kết thân để nghe nhiều hơn, rồi tranh luận quyết liệt. Rồi biến cái nghe "sướng tai" thành cái kim chỉ nam, thành cái cựa quậy hành động, cái quyết chí hành động. Đọc báo thấy có hội thảo về cụ Phan Châu Trinh, Vũ điện thoại cho tôi: "Đến nghe đi anh!". Tôi bảo không có giấy mời, Vũ bảo: "Em không có giấy mời nhưng em cứ đến".
Tôi đến Dinh Độc Lập đúng giờ khai mạc đã thấy cái đầu trọc lóc của Vũ. Thế rồi, Vũ lắng nghe Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Phan Huy Lê nói về sự nghiệp cụ Phan - người lấy dân trí làm cái lõi cho "đạo" của mình.
Nghỉ trưa, Vũ mời các giáo sư, nhà văn ấy đi ăn trưa ở quán "Bún Ta" để được nghe tận đáy của vấn đề. Tôi và Vũ từng có nhiều cuộc tranh luận về Phan Châu Trinh. Thật kỳ lạ, mỗi lần tranh luận, tôi lại thấy Vũ có cách nhìn mới hơn và đặc biệt tổng quát hơn.
Vũ nói đất nước muốn cất cánh rất cần cuộc Duy Tân "mới". Vũ mời Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Vũ Khiêu trao đổi với mình về văn hóa qua tư tưởng cụ Phan, Vũ nhận ra văn hóa chính là nền tảng. Một sớm điện thoại reng: "Vũ đây, em vừa viết xong một bài về văn hóa. Anh nghe nhé!". Thế là Vũ đọc say sưa qua điện thoại cho tôi nghe cả năm trang vi tính nghẹt chữ.
Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh Nhân vào Sài Gòn tổ chức một cuộc họp trù bị để chuẩn bị cuộc hội thảo lớn về văn hóa doanh nhân vào tháng 5 này. Dự cuộc họp trù bị có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà kinh doanh.
Nhà văn Lê Lựu bảo: "Ngày trước, doanh nhân ở nước ta không được tôn vinh, thì nay văn hóa doanh nhân sẽ là văn hóa tôn vinh doanh nhân". Ông Cao Phú, chủ hãng sơn Bắc Sơn nói: "Cần hệ thống hóa văn hóa doanh nhân về mặt lý luận, không nên để manh mún như hiện nay". Vũ lại đùng đùng thuyết trình về văn hóa tổng. Một nữ doanh nhân bảo: "Lạc đề rồi".
Vũ cương lại: "Nếu không bàn về vấn đề văn hóa tổng của cả đất nước, thì làm sao bàn đến văn hóa doanh nhân? Vì sao ta nghèo? Chúng ta cần có cuộc cách mạng về nhân sinh quan. Cần tạo một cái nền tư duy khác cho sự phát triển. Muốn hiểu văn hóa doanh nhân phải nghiên cứu con người Việt Nam.
Doanh nhân Việt Nam không lớn vì không dám lớn. Tại sao Việt Nam không có tỷ phú đôla? Ngay cả Việt kiều cũng không có ai là tỷ phú đôla. Trong khi đó rất nhiều Hoa kiều là tỷ phú đôla. Bởi vì người Việt Nam dù ở đâu cũng kéo nhau lại. Rõ ràng chúng ta cần một bệ phóng khác.
Bệ phóng ấy liên quan đến toàn cầu hóa. Cái khái niệm một quốc gia độc lập là quốc gia không bị xâm lược biên giới đã qua rồi. Do chúng ta yếu, doanh nhân của ta chưa đủ tầm cỡ kích thước toàn cầu đã để cho đất nước bị xâm lược bởi khoa học công nghệ, tài chính, giá trị mềm.
