Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tường thuật & Cảm nghĩ về CLB Học Tập Chủ Nhật 8/7/2012

Đã gửi: Sáu T7 13, 2012 4:34 am
Viết bởi Nguyễn Tuấn Anh
__Sáng Chủ nhật 8/7/2012, tại Hội trường lầu 4 của Trường Nhật ngữ Đông Du, từ 9h đến 11h30, lần đầu tiên đã diễn ra Câu Lạc Bộ Học Tập Chủ Nhật.

__ Các thành viên chủ chốt của Ban Tổ Chức CLB là chị Giang và anh Tuấn Anh, từng đi du học Nhật và đã tốt nghiệp Đại Học ở Nhật, hiện nay đang sống và làm việc ở VN. Hai anh chị đã cung cấp rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá cho các bạn tham gia CLB.

__ Thầy Hiệu trưởng tổ chức CLB Học Tập với mong muốn khuyến khích tinh thần học hỏi và cung cấp những kiến thức cần thiết tùy theo yêu cầu của người tham dự, do đó việc tham gia là tự nguyện và không đóng lệ phí.
____ Các khách mời đặc biệt :
__ Ông Mashahiro Nishida : Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở TP.HCM.
__Ông Maeda Toshihide : Giám đốc Tập đoàn Burein và Công ty xuất bản sách Shashuysa

Hai vị khách mời đã cất công bay từ Nhật qua để tham gia CLB lần này của trường Đông Du. Cùng với phong cách tương tác giữa người nói và người nghe, lối diễn đạt dễ hiểu và hài hước của hai vị cùng phần thông dịch trôi chảy của anh Tuấn Anh và chị Giang đã đem đến bầu không khí học tập thoải mái và những tiếng cười vui nhộn cho CLB.

____ Trình tự diễn ra CLB :

1 __ Thầy Hiệu Trưởng phát biểu những trăn trở về việc học tập nói chung và việc học tiếng Nhật nói riêng ở VN. Thầy kể về cuộc gặp gỡ giữa thầy với Hội trưởng Hội Phụ Nữ Nhật Bản cách đây mười mấy năm :

“Với tinh thần cần cù chăm chỉ quen thuộc của người Nhật, các phụ nữ nội trợ sau khi hoàn thành trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình đã họp nhau lại, lập một “Đại Học” đặc biệt để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm sống. Họ học hành nghiêm túc, có kiểm tra, có kỳ thi tốt nghiệp nhưng không có điểm số hoặc bằng cấp. Họ học để hoàn thiện bản thân và cải thiện cách đối nhân xử thế chứ không học vì thành tích”.
Sự kiện trên đã trở thành một trong những nhân tố chính thúc đẩy thầy thành lập CLB học tập tiếng Nhật. Không ít thì nhiều, câu chuyện trên chắc chắn đã tác động vào tâm tưởng người nghe, khiến các bạn không khỏi nhìn lại thái độ học tập của bản thân từ trước đến giờ.

2 __ Ông Mashahiro Nishida phát biểu về vấn đề nhân lực tại VN mà doanh nghiệp Nhật Bản mong đợi :

