Bạn đang xem trang 44 / 68 trang

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:04 pm
Viết bởi vodanhkhach
Trước hết xin giới thiệu tổng quan chút về ẩm thực xứ Thanh

Nhắc đến Thanh Hoá, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua còn gọi là nem quả. Từng quả nem đã đại diện cho tình cảm gắn bó của người xứ Thanh lưu luyến tiễn chân du khách. Chỉ bằng bì lợn, thính, thịt lợn, gia vị, chiếc lá đinh lăng bánh tẻ quấn ngoài cùng một ít bí quyết gia truyền mà cái khối nhỏ vuông vắn có màu xanh của lá chuối, màu trắng của lạt mà làm say lòng người đến

Nem chua Hạc Thành. Chè lam Phủ Quảng. Bánh gai Tứ Trụ. Cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá trà Sầm Sơn, Hải Thanh, Tĩnh Gia.
     Nhắc đến Thanh Hoá, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua còn gọi là nem quả. Từng quả nem đã đại diện cho tình cảm gắn bó của người xứ Thanh lưu luyến tiễn chân du khách. Chỉ bằng bì lợn, thính, thịt lợn, gia vị, chiếc lá đinh lăng bánh tẻ quấn ngoài cùng một ít bí quyết gia truyền mà cái khối nhỏ vuông vắn có màu xanh của lá chuối, màu trắng của lạt mà làm say lòng người đến.
     Kế đến phải kể đến đặc sản tiết canh dê cùng các sản phẩm từ dê. Dê phải kén thứ dê núi ở vùng núi đá Hà Trung, Vĩnh Lộc. Với bàn tay khéo léo và kỹ thuật pha chế điêu luyện, bát tiết canh dê như một bức hoạ tuyệt vời với các gam màu xen kẽ: đỏ của tiết, xanh của rau, vàng của vừng lạc, đen xám của dê song lại rất mát, nhắm kèm với rượu ngâm mật dê thì mới hợp khẩu vị. Nhân nói về rượu, xin thưa ngon nhất phải kể đến rượu Nga Liên (Nga Sơn) được chưng cất bởi giống gạo nếp cái đã được chọn lựa cẩn thận. Nhấp một chút rượu đã có cảm giác thơm đầu lưỡi mùi nếp mới, cay của men say.... Thứ đến là rượu làng Quảng. Tuy chỉ nấu bằng gạo tẻ, song không biết là do men, do nước hay do bí quyết nhà nghề mà độ rượu rất cao, rất đậm song lại rất êm...
     
     Nói đến làng Giàng thì không thể không kể đến Phi Cầu Sài rất hiếm có ở các địa phương khác, rất ngon, rất mát. Thỉnh thoảng lại thấy nhớ và bất chợt thoảng nghe đâu đây tiếng rao của bà bán hàng rong "Ai phi mua !".
     Chưa hết, còn một kho đặc sản khổng lồ của xứ Thanh mà đâu đâu cũng biết đó là nguồn hải sản dọc biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Nào cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá chà... Cũng là ở biển nhưng con cua, con cá ở đây nó thơm và ngon một cách lạ lùng. Chính vì thế mà các loại mắm, nước mắm Thanh Hoá ngon nổi tiếng cả nước.
     Chớm Hè, mới tới địa phận Bắc thành phố du khách đã được chiêm ngưỡng từng "kim tự tháp" dừa xanh mọc hai bên đường "địa phận huyện Hoằng Hoá". Dường như tạo hoá đã thiên vị ban tặng cho mảnh đất Anh hùng, kiên cường trong kháng chiến loại dừa sai quả, nhiều nước và ngọt mát đến thế.
     Ai có dịp qua huyện Thọ Xuân thì không thể không mua bánh gai Tứ Trụ về làm quà. Cũng từ bột gạo nếp, đậu xanh, dừa, mỡ lợn nhưng khác là có thêm lá gai đã trở thành đặc sản Thanh Hoá. Còn sản phẩm nửa bánh, nửa kẹo nhưng lại rất hấp dẫn bởi cái cay của gừng tươi, cái thơm của bột gạo nếp, mật mía, lạc tạo nên một sản phẩm vừa cứng vừa giòn đó là Chè lam Phủ Quảng. Mà sắp tới, tỉnh đang có kế hoạch đầu tư khôi phục và phát triển sản phẩm này như một đặc sản dân tộc.
     Còn nhiều lắm, nào là cam Giàng, dứa Thạch Thành, mía Kim Tân, rồi ong Yên Khương, bánh đa cầu Bố, rượu cần dân tộc Thái... không thể kể hết được đã tạo nên một hương vị xứ Thanh rất gần gũi nhưng lại rất riêng.