Bàn đến văn hóa doanh nhân mà không bàn đến những vấn đề cốt lõi này thì làm sao có được bước đi chiến lược cho doanh nhân, đưa đất nước thoát khỏi mọi cuộc xâm lược (dù không vũ khí) trên đất nước ta hiện nay?". Vũ hùng hồn, Vũ say sưa, lưng có lúc gù xuống, mắt trợn xéo nhìn đất, lưng có lúc ưỡn ra, mắt trợn xéo nhìn trời. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vỗ tay rõ to: "Ê mày nói đúng lắm, Vũ!".
Thương hiệu Việt, văn hóa Việt, nước Đại Việt luôn thường trực, đau đáu trong chàng trai mới nhỉnh qua tuổi 30 này. Một lần uống bia bên sông Sài Gòn, Vũ đã ngăn tôi không uống bia nước ngoài mà uống bia 333 Sài Gòn. Vũ bảo: "Phải ủng hộ hàng Việt Nam".
Một lần Vũ, tôi và Nhạc sĩ Phạm Duy tranh luận đất nước Việt Nam to hay nhỏ. Quan niệm của Vũ to hay nhỏ không phụ thuộc ở dân đông, đất rộng, mà ở tầm ảnh hưởng và uy tín. Vũ "kích" nhà sử học Dương Trung Quốc viết bài mở đầu cho diễn đàn "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?" trên báo Thanh Niên.
Từ Đắc Lắc, Vũ điện thoại cho tôi giục tôi viết bài ủng hộ Dương Trung Quốc. Vũ luôn bảo: "Mọi người phải chung sức góp tay, đất nước mới có bước chuyển".
Vũ được mời đi dự Đại hội Đảng. Nửa đêm, Vũ điện cho tôi băn khoăn và hơi buồn khi chưa thấy có đột phá lớn như mong đợi. Vũ khát khao có sự đột phá ấy tạo sức bật cho cả dân tộc vượt lên.
Từ tay không, Vũ đã tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng cả thế giới. Từ những gì tích lũy được từ cà phê Trung Nguyên, Vũ đang thực hiện hệ thống phân phối mới G7 Mark với hàng ngàn cửa hàng phân phối hàng Việt Nam khắp 64 tỉnh thành.
Vũ bảo: "Hoàn thành hệ thống phân phối trị giá gần 400 triệu USD này, em sẽ góp phần bảo vệ hàng Việt Nam, đẩy cao được thương hiệu Việt Nam, không cho các hệ thống nước ngoài chèn ép hàng Việt Nam". Được tin này, các nhà sản xuất Việt Nam rất phấn khởi.
Vũ - con người không có lý thuyết suông. Vũ - con người của hành động. Tư duy, tích lũy kiến thức, lắng nghe để hành động. Đã hành động thì hành động quyết liệt. Ở Vũ không hề có lối nói, lối nghĩ, lối làm nửa vời. Hiện Vũ có rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ.
Một nữ sinh viên luật làm luận án về Vũ, phân tích mô hình có tên là "Đặng Lê Nguyên Vũ". Một sinh viên Việt Nam ở Mỹ viết trên báo: "Tôi và các bạn của tôi đang theo dõi từng bước đi của Đặng Lê Nguyên Vũ".
Từ một cậu bé con nhà nghèo nửa buổi lội bộ cả chục cây số đi học, nửa buổi giúp mẹ đóng gạch, nuôi lợn, bước đầu Vũ phấn đấu thoát nghèo cho mình, cho gia đình rồi phấn đấu thoát nghèo cho quê hương. Vũ bảo: "Em có lúc đi buôn kiếm từng đồng cắc, có lúc lái xe tải, thắng bị hư lao vào vách núi tưởng chết. Có lúc bị đời vùi dập, bị muôn tiếng dèm pha".
Em ấy - Vũ của tôi - bây giờ đã lừng lững không chịu dừng lại ở chuyện cứu đói, thoát nghèo nữa mà đang làm giàu cho mình, cho Đại Việt. Một tư tưởng nhỏ, một khao khát quẩn quanh, không thể tự nguyện gánh trên vai gánh nặng giang sơn được. Đất nước cần lắm nhiều người như Vũ. Cần lắm hàng ngàn, hàng vạn người như Vũ...