Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Đã gửi: Ba T1 25, 2005 8:13 pm
Viết bởi anjp

Ngày 13/12, tại Louvain-La-Neuve (Vương quốc Bỉ), vị giáo sư 47 tuổi Bùi Văn Ga đã bước lên bục danh dự để nhận giải thưởng quốc tế cao quý chuyên ngành khoa học công nghệ
Giải thưởng do Hiệp hội các trường Đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF) trao tặng sau khi vượt qua 99 ứng cử viên của 53 quốc gia thuộc cộng đồng, trong đó có 66 hồ sơ từ các nước đang phát triển và 33 hồ sơ đến từ các nước công nghiệp phát triển. Ông cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng cao quý này trong suốt hơn 40 năm kể từ khi giải thưởng ra đời. Tất cả bắt đầu từ một mơ ước lớn lao: chế tạo 'chiếc xe máy sạch' phù hợp với điều kiện người dân Việt Nam.
Từ 500.000đ cho một chiếc xe máy 'sạch'...

Tốt nghiệp khoa Cơ khí Đại học Bách Khoa Đà Nẵng năm 1980, chàng sinh viên nhỏ bé có cái tên cúng cơm khá ngộ nghĩnh Bùi Văn Gà được giữ lại trường làm giảng viên. Khát vọng nghiên cứu khoa học luôn âm ỉ trong con người anh, để rồi có điều kiện bộc phát khi anh được sang làm luận án thạc sỹ rồi tiến sỹ tại Đại học Trung tâm Ecole - Ecole Centrale de Lyon (Pháp). Việc bảo vệ thành công 2 đề tài ' Nghiên cứu ngọn lửa rối và khuếch tán va đập vào thành' và 'Nghiên cứu ngọn lửa rối và khuếch tán bằng nhiên liệu khí và lỏng ', vị tiến sỹ trẻ 32 tuổi đã khiến nhiều giáo sư tên tuổi tại Pháp phải thừa nhận năng lực của anh. Tuy nhiên cũng trong quá trình nghiên cứu với sự hợp tác của hai hãng xe nổi tiếng của Pháp là Citroen và Renault, vị tiến sỹ trẻ nhận ra rằng mặc dù công nghệ 'sạch' đã được các nước phương Tây quan tâm từ lâu nhưng họ chỉ quan tâm áp dụng vào ôtô - phương tiện giao thông chính của mình. Còn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà xe gắn máy đang là phương tiện chủ yếu, thuận tiện và hợp túi tiền của người dân thì việc ứng dụng công nghệ sạch chưa hề được đề cập đến. Và Tiến sỹ Bùi Văn Ga nghĩ tới vào một công trình 'dành cho người Việt Nam': chuyển đổi xe gắn máy chạy xăng sang chạy bằng khí gas hóa lỏng (LPG) nhằm giúp giảm chi phí cho người dùng đồng thời hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường do xe máy chạy xăng gây ra.

