Doang Nhân Ngô Hùng Lâm- “Con người sống phải có chữ nhẫn”

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Doang Nhân Ngô Hùng Lâm- “Con người sống phải có chữ nhẫn”

Doang Nhân Ngô Hùng Lâm- “Con người sống phải có chữ nhẫn”

Viết bởi 皇玉戦 » Ba T1 22, 2013 7:54 am

Doanh nhân Ngô Hùng Lâm: “Con người sống phải có chữ nhẫn”

“Chinh phục đỉnh Phú Sĩ” là câu chuyện về cuộc đời doanh nhân Ngô Hùng Lâm và những thành công của ông trên đất Nhật Bản qua phần ghi chép của anh sinh viên trẻ Quách Đức Anh.

Ông Ngô Hùng Lâm (giữa) đang giới thiệu cho khách Nhật về siêu thị hoa và cây cảnh của mình.

Ngay khi vừa ra mắt độc giả vào tháng 9, cuốn sách đã được bạn trẻ trong nước hào hứng tìm đọc để nghiền ngẫm về khát vọng làm giàu, ý chí và tinh thần làm việc không ngơi nghỉ của một doanh nhân người Việt được chính các doanh nhân người Nhật phải nể trọng và khen ngợi.

Ông Lâm là người đi từ bàn tay trắng đúng nghĩa. Năm 17 tuổi, hoàn cảnh bí bách, ông đã vượt biên, tưởng chết đói, chết khát trên tàu suốt 14 ngày long đong trên biển, không ngờ có người cứu giúp, vào trại tị nạn ở Malaysia, sau đến được Nhật. Sang đó, không biết tiếng, chỉ với sự cưu mang của người cha nuôi, cùng ý chí, ông đã vươn lên thành một doanh nhân thành đạt.

Đầu tiên, ông học nghề xây dựng, về sau trở thành một chủ thầu công trình nhà ở có tiếng trong vùng, biết thay đổi cách làm việc để có năng suất cao hơn người khác. Đang ở đỉnh cao trong nghề, không may ông bị tai nạn lao động. Từ đó, ông chuyển sang kinh doanh buôn bán đồ gốm sứ, gây dựng cơ nghiệp từ một cửa hàng diện tích chỉ 12m2 giữa một cánh đồng hoang.

Năm 1997, ông là người đưa gốm sứ Bát Tràng đến với Nhật. 6 năm sau, ông mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh hoa và cây cảnh. Đến nay, ông là chủ hai siêu thị chuyên về hoa và cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn, mỗi siêu thị rộng trên 5.000m2 và sắp mở siêu thị thứ 3. Trong con mắt một số doanh nhân Nhật Bản, ông là doanh nhân người Việt đầu tiên và là số ít trong những người nước ngoài thành công ở đất Nhật, một thị trường của những người tiêu dùng khó tính và chỉ tin dùng hàng nội.

Nhìn lại đời mình, ông Lâm thường hay rơm rớm nước mắt. Ngay cả khi tâm sự với các bạn trẻ TPHCM trong buổi ra mắt cuốn sách về đời mình, ông Lâm cũng nói rất chân thành: “Các cháu đừng hỏi tôi về dĩ vãng nghèo đói, vì như thế không hiểu sao tôi không thể kìm được nước mắt. Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ bây giờ là các cháu không được nghèo, phải chịu khó, chịu khổ theo đuổi mục đích, ước mơ của mình. Ngày hôm nay có thể ta bị ngã, nhưng ngày mai rồi ta sẽ thành công. Ngày trước tôi chỉ học đến lớp 5 thôi, một người thất học mà ra nước ngoài lập nghiệp và thành đạt là không đơn giản. Còn nay, các bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học, có nhiều cơ hội mở ra thì phải biết nắm lấy.

Mình không có gì ngoài sự kiên trì và ý chí, và đó là chìa khóa để thành công. Hơn 30 năm định cư ở Nhật Bản, làm lụng quần quật, gắng lo cho tương lai và cuộc sống của gia đình, đến khi nhìn lại xung quanh, không thấy có người VN nào thành tài trên đất Nhật. Người Nhật rất nghiêm khắc, kỹ lưỡng, nếu hiểu được tính cách, sở thích của họ thì mới đủ sức để chinh phục họ. Cha mẹ nuôi tôi thường dạy: “Khi con ra đường, con là con của ba mẹ, là người Nhật, mà đã là người Nhật thì phải biết vươn lên.

