Lần đầu tới đảo

Gửi bài trả lời

Mã xác nhận
Nhập vào đoạn mã xác nhận mà bạn thực sự nhìn thấy trong hình. Tất cả chữ cái đều được phân biệt với chữ số và không có số O.

Nếu bạn muốn đính kèm một hay nhiều tập tin trong bài viết, hãy sử dụng công cụ bên dưới.

Kích thước tệp tối đa cho mỗi tệp đính kèm: 1 MiB.

Xem toàn bộ Xem lại chủ đề: Lần đầu tới đảo

Lần đầu tới đảo

Viết bởi Bùi Thị Hồng Hoa » Chủ nhật T3 10, 2013 6:22 am

Bài viết lấy từ blog trên tamtay.vn của Hồng Hoa

Ban biên tập tòa soạn báo vừa nhận được điện thoại của gia đình chú Lân báo tin chú Lân bị tai biến mạch máu não và đang trong bệnh viện điều trị. Chú Lân là cây viết lâu năm và chuyên phụ trách mảng viết về biển đảo. Giờ tình hình bệnh của chú như thế chưa biết ngày nào bình phục, trưởng ban biên tập tòa soạn đang rất bối rối tìm người đảm nhiệm phần nội dung chú Lân phụ trách. Bất ngờ nhất là cô phóng viên trẻ Yến Lan đã xung phong nhận nhiệm vụ. Yến Lan 25 tuổi, không quá xinh đẹp nhưng ưa nhìn. Con gái xứ Thanh sắc sảo trong từng lời ăn tiếng nói, mượt mà duyên dáng với mái tóc dài chấm hông. Yến Lan từng là học sinh chuyên Văn trường Lam Sơn. Tốt nghiệp xuất sắc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cô được nhận ngay vào tòa soạn. Trước giờ cô đảm nhận mảng bài viết về cuộc sống sinh hoạt và học tập của sinh viên. Đề tài về người lính rất khó và phải thường xuyên đi công tác xa, nhưng Yến Lan có vẻ rất tự tin và lòng phơi phới nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Yến Lan đến thăm chú Lân một chiều Chủ Nhật ngày đầu tháng ba. Tắt máy, xuống xe xác nhận lại địa chỉ, Yến Lan ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khiết trắng muốt của những chùm hoa Sưa bung nở trước cổng. Hướng đôi mắt nhìn ra xa, cô lặng người đi vì cả con đường trên phố Phan Đình Phùng đang đổ tuyết trắng khi một cơn gió chợt ùa qua. Mở cửa cho cô vào cổng là một bà lão tóc bạc trắng, dường như cũng trắng như sắc hoa Sưa. Bà cụ năm nay 81 tuổi là mẹ thân sinh của chú Lân. Bà đưa Yến Lan đến phòng chú và gọi cô bé giúp việc đi pha ấm trà mời khách. Chú Lân ngồi trên xe lăn, một nửa người chú bị liệt không hồi phục lại. Thấy Lan đến chơi chú nở nụ cười, nửa phải khuôn mặt giãn những nếp nhăn. Suốt cả buổi chiều hôm ấy, cô lắng nghe những câu chuyện về người lính đảo chú từng có dịp được tiếp xúc, những nơi chú đã đi qua cùng ống kính và cây viết trên tay. Đôi môi chú một nửa không cử động được, tiếng nói hơi khó nghe nhưng những mẩu chuyện nho nhỏ đầy sinh động dần sống dậy trong trí tưởng tượng phong phú và nhạy bén của cô phóng viên trẻ. Lan thoăn thoắt viết những đoạn ký ngắn. Cô đẩy xe lăn đưa chú Lân dạo quanh khu vườn xinh xắn trước nhà. Chú Lân chỉ cho Lan xem cây Phong Ba- món quà chú nhận được từ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây trong một lần ra đảo viết bài cách đây 5 năm về trước. Ở đảo quanh năm nắng gió, Phong Ba vẫn tốt tươi phủ màu xanh đầy sức sống cho đảo. Loài cây ấy bám rễ trên nền đá san hô và cát, kiên cường chống chọi với bão táp mưa sa và nước mặn, như người bạn cùng song hành với các chiến sĩ vượt qua gian khổ, chiến đấu với bọn ngoại xâm để bảo vệ sự bình yên cho Tổ Quốc và giữ gìn vùng tài nguyên biển trù phú. Được trồng trong đất liền, gặp nắng ấm và mưa xuân, những tán lá Phong Ba thêm xanh mỡ óng lên dưới ánh mặt trời. Đôi mắt chú Lân dường như cũng lấp lánh cười nhìn theo từng chiếc lá đang nô đùa cùng gió. Trước khi Yến Lan ra về, chú tặng cho cô rất nhiều tài liệu quý viết về biển đảo. Dắt xe ra cổng, trong tâm trí cô vẫn còn vang lời chú Lân:“Là người cầm bút và cầm ống kính phải làm sao phản ánh được đúng sự thật và truyền tải được hết những khó khăn cũng như tâm tình, ước vọng của người lính. Tiếp xúc gần gũi với các chiến sĩ nơi đảo xa cháu sẽ trưởng thành hơn và không còn sợ bất kỳ trở ngại nào trong cuộc sống. Chú tin như thế. Chúc cháu luôn vững cây bút”. Thành phố đã bắt đầu lên đèn. Những chùm hoa Sưa ngời sáng trong sắc đèn đẹp mê hồn, Lan lấy chiếc máy ảnh cầm tay nháy một vài kiểu ảnh. Ít ngày nữa, cô sẽ xa Hà Nội phồn hoa để đến Trường Sa đầy nắng và gió nhận nhiệm vụ khảo sát tình hình và viết bài. Trong lòng cô xốn xang niềm vui sự háo hức và phảng phất nỗi buồn tạm biệt một mùa hoa Sưa chốn Hà thành. Hòa vào dòng người đông đúc, cô tưởng như những cách hoa trắng muốt vẫn đang rơi rơi trên vai và vương mái tóc đen dài.



