Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thú vị nghệ thuật: Oscar Kỵ Tài Tử Đẹp Trai!

Đã gửi: Năm T2 16, 2006 12:18 pm
Viết bởi phuongthe_ngoc
Lễ phát giải Oscar cho những thành tựu điện ảnh Mỹ trong năm 2005 sẽ được Viện hàn lâm nghệ thuật và điện ảnh Mỹ (gọi tắt là Hàn lâm viện điện ảnh Mỹ) tổ chức tại Hollywood vào ngày 5.3.2006. Đó là kết quả tổng hợp từ sự bình chọn của 5,808 thành viên Hàn lâm viện trên những cuốn phim được đưa vào danh sách đề cử mới vừa được công bố vào đầu tuần qua.

Trong khi chờ đợi kết quả, niện tại giới phê bình điện ảnh đã thi nhau... tiếm quyền giám khảo để tiên đoán ai sẽ được giải, ai sẽ bị hụt, giải này phải vào tay ai v.v... và tất cả đều có những lý lẽ riêng của mình.

Phim được đề cử nhiều giải nhất

Trước hết phải nói đến phim được đề cử nhiều giải nhất: phim Núi Gãy Lưng (tạm dịch từ Brokeback Mountain) của đạo diễn Lý An, có tài tử Uùc Heath Ledger đóng vai chính.

Phim này được đề cử tám giải, bao gồm: phim hay nhất, đạo diễn hay nhất, nam tài tử hay nhất (Heath Ledger), nam tài tử vai phụ hay nhất (Jake Gyllenhaal), nữ tài tử vai phụ hay nhất (Michelle Williams), chuyển thể kịch bản phim hay nhất (Larry McMurtry và Diana Ossana), nhạc phim hay nhất (Gustavo Santaolalla), hình ảnh phim đẹp nhất (Rodrigo Prieto).

Brokeback Mountain kể chuyện tình của hai anh chàng cao bồi đồng tính do Heath Ledger và Jake Gyllenhaal thủ diễn. Truyện phim được chuyển thể từ một truyện ngắn của Annie Proulx với hai nhân vật chính là Jack Twist và Ennis Del Mar làm nghề chăn cừu thuê ở vùng núi Wyoming, trong cảnh cô đơn giữa những đồng cỏ bao la, không bạn bè, không người thân, hai chàng cao bồi này đâm ra phải lòng nhau’ và mối tình này kéo dài đến tận 20 năm sau, lúc cả hai đều đã có vợ con.

Phim này đã nó tập hợp một ê kíp làm phim gạo cội và đã chiếm những giải lớn trong giải Golden Globe, thường được xem là ‘tiền trạm’ của Oscar. Tại lễ trao giải Golden Globe, phim đã đạt được ba giải: phim hay nhất, đạo diễn hay nhất, kịch bản phim hay nhất. Cần nói thêm là đạo diễn gốc Hồng Công Lý An cũng đã đoạt giải ‘Đạo diễn hay nhất trong năm’ do Nghiệp đoàn đạo diễn điện ảnh Directors' Guild of American trao tặng. Đồng thời, chuyên viên quay phim Rodrigo Prieto cũng có tên trong danh sách ứng viên của giải quay phim hay nhất trong năm do hiệp hội những nhà quay phim American Society of Cinematographers, sẽ được công bố vào ngày 26.2.2006. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là mọi sự sẽ thuận lợi cho Brokeback Mountain và Health Ledger.

Cạnh tranh quyết liệt

Cạnh tranh với Brokeback Mountain có phim Xung đột (Crash),và Một đêm tốt lành và đầy may mắn (Good Night, and Good Luck), cả hai đều được đề cử 6 giải.

Crash diễn tả mối xung đột sắc tộc giữa các sắc dân tại Los Angeles, do tài tử Sandra Bullock và Don Cheadle đóng vai chính. Phim được đề cử 6 giải Golden Global nhưng ra về tay không.

Phim Good Night, and Good Luck do tài tử gạo cội George Clooney đạo diễn, với vai chính do tài tử David Strathairn đảm nhiệm. Phim được đề cử 6 giải, kể cả giải phim hay nhất và giải tài tử hay nhất cho David Strathairn. Đây là phim về đề tài chính trị nên hơi kén người xem nhưng lại được giới phê bình nhiệt liệt ca ngợi.

