Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Các đại gia khoáng sản thế giới "nhòm ngó" mỏ bauxit

Đã gửi: Tư T8 20, 2003 7:06 pm
Viết bởi Nguyen Tran Phuong
Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Alcoa của Mỹ, "người khổng lồ" BHP Billiton của Australia và tập đoàn kim loại màu NFC của Trung Quốc đều muốn trở thành người giành được dự án xây dựng và khai thác mỏ bauxit có giá trị 1,35 tỷ USD tại huyện Dak Nông, tỉnh Đăk Lăk. Hiện Việt Nam chưa quyết định lựa chọn ''ứng viên'' nào.


Các mỏ quặng bauxit của Việt Nam có trữ lượng ước tính 8 tỷ tấn, đứng thứ ba thế giới sau Guinea và Australia, nhưng phần đã khai thác chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Riêng tại tỉnh Đăk Lăk, các quan chức của tỉnh cho biết, trữ lượng có thể lên tới 2,5 tỷ tấn.

Theo ông Trần Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công nghiệp, cuối tháng này, phái đoàn của NFC sẽ đến Hà Nội để bàn về dự án tại Dak Nông. Ông Huân cho biết: "NFC đã làm xong báo cáo tiền khả thi, nhưng còn sơ sài nên chúng tôi yêu cầu họ làm lại. Họ đang cố gắng hoàn thành và đệ trình lần nữa trong năm nay".

Cách đây hai năm, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (Vimico) đồng ý để NFC nghiên cứu khả năng khai thác bauxit và sản xuất alumi tại Dak Nông.

Bauxit là nguyên liệu thô để sản xuất alumin, một loại bột trắng dùng trong sản xuất nhôm.  
Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ý muốn công ty của nước mình giành được dự án này. Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ có thêm nguồn cung alumin, để bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu thô trong ngành công nghiệp nhôm.

Ông Huân cũng cho biết, Bộ Công nghiệp đã làm việc với BHP Billiton của Australia, một trong những tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới. Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Alcoa cũng "năm lần bảy lượt" tỏ ý quan tâm.

Chi phí xây dựng mỏ khai thác bauxit và sản xuất alumin tại Đăk Lăk lên tới 794 triệu USD, cộng thêm 495 triệu USD xây dựng hệ thống đường sắt vận chuyển alumi ra cảng biển, và 62,5 triệu USD cho các thiết bị ở cầu cảng.

Ngoài dự án tại Đăk Lăk, Việt Nam còn có một dự án trị giá 680 triệu USD khai thác bauxit để sản xuất nhôm tại Lâm Đồng. Dự án này đang được công ty tư vấn Pechiney của Pháp làm dự án khả thi.

(Hoàng Lan - Theo Reuters)