Đăng bài 15/6/2012

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Đăng bài 15/6/2012

Re:Đăng bài 15/6/2012

Viết bởi Nguyễn Tuấn Anh » Ba T6 26, 2012 10:21 am

Uh, gomen em nhé.

Nếu nói là bận thì ai cũng bận cả, không chỉ 1 mình anh mà những anh em khác và cả em cũng vậy.
Đúng là thời gian vừa rồi anh mutyuu giải quyết mấy cái phát sinh mà quên kiểm tra bài viết trang chủ.

Rút kinh nghiệm sẽ không để xảy ra chậm trễ nhiều nữa.

PS : Em cố gắng post bài cho gần giống bài gốc và phát huy cách chọn những bài viết như thế này thì chắc trong thời gian ngắn nữa em có thể tự post được ngoài trang chủ ^_^

Re:Đăng bài 15/6/2012

Viết bởi Nguyen Tuan Nam » Năm T6 21, 2012 11:18 am

Gửi anh Tuấn Anh!

Anh dạo này ở nhà công việc mọi thứ sao rồi ạ?

Về bài viết em thấy thế cũng hợp lý, anh tiến hành đưa vào forum giúp em.

Post bài thì một tuần em post được khoảng 3,4 lần nhưng em cứ chờ anh post ra ngoài trang chủ thì em mới post bài tiếp.
Chắc anh dạo này cũng bận nên ít vào trang web à?

Em cảm ơn!

Re:Đăng bài 15/6/2012

Viết bởi Nguyễn Tuấn Anh » Năm T6 21, 2012 8:42 am

Bài số 2 anh đã post rồi.
Bài số 1 anh thấy nội dung mang tính chất mở, và nhiều khả năng sẽ nhận được các ý kiến của các thành viên. Nên anh nghĩ nên post trong diễn đàn để tạo không khí. Em thấy ok thì làm 1 topic mới dùm anh nhé.

Re:Đăng bài 15/6/2012

Viết bởi Nguyen Tuan Nam » Năm T6 14, 2012 4:11 pm

2, Mục tri thức:

12 điều ngạc nhiên về giáo dục mầm non Nhật Bản.

Một bà mẹ Trung Quốc sống ở thành phố Kyoto, Nhật Bản đã rất ngạc nhiên về hệ thống giáo dục mầm non cũng như thói quen của những đứa trẻ ở đất nước này. Cô đã chia sẻ kinh nghiệm của mình và những gì mình quan sát được.

Cô viết: “Trước khi tới Nhật, Tiantian (con gái cô) đã từng học ở một trường mẫu giáo của Bắc Kinh 1 năm. Vì vậy, các bạn có thể hiểu rằng, chúng tôi cũng không xa lạ gì với môi trường này. Song, có những điều ở các trường mẫu giáo Nhật Bản đã khiến tôi phải ngạc nhiên".



1. Cần rất nhiều túi để tới trường



Vào một ngày, họ nói chúng tôi cần phải chuẩn bị một số lượng túi nhất định với các kích cỡ khác nhau:

Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày. Sau đó thì túi A phải có chiều dài nhất định, túi B phải có chiều rộng nhất định, túi C phải đựng vừa trong túi D, túi E vừa trong túi F. Tôi đã không thể tin được điều đó.

Thậm chí, một vài trường mẫu giáo còn yêu cầu các bà mẹ phải có những chiếc túi riêng của mình.

Sau 2 năm, chúng tôi đã quen với điều đó và những đứa trẻ trở nên rất thành thục trong việc đặt đồ đạc vào đúng chiếc túi của nó. Và tôi cho rằng, lý do người Kyoto không ngại ngần khi phải phân loại rác thải là vì họ đã được dạy điều này từ khi còn ở trường mẫu giáo.

2. Bọn trẻ xách túi mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ


Mô tả ảnh.

Đó là điều thực sự làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhận thấy những người lớn Nhật Bản, dù là bố mẹ hay ông bà bọn trẻ đều không phải xách bất kì chiếc túi nào cả, trong khi bọn trẻ phải xách tất cả những chiếc túi đủ kích cỡ này (ít nhất là 2 đến 3 chiếc). Và đáng ngạc nhiên hơn nữa là bọn trẻ còn có thể chạy rất nhanh!