Xin kiên nhẫn các chiến binh Hàm Rồng sẽ mô tả chi tiết từng món một để pà kon thưởng thức!

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:09 pm
Viết bởi vodanhkhach
Cá mè sông Mực


Xứ Thanh có nhiều đặc sản như nem chua, chả tôm, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng… Nhưng nếu không kể đến cá mè sông Mực quả là thiếu sót. Sông Mực nằm trong vùng sông hồ mênh mông thuộc Vườn Quốc gia Bến Én, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Do đặc thù sinh thái phong phú, nguồn thức ăn cho cá mè dư dôi nên cá mè béo mẫm, ngầy ngậy, to con, có con nặng đến vài ba yến.

Các món ăn cá mè được chế biến cũng rất đa dạng như: nấu lẩu, nấu om, rán… nhưng tuyệt vời nhất lại có chút hoang dã là thưởng thức cá mè luộc chín kèm theo các gia vị: khế chua, rau thơm, ớt, chuối xanh, lộc sung, giá sống…

Các thứ trên đem cuốn lại bằng bánh đa nem. Cái béo ngầy ngậy của thịt cá mè luộc hoà hợp với vị chát của lộc sung, chuối xanh, vị chua của khế, vị ngọt của giá sông, hương dịu của rau thơm. Cuốn xong, đem chấm với bát nước mắm đặc sản xứ Thanh có đủ gia vị: tỏi, ớt, chanh, đường thì ngon tuyệt, dạy mùi, ăn một lại muốn ăn hai. Người ta dùng bánh đa nem cuốn-cá mè với các loại rau ghém kể trên rồi chấm vào bát nước mắm đặc sản của xứ Thanh có đủ gia vị ớt, chanh, tỏi, đường.

Sau khi thỏa thích du ngoạn thăm thú Vườn Quốc gia Bến Én, chỉ mất 5-10 phút chuẩn bị là du khách đã có ngay một món ăn ngon. Cái béo ngậy nóng hổi của cá kèm với vị chát ngọt của lộc sung, chuối xanh, vị chua của khế, hương thơm dịu của rau thơm sẽ để lại cho du khách ấn tượng khó quên.Những ai đã từng một lần đến Vườn Quốc gia Bến Én, đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản đậm nét dân dã từ cá mè sông Mực


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:11 pm
Viết bởi vodanhkhach
Mắm tép Hà Yên



Mắm tép Hà Yên là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, nổi tiếng nhất là hai làng Ðình Trung và Yên Xá thuộc xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Từ xa xưa đã có câu Giò nạc Yên Xá, nước mắm Ðình Trung.

Làng Ðình Trung là một làng Việt cổ, nằm ven sông Hoạt, chuyên làm nghề mắm tép. Công việc làm mắm tép đòi hỏi phải theo mùa, khi tép ngon, béo. Hằng năm cứ đến vụ cày bừa đông (tháng 11 và 12 âm lịch) cả làng ra đồng đánh tép. Dụng cụ đánh bắt tép có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là cái riu - một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, được đẩy trong nước đánh rất tiện. Chỗ nào nhiều rong rẻ và rong trơn thì mới nhiều tép ngon.

Dân làng Ðình Trung chỉ chọn loại tép riu làm nguyên liệu chế biến nước mắm, còn tép gạo tuy to và nạc hơn nhưng khi làm mắm không ngon. Tép riu đánh về nhặt sạch rong rêu và cá tạp, để cho thật ráo nước. Cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ (thính) trộn đều, cho vào chum, chĩnh hoặc vại tùy theo số lượng tép, đổ nước vừa xăm xắp, rồi đậy kín. Mắm tép để càng lâu càng ngon, nhưng nhanh nhất cũng phải sáu tháng trở lên.