Yến Lan háo hức bước xuống tàu. Đi cùng chuyến tàu ra đảo còn có một đoàn biểu diễn văn nghệ tình nguyện của các bạn sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang ra phục vụ các chiến sĩ ngoài đảo. Lan say sưa vác ống kính chụp những bức hình. Đất liền dần dần khuất xa. Phía trước là mênh mông biển lớn, tưởng như mặt biển vỗ sóng tới tận chân trời. Sóng và gió mạnh hơn, Lan cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, người mệt mỏi, khó chịu, những dấu hiệu của chứng say sóng. Cô từng có kinh nghiệm đi thuyền và chưa bị say sóng bao giờ, có lẽ do lần này chuyến công tác đi xa và nhiều ngày. Ngồi gần chỗ cô là một người lính mặc trang phục hải quân. Anh đưa cô lát gừng tươi và bảo cô ngậm nó. Ngậm gừng tươi là phương thuốc dân gian chống say sóng anh được mẹ truyền lại. Lan quen người lính trẻ đó từ giây phút ấy. Suốt chuyến hành trình còn lại cô và anh trở thành hai người bạn tâm tình. Anh lính tên Quân hiện đang là binh nhất ở đảo Trường Sa Lớn. Anh nói chuyện rất chân tình. Lần về đất liền này là kỳ nghỉ phép để làm đám cưới của anh và chị nhà. Hai người yêu nhau từ ngày chung lớp hồi cấp 3, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Vinh chị đi dạy tại quê nhà và chờ anh làm nhiệm vụ. Nước da nâu săn lại màu nắng, anh cười hiền, đôi mắt ngời ngời ánh lên niềm vui. Lan nhìn sâu vào đôi mắt ấy, lần đầu tiếp xúc với người lính đảo cô đã thấy một cảm giác gần gũi và thân quen đến lạ. Anh Quân chẳng giấu gì cho cô xem những bức hình cưới tài sản quý nhất anh mang ra đảo trong chuyến đi này. Con tàu vẫn đang lướt sóng, đảo hiện ra mỗi lúc một gần. Các bạn sinh viên trẻ reo lên thích thú:

- Sắp tới đảo rồi.