Còn với chúng tôi thì sao? Có thể, đó không phải là thói quen của chúng tôi hoặc có lẽ nó là một yếu tố văn hóa, song tôi mang tất cả những chiếc túi, còn Tiantian thì không phải mang gì cả.

Hai ngày sau, giáo viên của Tiantian tới và nói chuyện với tôi: “Mẹ Tiantian à, con gái chị có thể tự làm được mọi việc ở trường…”. Người Nhật có thói quen là chỉ nói nửa câu, sau đó để người nghe tự hiểu.

Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng, cô giáo đang nói về chuyện gì. Song thấy tôi trầm ngâm nên cô ấy nói tiếp: “...việc xách những chiếc túi chẳng hạn…” Sau sự nhắc nhở tế nhị này, tôi đã để cho Tiantian xách tất cả những chiếc túi của cháu.

Trong một cuộc họp phụ huynh, tôi đã nói với mọi người rằng thói quen của người Trung Quốc là bố mẹ nên xách mọi thứ thay cho trẻ con. Lúc đó, đến lượt các bà mẹ Nhật ngạc nhiên đến mức không nói được lời nào. Và sau đó họ hỏi: ‘Tại sao?’

Tại sao ư? Có phải là vì người Trung Quốc chúng tôi yêu những đứa con của mình nhiều hơn không?

3. Thay quần áo liên tục


Mô tả ảnh.

Trường mẫu giáo của Tiantian có một bộ đồng phục riêng, khi tới trường, cháu phải cởi bỏ nó ra và thay một bồ quần áo khác dành để vui chơi. Nó phải tháo giày và đi một đôi giày bale màu trắng. Khi tới sân tập thể dục, lại phải thay giày một lần nữa. Sau giấc ngủ vào buổi chiều, bọn trẻ lại phải thay quần áo. Thực sự là rất phiền phức.

Khi ở lớp học Hoa Cúc, Tiantian thường bị chậm trễ trong việc thay quần áo. Tôi thì không thể làm việc này cho cháu được ngoài việc phụ giúp nó một tay. Song tôi nhanh chóng nhận ra rằng tất cả các bà mẹ Nhật đều đứng sang một bên và không giúp đỡ bọn trẻ chút nào hết. Tôi dần hiểu ra rằng, việc thay quần áo này đã dạy bọn trẻ cách sống tự lập. Thông qua những gì mà chúng phải làm ở trường như thay quần áo, loay hoay với những rắc rối hàng ngày hay treo những chiếc khăn tay, những đứa trẻ Nhật đã bắt đầu học được thói quen giữ mọi thứ ngăn nắp từ khi chúng mới chỉ 2, 3 tuổi.

4. Mặc quần soóc vào mùa đông


“Trẻ con Nhật luôn phải mặc quần soóc vào mùa đông. Lạnh không hề hấn gì với chúng. Ông bà của Tiantian ở Bắc Kinh đã rất lo lắng về việc này và cho rằng, tôi phải nói chuyện với cô giáo về vấn đề này, bởi lẽ, trẻ con Trung Quốc không thể chịu được lạnh.

Chắc các bạn không thể tưởng tượng được khi Tiantian mới bắt đầu vào trường mẫu giáo, ngày nào, cháu cũng bị ốm. Nhưng khi tôi nói chuyện với các bà mẹ Nhật thì câu trả lời của họ đã làm tôi kinh ngạc: “Tất nhiên rồi! Lý do chúng tôi đưa bọn trẻ tới trường mầm non là để chúng ốm mà!”

Nhìn những đứa trẻ khỏe mạnh đang chạy nhảy, tôi nhận ra rằng chúng ta không nên quá nuông chiều con cái.

5. Chưa đầy 1 tuổi nhưng có thể thi đấu trong những hoạt động thể thao


Mô tả ảnh.

“Tất cả những lớp học ở trường mầm non Nhật Bản đều được đặt tên theo các loài hoa. Ban đầu, Tiantian ở lớp học Hoa Cúc, sau đó là Hoa Loa Kèn và bây giờ là một trong số những ‘chị cả’ – lớp học Hoa Violet. Những đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi thì ở lớp học Hoa Đào.

Những ‘bông hoa đào’ chưa đầy 1 tuổi này không chỉ được đưa tới trường mầm non mà còn tham gia vào tất cả các hoạt động lớn như những buổi thi đấu thể thao hay những chương trình biểu diễn. Nhìn những đứa trẻ vừa khóc vừa bò về phía trước, tôi luôn cảm thấy rất thương chúng.