+ Các đặc thù và điểm mạnh của văn hóa doanh nghiệp đã hỗ trợ cho sự phát triển của Nhật Bản
+ Năng lực mà doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu : Cầu tiến / Suy nghĩ độc lập / Tinh thần tập thể
Mọi cá nhân cần có tinh thần học hỏi cao độ, cầu tiến, có khả năng tư duy độc lập nhưng vẫn phải lưu ý đến tinh thần đoàn kết khi làm việc chung nhóm. Nhà quản lý Nhật đặc biệt coi trọng yếu tố nhân sự, tin tưởng vào khả năng của nhân viên, tuy đặt ra yêu cầu cao trong công việc nhưng vẫn lưu tâm để ý sao cho nhân viên của mình được hưởng những lợi ích tốt nhất.
+ Những đức tính cần có khi làm việc trong công ty Nhật : Tuân thủ giờ giấc / Có trách nhiệm / Tuân thủ quy định / Giữ lời hứa / Không nói dối
Trong bối cảnh các công ty Nhật đến VN ngày càng nhiều, người Nhật vẫn còn vài điểm mong người lao động VN có thể cải thiện, ví dụ như :
+ Tuân thủ giờ giấc
Người lao động VN nên tập thói quen đúng giờ trong công việc, không nên áp dụng “giờ đám cưới” ở nơi làm việc (đám cưới ở VN mời 6h nghĩa là 7h30 mới nhập tiệc)!
+ Tuân thủ quy định ở nơi làm việc
Cần nghiêm túc hơn trong công việc, ví dụ như không lấy thời gian làm việc để giải quyết chuyện cá nhân, không lạm dụng tài sản công. . .
+ Giữ lời hứa
Lời hứa ở đây nghĩa là lời cam kết trong công việc. Khi được giao việc, cần trung thực nói ngay việc gì bạn làm được, việc gì làm không được. Nếu làm được bao nhiêu phần trăm công việc cũng phải nói rõ. Nhà quản lý Nhật không đòi hỏi bạn phải hoàn hảo, điều gì bạn không biết sẽ được họ chỉ dẫn thêm, dựa trên tiêu chí cả 2 bên cùng học hỏi và tiến bộ.
Diễn giải thêm về các vấn đề ông Nishida phát biểu :
Theo truyền thống từ xa xưa, các công ty Nhật chủ trương đảm bảo cho nhân viên chế độ làm việc trọn đời, không phải lo lắng đến nguy cơ bị giảm biên chế hoặc “không còn việc gì để làm nên bị cho nghỉ việc”. Khi làm xong dự án này, nhân viên sẽ được sắp xếp giao cho các dự án khác để luôn có cơ hội rèn luyện tay nghề, mau thăng tiến trong sự nghiệp.
Không như một số công ty Âu Mỹ, chủ doanh nghiệp phải luôn có mặt để đốc thúc nhân viên, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng trao quyền trọn vẹn cho người lao động ở quốc gia mà họ đầu tư. Điển hình như Tập đoàn Aji no Moto tại VN chỉ có 20 người Nhật thuộc các cấp quản lý cao nhất, chuyên trách các nhiệm vụ như mở rộng phân vùng kinh doanh hoặc tiếp xúc với các cấp chính quyền, còn lại từ giám đốc đến công nhân đều là người Việt. Trong tương lai, Aji no Moto dự định sẽ đào tạo hệ thống nhân sự toàn bộ là người Việt, mong muốn điều hành doanh nghiệp trên cơ sở “Quan hệ tin tưởng lẫn nhau”. Để đáp ứng điều này, người lao động VN cần trau dồi rất nhiều kiến thức về kinh doanh và về tiếng Nhật, vì hầu hết doanh nghiệp Nhật không sử dụng tiếng Anh, cũng không sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mà họ đầu tư.

3 __ Ông Maeda Toshihide phát biểu về Quy tắc ứng xử tại các công ty Nhật : Cách chào hỏi / Cách cúi chào / Cách trao đổi danh thiếp / Cách báo cáo, liên lạc và thảo luận

Diễn giải thêm về các vấn đề ông Maeda phát biểu :