Khi nấu nước mắm, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Nước mắm thơm ngon cũng là một bí quyết, trong khi nấu những người dân ở đây còn cho đậu xanh rang vàng, giã nhỏ đun sôi một lúc. Khi nấu giữ độ lửa sao cho khi rót ra, mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong.

Trước đây nước mắm tép Ðình Trung được tiến vua. Xưa kia mỗi lần làm nước mắm tiến vua thì các chức sắc trong làng phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Ðam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, loại tép riu nhỏ, có mầu trong xanh, muối lên mầu đỏ trông thật ngon mắt. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Ðồ dùng để muối tép gọi là ton (giỏ) hình tròn to và đều nhau, để vào trong vại hoặc chum. Miệng của ton vừa bằng ngang miệng vại, chum, rồi mới cho tép trộn thính, muối được đổ chung quanh ton. Trong thời gian muối, nước cốt của mắm ngấm sang cái ton, đến khi mắm đủ độ chín thì dùng gáo bằng nứa, múc nước cốt đã ngấm đó, rồi theo bí quyết riêng nấu nước mắm


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:12 pm
Viết bởi vodanhkhach
Chè lam Phủ Quảng




Phủ Quảng tức là Phố Ráng-tên gọi của Thị trấn huyện Vĩnh Lộc trước kia. Nói chè lam Phủ Quảng nhưng chủ yếư là nói đến sản phẩm chè lam của vùng quan thành Tây Ðô-Thành nhà Hồ.

Theo truyền thuyết, truyền ngôn, nghề làm chè lam Phủ Quảng có thể xuất hiện từ khi thành nhà Hồ trở thành Tây Ðô. Chè lam Phủ Quảng nổi tiếng trong cả nước từ lâu, bởi chất lượng đặc biệt của nó, bánh khô cứng nhưng rất giòn, khẽ đập vào vật cứng thì vỡ thành những miếng nhỏ nhưng không vụn nát, cho vào miệng, bánh mềm và tan dần; càng nhai, càng tận hưởng được sự hoà quyện vị ngọt của mía, hương thơm của nếp, chất bùi, béo của lạc, vị cay của gừng tạo nên một hương vị không thể lẫn với các loại khác. Ðó là những mùi vị đặc trưng của vùng nguyên liệu mía, gừng, gạo nếp mà chỉ có một số làng quanh Vĩnh Lộc mới có. Chè lam Phủ Quảng hiện nay đang là một đặc sản hấp dẫn.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:14 pm
Viết bởi Phongvienngheo
Rời Lào Cai với Cơm Lam nồng nàn,mới các bạn lại đến với Sơn La va Yên Bái qua món ăn đặc sản lạ tai ,lạ miệng đến với cái vị cay nồng thơm mùi hạt sẻn của : THỊT TRÂU NƯỚNG.



Thịt trâu cắt hình chữ nhật, to bản, dày 0,5cm ướp cùng các gia vị và hạt sẻn - một trong những gia vị riêng có trong các món ăn của người Thái. Sau khi thịt ngấm gia vị, đem nướng trên than củi. Thịt chín có màu vàng và vị thơm. Khi ăn, khách du lịch được thưởng thức vị thơm đặc trưng của hạt sẻn.





Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:18 pm
Viết bởi vodanhkhach
Bánh cuốn



Có lẽ đọc mỗi cái tựa thôi thì chắc bạn nào cũng ồ lên “ ôi giời, tưởng gì cơ chứ lại bánh cuốn “, bánh cuốn thì ở đâu cũng có. Từ xưa đến nay bánh cuốn Hà Nội vẫn được nức tiếng là ngon, nào là bánh cuốn cà cuống, rồi cả bánh cuốn Thanh Trì...
Nói ra thì bảo bênh quê hương, nhưng tôi vẫn thấy bánh cuốn Thanh Hóa là nhất (Yêu quê hương quá mà !)
Bánh cuốn Thanh Hóa là loại bánh cuốn đúng nghĩa với cái tên của nó, tức là một loại bánh được... cuốn lại, khi ăn thì không có cà cuống hay gì gì cầu kì cả, nhưng...vẫn thấy ngon nhất mới lạ chứ
Bánh cuốn Thanh Hóa khác bánh cuốn ở các nơi khác là nhờ phần nhân bên trong. Nhân bánh được làm từ tôm nõn, thịt nạc, mộc nhĩ băm nhỏ (có trộn hạt tiêu hoặc không).
Bánh cuốn thì ở đâu cũng có, có khi một con ngõ nhỏ mà có tới 4-5 hàng bánh cuốn ấy chứ, nhưng những hàng ngon thực sự thì ngày càng mất dần, cũng bởi độ khó tính của khách hàng càng ngày càng giảm dần...