6. Những đội bóng đá nữ


Mô tả ảnh.

“Khi bọn trẻ học tới lớp mẫu giáo nhỡ ở trường mầm non, chúng bắt đầu với những bài học nhảy hàng tuần, giống như những bài tập thể dục thể chất ở nhà. Khi chúng học tới lớp lớn, sẽ có một trận đấu bóng đá. Khi mà bọn trẻ không tập nhảy cả ngày nữa nghĩa là chúng đang luyện tập bóng đá. Chúng cũng chơi như những vận động viên thực thụ, thậm chí là còn thi đấu với các trường mầm non khác. Tiantian đã bị thâm tím đầy người khi chơi trò chơi này song bù lại con bé khỏe khoắn và dũng cảm hơn.

Thực sự là khi chúng tôi mới tới Nhật Bản, sức khỏe của Tiantian thật là tệ. Bọn trẻ ở Nhật thường bắt đầu chơi bóng từ khi mới 3, 4 tuổi. Ở độ tuổi ấy, chúng bé hơn bọn trẻ Trung Quốc rất nhiều. Trong lớp của Tiantian, con bé lớn hơn hẳn những đứa trẻ khác nhưng lại rất yếu.

Bọn trẻ Nhật thì sẽ chạy quanh sân, còn Tiantian thì sao? Con bé sẽ bị cát nhét đầy giày và sẽ phải nhón chân để đi bộ. Một lần, bọn trẻ có một chuyến tham quan buộc chúng phải trèo lên một ngọn núi. Và Tiantian đã phải đi xuống núi và có 2 đứa trẻ Nhật khác nhỏ hơn đi cùng để dìu con bé. Con bé chưa từng leo bộ lên một ngọn núi trong một tiếng đồng hồ. Bây giờ thì nó đã khá hơn. Năm ngoái, ở Shangrila, Tiantian đã đi bộ trong vòng 4 tiếng mà không hề hấn gì.

Nguyễn Thảo (Theo Asia One)

http://vietbao.vn/Giao-duc/12-dieu-ngac-nhien-ve-giao-duc-mam-non-Nhat-Ban/20904104/202/

Đăng bài 15/6/2012

Viết bởi Nguyen Tuan Nam » Năm T6 14, 2012 4:03 pm

1, Mục tri thức:

Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?

Trong cuộc CCGD toàn diện và rộng lớn ấy, những người giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông đóng một vai trò vô cùng to lớn. Họ không đơn thuần chỉ là người thực hiện những chỉ dẫn cải cách mang tính hành chính từ bộ GD mà họ còn đóng vai trò phản biện chính sách góp phần đảm bảo cho cuộc CCGD diễn ra đúng hướng.

Ở nước ta lâu nay khi bàn về cải cách giáo dục người ta thường bàn nhiều về sách giáo khoa. Đã có rất nhiều ý kiến nêu lên sự "quá tải", nặng nề của SGK cùng những sai sót của nó. Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông bày tỏ nỗi niềm bức xúc khi bị "kẹt" giữa một bên là lượng kiến thức khổng lồ trong SGK và lượng thời gian hạn hẹp trên lớp. Mâu thuẫn ấy khiến cho họ luôn ở trong tâm lí lo sợ bị "cháy" giáo án, sợ bị kỉ luật vì không theo kịp chương trình.

Sách giáo khoa- không phải duy nhất và tuyệt đối

Tôi không có ý phản đối chuyện phản biện SGK, trái lại công việc này cần được tiến hành dân chủ, rộng rãi với sự tham gia của các nhà GD, đặc biệt các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy ở các trường phổ thông, các học sinh. Nhưng ở đây, vấn đề đặt ra và cần phải được làm rõ trong quá trình tiến hành cải cách GD là mối quan hệ giữa chương trình-SGK và thực tiễn GD của giáo viên.

Mối quan hệ này trên phương diện lí luận, pháp lí được xác lập ra sao và trên thực tế nó tồn tại như thế nào? Mối quan hệ ấy hiện nay đang suôn sẻ hay đang gặp khó khăn, và để giải quyết những khó khăn đó cần đến giải pháp gì?

