Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Kĩ thuật viên Internet công cộng ở VN

Đã gửi: Tư T10 08, 2003 7:55 pm
Viết bởi tuonghuan
  Vị đắng sau cuộc mưu sinh.
Lăn vào cuộc mưu sinh, không ít KTV đã phải trả giá đắt.
Cùng với sự hình thành và phát triển nhanh của các cơ sở kinh doanh Internet công cộng, một loại hình công việc mới được "làm giấy khai sinh... miệng" - nghề kỹ thuật viên Internet công cộng (KTV). Thoạt đầu đã có không ít KTV hân hoan đón nhận sự lựa chọn này. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 tháng sau, họ đã phải thảng thốt khi nếm trải vị đắng của một loại “cà phê đen không đường” - Internet Cafe...
“Ở đây cần tuyển nhân viên hướng dẫn khách hàng biết cách sử dụng e-mai, chat, nhắn tin, in ấn và scan ảnh. Nếu có sự cố mạng máy tính thì phải biết bảo trì và sửa chữa nhỏ. Em có làm được hay không?”. Chàng kỹ sư Tin học vừa mới ra trường T.M.H đã đáp lại câu hỏi trên của một chủ cơ sở kinh doanh (CSKD) bằng cái gật đầu nhanh nhảu.
Mức lương khởi điểm từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng nhưng không phải cho từng thành viên mà được gộp chung cho cả một ê-kíp trực thường gồm ít nhất 3 KTV. Làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 10 giờ khuya, trung bình mỗi ca trực kéo dài liên tục từ 4 - 5 giờ.
Sự căng thẳng trong phục vụ khách hàng chính là yếu tố gây áp lực lớn nhất, tác động sâu sắc đến sức khoẻ và hiệu suất lao động của KTV.
Khách hàng đến với các CSKD thuộc nhiều tầng lớp ngành nghề và tuổi tác khác nhau trong xã hội. Chuyện "làm dâu trăm họ" là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi.
Mạng Internet thường xuyên bị đứt do sự quá tải của hiện tượng "share line". Khi ấy, nếu KTV không bình tĩnh và nhanh chóng khắc phục sự cố thì khách hàng sẽ bỏ đi ngay kèm theo những lời phàn nàn cáu gắt.
Cũng có những lúc KTV bị khách hàng trách cứ oan uổng theo kiểu "trả đũa". Chẳng hạn như khi KTV yêu cầu họ không nên mở những trang Web có nội dung xấu hay như hộp thư của họ gặp trục trặc mà nguyên nhân phát sinh là ở tận bên Tàu bên Tây nào đó! Thế là mọi điều vô lý ấy đã được các "Thượng đế” trút hết lên đầu của những KTV...
Mệt nhoài sau một ca trực đầy căng thẳng, KTV chỉ có được những khoảng lặng ít ỏi để ăn uống và nghỉ ngơi. Sau đó, họ lại tất bật làm đủ mọi công việc khác nhau như sửa máy tính, cài đặt phần mềm, dạy kèm Tin học, v.v... nhằm cải thiện nguồn thu nhập. Và họ đã phải trả giá đắt.
Một số KTV, đặc biệt là những sinh viên đang học năm cuối, đã "tử trận" ngay vào thời điểm quan trọng nhất - kỳ thi tốt nghiệp Đại học! Họ đã thi trượt với một nguyên nhân không nằm ngoài dự đoán là thiếu thời gian đầu tư tốt cho sức khoẻ lẫn kiến thức cần thiết do mải mê "chạy sô" với những công việc đại loại như trên.
Không thể xác định được "tuổi thọ" của nghề KTV. Chỉ biết rằng nó sẽ gắn liền với sự tồn vong của một CSKD và khả năng "chịu lực" của chính người trong cuộc. Đã có những KTV phải chấp nhận cảnh sống "bèo dạt mây trôi". Nhác thấy đang làm cho một CSKD này thì lại gặp họ ở những nơi khác do bị sa thải hoặc CSKD kia phải đóng cửa vì thua lỗ.
Quy luật nghiệt ngã của thời kinh tế thị trường phải chăng là một loại “thuốc thử” quá liều đối với các KTV?
KTV Phạm Hoài Phương tâm sự: “Sau gần một năm "đi cày", em đã xin nghỉ việc vì sức khoẻ ngày càng sa sút. Thu nhập cũng không đủ đề trang trải cho việc đi lại và ăn ở. Ba má có cho chút đỉnh tiền hỗ trợ nhưng chẳng lẽ cứ như thế mãi. Hiện giờ em rất vui vì sắp được vào làm cho một công ty Tin học ở TP HCM. Mức lương khởi điểm cao hơn rất nhiều so với thu nhập trước đây.
Nghề KTV quả thật vui ít, buồn nhiều! Nhưng cũng chính nó đã giúp em tích lũy được vốn kiến thức và kinh nghiệm sống phong phú để bắt đầu cho việc tạo dựng một tương lai sáng sủa hơn”.
Theo Tin học và Đời sống


Re:Kĩ thuật viên Internet công cộng ở VN

Đã gửi: Tư T10 08, 2003 10:58 pm
Viết bởi chung
Thông tin thật hữu ích... đọc để hiểu thêm một nghề nữa.
Thật đúng là vui ít, buồn nhiều nhỉ. [confused]