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:19 pm
Viết bởi vodanhkhach
Bánh tráng



Thông thường thì bánh tráng (bánh đa) có vừng, vừng vàng. Đôi khi có bánh tráng vừng đen. Bánh vừng vàng thì thơm hơn vừng đen. Mùa gấc, người ta lại làm một ít bánh tráng gấc, màu đỏ đẹp và thơm ngậy. Xưa có giống lúa thông, gạo đỏ, làm bánh bằng gạo này thơm bùi hơn gạo trắng. Nhưng vì giống lúa này năng suất thấp và không ngon hơn cơm nên bị bỏ từ lâu. Gạo làm bánh mà xát, giã vừa phải, để lại một ít cám thì bánh ngon, thơm hơn.

Không có thứ bánh nào nhiều "công năng" bằng bánh tráng. Bánh mỳ của phương Tây cũng thua. Bánh tráng được ăn kèm với rất nhiều món ăn: Lòng lợn, tiết canh, thịt chó, tái dê, cá nướng, gỏi cá, rươi xào, nộm hoa chuối, đu đủ… Thậm chí mít dai mà ăn kèm bánh tráng cũng rất ngon. Ai chưa ăn kiểu này thì xin cứ một lần ăn thử. Chưa nói bánh tráng mà ăn với cùi dừa già. Cũng không có thứ bánh nào đem lại cho bữa ăn, bữa nhậu, hương thơm, vị bùi của gạo, vừng và âm thanh giòn tan vui rộn mỗi lần bẻ bánh.

Và chỉ có bánh tráng Thanh Hoá mới có hình lòng máng, là do kỹ thuật quạt nướng. Vừa quạt vừa uốn bẻ cái bánh bằng động tác rất khéo léo. Bánh có hình lòng máng không chỉ đẹp mà theo những người làm bánh cho biết, còn tạo ra âm thanh vui tai hơn mỗi khi bẻ ăn. Bánh tráng Thanh Hoá là thế mà tiếc chưa ra khỏi biên giới quốc gia như bánh tráng ở Củ Chi và một vài địa phương ở các tỉnh miền Nam đã được người ăn ở Nga, Pháp, Đức, Mỹ… ưa thích.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:21 pm
Viết bởi vodanhkhach
Bánh đúc sốt



Bánh đúc là thứ bánh dân dã, rất quen thuộc với mọi người từ làng quê đến thành thị. Nhưng riêng bánh đúc sốt thì chỉ có ở Thanh Hoá - mà lại là thành phố Thanh Hoá mới có. Đó là món quà đặc sản của làng Bào Giang, làng Cốc thuộc phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá.

Gọi là bánh đúc sốt bởi vì loại bánh đúc này phải ăn nóng. Nguyên liệu làm bánh đúc sốt gồm bột tẻ, nước vôi trong, rau cải giã tươi, lọc bỏ hết bã, lấy nước, muối. Cả mấy nguyên liệu trên hoà trộn với nhau. Và một nguyên liệu quan trọng nữa là đậu xanh nấu chín, đánh cho nát tơi, lúc nào ăn thì mới xúc đậu rải đều lên bát bánh.

Khi nấu bánh chỉ đun lửa riu riu, vừa nấu vừa dùng đũa cả cỡ lớn đánh không ngơi tay. Nồi bánh nhấc xuống được ủ kín giữa ổ rơm hoặc giữa bì gai, đay quấn chung quanh trong chiếc thúng cái. Có khách ăn, bánh múc ra khói toả trùm miệng bát, nóng hôi hổi, màu bánh lại xanh như ngọc thạch do màu nước rau cải tạo nên. Đặc biệt là hương vị bánh đúc sốt thì vô cùng hấp dẫn. Thoảng nhẹ một mùi thơm ngầy ngậy béo; ấy chính là sự hoà hợp của mùi bột gạo, mùi vôi và mùi rau cải (cải bẹ chứ không phải là các loại cải khác). Đã thế lại thêm hương vị thơm bùi của đậu xanh nữa.