Thực tiễn GD không phải đơn thuần chỉ là giáo án hay nội dung bài giảng của giáo viên mà còn là toàn bộ những hoạt động dạy-học diễn ra trên lớp, những tài liệu, dụng cụ họ sử dụng trong giờ học, những lời phát biểu, các câu hỏi đưa ra và phản hồi của học sinh trong và sau bài giảng.

Để tham khảo, người viết bài này xin được dẫn ra một vài thông tin về mối quan hệ nói trên ở GD tiểu học Nhật Bản.

Ở Nhật từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhà nước thực hiện chế độ kiểm định SGK thay cho chế độ quốc định(1) đã trở nên lỗi thời. Hiện tại có 6 nhà xuất bản tư nhân cùng cạnh tranh trong việc biên soạn và xuất bản SGK phục vụ học sinh tiểu học(2).

Các nhà xuất bản này giữ quyền chủ động trong việc tổ chức biên soạn và xuất bản, Bộ GD Nhật Bản chỉ nắm khâu thẩm định cuối cùng thông qua phán quyết của hội đồng chuyên môn để quyết định xem cuốn sách nào đủ tiêu chuẩn trở thành SGK. Việc lựa chọn bộ SGK nào là do ủy ban GD địa phương hoặc hiệu trưởng các trường quyết định.


SGK chỉ là tài liệu chủ yếu phục vụ giảng dạy, học tập chứ không phải là duy nhất và tuyệt đối. Minh họa: Gettyimages

Vì vậy trên thực tế ở Nhật có nhiều bộ SGK cho các trường lựa chọn và quan trọng hơn SGK chỉ là tài liệu chủ yếu phục vụ giảng dạy, học tập chứ không phải là duy nhất và tuyệt đối. Giáo viên có thể dạy bám sát nội dung SGK hoặc cấu trúc lại, tự mình thiết kế nên một nội dung riêng phù hợp với mục tiêu, nội dung cơ bản đề ra trong chương trình khung được ghi rõ trong "Bản hướng dẫn giảng dạy"(3). Đây gọi là quyền tự do thực tiễn GD.

Quyền này được đảm bảo bằng hiến pháp (ban hành năm 1947) và các bộ luật GD như luật GD cơ bản, luật GD trường học, luật GD nghĩa vụ...

Ở Nhật bậc tiểu học kéo dài 6 năm. Ở cấp học này học sinh học nhiều môn như: Toán, Quốc ngữ, Thủ công, Thể dục, Âm nhạc, Xã hội, Khoa học ...Liên quan đến các môn xã hội, ở lớp 1,2 học sinh sẽ học môn Đời sống, lên lớp 3, 4 sẽ học môn Xã hội với nội dung chính là tìm hiểu toàn diện về khu vực mà mình đang học tập, sinh sống. Học sinh lớp 5 sẽ học về lãnh thổ và kinh tế nước Nhật, học sinh lớp 6 sẽ học Quốc sử( lịch sử Nhật Bản) cùng với các nội dung chính trị-xã hội khác.

Ông Fujita, ông Naito và câu chuyện trò tự tìm ra chân lý

Để minh họa cho mối quan hệ chương trình- SGK và thực tiễn GD của giáo viên, tôi xin được dẫn ra một ví dụ cụ thể về thực tiễn GD mà tôi có tham gia chứng kiến ở một vài công đoạn, do cô Kawasaki tiến hành ở Trường tiểu học Hiyoshidai, t/p Takatsuki, phủ Osaka. Thực tiễn GD này được cô Kawasaki đặt tên là "Hai nông gia chuyên nghiệp: ông Fujita và ông Naito"

Để thực hiện loạt giờ học về nông nghiệp với tên gọi nói trên, cô Kawasaki đã đi điều tra thực tế, thu thập thông tin và phỏng vấn một nông gia nổi tiếng trong vùng là ông Naito. Cô phát hiện ra điểm mấu chốt là 10 năm trước, ông là nông gia dùng nông dược nhưng rồi sau vụ ngộ độc thuốc trừ sâu, ông suy nghĩ và đi đến quyết định không sử dụng nông dược trong quá trình sản xuất nữa.

Cô Kawasaki đã sử dụng bước ngoặt này như một điểm nhấn quan trọng trong nội dung GD mà cô thiết kế.