Phim đưa khán giả Mỹ quay về thập niên 50, trong không khí nặng nề của phong trào bài cộng cực đoan do thượng nghị sĩ Joseph McCarthy cầm đầu, trong đó hầu như toàn bộ giới nghệ sĩ thiên tả ở Hollywood đều lọt vào sổ đen tố cộng. Trong phim Strathairn đóng vai ký giả Edward R. Murrow, là người cương quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và dũng cảm nói lên sự thật về những hoạt động chống Cộng qúa khích của McCarthy.

Giới bình luận tin là phim này chắc chắn sẽ thu hút được cảm tình của những thành viên lớn tuổi của Hàn lâm viện vì sẽ nhắc nhở họ cái thời lao đao của mình cùng hình ảnh của người hùng Murrow. Cần nhớ lại rằng không khí Hollywood lúc đó nặng nề đến độ cả một tài tử nổi tiếng như vua hề Charlie Chaplin phải bỏ sang Âu châu sống và chính trong tình thế này thì Murrow đã dũng cảm đứng về phía lẽ phải để đốp chát lại thái độ cực đoan của những phần tử trong phong trào tố cộng của McCathy.

Ngoài ra, một đối thủ được xem là nặng ký của Brokeback Mountain là Capote, diễn tả cuộc đời của nhà văn Mỹ Truman Capote. Phim được đề cử 5 giải trong đó có giải phim hay nhất và tài tử hay nhất cho Philip Seymour Hoffman,người đóng vai Capote.

Phim diễn tả lại một đoạn đời của Capote khi ông tiếp cận một vụ án và từ đó viết nên cuốn tiểu thuyết Cold Blood: trong chính thời điểm này thì Capote tiếp xúc với hai tên sát nhân và đem lòng yêu thương một trong hai tên này.

Trở ngại cho Brokeback Mountain và Ledger

Là giải lớn nhất, những thành viên ban giám khảo giải Oscar thường tỏ ra thận trọng và khó khăn hơn giám khảo của các giải khác, Ngoài yếu tố chung là chính trị, đạo đức họ còn bị chi phối bởi những yếu tố thuộc về tâm lý cá nhân.

Về mặt ‘đạo đức’ thì trong lịch sử của giải, họ chưa bao giờ trao tượng vàng Oscar ‘Phim hay nhất trong năm’ cho những cuốn phim về đề tài đồng tính luyến ái. Ngay cuốn phim Philadelphia (năm 1993) do tài tử nổi danh Tom Hanks thủ vai chính, cũng chỉ mang về giải nam tài tử hay nhất cho Tom Hanks, chứ không giành được giải phim hay. Cũng cần nói thêm rằng vì đề tài này mà phim Brokeback Mountain bị chính quyền hai tiểu bang tại Mỹ là Washington và Utah cấm chiếu.

Về mặt chính trị thì các phim Crash hay Good Night, and Good Luck có vẻ ăn tiền hơn với đề tài về xung đột sắc tộc và quyền tự do ngôn luận, nhất là khi Hollywood đang ‘va chạm’ với chính quyền bảo thủ của tổng thống Bush qua những biện pháp mà họ gọi là ‘vi phạm dân quyền’ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Riêng với tài tử gốc Úc Health Ledger thì hy vọng đoạt giải nam tài tử hay nhất đang ngày càng mờ nhạt.

Tại lễ phát giải Golden Globe vào ngày 17.1.2006, được xem là ‘trận tổng diễn tập’ cho giải Oscar, anh đã bị một phen chưng hửng khi giải nam tài tử lọt về tay người khác.

Giải này lọt về tay Hoffman, người đóng vai nhà văn Truman Capote trong phim Capote, người cũng được đề cử giải Nam tài tử hay nhất của năm 2005. Sau đó hai tuần, tối 30.1.2006 Ledger lại một phen thất vọng khi giải nam tài tử hay nhất trong năm (Annual Screen Actors Guild Awards: SAG) lại lọt về tay Hoffman. Với hai giải nam tài tử này, Hoffman xem như cầm chắc vé vào đỉnh vinh quang của Hollywood.