Bánh đúc sốt chỉ được rao bán vào mùa đông và hai tháng đầu mùa xuân, vì phải dùng đến rau cải. Những ngày rét đậm mà được ăn một bát bánh đúc sốt thì thật thú vị.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:22 pm
Viết bởi vodanhkhach
Cá sứt mũi sông Chu



Sông Chu bắt nguồn từ nước Lào chảy vào Thanh Hóa ở phía tây, có nhiều thủy sản quý hiếm: Từ đập chắn nước Bái Thượng, Thường Xuân trở lên thượng nguồn, khoảng 2 km, dòng sông phình to và hiền hòa chảy. Dưới hạ lưu đập, từng đàn cá về đây tụ tập, sinh sản ngày một nhiều: Cá ních, cá trắm, ốc, cá bơn, lăng, ngạch, leo, mướn, dông và các loài ba ba, thiết lềnh, trạch làn... Nhưng có một loài cá đặc sản ở vùng sông Chu Bái Thượng, mà hầu như cả miền bắc nước ta cũng không thấy có. Đó là cá sứt mũi. Thân cá nhỏ, cá mẹ to nhất không quá 200 gr. Cá ăn theo đàn chỉ nhỏ bằng đầu đũa, hiếm có loại bằng ngón tay út. Đàn của chúng to nhỏ là tùy lứa. Thân cá có vảy nhỏ và mềm, phần trên miệng bị vẹt một chút như vết sứt nên gọi là cá sứt mũi. Thịt cá mềm, béo, xương nhỏ (ăn được cả xương).

Theo ông Lê Đức Thiệu (người làm nghề chài lưới ở đây, đã 73 tuổi, có nghề sông nước từ lâu đời): "Kể từ khi mới lớn lên cho đến nay, ông đã đi hầu khắp các sông: sông Mã, sông Chu, sông Gâm, sông Hồng, lên cả Tuyên Quang, Bắc Cạn nhưng theo ông ở những nơi ấy không thấy có loại cá này. Chỉ duy nhất ở chân đập Bái Thượng là có nó". Mùa cá sứt mũi vào những ngày cuối đông se lạnh đến giữa mùa xuân. Những mùa khác là cá lẩn sâu vào hang đá, rất ít gặp. Chỉ có cá mẹ ra vật đẻ giữa dòng sông. Trứng bị các loài cá khác ăn mất nhiều, còn lại trôi về xuôi. Khi nở, cá con lại theo dòng, ngược về nơi "chôn rau cắt rốn".

Cá sứt mũi xuất hiện từ sau ngày con đập khai sinh khoảng 3 tới 5 năm. Tức là vào khoảng năm 1926 - 1928. Cá không ăn mồi câu, thức ăn của chúng là rêu đá nhỏ li ti bám ở chân đập nước và đá cuội dưới đáy sông Chu. Muốn bắt chúng phải có một loại lưới riêng mắt nhỏ, dày và bền gọi là te. Mỗi khi trở trời, đổi tiết mưa nắng, cá nổi lên mặt sông từng vệt, từng vệt đen kịt, lăn tăn. Cá ăn theo đàn lớn nhỏ. Những chú cá con nghịch ngợm búng mình trên mặt sông thành những vật nhỏ lấp loáng. Thợ chài lưới nhìn là biết ngay. Họ cứ theo đó mà hạ te rồi chèo thuyền rất nhẹ hứng cả cụm vào te. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng chứng kiến hàng tạ cá trong một mẻ lưới mà người vạn chài ở đây gọi là "Lát te may mắn". Tuy nhiên cũng rất hiếm gặp những mẻ te như thế. Lúc ấy họ phải vớt dần vào rổ, vào thúng gánh đi bán ngay, kẻo mất "tươi".