Phần nội dung GD hoàn toàn do cô chủ động xây dựng này thay cho nội dung về phần sản xuất nông nghiệp với những thông tin mang tính tổng quát trong SGK. Trong thực tiễn GD của cô, SGK trở thành tài liệu tham khảo đọc trước ở nhà và cả ở trên lớp để phục vụ tranh luận. Nói một cách khác cô đã thiết kế và thực hiện một nội dung GD cụ thể căn cứ trên mục tiêu, nội dung chương trình khung được đề ra trước đó, lấy cái cụ thể để làm rõ cái khái quát, bao trùm.

Toàn bộ thực tiễn GD này gồm hai phần chính:

Phần 1: Thực phẩm và nông dược

(Trước đó, cô Kawasaki đã hướng dẫn học sinh tiến hành hoạt động ngoại khóa: Điều tra thu thập thông tin mua bán thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, sử dụng nông dược ở xung quanh nơi các em sinh sống). Phần này gồm 4 tiết học, mỗi tiết kéo dài 45 phút với các nội dung cụ thể như sau:

Tiết 1: Bắp cải đẹp và bắp cải bị sâu cắn: Nếu là người mua em sẽ chọn cái nào? Tiết 2: Chúng ta thường mua thực phẩm ở đâu? Tiết 3: Chúng ta cần chú ý điều gì đối với thực phẩm? Tiết 4: Nông dược là gì?

Phần 2 Nông gia vùng Tainaka: ông Naito và ông Fujita.

Phần này được tiến hành qua 7 tiết học với nội dung cụ thể như sau: Tiết 1: Tainaka là vùng thế nào? Tiết 2-3-4: Ông Fujita và ông Naito 1: Nếu là người sản xuất em chọn ông nào? Tiết 5-6: Nghe ông Naito kể chuyện. Tiết 7: Suy nghĩ của các em sau câu chuyện kể (cho học sinh viết tiểu luận).

Những thông tin giáo viên thu thập được như: Tình hình sản xuất, khó khăn, niềm hạnh phúc, thu nhập bình quân hàng năm của nông gia... được giáo viên chỉnh lí cho dễ hiểu và in dưới dạng tài liệu phân phát cho học sinh. Hai nhân vật Naito (không dùng nông dược) và Fujita (dùng nông dược) là sáng tạo của giáo viên.

Ông Fujita là hình ảnh 10 năm về trước của ông Naito. Giáo viên dùng hai hình ảnh đối lập này để tiến hành giờ học dưới hình thức trao đổi ý kiến và tranh luận. Trung tâm của bài học là vấn đề "Nếu là người sản xuất em sẽ lựa chọn ông Naito hay ông Fujita?". Học sinh căn cứ vào những luận điểm như: Thu nhập, khó khăn, thuận lợi... của hai người mà tranh luận, bác bỏ ý kiến đối lập và bảo vệ sự lựa chọn của mình.

Phân tích hồ sơ giờ học(4) cho thấy học sinh đã tranh luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến thú vị. Kết cục có ba xu hướng:

Xu hướng thứ nhất: chọn ông Naito

Học sinh A(5): Tớ chọn ông Naito vì nếu tớ là nông gia tớ muốn mọi người được ăn thực phẩm tươi tự nhiên, ít có nông dược. Mặc dù thu nhập của ông Fujita cao hơn nhưng nếu xét về tính tự nhiên thì ông Naito vẫn tốt hơn. Cho dù có bị sâu chén đi nữa thì cũng không phải là điều dở. Mà có khi thứ bị sâu chén lại là đồ ngon.

Học sinh B: Tớ chọn ông Naito vì nông dược có ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Nếu như lỡ ăn phải sản phẩm của ông Fujita mà lại quên rửa thì chỉ có đường chết! Tớ cũng nghĩ như cậu A, mạng sống không bao giờ trở lại. Cho dù ai cũng thích tiền nhưng dẫu có tiền cũng không mua được sinh mạng nên tớ chọn ông Naito.

Xu hướng thứ hai: chọn ông Fuji ta

Học sinh C: Chắc chắn là tớ chọn ông Fujita . Cho dù nói là nông dược nguy hiểm đến thế nào đi chăng nữa thì cho đến giờ ông Fujita cũng chưa một lần bị nhiễm độc. Ông Naito cho dù không dùng nông dược nhưng vẫn có nhược điểm. Thứ nhất là thu nhập thấp, thứ hai là cũng có lần không bán được, thứ ba là bị sâu ăn. Trái lại ông Fujita thì một là thu nhập cao, thứ hai ít khi không bán được, thứ ba là trở thành người trồng rau nổi tiếng. Và như thế đương nhiên ông Fujita tốt hơn.