Theo Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc gia (The National Society of Film Critics) thì phim Capote và tài tử Seymour Hoffman có nhiều thế mạnh hơn Brokeback Mountain và Ledger, đồng thời phim của Ledger không được hiệp hội này xếp vào ba phim hàng đầu.

Ngoài ra, bên những lý do kể trên, Ledger còn có những lý do khác để hụt giải Oscar: anh chàng này quá đẹp trai.

Oscar kỵ tài tử đẹp trai

Nếu lịch sử của Hollywood tiếp tục tái diễn thì dù không có sự cạnh tranh của Hoffman, Ledger cũng khó mà đoạt tượng vàng Oscar dành cho nam tài tử hay nhất.

Xét lại nhữngkhuôn mặt đoạt giải này như Anthony Hopkins, Jack Nicholson, Sean Penn rồi so sánh với những tài tử chưa bao giờ đoạt giải như Johnny Depp, Leonardo DiCaprio, Tom Cruise và Jude Law thì thấy sự ‘kỳ thị’ rất rõ ràng: không đẹp trai thì đoạt giải ngon lành, còn đẹp trai thì chật vật cả đời.

Hai năm qua, Johny Depp đã được đề cử liên tiếp hai lần nhưng chỉ được mời đến đó để ‘vỗ tay’, nhìn người ta sung sướng rồi ra về. Tài tử gạo cội Tom Cruise cũng vậy: anh chàng điển trai này được đề cử ba lần và cả ba lần dù đếm sớm hay đến trễ cũng đều ra về tay không.

Paul Newman là tài tử lớn của Hollywood, lừng lẫy từ thập niên 50 và đã được đề cử những 6 lần, thế nhưng cả 6 lần đều đến để vỗ tay nhìn ‘đám cưới người ta, đám ma của mình’. Chỉ đợi đến năm 1986, khi Newman đã 60 tuổi, tức không còn đẹp trai mà chỉ còn... đẹp lão thì mới được hưởng chút vinh quang cuối đời với vai chính trong phim Màu Tiền (The Colour of Money).

Theo Tom O'Neil, nhà bình luận của tờ Los Angeles Times, thì Ledger cũng sẽ không thoát khỏi số phận của mấy đàn anh đẹp trai nói trên. Theo ông thì những thành viên ban giám khảo giải Oscar thường tỏ ra đố kỵ với những tài tử đẹp trai vì cho rằng họ đã có quá nhiều rồi: họ đẹp trai, lại có tiền, có danh vọng và do đó thừa thãi đàn bà, gái đẹp; bây giờ nếu cho thêm bọn này cái giải Oscar thì thiên hạ chịu sao cho thấu?

Như vậy chưa hẳn tài tử hay nhất hay phim có nghệ thuật cao nhất thì sẽ đoạt được giải thưởng Oscar mà vấn đề còn tuỳ thuộc và các yếu tố tâm lý, quan điểm chính trị và đạo đức của hơn 5,000 thành viên Viện hàn lâm điện ảnh. Đó là những yếu tố mà giới làm phim hoàn toàn có thể chuẩn bị và tác động bằng kỹ nghệ quảng cáo, bởi vậy giới phê bình điện ảnh Mỹ đã ‘tổng kết’ được 10 mẹo để đoạt giải Oscar.

Mẹo đoạt Oscar?

Tìm một ý nghĩa xã hội-chính trị mang tính thời thượng, thí dụ vấn đề bệnh AIDS (phim Philadelphia) hay chống kỳ thị chủng tộc (phim Chariot of Fires), hoặc (bơm) một ý nghĩa nào đó lên (phim Platton, về chiến tranh Việt Nam).

Diễn tả (người thật việc thật), như Ben Kingsley với nhân vật Gandhi, hay George C. Scott với Tướng Patton.

Diễn rán, tìm lại bình minh trong ánh hoàng hôn như Jessica Tandy: tham gia phim Driving Miss Daisy khi đã 80 tuổi; hay như John Gielgud, đóng phim Arthur khi đã 77 tuổi.