Món ăn đơn thuần là nấu cá với dưa chua cải sen núi Mục, cho vài lát hành già điểm xuyết. Giờ núi Mục khai phá đá để xây dựng, dưa cải núi Mục không còn, người ta lại dùng dưa lê, thứ dưa cải ở thung núi Eo Lê (Vĩnh Lộc) - gọi thế cũng có nghĩa là dưa của họ Lê. Bây giờ nấu cá sứt mũi với canh chua thập cẩm hoặc lẩu than, lẩu điện có rau cúc tần, rau cần trắng kèm mấy lát cà chua hoặc khế chua là hợp. Cá làm sạch dàn vào vỉ sắt, nướng trên than hồng, rất hợp với rượu gạo sủi tăm. Món cá nướng than nhắm no với rượu, quên cả ăn cơm. Còn nếu bạn thích ăn với cơm thì đã có món cá kho tiêu bắc trong nồi đất xứ Nghệ.

Thời tiết ngày Tết se se lạnh mà vớ được mấy bát cá sứt mũi thì hãy làm như sau: Cho cá vào nồi ống, rắc vào vài thìa muối, thả một vài búi gai xương xông, gai bồ kết hoặc gai bưởi càng thơm. Đậy vung lại rồi xóc đều lên cho gai rạch vỡ bụng cá ra. Đem rửa vài lần là sạch ruột. Cho cá vào nồi đất nghệ đổ nước săm sắp, đun nhỏ lửa. Nấu bếp trấu hoặc bếp củi càng ngon. Nhỏ lửa để cá khỏi nát. Khi cá đã se se mình rồi hãy rưới nước mắm ngon, thêm một thìa con mỡ, lắc đều cho ngấm rồi đun tiếp cho cá hơi khô mình, rắc hạt tiêu lên trên. Mười phút sau cá ngấm gia vị. Mở vung ra, một mùi thơm hấp dẫn tỏa lan khắp nhà. Thịt cá, mỡ cá bén nồi đất thơm nức mũi. Miệng nồi còn ướt ngoèn mỡ cá đọng lại, ngầy ngậy thơm, có sức quyến rũ lạ thường. Để nguyên cá trong nồi, dùng rau diếp thái ghém với mùi tía quây trong lòng bát sứ. Đặt một vài con cá lên trên, đưa đũa lùa hết vào miệng. Thật tuyệt!

Cơm nóng đơm miệng bát. Gắp một chú cá đặt vào giữa, vùi cơm lại. Đưa toàn bộ miếng cơm ấy vào miệng, bạn sẽ thấy ngon đến mức nào. Đến tổng "Bái Thượng người Tám Làng" được ăn cá sứt mũi chế biến dưới bất kỳ món gì, dẫu đi xa khách vẫn thấy nhơ nhớ một cái gì không thể tả xiết.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Ba T11 20, 2007 5:27 pm
Viết bởi Phongvienngheo
Nhắc đến Hòa Bình,miền đất cửa ngõ của cả vùng Tây Bắc trùng điệp là ng ta nhớ ngay đến Thủy Điện SÔNG ĐÀ công trình thủy điện huyết mạch của cả nước.Nhưng không chỉ hùng vĩ với công trình vĩ đại ấy,các dân tộc anh em của Hòa Bình còn mang trong mình những nét văn hóa từ lâu đời cùng những món ăn mà thực khách chỉ 1 lần thưởng thức sẽ chẳng thể nào quên.
Thịt Lợn thui - Canh Loong là 1 ví dụ như thế.

Lợn thui luộc – canh loóng



Lợn nuôi thả, sau khi cắt lấy tiết, không đun nước sôi để cạo lông mà lấy đóm nứa, đóm tranh hoặc rơm thui vàng, thui đến đâu thì cạo lông đến đó. Sau đó rửa sạch trước khi mổ lấy phần nội tạng, không rửa lại nước, mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên để cho ráo máu. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu. Sau đó, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới được đem ra thái mỏng bày trên lá chuối rừng tươi xanh. Thịt nóng quyện với lá chuối rừng tạo ra hương vị thơm ngon. Thịt luộc được chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Người ăn có được độ ngọt của thịt lợn, giòn của bì và mỡ, mùi thơm của lá chuối, hương vị của hạt dổi, đậm đà của muối rang. Mỗi khi ăn xong thì không ai có thể quên được.



Canh Loóng: Đây là món canh được nấu từ nước luộc thịt với cây chuối rừng thái mỏng. Cây chuối rừng lấy về được bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng, nhỏ bóp với muối sau đó thả vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 40 – 50 phút. Sau đó rắc vào một ít hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái nhỏ trước khi ăn.