Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thư gửi sinh viên đang học Nhật ngữ từ Thầy

Đã gửi: Bảy T9 12, 2009 12:44 am
Viết bởi peterpan_jp
Kết quả kỳ thi ryu vừa qua khiến cho không ít các sĩ tử khóa 08, 09 lo lắng, bâng khuâng. Không chỉ các em , từ Việt Nam, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòe, cũng như các thầy cô Đông Du cũng đang rất nóng lòng, lo lắng cho tất cả mọi người. Xin được gửi đến các bạn, đặc biệt là các em khóa 08, 09 những lời dặn dò từ thầy hiệu trưởng để có được những phương án học tập hiệu quả hơn cho các kỳ thi sắp đến


THƯ GỬI SINH VIÊN ĐÔNG DU ĐANG HỌC NHẬT NGỮ CÁC KHOÁ 2008, 2009

        Hôm nay, Thầy viết thư cho các SV đang học Nhật ngữ, đang chuẩn bị thi vào đại học, bàn về những chuyện cần làm để đạt kết quả học tốt.

        Kết quả thi Ryu vừa qua của các con Thầy đã nhận được (qua các Trường Nhật ngữ). Thú thật, Thầy không vui, vì kết quả này không do các con tự báo về. Mặc dù, Thầy và các Thầy Cô khác đã hết tình dạy dỗ chăm sóc cho các con (nhất là chuyện lo cho các con được đi du học) và luôn luôn dõi theo từng bước đi của các con. Có thể vì kết quả chưa tốt, các con ngại ngùng không dám báo về. Trong xã hội Việt Nam cách các con cư xử như vậy có thể được người khác chấp nhận, nhưng với Thầy và các Thầy Cô của Đông Du phải khác chứ, nếu cũng giống như thế thì chắc chắn các con giờ đây đã không có mặt tại Nhật. Trách vậy thôi, các con có nghĩ gì về Thầy đi nữa, nhưng với Thầy các con vẫn là những đứa học trò còn non dại.

        Thầy cũng buồn vì kết quả không tương xứng với công lao rèn dạy của các Thầy Cô. Có nhiều lý do để giải thích, nào là khó khăn vì cuộc sống, vì không cố gắng học, không ôn tập đều mỗi ngày ngay từ ngày đầu khi tới Nhật, vì không ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học (nó sẽ quyết định cả tương lai cuộc đời  của các con)… Đúng là cuộc sống có cơ cực, nhưng người khác vượt qua được tại sao mình lại không làm được, cần phải nghiêm khắc với mình hơn nữa. Chuyện sao lãng học tập, các con cần nghiêm túc chấn chỉnh lại ngay. Những em nào còn thương, kính Thầy hãy nghĩ xem có phải vì nguyên nhân là không đọc trôi chảy được các sách giáo khoa viết bằng Nhật ngữ hay không ?  Do đó, khi thi đã đọc không nổi, không kịp, hay không hiểu đúng nội dung của đề thi các môn Lý, Hoá, thậm chí cả Toán nữa, và cũng vì thế mà không thể tự ôn tập ở nhà một mình được, nhưng chuyện đi học tập trung chủ nhật lại quá tốn thời gian và tiền bạc trong việc đi lại. Đây không phải là vấn đề của riêng các SV chưa vào đại học, mà cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người đã vào được đại học. Ta có thể vào đại học một cách tương đối không khó lắm bằng tự sức của ta (vì khả năng đã học tại VN, hay vì nội dung đề thi có thể đoán được qua các chữ Hán, hay qua linh tính, dù chưa chính xác 100%), nhưng học được tại đại học hay không lại là chuyện hoàn toàn tuỳ thuộc vào chuyện có đọc được chính xác các sách giáo khoa hay không. Chuyện này đúng với SV các ngành kỹ thuật, cũng như nhân văn. Không đọc hiểu tốt, và đọc nhanh (trường hợp những em học nhân văn mà tốc độ đọc nên có khoảng 10 trang sách giáo khoa một giờ) khi vào trường có giỏi tới đâu đi nữa, chỉ hai hay ba tháng thôi, không đọc sách ôn tập những kiến thức thầy dạy ở lớp hay đọc thêm tài liệu tham khảo cần thiết do thầy hướng dẫn, đủ để mất căn bản, đâm ra chán nản, kết quả là không lên được lớp trên, không tốt nghiệp được. Hậu quả vô cùng tai hại. Chính vì thế thay vì la trách các con, Thầy muốn tìm hiểu chính xác vấn đề để kịp thời chấn chỉnh thái độ học tập tương lai của các con và cho các thế hệ du học sinh tiếp theo. Hãy viết cho Thầy, viết cho các bạn, để trao đổi về các vấp ngã của mình nhé!

       Thầy đã bắt đầu hiểu ra lý do tại sao nhiều SV ưu tú của Đông Du đã không học hành trôi chảy được tại các đại học. Rất tiếc thay vì nghiêm túc tìm cách chấn chỉnh các sai lầm, đa số lại dấu diếm nói dối với các Kohai để chúng lại cũng vấp váp tương tự như mình và dối luôn với gia đình của mình nữa. Sự thực nào trước sau mọi người cũng biết, không che đậy, dấu diếm được đâu. Chỉ có cách là can đảm nhìn nhận khuyết điểm và làm lại từ đầu mà thôi.

       Qua vấn đề này, Thầy cũng muốn đề nghị với con nên quan tâm tới việc học một cách cơ bản hơn nữa, nhất là cách đọc sách, thay vì tìm cách đối phó, học sao cho nhanh, cho có điểm cao để vào đại học. Với các Sempai đang giúp các em Kohai học tập, hãy quan tâm nhiều hơn nữa tới việc trang bị cho các em cách đọc sách, hơn là tri thức, như giúp người nghèo cái cần câu để tự lập kiếm sống hơn là cho họ con cá.

        Thầy cũng căn dặn là tại Đại học Nhật, cũng như để học cao hơn nữa cần phải trau dồi nhiều hơn nữa về Anh ngữ, nhất là các bạn bắt đầu đi vào chuyên môn năm thứ ba trở đi, các bạn sẽ học cao học, hay học kinh tế…

        Thầy rất muốn viết nhiều hơn nữa, nhưng quá bận chuyện tuyển sinh, khai giảng khoá mới DHS, và dịch cúm AH1N1. Thầy hẹn gặp lại trong buổi sinh hoạt vời SV đang học Nhật ngữ vào ngày Thứ ba 22/9 tới tại nhà ABK, mong tất cả hiện diện đầy đủ.

                                                                                     TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 9 năm 2009
Thầy
                                                                                                         
                                                                                                           Nguyễn Đức Hòe