Hâm lại một thể tài đã bị bỏ xó, thí dụ những bộ phim mang tính sử thi như Braveheart, Võ sĩ giác đấu (Gladiator), hoặc về việc khai phá miền Viễn Tây như Khiêu vũ giữa bầy sói (Dances With Wolves), Không thể dung tha (Unforgiven).
Khai thác sự thương tâm với người tàn tật. Đó là Al Pacino với sự mù loà trong phim Hương giai nhân (Scent of a Woman), hay sự què quặt của Daniel Day-Lewis trong Chân trái của tôi (My Left Foot).

Hợp đồng với công ty chiếu bóng Miramax để tung ra một chiến dịch quảng cáo vĩ đại, như trường hợp của phim Shakespear Yêu (Shakespear in Love).

Hãy làm ra vẻ quý phái kiểu Anh, như Anthony Hopkins trong Sự im lặng của đàn cừu; hay Judi Dench trong Shakespear Yêu.

Thay da đổi lốt từ phim này tới phim khác, như trường hợp của Daniel Day-Lewis.

Hãy là tài tử da trắng. Tuyệt đại đa số tài tử đoạt giải Oscar là tài tử da trắng, chỉ trừ trường hợp năm 2003.

Cố khai thác một đề tài thuộc lại (bị lịch sử lảng quên), thí dụ Paul Newman trong Màu sắc của kim tiền (The Colour of Money).

Bởi thế, nếu ai khéo vận dụng những ‘mẹo’ trên, hay cao hơn là kết hợp những mẹo trên, cơ hội đoạt vinh quang của họ sẽ càng cao hơn.

Bây giờ chúng ta hãy cùng lượt lại lịch sử của giải thưởng Oscar.

Lịch sử Oscar

Giải thưởng được trao lần đầu vào năm 1928 và, thực ra, tên chính thức của nó là (Academy Awards), hay (Giải thưởng Hàn lâm viện); còn (Oscar) chỉ là một loại tiếng lóng đã được chính thức công nhận.

Tiếng lóng này hình thành như thế nào thì chưa ai biết chắc, tuy nhiên có một giai thoại về nó khi Hàn lâm viện điện ảnh Mỹ đặt nhà vẻ kiểu thời trang Cedric Gibbons và điêu khắc gia George Stanley một làm mẫu tượng cho giải thưởng vào năm 1931. Chuyện kể rằng lúc nhận tượng về, cô thư ký Margaret Herrick đang làm việc tại viện đã thốt lên trước mặt các đồng nghiệp: ‘Sao mà giống ông chú Oscar của tôi ở Texas quá!’

Từ đó chữ Oscar trở thành tên của tượng này, đã được báo chí sử dụng rộng rãi như là tên của giải thưởng và đến năm 1939 thì được sử dụng một cách chính thức. Tượng này, làm bằng đồng pha bạc và nickel, bên ngoài mạ vàng nguyên 24 K, tượng cao 13-1/2 inches và nặng 8-1/2 pound.

Lần đầu trao giải, ban tổ chức đã tổ chức bán vé với giá 10 Mỹ kim, tức rất đắt trong thời điểm năm 1928, và thu hút được 250 người tham dự. Ngày nay thì Ban tổ chức không bán vé mà chỉ gởi thư mời.

Cũng trong năm đầu tiên, BTC đã trao tổng cộng 15 giải nhưng sau đó rút xuống chỉ còn 7 giải: 1 giải cho phim hay nhất, 2 giải diễn xuất, 1 giải đạo diễn, biên kịch, quay phim (Cinematography) và đạo diễn nghệ thuật (Art Direction). Đến năm 1936, Oscars có thêm 2 giải diễn xuất cho vai phụ hay (nam và nữ). Năm 1941 có thêm giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất (Best Documentary Film). Đến năm 1967 Oscar có thêm giải cho phim nước ngoài hay nhất (Best Foreign Motion Picture) mà giải đầu tiên về bộ phim Shoe-Shine của Ý. Năm 1963 Oscar đặt thêm hai giải mới về hiệu quả âm thanh và hình ảnh tốt nhất và đến năm 1981 thì có thêm giải cho nghệ thuật hoá trang, trang điểm.