Nếu con biết nhẫn nhịn, lễ phép, người Nhật sẽ giúp con.” Nhớ lời dạy đó, tôi luôn kiên trì, chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn. Có thời gian tôi kinh doanh hoa, nhập hoa Đà Lạt sang Nhật, nhưng do không có kinh nghiệm mà 6.000 hoa cúc bị cháy hết lá. Tôi hiểu mình còn phải học nhiều hơn nữa. Muốn giúp phát triển làng nghề hoa VN, cũng phải có công nghệ. Hiện tôi ấp ủ ý tưởng giúp nông dân VN trồng rau sạch xuất sang Nhật. Dự định, sẽ mời chuyên gia người Nhật sang VN giúp bà con nông dân cách trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Nhật”.

Ông có nói một điều tâm huyết rằng nhờ học được chữ “nhẫn” và chữ “nhịn” mà ông thành công trên đất Nhật. Nhưng dường như để “sóng yên biển lặng, biển rộng trời cao” như hôm nay thật không dễ dàng gì. Ông có thể giãi bày thêm về điều này?

- Chữ “nhẫn” và “nhịn” đối với tôi đều tốt cả, trong quan hệ bạn bè, hay cả trong công việc. Trong cuộc sống người ta thường hay va chạm, mà mỗi khi va chạm sẽ dẫn đến cãi cọ, làm mất đi những tình cảm tốt đẹp đôi bên hằng ấp ủ bấy lâu. Không lẽ chỉ vì một vấn đề không ra gì mà làm mất đi mọi tình cảm hay sao? Cho nên, chữ “nhẫn” giúp ta hòa giải được mọi thứ. Trong cuộc cạnh tranh buôn bán cũng thế, nếu vì ham lợi nhuận cao trước mà quên đi mối quan hệ lâu dài, sẽ để mất đi bao nhiêu đầu mối quan trọng trong cuộc kinh doanh. Thế nên, chữ “nhịn” giúp chúng ta thành công tốt đẹp, đấy là theo kinh nghiệm mà tôi từng trải qua.

Ngoài hai chữ “nhẫn” và “nhịn” đó ra, bí quyết để một doanh nhân thành công trên đất Nhật còn là những gì, theo ông?

- Ngoài hai chữ ấy ra, còn rất nhiều vấn đề ta cần làm, là chăm chỉ, cố gắng, và miệt mài đeo đuổi mục đích đến cùng.

Nước Nhật, nhất là người cha nuôi đã dạy ông thành một người độc lập, có ý chí, kiên định trong mọi khó khăn. Nhưng còn một điều không ai dạy ông, là không thờ ơ với nỗi đau của người khác, quan tâm đến cộng đồng của mình và rộng hơn- cộng đồng người Nhật. Khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần năm 2011, ông đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân ở TP Fukushima.

Đại sư trụ trì một ngôi chùa ở Tokyo từng nhận xét: “Ngô Hùng Lâm là một minh chứng sống cho việc có thể thành công khi kinh doanh với tâm từ bi, dốc lòng dốc sức vì hạnh phúc, vì an lạc của khách hàng và cộng đồng.” Theo ông liệu khái niệm giữa kinh doanh và tâm từ bi có đồng hành được không?

- Vâng, đối với tôi, người đã từng hứng chịu những đau khổ gian nan từ tấm bé, với tính thương người, yêu quê hương của tôi, thì do tính cách một phần, một phần là do kinh nghiệm sống của mình mà ra.

Cuộc sống nghèo khó khiến mình phải đi làm thuê, làm mướn, chịu cảnh bị đánh đập, chửi mắng, cùng sự đau khổ của mẹ đã nung nấu trong tôi một ý chí, là sau nầy nếu tôi làm chủ, tôi sẽ biết yêu thương nhân viên mình, biết giúp đỡ người nghèo, biết chỉ dạy cho các cháu nhỏ phải vươn lên.

Tôi rất yêu quê hương VN của tôi, rất tôn trọng những người đã đem lại hòa bình cho quê hương, vì lý do đó tôi muốn làm một việc gì đó để xứng đáng là người VN, đồng thời trả ơn đất Nhật Bản đã cưu mang tôi những năm vừa qua. Tôi vẫn nói, “tôi ra đời từ mảnh đất VN yêu dấu, và tôi đi lên trên mảnh đất Nhật Bản thân thương này”.

Bí quyết nào giúp ông chinh phục thị trường Nhật, nhất là ở hai lĩnh vực xây dựng và siêu thị cây cảnh, gốm sứ? Xin ông nói thêm về mấy siêu thị cây cảnh của ông ở Nhật?