Học sinh D: Tớ nghĩ làm ông Fujita tốt hơn. Cho dù có dùng nông dược đi nữa thì vẫn tốt hơn là bị sâu ăn. Ví dụ như khi trồng bắp cải mà không dùng nông dược thì những chỗ có thể ăn được sẽ bị sâu ăn mất. Cho dù có dùng nông dược đi nữa thì chỉ cần rửa kĩ là không sao. Thế cho nên chắc chắn tớ chọn ông Fujita. Bác Fujita ơi hãy cố gắng nhé!

Xu hướng thứ ba: Phân vân

Học sinh E: Tớ ngày hôm qua chọn ông Fujita, nhưng hôm nay đổi sang chọn ông Naito. Khi nghe ý kiến mọi người, tớ lại phân vân không biết chọn ai. Nhưng ông Fujita cho dù có dùng nông dược đi nữa thì vẫn có thu nhập cao. Ông Naito tuy không dùng nông dược nhưng lại có thu nhập thấp. Tớ muốn mọi người ăn thứ không có nông dược nhưng nếu thu nhập thấp thì biết làm sao đây? Nhưng việc ông Naito phải dùng máy cày dẫm nát bắp cải thật đáng thương!

Học sinh F: Cho đến ngày hôm qua, tớ chọn ông Fujita nhưng hôm nay học thêm lần nữa tớ lại cảm thấy phân vân. Ông Fujita thì có thu nhập cao nhưng lại sử dụng nông dược, nhìn vào tài liệu thấy có viết chuyện ngộ độc thật là đáng sợ. Ông Naito có thu nhập thấp vì thế cuộc sống khó khăn. Nhưng ông Naito đã bỏ cách dùng nông dược sang không dùng nông dược nên tớ nghĩ ông Naito là OK. Thế nên lúc này tớ chẳng biết nói thế nào cả.

Giờ học kết thúc mà không có kết luận cuối cùng. Từ các lớp bậc trên của tiểu học (lớp 4 trở đi) trong những giờ học sử dụng phương pháp thảo luận, tranh luận, giáo viên thường không đưa ra kết luận cuối cùng hay phê phán ý kiến khác biệt, thiểu số của học sinh.


Dạy cho học sinh nên tư duy độc lập và dám phản biện. Minh họa: Gettyimages

Bởi vì mục tiêu mà các giáo viên Nhật hướng tới là GD nên những học sinh có tri thức, tư duy độc lập, năng lực phê phán và trách nhiệm cá nhân. GD nên những con người biết tự mình suy nghĩ, tự mình nhận định đúng sai, tự mình tìm lấy chân lí và bảo vệ chân lí là một bộ phận quan trọng nằm trong triết lí GD Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Không phải chỉ có giờ học về nông nghiệp mà các giờ học Địa lí, Lịch sử cũng vậy. Tôi đã quan sát không ít các giờ học Lịch sử, ở đó học sinh Nhật sôi nổi tranh luận những vấn đề mà nhiều người lớn cũng sẽ lúng túng khi phải đưa ra ý kiến như: "Tán thành hay phản đối cuộc chiến tranh với nước Nga?"(6) "Trách nhiệm chiến tranh thuộc về người dân Nhật hay thuộc về Thiên hoàng?"...

Vai trò giáo viên: Dạy trò độc lập tư duy và dám phản biện

Từ thực tiễn giờ học trên có thể rút ra điều gì?

Nó đã thể hiện rất rõ vai trò của giáo viên trong việc xử lí mối quan hệ giữa GD và thực tiễn, giữa SGK-nội dung chương trình và thực tiễn dạy học của giáo viên.

Những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ này đã được các nhà nghiên cứu, các nhà GD Nhật tranh luận sôi nổi suốt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Việc làm rõ những vấn đề này có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến những vấn đề cơ bản mà GD, nơi tạo ra những người làm chủ, nơi quyết định sự hưng vong của cả một quốc gia dân tộc.