Trong lịch sử của giải thưởng Oscars, lễ trao giải chỉ bị trì hoãn có 3 lần. Lần đầu vào năm 1938 khi Los Angeles bị lụt, và lễ trao giải bị hoãn lại 1 tuần. Lần thứ hai khi Mục sư Luther King bị ám sát vào năm 1968, lễ trao giải bị hoãn vì ngày phát giải trùng với ngày tang lễ của ông. Cuối cùng, lễ trao giải năm 1981 bị trì hoãn 2 tiếng đồng hồ vì nguyên tổng Ronald Reagan, vốn là một tài tử điện ảnh, bị ám sát..

Trong lịch sử của mình, số giải Oscar cao nhất mà một phim giành được là 11. Năm 1997, phim Titanic được đề cử cho 14 giải và giành được 11 giải Oscar. Trước đó, năm 1959, phim Ben-Hur cũng giành được 11 giải Oscars, và đây là 2 phim đoạt nhiều giải Oscars nhất.

Cũng trong lịch sử của Oscar thì chỉ có 3 phim thắng được một lần 4 giải: Hình ảnh đẹp nhất, Đạo diễn hay nhất, Kịch bản hay nhất, Nam tài tử và Nữ tài tử hay nhất. Đó là các phim: Chuyện đó xảy ra trong một đêm thôi (It Happened One Night - 1934); Bay trên tổ chim Cúc Cu (One Flew over the Cuckoo's Nest - 1975); và phim Sự im lặng của đàn cừu (The Silence of the Lambs - 1991).

Về tài tử thì nữ tài tử Katherine Hepburn là người đạt kỷ lục cao nhất khi được đề cử 12 lần và đoạt được 4 giải Oscar. Kế đến là nam tài tử Jack Nicholson với 11 lần đề cử và 3 lần đoạt giải.

Tài tử kiêm đạo diễn Woody Allen là người được đạt kỷ lục về tình trạng ‘danh thì nhiều nhưng thực chả bao nhiêu’ nhất: phim của ông được đề cử tranh giải Oscar 17 lần ở đủ thể loại, thế nhưng chỉ đoạt giải có 3 lần.

Mặt trái của Oscar

Nhờ uy thế kinh tế chính trị và văn hoá của Mỹ, nhờ sự đồ sộ của kỹ nghệ điện ảnh Hollywood nên Oscar đã trở thành giải thưởng điện ảnh xôm tụ, gây ồn ào nhất và làm tốn giấy mực nhất thế giới. Tuy vậy, vẫn có nhiều phim giành được danh hiệu (Phim hay) bị chìm vào quên lãng hoặc bị giới phê bình cũng như khán giả chỉ trích kịch liệt.

Thí dụ như giải Nam tài tử phụ hay nhất cho James Coburn trong phim Cứu cọp (Save The Tiger - 1973), hoặc giải Nam tài tử chính hay nhất cho Jack Lemmon trong Niềm đau khổ (Affliction -1998). Theo giới phê bình thì giải thưởng này chỉ là ‘hảo ý’ của kỹ nghệ điện ảnh Hollywood khi muốn tôn vinh hai tài tử này. Hảo ý này thể hiện qua tác động mạnh mẽ của bộ máy quảng cáo và do đó đã dẫn đến lựa chọn sai lầm của những người bình chọn, đó là chưa kể cảm tình và quan hệ cá nhân giữa các tài tử, nhà sản xuất v.v... Bộ phim mang tính sử thi Khiêu vũ giữa bầy sói (Dances With Wolves - 1990) do Kevin Costner thủ vai chính là một ví dụ khác. Phim ẵm ngon lành 7 giải Oscar Phim hay nhất giữa những lời phẩm bình trái ngược nhau và không đạt thành công doanh thu.

Trên thực tế thì không phải tài tử nào khi được trao giải cũng thực sự cảm thấy tự hào, Nữ tài tử Elizabeth Taylor - một huyền thoại của Hollywood với 2 lần giành giải Oscar -- đã vô cùng sửng sốt khi được trao giải Nữ tài tử hay nhất năm 1960 qua phim Butterfield 8 (1960), vốn chuyển thể từ một tiểu thuyết của O'Hara về kiến trúc sư người Anh Butterfield. Thực ra, việc trao giải Oscar này chỉ là cách mà các giám khảo ‘phải quấy’ để chuộc lại lỗi lầm đã mắc với cô đào này trước đó hai năm: ai cũng công nhận vai diễn của Elizabeth trong Chú mèo trên mái tôn nóng bỏng (Cat on a hot tin roof -1958) là vai diễn cực kỳ hay, thế nhưng họ lại trao giải cho Susan Hayward trong bộ phim nhạt phèo là Tôi muốn sống (I want to live).