Đương nhiên có nhiều người nghĩ rằng quy tắc ứng xử của Nhật sao quá phức tạp, khó khăn nhưng bản thân người viết nghĩ rằng quốc gia nào cũng có phong tục tập quán riêng, nếu đã chấp nhận làm việc với họ thì phải tuân theo luật lệ của họ. “Nhập gia tùy tục” vốn là câu nói không bao giờ lỗi thời. Quy tắc làm việc trong công ty Nhật được ảnh hưởng phần lớn từ tư tưởng từ thời Samurai : cao nhất là Trời, tiếp đến là Thiên Hoàng, đến các đại thần và cuối cùng là dân thường. Mỗi người dù ở vị trí nào cũng nỗ lực hết mình để tỏ lòng tôn kính và quy phục người cao hơn mình. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ chấp nhận dễ dàng hơn hệ thống quy tắc và lối ứng xử trông có vẻ nghiêm khắc của Nhật Bản.
Dù là khi gặp mặt cá nhân hay trong các tình huống công việc thì cũng cần phải cúi chào và giao tiếp lễ độ. Người Nhật luôn có câu “Xin cảm ơn vì lúc nào cũng chiếu cố đến tôi”. Tuy nghe có vẻ “công thức” nhưng chúng ta hãy nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của nó. Người mà bạn cảm ơn có thể chưa từng trực tiếp giúp đỡ bạn, nhưng biết đâu họ hàng hoặc bạn bè của người đó đã từng thi ân cho ta. Việc cảm ơn như vậy chứng tỏ kinh nghiệm sống và tính chu đáo của bạn khi giao tiếp ngoài xã hội.
Về việc trao đổi danh thiếp, ngoài những kiến thức sơ đẳng về trao và nhận danh thiếp, mọi người cũng cần biết thêm 1 số quay tắc như :
+ Khi nhận danh thiếp, phải đọc lướt họ tên và chức vụ của người vừa trao danh thiếp cho mình, sau đó đặt lên bàn ngay trong tầm mắt, Khi đối thoại, gọi tên họ đúng cách sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với họ.
+ Nếu nhận nhiều danh thiếp cùng lúc, vẫn phải đọc lướt tên và chức vụ của từng người, sau đó xếp thành hàng ngay ngắn trên bàn (theo thứ tự chỗ ngồi của mỗi người đối diện) để có thể vừa đối thoại vừa gọi đúng tên từng người.
Các đặc tính cơ bản khi làm việc trong công ty Nhật là Báo cáo, Liên lạc và Thảo luận . Báo cáo để trình bày diễn biến sự việc từ quá trình đến kết quả; Liên lạc để báo cho nhau biết tình hình sự việc; Thảo luận để nhận chỉ thị, kết luận. Người làm việc cần dựa trên các yếu tố thời điểm, địa điểm và vai trò của đối phương để phân biệt điểm khác nhau giữa 3 đặc tính này.
Tuy nội dung CLB tưởng có vẻ khô khan nhưng thật ra người tham dự đã gặt hái thêm nhiều hiểu biết quý giá về tác phong làm việc tại công ty Nhật. Bên cạnh phần phát biểu của thầy và các vị khách, học viên được xem minh họa trực tiếp trên máy chiếu và nhận được tài liệu đầy đủ do trường chuẩn bị, do đó ngay cả người không biết hoặc biết rất ít về tiếng Nhật cũng có thể tham dự. Ngoài ra, còn có phần “diễn kịch” sống động giữa các thành viên trong Ban Tổ Chức và các khách mời nhằm giúp người tham dự thấy được những vì dụ cụ thể về cách ứng xử và tác phong trong công ty Nhật. CLB như mội buổi hội thảo hữu ích đã cung cấp và củng cố thêm những “lỗ hỏng” trong hiểu biết của người nghe về tiếng Nhật và nước Nhật.



____ Ý kiến dặn dò cho các CLB sau :

Hiện CLB chỉ mới được tổ chức 1 tháng 1 lần, nếu được ưa thích và nhận được phản hồi tích cực từ người tham gia thì CLB dự kiến sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Để thể hiện bản tính nghiêm túc của người Việt và không tạo ấn tượng xấu với các khách mời người Nhật, xin các bạn vui lòng đến CLB đúng giờ. Tại CLB vừa qua, tuy ấn định rõ là 9h bắt đầu nhưng đến 10h vẫn có rải rác những bạn vào trễ, tuy không đáng kể nhưng nhìn chung vẫn gây tiếng ồn làm xao nhãng các bạn đến đúng giờ, ngắt quãng mạch nói chuyện của các diễn giả người Nhật.
Ngoài ra, CLB vẫn đang chiêu mộ thêm thành viên để cộng tác giúp đỡ Ban Tổ Chức. Bạn nào muốn góp sức, xin liên lạc anh Tuấn Anh tại trường Đông Du.
-----
Post thay 1 bạn tham dự