Năm 1997, cùng các đồng sự của mình tại Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường Đại học Đà Nẵng, thầy Ga bắt tay làm thử. Việc đầu tiên, thầy đã mua một động cơ xe máy về nghiên cứu cải tiến và cho chạy không tải. Kết quả khả quan, vậy là tiến hành lắp vào xe. Thế nhưng việc lắp đặt thêm một bộ phận chuyển đổi xăng sang LPG và bình chứa vào xe đã khiến chiếc xe trở nên cồng kềnh và xấu xí. Thầy Ga nhớ lại: 'Hồi đầu không biết lắp bình gas vào đâu, đành phải chở phía sau yên xe, có người nhìn thấy bảo: Ông thầy giáo này còn bán dạo hột vịt lộn ngoài giờ để tăng thu nhập! '.Gần 1 năm trời 'bán hột vịt lộn' như thế, nhóm nghiên cứu đã quyết định tháo bình xăng, thay vào đó là bình gas 1,4kg và chế ra một bình xăng 1lít lắp lùi về phía hộp đựng đồ nghề sửa xe. Chiếc xe trở nên gọn ghẽ hơn. Tiến sỹ Ga tiếp tục đặt ra tiêu chí: Chỉ sử dụng 1 bộ chế hòa khí mà phải sử dụng được cả hai nhiên liệu để giảm thiểu việc lắp đặt thêm bộ phận. Việc chế tạo van tiết lưu trên con trượt của quả ga giúp sử dụng được cả hai nhiên liệu đòi hỏi tính chính xác cao mà từ trước đến nay chưa có ai thực hiện. Suốt một năm trời, nhóm nghiên cứu đã phải thử đi thử lại hàng ngàn lần để đi đến kết quả cuối cùng. Vẫn chưa hài lòng, thầy Ga muốn bỏ chi tiết van tiết lưu để giảm tối đa việc can thiệp vào động cơ nguyên thủy. Lại tiếp tục chế tạo, thử nghiệm. Không chỉ làm tại xưởng thực nghiệm, về đến nhà, thầy Ga tiếp tục biến phòng khách 16m2 của gia đình thành xưởng chế tạo với vô số ốc vít, buloong và các chi tiết máy móc. Đến nỗi trong suốt mấy năm trời, thầy không dám mời khách đến chơi vì không có chỗ cho khách ngồi. Mỗi lần cải tiến là một lần nhóm nghiên cứu (mà chủ yếu là thầy Ga) phải một lần bỏ tiền túi ra đầu tư. Khối lượng tài liệu, sách vở đồng nghiệp Pháp gửi qua cho ông và cả những lần ông đi công tác mang về nặng cả tấn. Tính tổng cộng cả tiền túi và bạn bè giúp đỡ, nhóm nghiên cứu đã đầu tư xấp xỉ nửa tỷ đồng cho công trình của mình.

Chưa hết, khi lần đầu tiên giới thiệu ra hội đồng khoa học của trường, nhóm nghiên cứu đã phải chịu đựng nhiều lời xì xào về tính bất khả thi của đề tài ngay trong nội bộ trường. Việc đâm đầu vào một công trình chưa hề có tiền lệ đã khiến ông có lúc nản chí. Ngay bản thân ông cũng đã có lúc tự hỏi: 'Phải chăng đây là vấn đề bất khả thi, nếu không đã có người bắt tay nghiên cứu sau khi đã có kết quả với xe ôtô?'. 'Đó là những ngày tháng gian nan' - Tiến sỹ Ga (giờ đã là Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) thừa nhận - 'Nếu chúng tôi thất bại, sẽ có nhiều tiếng cười nhạo, nhưng chúng tôi luôn tin vào khả năng của mình' .

Và rồi ngày đó cũng đã tới. Cuối năm 2000, sau 3 năm làm việc trong im lặng, nhóm trình làng sản phẩm của mình: chiếc xe máy mang BKS 43K- 4079 chạy bằng hai nguyên liệu song song xăng và LPG. Nhìn bề ngoài, khó ai có thể nhận thấy sự khác biệt giữa một chiếc xe bình thường và chiếc xe đã hoán cải. Sau khi chạy thử nghiệm và tính toán, kết quả ngoài sức mong đợi: Xe tiêu tốn 1 kg LPG/120km trong khi đó phải tốn tới gần 3 lít xăng trên cùng quãng đường. Với giá LPG hiện nay khoảng 11.000đ/kg và giá xăng 7.500đ/lít, người dùng đã có thể giảm được hơn phân nửa chi phí. Ngoài ra, về mặt môi trường, mức độ ô nhiễm do các chất CO, HC (hydrro carbon) mà xe máy chạy xăng thải ra sẽ giảm từ 30% - 80% khi chạy bằng LPG. Thêm một cái lợi nữa, xe chạy êm ru gần như xe chạy điện và rất phù hợp với điều kiện đường sá Việt Nam khi tốc độ không cao và hay phải thắng gấp.