Hiện tại giới phê bình đã tổng kết 10 phim giành giải Oscar nhưng bị chê nhiều nhất, đó là Braveheart (1995), A Beautiful Mind (2001), The Greatest Show On Earth (1952), Ordinary People (1980), Forrest Gump (1994), Terms Of Endearment (1983), Around the World In 80 Days (1956), Cavalcade (1933), Rocky (1976), How Green Was My Valley (1941).

Phim Brave Heart đoạt giải Oscar giành cho Phim hay nhất năm 1996 nhưng lại bị xem là phim tệ nhất của Mel Gibson, trong đó lời thoại của nhà biên kịch Randall Wallace bị chê là rất ‘funny’. Phim A Beautiful Mind - trong đó tài tử Úc Russel Crowe đoạt giải Oscar khi đóng vaii nhà toán học John Nash - bị chê là có một kịch bản ‘giả dối’ và có cách giải quyết ‘cực kỳ khó hiểu’.

Bằng chứng rõ nhất của điều này là sự sót tên của những bộ phim được xem là hay nhất của mọi thời đại trong danh sách phong thần của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ: những kiệt tác điện ảnh của nhân loại mà không được một giải Oscar nào. Đó là trường hợp của các phim mà mức độ nghệ thuật được sắp từ cao nhất xuống thấp dần sau đây:

Công dân Kane (Citizen Kane - 1942) của Orson Welles,
Chao đảo (Vertigo - 1959) của Alfred Hitchock;
Thời đại tân kỳ (Modern Times - 1937) của Charles Chapline;
Một phụ nữ bị tác động (A Woman Under the Influence - 1975) của John Cassavetes;
Súp Thịt Vịt (Duck Soup - 1934) của Leo Carey;
Ảo vọng vĩ đại (Grand Illusion - 1939) của Jean Renoir;
Ngày xưa ở miền Tây (Once Upon a Time in the West - 1969) của Sergio Leone;
Ba màu: xanh da trời (Three Colours: Blue - 1994) của Lrzysztof Kieslowski;
Tiến sĩ Stranglove hay là Bí quyết mà tôi học để quẳng gánh lo đi và yêu thương trái bom (Dr. Strangelove of How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb - 1965) của Stanley Kubrik;

Có những vấn đề dây mơ rễ má khác rất thú vị về giải Osar, tuy nhiên chờ khi có kết quả chính thức thì chúng ta sẽ bàn tiếp.

(theo Phụng Hiếu-VNReVieW)

Re: Thú vị nghệ thuật: Oscar Kỵ Tài Tử Đẹp Trai!

Đã gửi: Sáu T2 17, 2006 1:44 am
Viết bởi phammanhlan
 Nói gì thì nói, xem những phim đại giải Oscar hầu như được suy nghĩ khá nhiều ... sự bầu chọn của vài nghìn nhà chuyên nghiệp không thể phủ định dễ dàng được! Chẳng hạn phim "A beautiful mind" (2001) bị chê nhưng theo mình đây là một tác phẩm điện ảnh để đời!

Re: Thú vị nghệ thuật: Oscar Kỵ Tài Tử Đẹp Trai!

Đã gửi: Bảy T2 18, 2006 2:29 pm
Viết bởi vanphuc
Co mot bo phim ma moi nguoi danh gia rat hay noi ve 広島原爆,va rat nhieu nguoi da dat cau hoi hoai nghi vi sao bo phim nay khong doat duoc giai thuong.Rat nhieu nguoi Nhat noi do su anh huong cua chinh tri.Cung khong hieu lam ,nhung khong the phu dinh duoc yeu to chinh tri.
Lai nho toi mot cau noi trong phim 県庁ほ星:政治は人を人の上に造る。Trai nguoc hoan toan voi cau noi cua 福沢諭吉。