- Đảo kìa.

Chẳng biết ai là người bắt nhịp, cả con thuyền vang vang tiếng hát “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ...” Lan bồi hồi nhớ lại, từ ngày cô còn bé đã nghe ca khúc này qua sự thể hiện của Nghệ sĩ ưu tú Tiến Thành. Tàu cập bến vào đảo Trường Sa Lớn, anh Quân chào tạm biệt Lan. Nghỉ ngơi trên đảo Trường Sa Lớn một ngày, cô phóng viên với mái tóc dài búi gọn trông lại nhanh nhẹn, năng động như thường. Lan tranh thủ ghé chùa Trường Sa Lớn thắp hương rồi vác máy đi khảo sát cuộc sống của người dân trên đảo. Lần đầu cô được thưởng thức món dưa làm từ đu đủ do chính tay các chiến sĩ ở đảo tự muối. Tuyệt với nhất đối với Lan là được tận mắt thấy những cây bàng vuông phiến lá hình trứng ngược mọc xanh tốt. Nghe nói bánh chưng gói trong lá bàng vuông là đặc sản của riêng đảo Trường Sa Lớn, có màu xanh hơi ánh vàng, vị đăng đắng, chan chát. Lan thầm ao ướt khi nào có cơ hội đến đảo vào dịp Tết để cùng chung không khí đón năm mới với các chiễn sĩ nơi đây. Lẫn trong những tán lá xanh, Lan phát hiện ra những nụ hoa bàng trắng. Cô đã rình tới đêm khuya để đợi ngắm nụ hoa trắng muốt bung nở khoe những nhụy vàng hồng trắng như những sợi tơ ba màu huyền diệu. Hít thật sâu hương hoa thanh khiết lẫn trong gió biển vị mặn mòi, Lan đưa ống kính máy ảnh chọn những góc chụp tinh tế ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này.





Chuyến hành trình ra đảo lần này, điểm dừng chân cuối cùng của Yến Lan tại đảo Đá Tây. Cô và đoàn biểu diễn văn nghệ được đón tiếp tại nhà mới -công trình “Góp đá xây Trường Sa” quà tặng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ khánh thành tháng 5- 2012. Căn phòng hội trường ở tầng 1 tối đó nhộn nhịp, tưng bừng những vũ điệu múa váy xòe và hát đôi. Những tràng pháo tay ran ran, các anh lính vui tính và bạo dạn tham gia cuộc thi hát song ca cùng các sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Lan liên tay bấm máy ghi những bức hình đẹp. Nhìn nụ cười của những người lính, lòng cô ngập tràn hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, cô thấy việc tình nguyện nhận mảng đề tài viết về biển đảo là một quyết định tuyệt vời. Trước khi rời đảo Song Tử Tây, Lan đã kịp ghi lại một vài bức hình kỉ niệm cùng ngọn Hải Đăng và Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Con tàu rời đảo, Lan vẫn dõi mắt hướng nhìn về phía những cây Phong Ba rung rinh đón nắng. Hình ảnh những vỏ cây sần sùi, bạc màu sương gió còn đọng mãi trong tâm trí cô. Dù thời gian ở đảo ngắn ngủi nhưng đã khắc tạc nên những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời người cầm bút còn rất trẻ này, cô bất chợt reo lên khi thấy đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây như một cặp đảo song sinh nằm phía xa xa trên biển. Hẹn gặp lại. Bao cảm xúc dâng trào, Lan lấy bút ghi nhanh những xúc cảm ấy vào sổ ghi chép. Sau chuyến đi này, hẳn cô sẽ viết chắc tay hơn và thêm phần sâu sắc.