- Nói về bí quyết thì hơi quá, riêng tôi, bí quyết không bằng sự quyết tâm, kiên trì. Câu tuyên ngôn của tôi là “chỉ có cố gắng làm”, không nên nói nhiều trong công việc. Hiện nay tôi có hai cửa hàng gốm sứ và hoa, đồ thủ công mỹ nghệ VN, Trung Quốc, Indonesia và thực phẩm của Nhật Bản. Tôi đang làm công trình cho tiệm thứ ba. Mỗi tiệm rộng khoảng 5.000m2.

Trong tương lai, mỗi năm tôi sẽ mở thêm một tiệm, cho đến 10 năm sau, tôi sẽ mở Trung tâm thương mại Việt Nhật để giúp cho hàng hóa VN có được thương hiệu trên thị trường Nhật Bản. Nhân viên của tôi hiện nay có khoảng 30 người, lúc nào cũng thay phiên nhau làm vì tính tôi không thích nhân viên rảnh tay, để đào tạo cho họ có được cái tính chăm chỉ, một phần giúp họ sau này có đi làm ở đâu cũng được.

Việc quảng bá sản phẩm VN ra thị trường Nhật gặp nhiều khó khăn như thế nào? Tại sao ông “dạy một bài học” nhớ đời cho người kinh doanh hàng gốm sứ hàng xóm (cũng là người Việt) như vậy?

- Nếu nói dạy cho ông ta thì nghe nặng quá, nói giúp thì hay hơn. Vì những người như vậy không biết đoàn kết, buôn theo hội, bán theo phường, thích phá giá để người ta chú ý đến mình. Trong khi đó, bí quyết của một công ty thành đạt lớn ở Nhật chính là “100-1 =0”, nghĩa là 100 quân lính tốt mà có một tên xấu sẽ dễ bị phá sản. Cho nên, ở khía cạnh là một nhà kinh doanh, luôn ứng phó với sự cạnh tranh rất ác liệt, nhất là ở một nước như Nhật Bản, muốn bảo vệ chuyện kinh doanh của mình vững chắc, tôi bắt buộc phải dạy cho họ biết thế nào làm ăn lâu dài, bền vững, chứ không phải ăn xổi, chỉ biết có mình.

Ông đã tìm thấy một gia đình hạnh phúc, người vợ hiền dịu, đã âm thầm giúp ông trong những năm tháng sinh viên cơ cực. Bây giờ đã thành đạt và sống đầy đủ rồi, sao ông vẫn giáo dục con cái nghiêm khắc, tiết kiệm như vậy?

- Đối với tôi, gia đình là quan trọng hơn cả, công việc mới chiếm thứ hai. Đúng là vợ tôi rất yêu tôi, một tay giúp tôi thành đạt như ngày hôm nay, còn hai con của tôi cũng yêu thương bố. Đó là điểm tựa tinh thần duy nhất của tôi. Thương con đã cùng chịu khổ với mình nhiều, tôi phải cố gắng rèn luyện hai cháu thành người tốt, biết sống có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và đất nước.

Những ngày tôi còn sống, con tôi có khổ mấy thì cũng còn có tôi ở bên chỉ dẫn; sau này khi tôi không còn nữa, bọn trẻ có khổ thì tôi e rằng không thể làm gì giúp chúng được. Vì lý do đó, tôi muốn các cháu phải khổ trước, sau này, tôi tin rằng chúng sẽ sướng. Vì trên đời này cuộc sống con người phải có lúc lên, có lúc phải xuống thì người ta mới gọi nó là cái cân phải không? Thế nên tôi muốn con tôi phải khổ trước rồi sẽ sướng sau.

Mục đích sống của ông là gì? Ông là người cho đi nhiều hơn nhận, âm thầm làm từ thiện khắp nơi, từ việc xây cầu cho những đứa trẻ ở xã Thương Hóa (Quảng Bình) có con đường đến trường an toàn, đến việc giúp xây trường ở Cần Giờ (TPHCM), góp quỹ khuyến học, và còn ấp ủ lên kế hoạch vận động quyên góp để xây trường học cho những vùng quê khó khăn ở VN. Với ông, làm giàu rồi thì… mới làm từ thiện hay làm từ thiện bất cứ lúc nào có thể, dù còn nghèo khó?

- Mục đích sống của tôi là làm, có làm mới có hưởng, hưởng nhiều sẽ được hạnh phúc, có làm, có hạnh phúc ta sẽ sống lâu, còn làm từ thiện thì có ít ta giúp ít, có nhiều ta giúp nhiều, chuyện đó tùy tâm.

Xin cảm ơn ông.
NHẬT LÊ thực hiện