Kết cục bi thảm của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự phản tỉnh sâu sắc về một nền GD sai lầm trong quá khứ đã giúp cho người giáo viên Nhật nhận thức rõ về quyền, nghĩa vụ và sứ mệnh của mình.

Nước Nhật từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã giải bài toán GD tương đối thành công bằng cuộc CCGD triệt để, toàn diện có triết lí và lộ trình rõ ràng. Cuộc CCGD ấy vẫn diễn tiến đến tận ngày nay cho dù triết lí GD về cơ bản là không thay đổi. Trong cuộc CCGD toàn diện và rộng lớn ấy, những người giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông đóng một vai trò vô cùng to lớn.

Họ không đơn thuần là người thực hiện những chỉ dẫn cải cách mang tính hành chính từ bộ GD mà họ còn đóng vai trò phản biện chính sách góp phần đảm bảo cho cuộc CCGD diễn ra đúng hướng.

Quan trọng hơn, những người giáo viên bằng thực tiễn GD phong phú, sáng tạo tương ứng với điều kiện cụ thể của từng trường học, lớp học, học sinh đã tạo ra cuộc CCGD từ dưới lên bằng muôn nghìn dòng chảy. Cuộc CCGD ấy đã có những tác động lớn và tích cực tới dòng chảy CCGD từ trên xuống do bộ GD chủ trì.

Việt Nam hiện tại cũng đang đứng trước bài toán GD. Bài toán vừa mang tính kinh điển vừa mang tính thời đại. Muốn giải trọn vẹn bài toán này rất có thể phải giải thêm và cùng lúc một hai bài toán chính và hàng chục bài toán phụ.

Bài toán này tuy khó nhưng thực ra đã nhìn thấy đáp số vì trên thực tế nhiều nước tiên tiến như Nhật đã giải rồi. Vấn đề là ở Việt Nam chúng ta nên giải nó như thế nào? Khó không có nghĩa là không làm hay "há miệng chờ sung" bởi nếu không giải được bài toán đó, chúng ta sẽ mãi là những kẻ bộ hành quờ quạng trong đường hầm không tìm thấy lối ra.



(1) Cả nước sử dụng một bộ sách giáo khoa duy nhất do bộ giáo dục biên soạn và xuất bản.

(2) Ở Nhật pháp luật quy định giáo dục nghĩa vụ là 9 năm cho nên nhà nước mua sách giáo khoa và cấp phát miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.

(3) Do bộ giáo dục Nhật biên soạn và ban hành trong đó tóm lược về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy trong các trường phổ thông. Khoảng 10 năm bộ giáo dục Nhật lại tiến hành sửa đổi bản hướng dẫn giảng dạy một lần. Mỗi lần sửa đổi có thể coi là một cuộc cải cách giáo dục. Bản Hướng dẫn giảng dạy đầu tiên ban hành năm 1947 và bản hướng dẫn giảng dạy mới nhất ban hành tháng 3 năm 2008.

(4) Hồ sơ giờ học là những ghi chép toàn diện về giờ học của giáo viên phục vụ cho công tác nghiên cứu. Trong hồ sơ giờ học có ghi đầy đủ và khách quan về giáo án, tài liệu, dụng cụ giảng dạy đã sử dụng, diễn biến giờ học, hoạt động của thầy-trò, ý kiến của học sinh đặc biệt là cảm tưởng, các ý kiến tranh luận của học sinh( những ý kiến này tuy được giáo viên chép lại hoặc thu thập từ các tờ giấy theo mẫu mà giáo viên đã phát cho học sinh nhưng được giữ nguyên cả văn phong, các lỗi sai về từ vựng, ngữ pháp để đảm bảo tính khách quan ở mức cao nhất có thể). Hiện nay giáo viên ở Nhật có sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại như máy quay phim kĩ thuật số, máy ghi âm nên việc lập hồ sơ giờ học trở nên dễ dàng hơn.

(5) Để đảm bảo quyền riêng tư, trong hồ sơ giờ học tên học sinh thường được kí hiệu là A, B, C hoặc dùng tên giả. Chỉ có giáo viên đã tiến hành giờ học đó mới biết chính xác học sinh đó là ai.

(6) Chiến tranh Nga-Nhật( 1904-1905)

Nguyễn Quốc Vương(JP)

http://www.tuanvietnam.net/2010-03-31-giao-duc-viet-nam-hoc-gi-tu-nhat-ban-