Thành công bước đầu đã khuyến khích nhóm nghiên cứu. Chiếc xe mini bus 'Greenbus' chạy bằng LPG tiếp tục trình làng - cải tạo từ chiếc Daihatsu Jumbo 1.6 - đã cho thấy mức độ phát thải khí CO vào môi trường giảm khoảng 75%-90%, khí HC giảm khoảng 40% - 50%. Mức độ tiêu tốn xăng giảm 20%. Lý giải về việc lắp đặt song song hai hệ thống chạy bằng LPG và xăng trên cùng một chiếc xe, GS Ga cho biết: ' Mặc dù sử dụng LPG rất phù hợp, nhưng với điều kiện các điểm cung cấp LPG còn hạn chế như hiện nay, khi hết gas, người sử dụng có thể dễ dàng đổ xăng để chạy tiếp mà không cần một thao tác nào khác'.Với bộ chế hòa khí cải tạo, bình chứa LPG, bình xăng phụ và van chân không trị giá chừng 500.000đ, GS Ga có thể nhanh chóng biến chiếc xe chạy xăng bình thường thành 1 chiếc xe máy 'sạch'. Bản thân ông và các đồng sự vẫn ngày ngày lên giảng đường bằng những chiếc xe 'sạch' đó.

...Đến hệ thống xe thu gom rác 'văn minh'

Ở Đà Nẵng, nơi GS Ga sống, cũng như các đô thị lớn khác của Việt Nam, việc thu gom rác của các công nhân môi trường đô thị khá vất vả khi phải len lỏi vào các kiệt hẻm bằng chiếc xe đẩy tay. Còn nếu không, người dân sẽ đổ rác bừa bãi ra đường gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, GS Ga đề xuất chế tạo một hệ thống xe gom rác chạy bằng LPG nhằm tăng tính thân thiện với môi trường và giúp người công nhân đỡ vất vả. Các công nhân thu gom rác sẽ được trang bị những chiếc xe máy chạy bằng LPG có thùng chở rác phía sau, dễ dàng và nhanh chóng luồn sâu vào các kiệt hẻm để thu gom rác. Ông và các đồng sự của mình hiện đang chuẩn bị ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng để nhanh chóng đưa loại xe gom rác 'văn minh' này vào hoạt động sớm nhất tại thành phố du lịch này. Ông khẳng định: 'Xưởng thực nghiệm của Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chúng tôi hiện đã có khả năng đáp ứng những đơn đặt hàng lớn cho bộ chuyển đổi LPG với giá rẻ'.

Khi được hỏi tại sao công trình nghiên cứu của ông và đồng sự vẫn chưa được đưa ra ứng dụng rộng rãi trong khi thế giới đã công nhận, GS Ga nói vui: ' Chúng tôi là những nhà khoa học và chỉ biết hoàn thành nghiên cứu của mình. Còn việc đưa kết quả nghiên cứu đó vào cuộc sống đòi hỏi những nhà lãnh đạo phải đưa ra chính sách phù hợp. Chẳng hạn, nhà nước có thể đánh thuế nhiên liệu thật nặng vào xe chạy xăng gây ô nhiễm môi trường và khuyến khích xe chạy bằng LPG, đồng thời xây dựng các điểm cung cấp LPG thật thuận tiện. Lúc đó, công nghệ của chúng tôi sẽ được người dân hưởng ứng và sử dụng đại trà'.

(Kỳ Anh)

theo danang.gov.vn

Đã gửi: Ba T1 25, 2005 8:16 pm
Viết bởi Admin
Đề tài nghiên cứu này mình cũng được biết đến từ lâu. Hy vọng là nó sẽ nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi.
Eh...anh em có quen với ai ở Nhật dám đầu tư cho nó không ?
Việt